Home / Chia Sẻ / VĂN HÓA TẬN SỐ THÁCH THỨC VĂN HÓA SỰ SỐNG

VĂN HÓA TẬN SỐ THÁCH THỨC VĂN HÓA SỰ SỐNG

 

 

Thứ Sáu, ngày 26 tháng 6 năm 2015, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ với số phiếu 5/4 đã chính thức hợp thức hóa hôn nhân đồng tính. Không phải chỉ trong 36 tiểu bang và thủ đô Washington như trước, qua phán quyết này, tất cả 50 tiểu bang của Hoa Kỳ những người đồng tính đều được quyền kết hôn một cách hợp pháp và hợp hiến. Cũng như phán quyết vào năm 1972 đã hợp thức hóa việc phá thai, phán quyết hợp hiến hôn nhân đồng tính là điều mà những thành phần cấp tiến mong mỏi với tất cả sự hân hoan chào đón của họ. 

Họ – những thẩm phán của tối cao pháp viện – đã tự cho mình cái quyền tuyệt đối hủy bỏ và đảo ngược mọi suy nghĩ về những giá trị văn hóa, luân lý, đạo đức của hôn nhân và gia đình. Và họ – những người cấp tiến, những người cặp hôn nhân đồng tính – đã hãnh diện về việc mình được quyền kết hôn vì đã được Tối Cao Pháp Viện ban phép. Thực tế chắc chắn không phải là như thế, vì sẽ chẳng có pháp lệnh nào thay thế cho lề luật mà Thiên Chúa đã ghi khắc vào tâm hồn mỗi người. Cũng như chẳng có thẩm phán nào có khả năng biện hộ cho chính lương tâm của mỗi con người khi phải đối diện với những hành vi nhân tính của mình. Chính các thẩm phán ấy cũng phải trả lời về hành động của họ khi đối diện với Thượng Đế trước tòa án lương tâm.    

Những Thẩm Phán đồng ý với luật hôn nhân đồng tính đã phải vận dụng sự hiểu biết của họ để uốn nắn chữ nghĩa mà họ cho là chính đáng khi lập luận: “khước từ quyền được thành hôn của các cặp đồng giới sẽ có tác động nghiêm trọng và lâu dài. Việc áp đặt lệnh cấm thành hôn đối với thành phần đồng giới nam và nữ, có tác dụng không tôn trọng và áp chế họ. Và Điều khoản về Quyền được Bảo vệ Bình đẳng, cũng như Điều khoản về Quyền được Hệ thống Pháp lý Đối xử Công Bằng nghiêm cấm việc vô cớ vi phạm quyền cơ bản được kết hôn”. 

Tuy nhiên, với tiếng nói của lương tâm chân chính thì phán quyết hợp hiến hôn nhân đồng tính chính là kết quả của một nền một “nền văn hóa tận số” – terminal culture! như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phát biểu ngày 30 tháng 11 năm 2014 về thế giới hôm nay, đặc biệt là thế giới Tây Phương. Và nó là con đẻ của “nền văn hóa sự chết” (Thánh Gioan Phaolô II). 

Không biết việc khước từ quyền được thành hôn của các cặp đồng giới sẽ có tác động nghiêm trọng và lâu dài” như thế nào, nhưng xét về nhiều phương diện, phán quyết này lập tức đã tạo nên nhiều tác động nghiêm trọng trong sinh hoạt văn hóa, tâm lý, giáo dục và luân lý.   

Hậu quả trước tiên mà phán quyết này mang lại dưới cái nhìn văn hóa, là người ta phải tái định nghĩa thế nào là hôn nhân, cũng như thế nào là gia đình. Việc tái định nghĩa này sẽ kéo theo những đảo lộn về hệ thống sinh hoạt gia đình, đảo lộn vai trò những phần tử trong gia đình, họ hàng. Thí dụ, ai sẽ được gọi là mẹ, ai sẽ được gọi là cha, là ông, là bà, là ông nội, ông ngoại, bà nội, bà ngoại, là cô, là dì, là chú, là cậu trong các gia đình đồng tính? 

Tiếp đến là ảnh hưởng tâm lý và giáo dục. Trong những gia đình đồng tính này, những đứa trẻ được sinh ra theo phương pháp thụ thai nhân tạo hoặc con nuôi sẽ tìm đâu ra hình ảnh cần thiết của vai trò người cha, người mẹ. Mẫu người đàn ông và đàn bà trưởng thành mà sau này khi chúng khôn lớn và bước vào đời, lập gia đình chúng cần học hỏi, mô phỏng. Nền giáo dục vá vứu, chắp nối sẽ chỉ tạo nên những phản ứng tâm lý bệnh hoạn cho một đứa trẻ khi lớn. Chúng sẽ khó lòng tìm ra vai trò, con người của mình qua những vị trí trong gia đình của riêng mình, cũng như trong những tương quan gia đình, họ hàng, và giữa những sinh hoạt xã hội. 

Thêm vào đó là lãnh vực tâm linh. Từ việc thừa nhận hôn nhân đồng tính sẽ đem đến những quan niệm lệch lạc về niềm tin và tôn giáo, đặc biệt, đối với đức tin Kitô giáo. Chắc chắn Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ sẽ phải đối đầu với thách đố này: làm phép cưới hay không làm phép cưới cho những cặp hôn nhân đồng tính? Hệ lụy nghiêm trọng nhất có thể nhìn thấy là những đòi hỏi “hợp pháp” rằng “Hôn nhân đồng tính cũng phải được các linh mục cử hành công khai, chính thức trong các thánh đường Công Giáo”. Từ chối là chống lại luật pháp, có thể bị truy tố, bị tù và bị phạt như trường hợp của Mandate Hha. 

Một sự chia rẽ đang chờ đón sẽ xẩy ra ngay trong lòng Giáo Hội, có nguy cơ đe dọa sự đón nhận niềm tin và thi hành đức tin. Chắc chắn sẽ có nhiều người rút lui khỏi Giáo Hội vì quan điểm bất đồng giữa việc cho phép hay không cho phép cử hành nghi thức hôn phối theo nghi thức tôn giáo cho những cặp hôn nhân đồng tính. Đây chính là một thử thách lớn lao đối với Đức Tin và thực hành tôn giáo, và Giáo Hội bắt buộc từ chối phổ biến những lý thuyết sai lầm đối với hôn nhân. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã đưa ra lời kêu gọi trên hôm thứ Sáu 26 tháng Sáu, cùng ngày với phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ: 

Bất kể những gì một đa số sít sao tại Tối Cao Pháp Viện có thể tuyên bố tại thời điểm này trong lịch sử, bản chất của con người và hôn nhân vẫn không thay đổi và không thể thay đổi,” Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của tổng giáo phận Louisville, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cho biết như trên trong tuyên bố thay mặt các Giám Mục Hoa Kỳ.

 Ngài nói tiếp:

Ý nghĩa độc đáo của hôn nhân như sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ đã được ghi khắc trong tâm hồn chúng ta, nơi sự khác biệt về giới tính của chúng ta như những người nam và người nữ…Việc bắt buộc định nghĩa lại hôn nhân trên khắp đất nước là một lỗi lầm bi thảm làm tổn hại đến lợi ích chung và những người dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta, đặc biệt là trẻ em. Luật pháp có nhiệm vụ hỗ trợ các quyền cơ bản của mọi đứa trẻ được lớn lên, nếu có thể, bởi cha mẹ trong một gia đình ổn định.”
Phá thai, ly dị là kết quả của nền văn hóa sự chết. Đồng tính, hôn nhân đồng tính là kết qủa của “nền văn hóa tận số”.

 Ly dị đem lại cái chết của hôn nhân. Phá thai dẫn đến cái chết cho tương lai gia đình và tương lai nhân loại. Văn hóa sự chết là văn hóa trong đó con người tự cho phép và phổ biến ly dị, phá thai. Nhưng khi con người đi xa hơn nữa và vượt qua giới hạn sau cùng của nền văn minh sự sống bằng cách hợp hiến và công khai hóa đồng tính và hôn nhân đồng tính thì hậu qủa của nó sẽ dẫn đến “tự diệt”.

Văn hóa tự diệt đang thách thức văn hóa sự sống, và nó xem như đang thắng thế. Tuy nhiên sự xấu xa ghê gớm này không phát xuất tình cờ hay vô lý, bởi vì nó là kết quả của những suy tư và lối sống thác loạn mà con người ngày nay đang cố tình từ chối những gì Thiên Chúa đã tạo dựng một cách tốt đẹp: “Người tạo dựng nên họ có nam và có nữ” (Sáng Thế 5:2). Và cũng chính Ngài đã dẫn con người vào đời sống hôn nhân gia đình bằng cách giới thiệu Adam với Evà. 

Trần Mỹ Duyệt

 

 

 

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN