Home / Chia Sẻ / VÂNG LỜI VÌ ĐỨC TIN

VÂNG LỜI VÌ ĐỨC TIN

vangloi-vi-ductinCác câu chuyện thần thoại thường bắt đầu bằng câu “Ngày xửa ngày xưa…” – giới thiệu một thế giới kỳ lạ có những công chúa làm say mê lòng người và các hoàng tử hấp dẫn. Nhưng thế giới trong Kinh Thánh còn kỳ diệu hơn nhiều!

Các câu chuyện trong Kinh Thánh luôn chứa đầy đặc trưng – thời điểm này, vị trí này, sự tương tác của các cá nhân xác định này. Họ không che giấu trong vẻ nặc danh tự-do-rủi-ro. Các nhân vật chính trong Kinh Thánh khả dĩ xác định: người nghèo, người uy quyền, tiên tri (ngôn sứ) và người cai trị. Chúng ta biết tên của họ: Isaia và Ahaz, Phaolô và Nero, Maria, Giuse, Hêrôđê.

Trong Kinh Thánh, chúng ta gặp những câu chuyện về những con người cụ thể, họ được triệu tập để thể hiện “sự vâng lời của đức tin”. Thánh Phaolô cho biết: “Nhờ Người, chúng tôi đã nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ. Trong số đó, có cả anh em, là những người đã được kêu gọi để thuộc về Đức Giêsu Kitô” (Rm 1:5-6).

Đấng Mêsia của Thiên Chúa đến thế gian là một ánh sáng tuyệt đối – ánh sáng này phá bỏ những sức mạnh và kiểu cách đã được thiết lập, nhưng không hủy diệt, mà lại sửa chữa và làm cho nên trọn. “Sự vâng lời của đức tin” là lời đáp lại hành động mà Thiên Chúa đã đặt vào Đức Giêsu Kitô, như Thánh Phaolô nói: “Tôi là Phaolô, tôi tớ của Đức Kitô Giêsu; tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa. Tin Mừng ấy, xưa Người đã dùng các ngôn sứ của Người mà hứa trước trong Kinh Thánh. Đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng” (Rm 1:3-4).

Những câu này giúp mở rộng cách đánh giá của chúng ta về sự nhập thể của Đức Giêsu Kitô. Sự nhập thể không thu gọn thành một điểm mà không có phần mở rộng. Việc hóa thành nhục thể của Con Thiên Chúa bao gồm sự sống, sự chết, và sự sống mới của Đấng Mêsia Giêsu. Sự nhập thể đạt tới tột đỉnh trong sự phục sinh: nhận thức đầy đủ về nhân tính nơi Con Người, sự thần thánh hóa của xác thịt.

Như Thánh Phaolô nói, chúng ta được triệu tập để hoàn toàn thuộc về Đức Kitô, Đấng ngự đến hằng ngày trong cuộc sống. Chính Thánh Phaolô đã giới thiệu mình là tôi tớ (doulos) của Đức Giêsu Kitô – Đấng Mêsia. Người ta khó có thể hiểu hết ý nghĩa của tình trạng “thuộc về”.

Nhưng sự thuộc về Đức Kitô không là điều hư cấu, cũng không là sự sắp xếp theo luân lý của ý muốn. Đó là một thực tế mới: sự kết hiệp sâu xa và thân mật đến nỗi có thể được mô tả là “thần bí”. Dĩ nhiên điều đó có nền tảng trong kinh nghiệm thay đổi đời sống qua Bí tích Thánh tẩy. Thánh Phaolô nhắc nhở: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6:4).

Hệ quả nổi bật: việc làm nô lệ không có quyền sở hữu sự sống. Thánh Phaolô dẫn chứng về kinh nghiệm bản thân: “Khi đem thân làm nô lệ để vâng phục ai thì anh em là nô lệ của người mà anh em vâng phục: làm nô lệ tội lỗi thì sẽ phải chết; làm nô lệ phục vụ Thiên Chúa thì sẽ được nên công chính” (Rm 6:16). Hồn xác của các Kitô hữu KHÔNG thuộc về tội lỗi, mà THUỘC VỀ Đức Kitô, Đấng đã phục sinh, và sự phục vụ của Ngài là sự tự do đích thực.

Một Saolê bách hại đã được giải thoát và trở thành một Phaolô nhiệt thành rao giảng chính Đấng mà ông đã lùng bắt. Và rồi ông hân hoan xưng tụng: “Không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa; vì Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết” (Rm 14:7-9). Thiên Chúa có thể đòi hỏi mọi điều ở chúng ta.

Sự vâng lời của đức tin khởi đầu bằng sự tâm phục khẩu phục, đầu hàng vô điều kiện: “Vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12:1-2).

Lời mời gọi biến đổi của Thánh Phaolô có thể dễ bị bóp nghẹt bởi sự ồn ào buồn thảm của nền văn hóa của thời đại chúng ta. Phúc Âm đưa ra mệnh lệnh dứt khoát: “Metanoeite! – Hãy sám hối!” (Mc 1:15 – Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng). Đó là lối dẫn vào sự sống mới, được xác định bằng mối quan hệ mới với Đức Giêsu Kitô.

Thánh Phaolô minh chứng: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2:19-20).

Tông đồ Phaolô chưa hoàn toàn được biến đổi, cũng chưa hoàn thiện (teleios), mà ông vẫn phải cố gắng không ngừng: “Tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Đức Kitô Giêsu chiếm đoạt” (Pl 3:12).

Tất cả chúng ta, những người đã lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, đều thuộc về Đức Kitô. Cũng như Thánh Phaolô, chúng ta không còn thuộc về chúng ta, mà thuộc về Đức Giêsu Kitô, vì chúng ta đã được cứu chuộc bằng giá Máu của Đức Kitô – nhập thể qua sự chết và sự sống mới.

Chúa Giêsu vẫn tiếp tục đến trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Ngài đến và ở trong chúng ta, làm cho chúng ta thuộc về Ngài, để chúng ta có thể sống thật, sống dồi dào và sống viên mãn.

Lm ROBERT P. IMBELLI

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN