Home / Chia Sẻ / VÂNG PHỤC THÁNH THỂ

VÂNG PHỤC THÁNH THỂ

VÂNG PHỤC THÁNH THỂVâng phục là một trong các nhân đức của Chúa Giêsu Thánh Thể. Thánh Phêrô Julian Eymard, Tông Đồ Thánh Thể, mô tả nhân đức vâng phục Thánh Thể của Chúa Giêsu như sau:

Là Thiên Chúa toàn năng, nhưng Ngài từ bỏ ý Ngài để tuân theo thụ tạo của Ngài. Là Vua mà Ngài lại tuân theo thần dân của Ngài. Là Người Giải Phóng mà Ngài lại tuân theo nô lệ của Ngài! Ngài vâng phục các linh mục và giáo dân, Người Công Chính vâng phục kẻ tội lỗi. Ngài vâng lời mà không chống cự, không cần phải bị ép buộc. Ngài vâng lời ngay cả với kẻ thù của Ngài. Với cùng sự háo hức đó, Ngài đáp ứng mọi ước muốn của mọi người. Không chỉ trong Thánh Lễ, khi linh mục đọc lời truyền phép, Ngài vâng phục vào mọi thời điểm ngày và đêm, tùy theo nhu cầu của tín Hữu. Thái độ thường xuyên của Ngài là sự vâng phục thuần khiết và đơn giản. Điều này có thể chăng?

Ước gì con người hiểu được tình yêu của Bí tích Thánh Thể! Chúa Giêsu bị trói trong Cuộc Khổ Nạn của Ngài. Ngài đã mất tự do. Trong Bí tích Thánh Thể, Ngài tự trói buộc mình. Ngài bị ràng buộc bởi những ràng buộc vĩnh viễn và tuyệt đối trong lời hứa của chính Ngài.

Ngài bị xiềng xích dưới các dạng thiêng liêng mà Ngài được kết hợp không thể tách rời bằng các lời bí tích. Trong Bí tích Thánh Thể, Ngài không tự chuyển động, không hành động, như trên Thập Giá, như trong mộ đá, mặc dù Ngài sở hữu sự sung mãn của sự sống được hồi sinh.

Là Tù Nhân Tình Yêu, Ngài tuyệt đối phụ thuộc vào con người. Ngài không thể phá bỏ xiềng xích của Ngài, thoát khỏi ngục tù Thánh Thể của Ngài. Ngài là Tù Nhân của chúng ta cho đến tận thế. Ngài đã dấn thân vào đó. Hợp đồng tình yêu đã vươn xa đến thế!

Về mối phúc của linh hồn, như ở Vườn Dầu, Chúa Giêsu không còn có thể đình chỉ những niềm vui nỗi mừng, vì Ngài vinh quang và phục sinh. Nhưng Ngài để mất nó nơi con người, nơi tín nhân, nơi các chi thể bất xứng của Ngài. Ôi, biết bao lần Chúa Giêsu nhìn thấy sự vô ơn và sự phẫn nộ tấn công Ngài! Biết bao lần các Kitô hữu bắt chước người Do Thái! Chúa Giêsu đã khóc một lần vì Giêrusalem tội lỗi. Nhưng Ngài yêu thương chúng ta nhiều hơn thế. Tội lỗi của chúng ta, sự mất mát của chúng ta làm Ngài đau khổ nhiều hơn sự mất mát của người Do Thái. Chúa Giêsu sẽ khóc biết bao nước mắt trong Bí Tích Thánh Thể! [1]

Chúa Giêsu là Tù Nhân Tình Yêu cho đến tận thế, vì Ngài là tù nhân duy nhất không chịu rời khỏi phòng giam, tức là Nhà Tạm. Ngày đêm Chúa Giêsu vâng phục Chúa Cha và vâng phục loài người. Ngài là tù nhân ngoan ngoãn nhất. Thay vì con người vâng phục Thiên Chúa, chính Thiên Chúa lại vâng phục con người. Thật là sự khiêm nhường và ngoan ngoãn tuyệt vời. Thật là cảnh tượng của tình yêu! Sự vâng phục và tình yêu truyền lệnh cho Ngài phải “giam hãm” trong Bí tích Thánh Thể.

Khi còn sống trên đất này, “dù là Con Thiên Chúa, Ngài đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục.” (Dt 5:8) Vâng phục là chịu đau khổ, và chịu đau khổ là vâng phục. Không bao giờ dễ dàng nhận lệnh từ người khác, đặc biệt là cấp trên, vợ/chồng, người chủ hoặc cha mẹ. Chưa hết, dù là Đấng mà trời đất vâng phục, Chúa Giêsu vẫn tự nguyện ràng buộc mình vĩnh viễn trong Bí tích Thánh Thể. Ngài vâng phục các linh mục và tín hữu, ngay cả kẻ thù của Ngài, và cả những người tìm cách xúc phạm Ngài bằng việc rước lễ bất xứng.

Vâng phục là một trong các nhân đức tuyệt vời nhất của Chúa Giêsu Thánh Thể nhưng lại bị người ta bỏ qua. Ở đây Chúa Giêsu rao giảng một trong những bài học lớn nhất cho nhân loại không phải bằng lời nói mà bằng cách âm thầm chịu đau khổ vì nhân loại cho đến tận thế. Khi chúng ta thấy khó vâng phục vì Nguyên Tội, chúng ta không cần nhìn xa hơn Chúa Giêsu Thánh Thể. Ở đây Người Cai Trị Vũ Trụ bị cai trị bởi loài người. Ở đây Vua Vũ Trụ trở thành nô lệ và tôi tớ của mọi người. Trong Hỏa Ngục có một tù nhân khác là ác quỷ. Mặt khác, nó không bị tình yêu nhốt chặt. Theo John Milton, nó bị nhốt bởi lòng căm thù vì nó thà “cai trị ở Hỏa Ngục còn hơn là phục vụ ở Thiên Đàng.” [2]

Chúa Giêsu Thánh Thể của chúng ta vâng phục nhân loại chỉ vì một lý do duy nhất là tình yêu. Ngài yêu mến Chúa Cha và yêu thương chúng ta, vì không có sự vâng phục đích thực, chúng ta không thể trải nghiệm được tự do đích thực. Và do đó, nếu không thực sự vâng phục thì chúng ta không bao giờ thực hiện được ý Chúa và không bao giờ được hạnh phúc. Trái ngược với thế gian, sự vâng phục không giam cầm chúng ta vì chúng ta được kết hợp với Tù Nhân Tình Yêu, Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng kết hợp đau khổ của Ngài với đau khổ của chúng ta, và giải thoát chúng ta khỏi xiềng xích tội lỗi.

Rất lâu trước khi Chúa Giêsu trở thành tù nhân trong Bí Tích Cực Thánh, Ngài đã bị giam vào ngục tối trước khi chịu khổ nạn và chịu chết. Ở đó, Ngài bị xiềng xích, bị chế nhạo, khạc nhổ và đội mão gai. Ở đó, Ngài báo trước rõ ràng nhất việc Ngài bị giam cầm trong Bí tích Thánh Thể. Sự giam cầm của Chúa Giêsu đặc biệt đến nỗi một Nhà thờ Công giáo đã được xây dựng ở đó, gọi là Nhà thờ Thánh Phêrô ở Gallicantu và Thung Lũng Kidron. Nhà thờ này chủ yếu tưởng niệm nơi Thánh Phêrô đã ba lần chối Chúa Giêsu.

Bên dưới nhà thờ được cho là nơi Chúa Giêsu trở thành tù nhân lần đầu tiên. Thay vì được bạn bè đến thăm, Chúa Giêsu lại bị kẻ thù của Ngài đến thăm. Thay vì trái tim mình được tôn thờ, Chúa Giêsu tôn thờ Chúa Cha. Hầm ngục tối tăm và ẩm ướt này đã trở thành nơi thờ phượng ban đêm. Nó đã trở thành nguyên mẫu cho rất nhiều nhà tạm trên khắp thế giới, nơi Chúa Thánh Thể bị bỏ rơi và bỏ mặc. Bạn có thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu Thánh Phêrô bí mật đến thăm Chúa trong tù thay vì phản bội và chạy trốn Ngài? Bất kể các trở ngại trên đường đi của chúng ta, Chúa Giêsu Thánh Thể vẫn mong đợi chúng ta đến viếng thăm và muốn chúng ta noi gương vâng phục của Ngài.

PATRICK O’HEARN

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu – 2024

[1] Peter Julian Eymard. The Real Presence (New York: Fathers of the Blessed Sacrament, 1907), 81-83.

[2] John Milton. Paradise Lost: Books I and II, 15.

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN