Home / Chia Sẻ / Về Thôi

Về Thôi

 

 

“Ta về thôi, đường trần đâu có gì. Tóc xanh mấy mùa…” (TCS).

kCó thật trần gian này đâu có gì không? Không, có rất nhiều. Từ của cải vật chất đến những mối dây chằng chịt tình cảm giữa ta và mọi người. Ta hiện hữu trên thế gian này là một món quà Thiên Chúa ban cho. Tiếng khóc chào đời của một đứa trẻ, đưa những người không ruột rà vào cùng chung một tình yêu thương: ông bà nội ngoại, chú bác cô dì. Sự hiện diện của sinh linh bé nhỏ ấy có khi lại khơi nguồn không chỉ yêu thương thôi, đôi khi còn hóa giải những mối bất hòa dai dẳng khó quên

Trong cuộc trần, từ bé đến trưởng thành, rồi đến “tóc pha sương“, bao vui buồn sướng khổ của cuộc đời, đến rồi đi. Có lúc con người cảm thấy như mình ở trọ trong chính ngôi nhà của mình. Con cái cũng chỉ ở chung với cha mẹ cho đến tuổi hôn nhân rồi có mái ấm riêng của mình. Hai ông bà ở với nhau cho đến lúc một người ra đi, một người ở lại. “Mình chỉ bước chung với nhau có một chặng đường“, Để rồi người nọ nói với người kia: “Đâu đó vượt lên trên cái đúng và cái sai có một khu vườn. Ta sẽ gặp nhau ở đó!“ (Nhà thơ Ấn Độ Rumi). Khu vườn đó ở đâu ta nào biết. Ta chỉ biết rằng mọi sự đúng sai, hạnh phúc khổ đau, được mất đã khép lại sau tiếng búa đóng đinh vang lên một cách lạnh lùng, để khép lại một đời người lẫy lừng, phú quí hay bình thường, nghèo khó. Họ có nhà cao cửa rộng hay chỉ là một mái hiên của ai đó đỡ nắng che mưa, thì cũng gói gọn trong chiếc áo cuối cùng 6, 7 tấc chiều ngang, và 2 thước chiều dài.

   “Tôi nay ở trọ trần gian. Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời“ (TCS). Thế thì “món quà của Chúa“ chỉ đến thế gian để ở trọ, đớn đau, mất mát thôi sao? Nước mắt là quà tặng tuyệt vời thứ hai của Chúa cũng chỉ để khóc thương ai oán sao? Không. Chắc còn nhiều điều thú vị giữa con người với con người mà người ta gọi là tình yêu: “Nếu loài người muốn tồn tại, nếu ta muốn bảo vệ thế giới và tất cả những loại hữu tình khác, tình yêu chính là câu trả lời đầu tiên và duy nhất“ (Albert Einstein). Tình yêu chỉ đẹp khi tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa, vì chính Người là nguồn mạch của tình yêu. Tình yêu ấy chỉ có cho đi, trao ban, dâng hiến, là tặng phẩm nhưng không, nên Người cũng đòi hỏi lại ở người nhận cũng phải cho đi, trao ban, dâng hiến nhưng không, cho người khác, để khi đã cho đi tất cả, mình chẳng còn gì khi về với Chúa như một cái ly rỗng, Chúa sẽ đổ đầy sự yêu thương của Người xuống đầy tràn, tràn lan, mênh mang…

Trong bức ảnh “Lòng nhân đạo dạt bờ“, phóng viên hãng tin Dogan (Thổ Nhĩ Kỳ) Ni Liiger Demir chụp bức hình em bé 3 tuổi Aylan Kurdi chết bên bờ biển. “Bức ảnh đã chạm đến trái tim, làm thay đổi trái tim, có thể thay đổi suy nghĩ và sau cùng là cả chính sách và lịch sử“ (National Geographic). Còn cô Demir “chẳng còn gì có thể làm cho cậu bé được nữa, chẳng thể nào đưa lại sự sống cho em. Đây là cách duy nhất tôi có thể truyền đi tiếng thét từ thi thể câm lặng của cậu bé“. Đằng sau thân xác nhỏ bé trôi dạt ở bờ biển là cả một chặng đường khó nhọc, bị đàn áp, chiến tranh, đói khát giáng xuống một đất nước tan nát bởi bom đạn từng giờ, từng ngày. Hàng triệu con người lúc này còn thở nhưng chỉ một tiếng nổ thì hàng chục, hàng trăm người nằm xuống. Họ chết, để lại sự nghèo khổ, bệnh tật, đọa đày lại cho thế gian. Chết có khi lại là một giải thoát…?

Con người còn lại gì? Không còn gì ngoài đau thương mất mát, cả gia đình chỉ còn lại một người. Họ đứng đó chơ vơ giữa đống đổ nát và vùi sâu dưới đó là những người thân yêu mà mới đây thôi còn cười với họ trong bữa cơm chiều. Chúa bảo thần chết như kẻ trộm, nếu không tỉnh thức thì nó sẽ khoét vách nhà mình lúc mình không ngờ nhất. Nhưng có mấy ai nghĩ đến cái chết khi mình đang ở trên đỉnh cao danh vọng, tiền bạc. Họ tận hưởng những thành quả họ đạt được, ăn uống thừa mứa, phí phạm trong khi những công nhân làm việc cho họ với đồng lương rẻ mạt, phải mua những của ôi thiu bị tẩm ướp hóa chất ở chợ chiều, để rồi ngộ độc, về lâu về dài bị ung thư. Họ biết, nhưng làm sao bây giờ, với đồng lương ít ỏi, còn phải thuê nhà, nuôi con… Thế mà có nhiều công ty còn quỵt tiền lương của họ 2, 3 tháng. Những con người khốn khổ ấy đã cay đắng lại còn đắng cay.

Có câu chuyện kể về vua Alexander đại đế nổi tiếng giàu có và xa hoa. Ông chết lúc mới 32 tuổi khi đang chinh chiến xứ người. Ông để lại 3 điều trăn trối mà quần thần phải làm cho ông. Một là khiêng quan tài cho ông là những vị bác sĩ giỏi nhất, để cho mọi người biết rằng y học không làm gì được nữa. Hai là rải vàng bạc, châu báu từ nhà ra đến huyệt. Ba là khoét hai bên áo quan cho hai tay ông ra ngoài để mọi người thấy một người giàu có, quyền lực như ông cũng ra đi chỉ với hai bàn tay trắng. Câu chuyện để ta suy gẫm và tỉnh ngộ!!!

“Kẻ ăn, phá không hết, người lần không ra“. Cậu ấm, cô chiêu con nhà giàu có, không chịu học hành, ăn chơi sa đọa, chỉ mới 14, 15 đã phá bỏ đi biết bao đứa trẻ vô tội. Theo thống kê cứ 19 giây, Việt Nam có một đứa trẻ bị lấy ra khỏi lòng mẹ. VN đang đứng đầu nạn phá thai. Thử hỏi những sinh linh bé nhỏ ấy có tội tình gì? Tại sao tạo ra chúng rồi phá bỏ không thương tiếc? Có bệnh viện bên này xếp hàng đi phá bỏ những thai nhi, cách đó không xa một đoàn xếp hàng khám vô sinh với ước mong có được một mụn con cho ấm áp cửa nhà. Thật mỉa mai nhưng cũng thật chua xót cho số phận một con người. “Cái chết không có tiếng nói trên số phận của con người…” (báo CG) chỉ có cách sống và hành vi của họ khi còn sống nói lên số phận họ phải lãnh nhận khi họ chết. Mọi người, từ cổ chí kim không ai thoát được cái chết. Chúa Giêsu cũng chết, Người đi trước là để dẫn đường “Trong nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở, nếu không, Ta đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em… để Thầy ở đâu anh em cũng ở đó“ (Ga 13, 2-3).

Có chỗ Chúa đã dành sẵn rồi: Ta về thôi! về với Cha trong thanh thản và bình yên, vì ta đã cố gắng hết sức trong đời để làm theo ý Cha và mong đẹp lòng Cha.

Maria Mỹ Ánh

CĐ LCTX Gx Hòa Bình

 

 

Xem thêm

VƯỢT QUA HỘI CHỨNG BẤT HẠNH

VƯỢT QUA HỘI CHỨNG BẤT HẠNH

Theo một cuộc thăm dò chiều dọc gần đây của Gallup (2006-2021), mức độ bất …