Các bài đọc Kinh Thánh hôm nay trình bày chủ đề phục vụ, kêu gọi chúng ta bước theo Chúa Giêsu trên con đường khiêm nhường và thánh giá.
Tiên tri Isaia đã mô tả Người Tôi Tớ Thiên Chúa (53: 10-11) và sứ mệnh cứu độ của Ngài. Người Tôi Tớ không thuộc về một dòng họ lẫy lừng; Ngài bị khinh miệt, bị mọi người xa lánh, một người đầy những ưu phiền. Ngài không làm những sự trọng đại hay đưa ra những bài phát biểu đáng nhớ; thay vào đó, Ngài hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa qua sự khiêm tốn, trong sự hiện diện lặng lẽ và qua những đau khổ của mình. Sứ vụ của Ngài được thực hiện trong khổ đau, và điều này khiến Ngài thấu hiểu những ai đau khổ, để gánh lên vai tội lỗi của những người khác và hiến mình làm lễ đền tội cho họ. Việc từ bỏ mình, và chịu đau khổ của Người Tôi Tớ Chúa, thậm chí cho đến chết, tỏ ra rất hiệu quả vì mang lại ơn cứu chuộc và cứu rỗi cho nhiều người.
Chúa Giêsu là Người Tôi Tớ Chúa. Cuộc sống và sự chết của Ngài, được đánh dấu bằng một thái độ phục vụ hoàn toàn (x. Phil 2: 7), là căn nguyên mang lại ơn cứu rỗi cho chúng ta và hoà giải nhân loại với Thiên Chúa. Việc loan báo, là trọng tâm của Tin Mừng, làm chứng rằng cái chết và sự sống lại của Người làm viên mãn những lời tiên tri về Người Tôi Tớ Chúa. Thánh Marco kể với chúng ta cảnh tượng Chúa Giêsu đương đầu với hai môn đệ Giacôbê và Gioan. Bị thúc bách bởi bà mẹ, hai ông muốn được ngồi bên hữu và bên tả của Người trong nước Thiên Chúa (X Mc 10: 37), đòi những chỗ danh dự, theo tầm nhìn phẩm trật của họ về Nước Trời. Viễn tượng của họ vẫn còn bị che mờ bởi ảo ảnh của những thành đạt trần thế. Chúa Giêsu liền “phang” cú đầu tiên vào những khái niệm ấy của các môn đệ bằng cách đề cập đến con đường của Người trên trần thế này: “Chén mà Thầy uống, cả các con cũng sẽ uống, nhưng còn việc ngồi bên tả hay bên hữu Thầy, không phải Thầy ban điều ấy; điều ấy dành cho những người đã được chỉ định (câu 39-40). Với hình ảnh của cái chén, Chúa bảo đảm với hai môn đệ là họ có thể dự phần đầy đủ vào số phận đau khổ của Người, nhưng không bảo đảm những chỗ danh dự mà họ mưu tìm. Câu trả lời của Người là một lời mời gọi hãy theo Người trên con đường yêu thương và phục vụ, từ khước mọi cám dỗ trần thế muốn ngồi chỗ nhất và ra lệnh cho người khác.
Đứng trước những người tìm kiếm quyền bính và thành công, các môn đệ được kêu gọi hãy làm ngược lại. Cho nên, Chúa cảnh giác họ: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em” (câu 42-44). Với những lời ấy Chúa chỉ cho chúng ta thấy việc phục vụ là cách thức thực thi quyền bính trong cộng đoàn Kitô. Ai phục vụ người khác và không màng danh lợi, là thực thi quyền bính thực sự trong Giáo Hội. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy thay đổi cách nhìn và vượt qua sự ham hố quyền hành để đạt đến niềm vui phục vụ trong lặng lẽ; loại trừ ước muốn bản năng là được thống trị người khác và thực thi nhân đức khiêm nhường.
