Home / Chia Sẻ / VỊ NGÔN SỨ GIỮA CHÚNG TA 

VỊ NGÔN SỨ GIỮA CHÚNG TA 

 

VỊ NGÔN SỨ GIỮA CHÚNG TA Thánh Lu-ca kể lại: khi nghe Chúa Giê-su làm phép lạ cho hồi sinh người con trai duy nhất của người đàn bà góa, dân chúng cảm phục và thốt lên: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (Lc 7, 16).  Những người Do Thái thông thạo truyền thống Cựu ước sẽ hiểu khái niệm “ngôn sứ” mà họ dùng để xưng tụng Chúa Giê-su.

 

Danh xưng ngôn sứ, trước đây chúng ta thường dịch là “tiên tri,” và được giải thích là “biết trước.”  Thực ra, ngôn sứ là người được Chúa sai đi để chuyển tải giáo huấn và thông điệp của Ngài (ngôn là lời và sứ là được sai đi).  Có thể người sai đi là một người uyên bác, những cũng có thể là một người nông dân bình thường, như trường hợp ngôn sứ A-mốt.  Chính ông này đã nói: “Tôi không phải là tiên tri, cũng không phải là con của tiên tri, nhưng là đứa chăn bò (và chuyên) đi hái trái sung.  Khi tôi đang đi theo đàn chiên, thì Chúa dẫn tôi đi và nói cùng tôi rằng: “Ngươi hãy đi nói tiên tri cho dân Ít-ra-en của Ta” (Am 7,14-15).  Chi tiết này chứng minh: việc loan báo thông điệp của Chúa không hề lệ thuộc vào sự khôn ngoan của con người, nhưng là chính hành động của Thiên Chúa.  Chính Ngài soi sáng và làm cho vị ngôn sứ trở nên mạnh mẽ can trường, nhiệt thành loan báo giáo huấn của Ngài.  Qua các ngôn sứ, lịch sử Ít-ra-en chứng minh rằng: chính Thiên Chúa mới là Đấng giáo huấn và điều khiển dân tộc được tuyển lựa.  Các vua hay những người lãnh đạo chỉ là những dụng cụ Ngài dùng mà thôi.

 

Trong khi dân chúng tung hô Đức Giê-su là Vị Ngôn Sứ vĩ đại, thì đồng hương của Người lại không nhận ra điều ấy.  Phúc âm hôm nay kể lại một chuyến thăm quê hương của Chúa Giê-su.  Thay vì đón nhận lời giáo huấn của Người, họ lại “tỉa tót” những chi tiết liên quan đến tuổi thơ, về gia đình và họ hàng của Người.  Những người đồng hương mang nặng thành kiến về Chúa Giê-su, và họ dựa vào đó để từ chối những gì Người giảng dạy.  Sự thành kiến và kiêu ngạo là những vật cản không cho họ nhận ra Người là Đấng Thiên Sai.  Mặc dù ghi nhận những việc Người làm là phi thường, họ cũng chỉ coi Người là một người xuất thân từ nghề thợ mộc.  Chúa Giê-su đã nhắc lại câu ngạn ngữ dân gian: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.”  Câu ngạn ngữ này cũng giống như chúng ta thường nói: “Bụt chùa nhà không thiêng.”  Cuộc viếng thăm quê hương của Người xem ra không có cái kết đẹp.  Cũng trong trình thuật song song, thánh Lu-ca còn cho chúng ta biết thêm: sau khi Đức Giê-su trưng dẫn hai nhân vật là Ê-li-a và Ê-li-sa để ngầm trách họ, những người đồng hương đã kéo Người lên đỉnh núi với ý định xô Người xuống vực (x. Lc 4,16-30).

 

Xã hội thời nay cũng vẫn có nhiều người mang nặng thành kiến, như thời của Chúa Giê-su.  Khi nói về giáo huấn của Phúc âm và của Giáo hội, họ thường dựa và những sự kiện tiêu cực của Giáo hội trong lịch sử để đánh giá không đúng về Đạo của chúng ta.  Họ chỉ quan sát và đánh giá Giáo hội theo cái nhìn thuần tuý trần tục, thậm chí bằng sự ghen tương hiềm thù.  Chính Chúa Giê-su đã thành lập Giáo hội, và Giáo hội lại bao gồm những thành viên.  Trong số các thành viên, có người tốt và có người chưa tốt.  Có người lợi dụng Giáo hội để làm những điều không đúng.  Ánh sáng và bóng tối luôn đan xen trong từng trang của lịch sử Giáo hội cũng như lịch sử xã hội.  Người tín hữu chân chính cần biết sàng lọc và phân định để đón nhận và sống như con cái của sự sáng.

 

Người tín hữu không chỉ đón nhận đức tin, mà còn là những người rao giảng đức tin.  Bí tích Thanh tẩy trao cho chúng ta ba chức năng: ngôn sứ, tư tế và vương đế.  Đức Giê-su cũng có ba chức năng này.  Những ai được xức dầu trong Bí tích Thanh tẩy đều được gọi là Ki-tô, tức là người được xức dầu.  Như thế, mỗi Ki-tô hữu là một ngôn sứ, tức là người được Chúa sai đi để nói Lời của Người.  “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21).  Đây là lời của Đức Giê-su phục sinh nói với các môn đệ.  Vâng, hôm nay Chúa Giê-su vẫn sai chúng ta vào lòng cuộc đời, để trở nên muối và ánh sáng.  Với nỗ lực cố gắng, chúng ta sẽ góp phần làm lan tỏa những giá trị Tin Mừng trong môi trường cuộc sống.

 

Chúa Giê-su là vị Ngôn sứ đang sống giữa chúng ta.  Người ban cho chúng ta Thần Khí của Người, tức là Chúa Thánh Thần, như thánh Phao-lô quả quyết: “Anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em” (Bài đọc II).  Nhờ Thần Khí hướng dẫn, chúng ta sẽ trở nên con người hoàn hảo, trong mối tương quan với Chúa và với anh chị em.

 

Ơn gọi ngôn sứ là một vinh dự lớn lao, nhưng cũng phải trải qua nhiều thử thách.  Cuộc đời các ngôn sứ trong lịch sử Cứu độ đã chứng minh điều đó.  Chúa Giê-su, vị Ngôn sứ vĩ đại cũng đã bị chống đối và bị giết chết.  Để thực thi sứ vụ cao cả này, Ki-tô hữu cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, nhưng Chúa luôn ở với chúng ta, và Người trấn an chúng ta như Người đã nói với thánh Phao-lô: “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” (2 Cô-rin-tô 12,9).

 

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

 

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN