Home / Chia Sẻ / VỊ THẨM PHÁN CHÍ CÔNG

VỊ THẨM PHÁN CHÍ CÔNG

VỊ THẨM PHÁN CHÍ CÔNGCuộc sống luôn đầy rẫy bất công.  Những người nghèo và thấp cổ bé miệng phải chịu nhiều oan ức, nhất là trong những chế độ chính trị hà khắc và độc tài.  Con người có xu hướng chịu đựng và buộc chấp nhận, như một thứ luật rừng trong xã hội: cá lớn nuốt cá bé.  Trước những bất công, nhiều khi người ta chỉ biết kêu trời.

Phải chăng lúc nào lý cũng thuộc về kẻ mạnh?  Phải chăng những người bé mọn luôn phải gánh chịu những thiệt thòi?  Lời Chúa hôm nay muốn khẳng định với chúng ta: Không phải như vậy.  Thiên Chúa là vị Thẩm phán chí công.  Người lắng nghe và bênh vực những người cô thế cô thân và những người bị gạt ra bên lề của cuộc sống.

Trong Bài Tin mừng, vị Thẩm phán được diễn tả như một vị vua và với cách gọi “tôn chủ,” thể hiện người đáng kính trọng và là một người liêm khiết.  Vị tôn chủ đã chạnh lòng thương trước lời van xin của người đầy tớ và sẵn sàng tha cho hắn món nợ rất lớn là mười ngàn yến vàng.  Chúng ta nhớ đến bài giảng của Chúa Giêsu về ngày tận thế (x. Mt 25,31-46).  Lúc đó, vị thẩm phán cũng được gọi là “Đức Vua” xét xử người lành cũng như kẻ dữ, tùy theo việc họ đã làm khi còn sống trên dương gian.  Trước đó, vị thẩm phán cũng được dùng với danh xưng “Con Người.”  “Con Người” hay “Con loài người” là danh xưng chính Chúa Giêsu đã dùng để chỉ bản thân Người.  Như thế, vị thẩm phán sẽ xét xử loài người là chính Chúa Giêsu, như chúng ta đọc trong kinh Tin kính: “Ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.”

Hình ảnh vị tôn chủ trong Tin Mừng hôm nay cho thấy đó là vị Thẩm phán vừa công bằng vừa bao dung nhân hậu.  Vị thẩm phán ấy chạnh lòng thương trước nỗi khổ của con người và sẵn sàng tha thứ nếu người ấy khiêm tốn kêu xin.  Tuy vậy, ngài cũng nghiêm khắc với kẻ gian manh, chỉ biết khúm núm trước người chủ nợ, mà lại táng tận lương tâm đối với bạn hữu đang mắc nợ mình chỉ có một trăm quan tiền, trong khi món nợ mình được tha có giá trị gấp nhiều lần.

Nếu Thiên Chúa là vị Thẩm phán khoan dung nhân hậu, thì những ai tin vào Ngài cũng phải khoan dung nhân hậu như thế.  Những ai cố chấp, hận thù và ích kỷ không thể lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa.  Người đầy tớ có trái tim chai đá trước lời van xin của tha nhân bị ông chủ kết án là đồ gian ác.  Hơn thế nữa, anh ta phải vào tù và phải trả món nợ trước đây ông chủ đã có ý tha, vì thấy anh ta đáng thương và vì lời van xin thống thiết.  Trong thực tế, con người dễ hạ mình trước mặt Thiên Chúa, nhưng lại xảo trá và mưu mô đối với đồng loại.  Lời kết câu chuyện của Chúa Giêsu cũng là tóm lược lời kinh Lạy Cha: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”  Đây cũng là nội dung của Bài trích sách Huấn Ca: “Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha” (Bài đọc I).  Bao dung nhân hậu, tha thứ yêu thương.  Đó là cốt lõi của giáo huấn Kinh Thánh, nhất là trong giáo huấn của Chúa Giêsu.  Hãy tha thứ vì con người sống trên trần gian đều là bất toàn.  Khi tha thứ, ta mở cho người khác một con đường hướng tới tương lai.  Giáo huấn Kitô giáo còn khẳng định: khi tha thứ là ta được thứ tha; khi cho đi ta sẽ nhận lãnh.  Tha thứ sẽ đem lại cho chúng ta niềm vui, sự thanh thản và yêu đời.  Người Việt Nam chúng ta thường nói “đời có vay có trả,” “gieo nhân nào gặt quả nấy.”  Có người bức xúc vì thấy kẻ gian ác cứ sống nhơn nhơn, bất chấp đạo lý luân thường, ấy vậy mà họ vẫn giàu có hoặc may mắn.  Nếu họ chưa phải trả giá cho sự gian ác họ đã gây ra cho người khác, là vì chưa đến thời đến buổi đó thôi, vì “lưới trời lồng lộng, thưa mà khó thoát,” như cổ nhân đã dạy.

 “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần?  Có phải đến bảy lần không?”  Ông Phêrô vừa đặt câu hỏi, vừa tự đưa ra câu trả lời.  Khi khẳng định tha thứ bảy lần, ông cũng cho mình là rất quảng đại, vì thói quen của người Do Thái thường tha cho một người xúc phạm mình hai lần (Theo Anselm Grün, một chuyên viên Kinh Thánh).  Số 7 cũng là con số hoàn thiện.  Câu trả lời của Chúa Giêsu muốn khẳng định rằng, Phêrô cũng như những ai tin vào Chúa phải tha thứ vô biên, không giới hạn và lặp đi lặp lại nhiều lần tới mức không đếm xuể.  Chúa Giêsu so sánh chúng ta với người đầy tớ cứng lòng không tha cho bạn mình, trong khi Thiên Chúa là Đấng bao dung.  Ngài đã tha hết mọi nợ nần cho chúng ta trong Con của Ngài.  Xin lưu ý chữ “đồng bạn” được sử dụng năm lần trong đoạn Tin Mừng này để chỉ mối tương quan giữa hai người cùng là con nợ.  “Đồng bạn” ở đây có nghĩa là tha nhân và là người cùng phục vụ một tôn chủ.

Trong hành trình cuộc đời, con người sống với và sống cho tha nhân.  Chỉ khi nào ý thức được điều này, chúng ta mới tìm được hạnh phúc.  Một cuộc sống biết chia sẻ cảm thông sẽ đong đầy niềm vui.  Cũng vậy, ý thức sống hay chết đều thuộc trọn về Chúa sẽ giúp chúng ta cảm nhận được tình thương của Ngài giữa những khó khăn trắc trở trong cuộc đời.  (Bài đọc II).  Chúa Giêsu là mẫu gương cho chúng ta về tâm tình phó thác.  Người cũng là mẫu mực cho chúng ta triết lý sống vì hạnh phúc của tha nhân.  Trên cây thập giá, Chúa đã xin ơn tha thứ cho những kẻ hành hạ mình.  Yêu thương và tha thứ, cầu nguyện cho kẻ thù, những đức tính này làm cho chúng ta nên giống Đức Giêsu Kitô.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Xem thêm

Thu4T2TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Tư Tuần II Thường Niên, Năm Lẻ, của Lm Minh Anh

CỨNG HƠN THÉP “Họ rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy trong ngày Sabbat không, để …