Sau khi trình bày một kiểu cách đừng nên bắt chước, Chúa Giêsu đưa ra chính mình như lý tưởng cần noi theo. Khi noi theo Thầy, cộng đoàn tìm được viễn tượng mới cho cuộc sống của mình: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (câu 45). Trong truyền thống Kinh Thánh, Con Người là Đấng lãnh nhận từ Thiên Chúa “quyền bính, vinh quang và vương quyền” (Dn 7,14). Chúa Giêsu làm cho hình ảnh ấy được tràn đầy ý nghĩa mới. Chúa chỉ ra rằng Ngài được hưởng quyền bính vì Ngài là người tôi tớ; được hưởng vinh quang vì có thể hạ mình xuống; và được hưởng vương quyền vì sẵn sàng thí mạng sống mình. Qua cuộc thương khó và cái chết, Người chiếm chỗ rốt nhất, đạt tới mức độ phục vụ cao cả nhất, và truyền lại điều đó cho Giáo Hội của Người.
Có thể có một sự bất dung hợp giữa quan niệm của thế gian về quyền bính và sự phục vụ khiêm nhường là đặc trưng của quyền bính theo giáo huấn và gương của Chúa Giêsu. Tham vọng và lòng khát khao sự nghiệp không tương hợp với tư cách là môn sinh Chúa Kitô. Vinh dự, thành công, danh tiếng, những vẻ vang trần thế đối chọi với luận lý của Chúa Kitô chịu đóng đinh. Trái lại có sự tương hợp giữa Chúa Giêsu, “con người đầy những ưu phiền”, và sự đau khổ của chúng ta. Thư gửi tín hữu Do Thái làm rõ điều này khi trình bày Chúa Kitô như vị Thượng Tế chia sẻ hoàn toàn thân phận làm người của chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (4:15). Chúa Giêsu thi hành một chức linh mục đích thực của lòng thương xót và cảm thông. Người đã trải qua kinh nghiệm trực tiếp về những khó khăn của chúng ta, Người biết từ bên trong thân phận phàm nhân của chúng ta; sự kiện Người không mắc tội lỗi không ngăn cản Người thấu hiểu các tội nhân. Vinh quang của Người không phát sinh từ tham vọng hay khao khát thống trị, nhưng là vinh quang của Đấng yêu mến con người, đón nhận và chia sẻ yếu đuối của họ và ban cho họ ơn thánh chữa lành, tháp tùng họ với lòng dịu dàng vô biên giữa trăm chiều gian truân của họ.
Mỗi người chúng ta, nhờ phép rửa, thông phần vào chức linh mục của Chúa Kitô: các tín hữu giáo dân tham gia chức linh mục chung, các linh mục tham gia chức linh mục thừa tác. Vì thế, tất cả chúng ta đều có thể lãnh nhận tình thương xuất phát từ con tim rộng mở của Người, cho bản thân chúng ta cũng như cho tha nhân: chúng ta trở thành những máng chuyển tình thương, sự cảm thông của Người, đặc biệt đối với những ai đang đau khổ, thất vọng và cô đơn.
Những người nam nữ được tuyên thánh hôm nay đã không ngừng phục vụ anh chị em mình với lòng khiêm tốn và bác ái nổi bật khi noi gương Thầy Chí Thánh. Thánh Vincenzo Grossi là cha sở nhiệt thành, luôn quan tâm đến các nhu cầu của dân ngài, nhất là những nhu cầu của giới trẻ. Thánh nhân chuyên chăm bẻ bánh Lời Chúa cho mọi người và trở thành người Samaritano nhân lành cho những người túng thiếu nhất.
Thánh nữ Maria Đức Mẹ Vô Nhiễm đã tận hiến đời mình, phục vụ với lòng khiêm tốn sâu xa những người bé mọn nhất, đặc biệt là những trẻ em con cái những người nghèo và những đau yếu.
Đôi vợ chồng thánh thiện Louis Martin và Marie Azélie Guérin đã thực hành việc phục vụ Kitô trong gia đình, ngày qua ngày kiến tạo một môi trường đức tin và tình yêu, là nơi đã nảy mầm những ơn gọi của các cô con gái, trong đó có thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu.
Ước gì chứng tá rạng ngời của các vị thánh mới này linh hứng chúng ta bền đỗ trên con đường phục vụ vui tươi dành cho anh chị em mình, tín thác nơi ơn phù trợ của Thiên Chúa và sự bảo vệ hiền mẫu của Mẹ Maria. Từ trời cao, giờ đây xin các ngài phù trì và nâng đỡ chúng ta qua lời chuyển cầu đầy quyền năng của các ngài.
J.B. Đặng Minh An dịch
Nguồn: Vietcatholic News