Home / Chia Sẻ / VỊ CỨU TINH NHÂN HẬU

VỊ CỨU TINH NHÂN HẬU

Đến với miền đất bị xa lánh

Sau những công việc tại Giêrusalem – xua đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ, đàm đạo với Nicôđêmô về cuộc sống mới – Đức Giêsu lên đường trở lại miền Galilê.

vicuutinhnhanhauTrong cuộc hành trình này, Đức Giêsu đã không theo con đường người Do-thái vẫn đi là tránh băng qua miền Samari.  Từ thời đế quốc Át-xy-ri, người Do-thái và người Samari vẫn kình địch nhau, không giao du với nhau, mỗi miền có đền thờ riêng.  Đức Giêsu biết điều đó và việc Người có mặt tại miền Samari không phải là chuyện tình cờ.  Người có sứ mạng đến với mọi dân, mọi nước để đưa họ về với Thiên Chúa.  Người là Đền Thờ mới, và Đền Thờ này được dành cho tất cả mọi người.  Người là Đấng quy tụ nhân loại, nên chính Người sẽ phá vỡ những rào cản đang phân rẽ nhân loại.  Tình yêu cao cả đã buộc Đức Giêsu phải có mặt tại Samari, miền đất thù nghịch với người Do-thái.

Đức Giêsu đã đến Samari như một người thừa sai, một người luôn có những ý nghĩ tốt đẹp về người khác.  Như vậy, không một miền đất nào bị bỏ quên; không một người nào lại không được Người nhớ đến, dù kẻ đó có thế nào chăng nữa.

Để hiểu rõ điều này, có thể so sánh thái độ của Đức Giêsu với thái độ của các môn đệ.  Một làng thuộc Samari từ khước tiếp nhận Đức Giêsu vì Người đang hành hương lên Giêrusalem.  Thấy thế, Gia-cô-bê và Gio-an đã bày tỏ phản ứng của “con sấm sét”: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?” (Lc 9,54).  Đức Giêsu lập tức quay lại và khiển trách các ông.  Người đã tránh sang một làng lân cận.  Người muốn đánh dấu lần Người đi qua cõi thế này bằng những hành vi nhân hậu, chứ không phải bằng những lần nổ bùng lòng báo thù, và Người tìm cách ghi khắc cách xử sự này vào lòng các môn đệ.

Quả thế, Đức Giêsu đã đến trần gian để tạo nên một sự gắn bó, để kéo nhân loại và vũ trụ đến với Người.  Đức Giêsu đi bước trước, nhưng Người không xuất hiện với những nét của một kẻ chinh phục đến thiết lập sự thống trị của mình, hoặc của một kẻ tuyên truyền rêu rao để áp đặt những ý tưởng của mình.  Điều Đức Giêsu trao ban trước tiên, đó là trái tim, và Người muốn nhận lại trái tim của người khác.  Người đến với tư cách là một người bạn, một Đấng Cứu Thế, chứ không phải với tư cách quan tòa đến xử án (xem Ga 3,17; 12,47).

Những tiến trình gặp gỡ

Cuộc nói chuyện dài giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samari là những cấp độ tiến triển về mặc khải, về thiêng liêng mà điểm kết thúc là người phụ nữ nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Tinh.

Phản ứng đầu tiên của người phụ nữ khi nhìn thấy Đức Giêsu bên bờ giếng, nghe Người xin nước uống, là câu nói về dòng giống.  Nhưng câu trả lời của Đức Giêsu cho chị hiểu rằng, ngay vào lúc này, Người là Đấng ban ơn chứ không phải là người nhận ơn.  Chính chị mới là kẻ cần đến sự giúp đỡ của Người (x. Ga 4,10-11).

Khởi đầu, người phụ nữ chỉ coi Đức Giêsu như một người bộ hành mệt nhọc, đang cần nước uống, chứ không thấy được con người sâu xa của Người: chị thấy Đức Giêsu là người Do-thái, không biết Người là Con Thiên Chúa; chị thấy một con người mỏi mệt chứ không phải là người nâng đỡ những tâm hồn yếu nhược; chị nhìn thấy con người đang cần nước chứ không biết rằng chỉ mình Người có khả năng làm dịu cơn khát của trần gian.

Sau khi nghe câu trả lời của Đức Giêsu, tuy chưa hiểu rõ hơn về Người, nhưng chị cũng tỏ lòng kính trọng.  Chị đổi cách xưng hô: “Thưa Ngài.”  Tâm trí chị chưa vượt qua khỏi những quan niệm bình thường, chị vẫn nghĩ đến thứ nước uống tự nhiên, và mong muốn người đang đối thoại với chị cho chị thứ nước ấy, để chị khỏi phải đi múc.

Đến đây, Đức Giêsu đề cập đến điều bí ẩn nhất của tâm hồn chị.  Người gợi lại đời sống của chị, không phải với cái nhìn từ trên cao hay với ánh mắt coi rẻ như một số người đàng hoàng trong đám dân Samari vẫn dành cho chị, nhưng là với tấm lòng muốn hòa giải chị với người chồng, và giúp chị tiếp tục lại cuộc sống chung với chồng.  Chỉ khi ấy chị mới có thể lãnh nhận nước trường sinh, và thay vì phải nô lệ một tình yêu bị cấm đoán, chị dấn thân vào tình yêu cao cả, và nhận được vẻ kiều diễm Đức Giêsu muốn ban cho chị.  Cần phải thay đổi nếp sống, phải dẹp bỏ mọi trở ngại, phải chân thành mới có thể đón nhận ơn cứu độ.

Một lần nữa, người phụ nữ lại đổi cách xưng hô với Đức Giêsu; chị coi Người là ngôn sứ.  Đồng thời, chị đổi sang đề tài tôn giáo.  Và với vấn đề này, Đức Giêsu cũng đưa chị đến nguồn mạch sâu xa, đến vương quốc sự thật rất rộng lớn.  Để đáp lại câu nói của người phụ nữ về Đấng Mê-si-a, Đức Giêsu đã xác nhận: “Đấng ấy chính là Ta, người đang nói với chị đây.” (Ga 4,26).

Từ nay, trung tâm của việc tế tự không phải là Giêrusalem, cũng không phải là núi Ga-ri-zim, nhưng chính là Đức Kitô.

Và giai đoạn cuối cùng đã đến.  Người phụ nữ nói với người khác về Đức Giêsu, chị nhận Người là Đức Kitô.  Chị không hề kể cho những người đồng hương về vấn đề thờ phượng Thiên Chúa, nhưng chị nói rõ những điều Người đã nói về đời sống của chị, cả những tội lỗi còn giấu kín.  Chị nói lên điều mà người ta nghĩ rằng chị nên giấu đi.  Người phụ nữ Samari thực là một trong những người truyền giáo đầu tiên của Kitô giáo.  Nhiều người đã tin lời chị.

Người phụ nữ đến giếng để múc nước, nhưng khi tìm được Nguồn mạch đích thực, chị đã bỏ lại vò nước, như các môn đệ đã từng bỏ lại lưới và thuyền.

Từ một người xa lạ, chị đã trở thành môn đệ của Đức Kitô.  Từ nhận xét ban đầu: người ngồi bên bờ giếng là người Do-thái, chị đã nhận ra người ấy là Đức Kitô, là Đấng Cứu Tinh.

Một kinh nghiệm cho mọi người

Người phụ nữ Samari đã nhận ra Đức Giêsu.  Ở đây không phải là một phép lạ có tính cách hữu hình; không là việc chữa lành bệnh, không là việc làm cho sáng mắt.  Điều kì diệu đã xảy ra nơi tâm hồn tội lỗi của người phụ nữ.  Qua việc giải thoát tâm hồn khỏi tội lỗi, Đức Giêsu đã nhận được tước hiệu vinh quang, mặc dù Người chưa chịu treo trên thập giá.

Tước hiệu vinh quang: “Vị Cứu Tinh của trần gian” không phải chỉ là cảm nghiệm riêng của người phụ nữ, nhưng còn là của cả một đám đông dân chúng.  Họ đã nghe câu chuyện người phụ nữ thuật lại và họ đã đến gặp Đức Giêsu, đã nghe lời Người giảng dạy và đã tin.

Như vậy, cây thập giá vẫn hiện diện trong suốt cuộc đời Đức Giêsu, và đã đem lại hậu quả trước khi Người bị treo lên.

Và Đức Giêsu đã quên hẳn cơn khát, quên cả sự mệt nhọc.  Người đã bắt đầu chu toàn sứ mệnh của Người khi hướng dẫn người phụ nữ tội lỗi đến đức tin, thay đổi lối sống: đưa về cho Chúa Cha những người biết thờ phượng theo thần khí và sự thật.  Hình ảnh đám đông người Samari đến gặp Đức Giêsu lại không phải là hình ảnh báo trước rằng Tin Mừng sẽ được loan báo đến tận cùng cõi đất?

Đức Giêsu đã có mặt tại Samari với tư cách của một Vị Cứu Tinh đầy nhân hậu.  Người đã đến để cứu vớt, để xoá bỏ những hận thù, để mặc khải những điều sâu xa.  Tại đó, Người đã kiên nhẫn thuyết phục người phụ nữ phóng túng về hạnh kiểm.  Trong câu chuyện này, lòng nhân hậu của Người thật là một an ủi, một nguồn mạch dịu mát cho tất cả những ai đang mang trong lòng những phiền muộn, những thất bại và cay đắng.

Hãy đến gặp Đức Giêsu

hãy thưa chuyện với Người

để thấy rằng mình được yêu thương.

Người đang chờ…

Hãy nghe lời Người nói:

Nếu anh, nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban

Lm. Nguyễn Cao Luật

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …