Cuộc đời có vẻ đơn giản mà nhiêu khê, luôn có những vấn đề nan giải, đôi khi hầu như không giải quyết được. Đời này là thế, phàm nhân là thế. Có lẽ vì vậy mà nhóm Pharisêu và nhóm Sađốc cấu kết với nhau tìm cách gài bẫy Chúa Giêsu với vấn đề “hóc búa” mà phàm nhân không thể xử lý. Chắc chắn như vậy.
Giả hình và hống hách là đặc tính của nhóm Pharisêu, còn đặc tính của nhóm Sađốc là không tin có sự sống đời đời. Thế nên họ đặt vấn đề với Chúa Giêsu về vấn đề liên quan sự sống đời sau. (Lc 20:27-38 ≈ Mt 22:23-33 và Mc 12:18-27)
Thánh Luca cho biết rằng, có mấy người thuộc nhóm Sađốc đến gặp Chúa Giêsu và hỏi: “Thưa Thầy, ông Môsê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ góa ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?” Đúng là lắm chuyện, chỉ tìm cách hại người khác, bề ngoài làm ra vẻ nghiêm chỉnh nhưng đầu óc và lòng dạ đầy cặn bã, những thứ ô uế nhất. Vì phát ngôn bất cẩn mà cái miệng hại cái thân!
Kinh Thánh Cựu Ước nói: “Con người phải chịu hậu quả lời mình nói và được hưởng những gì môi miệng họ thốt ra. Sống hay chết đều do cái lưỡi, ai yêu chuộng nó, sẽ lãnh nhận hậu quả.” (Cn 18:20-21) Tân Ước xác định: “Ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi là tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão.” (Ga 1:26) Tự rước họa vào thân chỉ vì KHÔNG uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Chớ khinh suất mà nói càn!
Nhóm Sađốc cho rằng đó là vấn đề hóc búa, chắc chắn không ai giải quyết được. Nhưng họ “bé cái lầm” quá hố! Chúa Giêsu thản nhiên nói: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy thì chính ông Môsê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Ápraham,Thiên Chúa của tổ phụ Isaác, và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.”
Nghe vậy hẳn là họ lùng bùng lỗ tai, vừa ngạc nhiên vừa khó chịu lắm. Sao ông Giêsu này thông minh và khôn ngoan vậy? Con Bác Thợ Mộc Giuse và Cô Maria ở xóm nghèo Nadarét mà hay thật. Tất nhiên nhóm Sađốc phải câm họng, đành ngậm bồ hòn làm ngọt, lủi thủi kéo nhau đi chứ cứ ở đó thì có nước độn thổ. Mất mặt ghê đi!
Không ai biết đường về Cõi Sống nếu không có Ánh Sáng của Thiên Chúa, có Ánh Sáng của Ngài chiếu soi thì chúng ta tin tưởng sẽ đến đích, an tâm và vui sống, như Thánh Vịnh gia xác định: “Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống: trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!” (Tv 16:11)
Ai được vào Cõi Sống, tới Miền Trường Sinh? Thánh Vịnh gia cho biết: “Người thực thi công chính được đi vào cõi sống, kẻ theo đuổi gian tà phải đến chốn tử vong.” (Cn 11:19) Đó là công bình và công lý của Thiên Chúa. Sống công chính là làm đúng những điều Ngài truyền dạy, như ngày xưa ông Nôê đã thi hành. (St 6:22; St 7:5)
Có điều đặc biệt là chính sự sống lại xác định giá trị của niềm tin Kitô giáo. Thật vậy, Thánh Phaolô nói: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em.” (1 Cr 15:17) Chết là “cái ngưỡng” bắt buộc. Chết đi để sống lại. Cõi Chết và Cõi Sống đối lập nhau nhưng vẫn như sự cân đối cần thiết và kỳ diệu.
Ai cũng muốn vào Cõi Sống, không ai muốn vào Cõi Chết. Nhưng “chẳng ai tìm được đường về cõi sống” (Cn 2:19) thì phải làm sao đây? Một danh nhân nói: “Đời sống, đời chết; đời cười, đời khóc; đời bỏ cuộc và đời cố gắng. Nhưng đời nhìn khác nhau qua con mắt của mỗi người.” Có nhiều loại đời ghê đi! Cuộc đời ra sao tùy cách nhìn của mình. Cuộc đời như tấm gương, chúng ta cười thì nó cũng cười, chúng ta khóc thì nó cũng khóc. Ai cũng chào đời bằng tiếng khóc, sống với nhiều phiền toái, nhưng chết trong hy vọng hoặc trong thất vọng là cách tự chọn riêng mỗi người.
Triết gia, thần học gia, thi sĩ và nhà phê bình Søren Kierkegaard (1813-1855, người Đan Mạch) nhận định: “Ngay khi bạn sinh ra trên thế giới này, bạn đã đủ già để chết.” Văn sĩ Hans Christian Andersen (1805-1875, người Đan Mạch) nhận xét: “Cái chết đi nhanh hơn gió và không bao giờ trả lại thứ gì nó đã lấy đi.”
Đề cập cuộc đời là nói đến cuộc sống – chính xác là cách sống. Có người sống nhanh, sống vội vã; có người sống chậm, sống từ từ; có người sống xả láng, bất cần; có người sống cẩn thận, nghiêm túc; có người sống ác độc, có người sống nhân hậu; có người sống hèn hạ, có người sống cao thượng; có người sống ích kỷ, có người biết quên mình. Có đủ hình thức và đủ mức độ về cách sống!
Cuộc tử đạo của bảy anh em với người mẹ được kể lại trong 2 Mcb 7:1-2, 9-14. Trình thuật này là một thước phim bi hùng của những con người yêu công lý và hòa bình, dám chết cho chính nghĩa. Từ cổ chí kim, từ Đông chí Tây, từ Nam chí Bắc, đâu đâu cũng có những kiểu bách hại tôn giáo, càng ngày càng tinh vi hơn, nhưng tín nhân vẫn kiên cường và trung thành với Thiên Chúa.
Bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ, vua Antiôkhô cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, bắt họ ăn thịt heo là thức ăn cấm theo luật Môsê. Thay mặt cho anh em mình, một người lên tiếng: “Vua muốn tra hỏi chúng tôi cái gì? Vua muốn biết điều gì? Chúng tôi sẵn sàng thà chết chẳng thà vi phạm luật pháp của cha ông chúng tôi.” Nghe vậy, vua tức giận, ra lệnh nung một cái chảo lớn, cắt lưỡi người vừa nói thay cho anh em, lột da đầu và chặt cụt chân tay của anh ngay trước mắt các anh em và bà mẹ. Chặt chân tay anh rồi, vua truyền lệnh đưa anh còn đang thở thoi thóp đến lò lửa mà nướng.
Mặc dù chứng kiến cảnh tượng hãi hùng, nhưng lạ thay, bà mẹ và các anh em vẫn khích lệ nhau anh dũng chịu chết. Họ bảo nhau rằng Thiên Chúa thấy rõ và chắc chắn người dủ lòng thương chúng ta, như lời ông Môsê đã làm chứng cho mọi người: “Đức Chúa sẽ dủ lòng thương hàng tôi tớ.”
Tiếp tục người thứ hai cũng phải chịu các cực hình y như người thứ nhất. Khi sắp trút hơi thở cuối cùng, anh dõng dạc nói: “Vua là một tên hung thần, vua khai trừ chúng tôi ra khỏi cuộc đời hiện tại, nhưng bởi lẽ chúng tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời.”
Rồi đến người thứ ba bị tra tấn. Vừa được yêu cầu anh liền thè lưỡi, can đảm đưa tay ra, và khẳng khái nói: “Tôi có được lưỡi này, tay này, là do Chúa Trời ban. Nhưng vì luật Chúa Trời, tôi coi khinh những thứ đó, và tôi hy vọng nhờ Chúa Trời, tôi sẽ lấy lại được.” Nhà vua và quần thần phải sửng sốt vì lòng can đảm của người thanh niên đã dám coi thường đau khổ. Người thứ tư cũng bị tra tấn như vậy. Khi sắp tắt thở, anh vẫn hiên ngang: “Thà chết vì tay người đời đang khi dựa vào lời Thiên Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại. Còn vua, vua sẽ không được sống lại để hưởng sự sống đâu.”
Cả bảy anh em lần lượt bị lý hình hành hạ cho đến chết, nhưng ai cũng hiên ngang đối diện với Tử Thần. Cuối cùng, người mẹ cũng chết theo các con. Cả gia đình trở thành các vị tử đạo. Diễm phúc biết bao! Tuy nhiên, vấn đề là họ can đảm liều thân vì Chúa. Tử đạo bằng máu là bị giết chết liền, còn tử đạo liên lỉ là “chết” từ từ với những đau khổ – thể lý hoặc tinh thần. Tử đạo kiểu nào cũng khó, không có ơn Chúa thì không thể vượt qua chính mình để kiên cường tới cùng.
Là con người, ai cũng biết rằng cuộc sống luôn có những khó khăn, cả tinh thần và thể lý, nên phải chân thành tâm sự với Chúa: “Lạy Chúa, xin nghe con giãi bày lẽ phải, lời con than vãn, xin Ngài để ý; xin lắng tai nghe tiếng nguyện cầu thốt ra từ miệng lưỡi chẳng điêu ngoa.” (Tv 17:1) Và cứ an tâm tín thác vào Ngài, như Thánh Vịnh gia bộc bạch: “Dõi vết chân Ngài, con không vấp ngã. Con kêu lên Ngài, lạy Thiên Chúa, vì Ngài đáp lời con. Xin lắng tai và nghe tiếng con cầu.” (Tv 17:5-6)
Càng tránh né đau khổ hoặc tìm cách diệt đau khổ thì càng đau khổ, dám đối mặt với nó và đi xuyên qua nó là cách để chiến thắng nó, chúng ta có thể cười vào những nỗi đau khổ. Đó là một dạng tự trào phúng. Khôi hài có khả năng biến đau khổ thành tiếng cười. Một cách tuyệt vời là cầu nguyện. Đó là sức mạnh của con người, khả dĩ khiến Thiên Chúa “mủi lòng” và thay đổi số phận của chúng ta. Cầu nguyện để được bình an và được Thiên Chúa xót thương: “Xin giữ gìn con như thể con ngươi, dưới bóng Ngài, xin thương che chở. Về phần con, sống công minh chính trực, con sẽ được trông thấy mặt Ngài, khi thức giấc, được thỏa tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan.” (Tv 17:8 và 15)
Cầu nguyện là hơi thở, là lương thực giúp Kitô hữu có thêm sức sống. Thật vậy, Chúa Giêsu luôn cầu nguyện, làm gì Ngài cũng cầu nguyện một mình nơi thanh vắng. Ngài muốn chúng ta noi gương Ngài nên Ngài khuyên: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” (Lc 21:36)
Cõi sống đời này hữu hạn, sẽ có lúc chấm dứt, vậy mà quý giá và quan trọng lắm. Chắc chắn cõi sống đời sau còn quý giá hơn, quan trọng hơn, không gì có thể so sánh. Vì cõi sống đời sau là cõi trường sinh, bất tử, vô hạn. Muốn sống trường sinh thì phải sống khôn, sống khéo cuộc sống đời này. Đó là điều tất yếu.
Đã dày dạn kinh nghiệm sống, Thánh Phaolô khuyên: “Anh em hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh em, bằng lời nói hay bằng thư từ. Xin chính Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, và xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng yêu thương chúng ta và đã dùng ân sủng mà ban cho chúng ta niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp, xin các Ngài an ủi và cho tâm hồn anh em được vững mạnh, để LÀM và NÓI tất cả những gì tốt lành.” (2 Tx 2:15-17) Ngôn hành phải song song, cân bằng hai vế như trong một phương trình, không thể chỉ có một vế.
Với kinh nghiệm sống, ai cũng biết rằng cầu nguyện rất cần thiết, lời cầu nguyện có sức mạnh liên đới, khả dĩ tác động tới người khác. Cầu nguyện lẫn nhau như chất xúc tác giúp cân bằng tâm linh, vì ba thù là loại virus cực độc. Ma Quỷ như những tên cướp đường, chúng có thể ập đến bất ngờ, không cảnh giác thì trở tay không kịp; Thế Gian ví như thời tiết thất thường, chúng ta có thể bị bệnh tật nếu không bảo vệ mình bằng các dưỡng chất hoặc thuốc men; Xác Thịt là các thói hư tật xấu, ví như sâu bọ đục khoét thân cây, không kịp chữa trị thì cây sẽ chết. Xác thịt là chính mình, loại nội gián vô cùng nguy hiểm, có thể nguy hiểm hơn ma quỷ và thế gian.
Chẳng có ai dám nhận mình là vô tội, trong sạch, công chính. Thánh Phaolô cũng đã phải cậy nhờ người khác: “Xin anh em cầu nguyện cho chúng tôi, để lời Chúa được phổ biến mau chóng và được tôn vinh, như đã thấy nơi anh em. Xin cũng cầu nguyện cho chúng tôi được thoát khỏi tay người độc ác xấu xa, bởi vì không phải ai cũng có đức tin.” (2 Tx 3:1-2) Con người rất yếu đuối, sơ sảy một chút là sa ngã ngay, thế nhưng có khi chúng ta tự biện hộ và viện cớ với nhiều lý lẽ lắm. Quả thật, “cái tôi” vô cùng đáng ghét!
Vì thế, đừng ỷ sức mình, ngay cả trên đường hoàn thiện mình. Nhưng nhờ ơn Chúa giúp thì an tâm. Thánh Phaolô cho biết: “Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ làm cho anh em được vững mạnh, và bảo vệ anh em khỏi ác thần. Trong Chúa, chúng tôi tin tưởng vào anh em: anh em đang làm và sẽ làm những gì chúng tôi truyền. Xin Chúa hướng dẫn tâm hồn anh em, để anh em biết yêu mến Thiên Chúa và biết chịu đựng như Đức Kitô.” (2 Tx 3:3-5) Chắc chắn rằng không có Chúa thì chẳng ai có thể làm gì được. (x. Ga 15:5)
Lạy Thiên Chúa, xin dạy bảo đường lối Ngài và giúp chúng con sống theo Thánh Ý Ngài trong mọi hoàn cảnh; xin giúp chúng con vượt qua mọi nghịch cảnh với niềm tin yêu sắt son, và xin cho chúng con được ở với Ngài đời đời. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU