Home / Chia Sẻ / Văn hóa thờ ơ

Văn hóa thờ ơ

 

 

Van-Hoa Tho-OCó nhiều loại văn hóa. Khi nói tới văn hóa, chúng ta nghĩ tới những điều tốt đẹp. Văn hóa cần luôn thiết cho cuộc sống, xã hội, quốc gia, kể cả Giáo Hội. Nhưng ngày nay còn có những loại văn hóa độc hại: Văn hóa sự chết và văn hóa thờ ơ.

Đối với văn hóa sự chết, chúng ta dễ nhận thấy sự nguy hiểm, nhưng với văn hóa thờ ơ, có thể chúng ta cho đó là “chuyện nhỏ”, bình thường thôi. Nhưng thật ra, nó cũng nguy hại, chứ không như chúng ta tưởng.

Có thể nói rằng mối đe dọa lớn nhất đối với tương lai là sự thờ ơ. Người ta vì ích kỷ mà có thái độ “bất cần”, bàng quan, từ đó dẫn tới thờ ơ với mọi thứ, sự thờ ơ khiến người ta lãnh đạm, cuối cùng là vô cảm. Sự vô cảm ngày nay đã trở thành hội chứng, và người ta gọi là “bệnh vô cảm”. Trong cuộc sống, chúng ta gọi những người thờ ơ là vô tình hoặc vô tâm. Bệnh này không “nhẹ” như chúng ta tưởng, mà nó đã trở thành chứng “nan y” như một loại ung thư bất trị, nó không làm người ta chết về thể lý, nhưng nó làm người ta chết về tinh thần!

Cách đây không lâu, bài văn của em Phan Hoàng Yến, một học sinh lớp 9A2 trường trung học Chu Văn An (Hà Nội), đã gây “chấn động” không chỉ bởi đề tài em chọn mà còn bởi cách hành văn rất tinh tế và sắc sảo. Bài văn đó được cô giáo cho 9,5 điểm với nhận xét: “Em có những phát hiện và suy nghĩ sâu sắc về hiện tượng đáng buồn này. Một người có trái tim nhân hậu, đa cảm và tư duy sắc sảo như em thật đáng quý”. Đây là một phần trong bài văn của em Yến:

Có được một xã hội văn minh, hiện đại ngày nay, một phần lớn cũng là do những phát minh vĩ đại của con người. Một trong số đó chính là sự sáng chế ra rô-bốt, và càng ngày rô-bốt càng được cải tiến cao hơn, tỉ mỉ hơn, làm sao cho thật giống con người để giúp con người được nhiều hơn trong các công việc khó nhọc, bộn bề của cuộc sống. Chỉ lạ một điều: Đó là trong khi các nhà khoa học đang “vò đầu bứt tóc” không biết làm sao có thể tạo ra một con chip “tình cảm” để khiến “những cỗ máy vô tình” biết yêu, biết ghét, biết thương, biết giận thì dường như con người lại đi ngược lại, càng ngày càng vô tình, thờ ơ với mọi sự xung quanh. Đó chính là căn bệnh nan y đang hoành hành rộng lớn không những chỉ dừng lại ở một cá nhân, mà đang len lỏi vào mọi tầng lớp xã hội – bệnh vô cảm.

Nhìn thấy cái xấu, cái ác mà không thấy bất bình, không căm tức, không phẫn nộ. Nhìn thấy cái đẹp mà không ngưỡng mộ, không say mê, không thích thú. Thấy cảnh tượng bi thương lại thờ ơ, không động lòng chua xót, không rung động tâm can. Vậy đó còn là con người không hay chỉ là cái xác khô của một cỗ máy?

Trước hết là về cái đẹp, bây giờ ra ngoài đường, hiếm ai có thể bắt gặp một người đàn ông đạp xe ung dung dạo mát, thưởng ngoạn cái không khí trong lành, tươi mát dưới những hàng cây cổ thụ vàm bóng quanh bờ hồ; một người con gái dịu hiền, yêu kiều trong chiếc váy thanh thoát tản bộ trên những con đường hoa sấu, hoa sữa đầy mộng mơ, mà hầu hết là những dòng người tấp nập, vội vã, chen lấn xô đẩy trên đường, xe buýt. Lúc ấy cũng chính là lúc mà con người ta mất một phần tâm hồn đẹp đẽ đã bị chôn vùi dưới lớp cát. Phải chăng cũng vì như thế mà họ càng lúc càng khép chặt cánh cửa trái tim mình lại, không còn biết hưởng thụ cái đẹp mà chỉ nghĩ đến tiền, đến công việc ngày mai?

Vô cảm với cái đẹp mới chỉ là bước đầu. Một khi người ta đã không biết ngưỡng mộ, không biết say mê, rung động trước những điều đẹp đẽ thì trái tim cũng dần chai sạn rồi đến đóng băng. Khi ấy, không chỉ là cái đẹp mà đứng trước những hành động ác độc, vô lương tâm, người ta cũng cảm thấy bình thường, không oán trách cũng không cảm thông, động lòng với những nạn nhân bị hại. Một tháng trước, tôi đọc được một bài báo trên mạng có đưa tin về vụ một đứa bé Trung Quốc hai tuổi bị xe tải cán. Thương xót, đau lòng làm sao khi nhìn cô bé đau đớn nằm trên vũng máu mà không một người nào qua đường để ý, cuống cuồng gọi cấp cứu. Họ nhìn thấy rồi đấy nhưng họ lại cố tình như không thấy, đi vòng qua cô bé để tiếp tục con đường nhạt thếch, sáo mòn của mình. Càng chua xót, đau lòng, phẫn nộ hơn khi chiếc xe tải tiếp theo nhìn thấy cô bé nằm đó, vẫn thoi thóp thở, bám víu lấy cuộc đời lại vô tình chẹt cả bốn bánh xe nặng trịch đi qua người cô bé, thản nhiên đi tiếp. Người qua đường vẫn thế, vẫn bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Cô bé xấu số chỉ được cấp cứu khi một người phụ nữ nhặt rác đi qua, thấy cảm thông, đau lòng nên đã bế cô bé đi bệnh viện.

Có những con người ích kỷ, vô tâm, tàn nhẫn như vậy đấy! Không những thế, bây giờ ra đường gặp người bị cướp, bị trấn lột, bị đuổi chém nhưng lại không thấy anh hùng nào ra can ngăn, cứu giúp hay chỉ một việc nhỏ nhoi thôi là báo công an. Đó là những con người “không dại gì”, và cũng chính “nhờ” những người “không dại gì” đó mà xã hội ngày càng ác độc, hỗn loạn. Chính lẽ đó mà căn bệnh vô cảm càng được thể truyền nhiễm, lây lan.

“Con người ta không phải là cái đồng hồ và trái tim ta cũng không phải là cái lò xo” – một giáo sư người Anh đã nói như thế. Tóm lại, ta nhận thấy rằng, căn bệnh vô cảm đang lan tràn ngày càng rộng lớn và trở nên vô cùng nguy hiểm, biến con người thành một cỗ máy vô tri chỉ biệt vận động. Đừng để điều đó xảy ra mà hãy đấu tranh để giành lại phần “người”, giành lại “trái tim” mà Thượng Đế, mà Tạo Hóa đã ban cho chúng ta. Hãy đào thải căn bệnh vô tình quái ác ra khỏi xã hội!

Một em gái mới độ tuổi thiếu niên mà đã có nhận xét tinh tế và sâu sắc quá. Thật đáng khâm phục! Với tâm hồn đầy tình người như vậy, chắc hẳn em đã được thừa hưởng từ gia đình có cách giáo dục rất nhân bản. Nếu em là Kitô hữu, chắc hẳn em là người sống đạo nghiêm chỉnh và đẹp lòng Thiên Chúa, vì em biết chạnh lòng thương người như Chúa Giêsu chứ không thờ ơ như một số người khác.

Vô cảm chính là sự chai lì cảm xúc, xơ cứng tâm hồn, sống dửng dưng, có “máu lạnh”, thờ ơ với những gì xảy ra trong xã hội chung quanh mình, chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân. Vô cảm là ích kỷ. Gặp cái đẹp hoặc cái xấu cũng trơ trơ, không chút rung động. Chứng vô cảm càng ngày càng có chiều hướng lây lan, nếu không có những biện pháp ngăn chặn thì có thể trở thành một căn bệnh mang tính xã hội. Trong cơn lốc toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cùng với việc tiếp thu những tinh hoa của văn minh nhân loại, lối sống hưởng thụ và mặt trái của nền kinh tế thị trường đang tác động mạnh đến tâm lý xã hội, dần dần hình thành lối sống thực dụng trong một số người. Thật đáng báo động đỏ!

Sự thờ ơ không chỉ xảy ra giữa những người xa lạ hoặc không quen biết, mà xảy ra ngay trong gia đình, giữa những người máu mủ ruột rà với nhau. Bạn không tin ư? Thời Cựu Ước đã xảy ra rồi đấy. Quả thật, chỉ vì để “cái tôi” nổi dậy và bất kể mọi thứ mà Ca-in đã nhẫn tâm hạt sát chính em ruột của mình (St 4:3-8). Tương tự, chỉ vì ích kỷ và vô cảm mà mấy người anh đã nỡ lòng bán đứng em ruột mình là Giu-se (St 37:12-36).

Thiên Chúa vẫn luôn nói với mỗi chúng ta: “Ta thương con, thương con thật nhiều” (Gr 31:20). Vậy tại sao chúng ta lại không thương người khác, các anh chị em của mình? Chắc hẳn có người “cự nự” rằng mình không vô cảm, vẫn thương người, nhưng đó chỉ là thương người thương mình, hợp với mình, cùng phe với mình. Chúa Giêsu đã đặt vấn đề: “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?” (Mt 5:46-47).

Là người đời, tiền nhân cũng dạy chúng ta: “Thương người như thể thương thân”. Luật Chúa là Luật Yêu: “Kính mến Thiên Chúa và yêu người như yêu mình”. Yêu thương là cách trở nên hoàn thiện như Cha trên trời. Yêu thương trước tiên là biết chạnh lòng thương, biết động lòng trắc ẩn, cũng là bác ái, là thương xót. Thánh Phaolô vừa căn dặn vừa khuyến cáo: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa. Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà” (Rm 12:9-13).

Helen Adams Keller (1880-1968), nhà văn, nhà chính trị và giảng viên người Mỹ, đã nhận xét: “Chúng ta có thể đã chữa trị được hầu hết thói xấu xa, nhưng chúng ta vẫn chưa tìm ra liều thuốc cho thói xấu tồi tệ nhất, đó là sự vô cảm của con người”. Chính khách Bob Riley (1944, Hoa Kỳ) nói: “Khoan dung cho cái ác chỉ dẫn tới thêm nhiều điều ác. Khi người tốt đứng nhìn và chẳng làm gì trong sự thống trị của cái ác, cộng đồng của họ sẽ bị nuốt trọn”. Đó là sự bàng quan, chính sự bàng quan là một dạng thờ ơ, vô cảm đối với tha nhân.

Bác học Albert Einstein (1879-1955) xác định: “Thế giới sẽ bị hủy diệt không phải bởi những người làm điều ác, mà bởi những người đứng nhìn mà không làm gì cả”. Cách so sánh thật đáng giật mình. Thật vậy, mọi thứ, kể cả tội lỗi, đều có tính dây chuyền như hiệu ứng Domino, đó chính là tính liên đới.

Tân Ước cũng cho biết nhiều trường hợp thờ ơ, lãnh đạm. Chẳng hạn như “Người Tá Điền Sát Nhân” (Mt 21:33-39; Mc 12:1-9; Lc 20:9-15). Vì vô cảm mà bất kể mọi sự, không chút xót thương bất cứ người nào. Trường hợp vô cảm khác là các kinh sư và cả nhóm Pha-ri-sêu, họ đã thờ ơ với “Người Phụ Nữ Ngoại Tình” (Ga 8:2-11), họ dẫn chị đến gặp Chúa Giêsu, vừa để tố cáo chị vừa tìm cách gài bẫy Ngài.

Rồi trường hợp khác nữa, những người Pha-ri-sêu và ông Si-môn cũng đã thờ ơ với “Người Phụ Nữ Tội Lỗi” (Lc 7:36-50). Họ rất “ngứa mắt” khi thấy chị ngồi lì bên chân Chúa Giêsu mà khóc lóc và lấy tóc lau chân Ngài. Ông Si-môn “vô tư” nên nghĩ bụng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!”. Chúa Giêsu biết tỏng ngay, và Ngài trách tính vô cảm của ông: “Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi”. Xấu hổ hết sức, tưởng mình “ngon lành” nào ngờ tệ lậu!

Còn trong dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành (Lc 10:29-37), người đã cứu giúp nạn nhân bị cướp đánh trọng thương, những kẻ vô tâm lại chính là hai người có địa vị, danh giá. Đó là thầy tư tế và thầy Lê-vi, những người tưởng mình là đạo đức thì lại là những kẻ thờ ơ “chính hiệu”. Thật là khủng khiếp và đáng buồn biết bao!

Tại vườn Gết-si-ma-ni, ba môn đệ được Thầy Giêsu tín cẩn nhất mà lại thờ ơ nhất, Thầy lo buồn đến chết được mà ba trò vẫn vô tư ngáy khò khò (Mt 26:36-46; Mc 14:32-42; Lc 22:39-46). Đừng thấy mình được ưu tiên mà tưởng mình là người “ngon lành” hơn người khác, thực chất chỉ là vô cảm!

Làm sao khả dĩ điều trị bệnh vô cảm? Trước tiên phải tập yêu, yêu chính những gì mình không thích, thông cảm với những người không ưa mình. Thế mới khó. Khó lắm. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Tập rồi sẽ quen. Yêu cũng phải tập yêu để biết cách yêu. Chúa Giêsu dạy: “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6:36). Có lòng nhân từ là biết thở hơi thở của tình yêu, trái tim đập những nhịp của lòng thương xót. Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại” (Cl 3:12).

Ngoài ra, một “liệu pháp” hiệu nghiệm là cầu xin được biến đổi, như tác giả Thánh Vịnh đã cầu xin: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ” (Tv 51:12). Và tất nhiên, một điều không thể thiếu là sự tín thác, điều mà chính Chúa Giêsu đã dạy Thánh nữ Faustina: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài”.

Sự ích kỷ, sự bàng quan, sự thờ ơ, sự lãnh đạm, sự dửng dưng, sự vô cảm,… đó chính là chướng ngại vật ngăn cản chúng ta đến với Thiên Chúa, là rào cản chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa qua tha nhân, mà không gặp được Thiên Chúa thì không thể làm công dân Nước Trời. Thật vậy, Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5:20).

Tháng Năm, Giáo Hội muốn chúng ta hiệp nhất với 2 ý cầu nguyện: [1] Cầu cho chúng ta biết khước từ nền văn hoá của sự thờ ơ, để quan tâm đến những nỗi thống khổ của tha nhân, nhất là những người bệnh tật và nghèo khó; [2] Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, xin cho các Kitô hữu đang sống trong các bối cảnh thế tục, luôn sẵn sàng để rao giảng về Đức Giêsu.

Qua đó, chúng ta thấy rằng Giáo Hội muốn chúng ta không thờ ơ với bất cứ thứ gì, nhất là đối với những người đau khổ, những kẻ bé mọn. Có vậy thì chúng ta mới có thể là chứng nhân của Ngài ở mọi nơi, mọi lúc. Tháng Năm nhắc chúng ta cố gắng gom góp những đóa hoa lòng đượm sắc màu tin yêu để dâng kính Đức Mẹ, nhờ Mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu.

Người ta nhút nhát mà khiếp sợ, không dám bảo vệ sự thật, không dám bảo vệ công lý. Đó là “phong cách” của những người quan niệm rằng “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Đó là động thái thờ ơ. Thờ ơ là vô cảm, thờ ơ là lỗi đức ái, thờ ơ là tội chứ không như chúng ta tưởng. Mà lỗi đức ái là tội nặng, và sẽ bị tống giam trong ngục tối, không ai có thể ra khỏi đó “trước khi trả hết đồng xu cuối cùng” (Mt 5:26). Kinh khủng quá, lạy Chúa tôi!

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …