Home / Chia Sẻ / VẤN ĐỀ ĐẦU THAI

VẤN ĐỀ ĐẦU THAI

2020-07-17_19-27-53❖ Giáo Hội luôn phủ nhận sự đầu thai – luân hồi, nhất là khi nó phổ biến xung quanh văn hóa phi Kitô giáo, chẳng hạn ở Hy Lạp cổ đại.

❖ Kinh Thánh nói trái ngược điều đó: “Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét.” (Dt 9:27)

❖ Đầu thai là lăng mạ thân xác. Đó là thuyết Descartes, thuyết Platon hoặc thuyết Ngộ Đạo. Nó định vị toàn bộ nhân loại chúng ta trong linh hồn hoặc tinh thần và coi thân xác chỉ đơn thuần là phòng trọ tạm thời và như ngôi mộ hoặc nhà tù. Trong tiếng Hy Lạp, từ ngữ dành cho thân xác là “soma,” gần giống với từ dành cho ngôi mộ là “sema.” Kinh Thánh Do Thái và Kitô giáo cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh của Thiên Chúa về thể lý và tinh thần, được xác định là nam và nữ. Kinh Thánh nói: “Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.” (St 2:7)

❖ Sự đầu thai cũng có sai lầm tương tự như sự ngừa thai: coi thân xác như một vật thể, một vật dụng. Nó không còn là phần của tôi nữa, nó là phần của thế giới bên ngoài kia.

❖ Trong triết học Platon, cuộc sống sau khi chết bao gồm việc thoát khỏi thân xác. Trong Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo, nó bao gồm sự sống lại của thân xác. Chúa Kitô phục sinh với thân thể có thể chạm vào được, Ngài đã ăn thực phẩm, chứng tỏ rằng đó không phải là ma hoặc thần.

❖ Thuyết Platon Mới và thuyết Ngộ Đạo dựa vào đó đã tiến một bước xa hơn Plato và tuyên bố rằng thân xác là nguyên nhân của mọi tội lỗi và mọi điều xấu xa. Một triết lý thuận tiện cho các tội nhân: “Thân xác con bắt con làm điều đó. Đó là lỗi của Ngài, thưa Chúa.”

❖ Descartes là người Công giáo, ít là trên danh nghĩa, vì vậy ông không tin một trong hai tà thuyết đó, nhưng ông tin rằng thân xác là một chất, một vật hoặc thực thể riêng biệt và tách biệt với linh hồn. Thân xác có không gian nhưng không có suy nghĩ; tâm trí có suy nghĩ nhưng không có không gian; vì thế không có gì chung đối với chúng để hợp nhất chúng. Thực chất chúng ta chỉ là những tâm trí, những bóng ma ám ảnh những ngôi nhà thân xác của chúng ta mà thôi. Một tâm lý không thực tế và không lành mạnh nhất. Giống như thuyết nhị nguyên của Descartes, sự đầu thai coi thân xác là nơi ở tạm thời bên ngoài.

❖ Triết gia Kitô giáo đầu tiên là Justin Martyr, nhưng ông theo thuyết Platon. Ông đã gặp một Kitô hữu. Kitô hữu này đã hỏi ông với tư cách là một người theo thuyết Platon, hãy giải thích lý do thân xác tồn tại. Justin trả lời rằng chúng là hình phạt của thần linh, chỉ là hình phạt đối với tội lỗi đã phạm khi sống trong thân xác trước đây. Justin được hỏi là làm thế nào biết hoặc nhớ lại kiếp trước của mình, và câu trả lời là không biết. Kitô hữu đặt vấn đề: “Vậy thì làm sao người ta có thể bị trừng phạt, được phục hồi và được cải thiện nếu người ta không nhớ tội ác của mình?” Sau đó, Kitô hữu đã hỏi Justin hy vọng gì khi theo thuyết Platon, và Justin trả lời rằng đó là sự tự do từ mọi thân xác trên Thiên Đàng một khi các hình phạt và sự phục hồi đã hoàn tất sau khi đủ số lần đầu thai trên trái đất. Nhưng Kitô hữu hỏi: “Thiên Đường thuần túy tâm linh này có hoàn hảo chăng?” Và câu trả lời là “có.”

❖ Tại sao vậy? Bởi vì không có xác ở đó. Nhưng nếu nó hoàn hảo thì không có tội lỗi. Vậy làm thế nào các thần linh chỉ trừng phạt chúng ta bằng cách đặt chúng ta vào thân xác nếu chúng ta không phạm tội trên Thiên Đàng? Nói cách khác, trong sơ đồ đầu thai của Platon, sự khởi đầu của thân xác (hình phạt đối với tội lỗi) và sự kết thúc của thân xác (thoát khỏi thân xác trên Thiên Đàng) tự mâu thuẫn với nhau. Justin không thể trả lời câu hỏi đó. Ông đã trở thành một Kitô hữu và nhận ra rằng niềm tin mới này là một triết lý hợp lý hơn.

❖ Sự đầu thai đưa sự thích thú và kịch tính ra khỏi cuộc sống. Nếu bạn được kiểm tra lại vô hạn cho đến khi vượt qua thì không có kịch tính nào để thử nghiệm. Có kịch bản trong cuộc sống vì bạn chỉ có một cơ hội. Như một quảng cáo cũ nói: “Bạn chỉ đi lòng vòng một lần trong đời, vì vậy hãy nắm bắt sự thích thú.” Vậy thì quảng cáo này xúc phạm những người tin vào sự đầu thai.

❖ Sự đầu thai hầu như luôn đi cùng với thuyết phiếm thần. Để giải thích lý do, chúng ta cần một triết lý. Đó là vấn đề phân chia bất kỳ một hình thức thiết yếu nào, nhân một loài lên thành nhiều. Tất cả chúng ta đều có cùng một hình thức hoặc một tính chất thiết yếu – nghĩa là bản chất con người – vì tất cả các bản sao của một cuốn sách nào đó đều có cùng một hình thức cần thiết; nhưng chúng ta có nhiều về số lượng, như nhiều bản sao của cuốn sách, như chất liệu chứ không là hình thức. Hình thức là một, chất liệu là nhiều. Có nhiều bản sao tài liệu với cùng một hình thức thiết yếu. Vì thế, nếu chúng ta là một về tinh thần và nhiều người chỉ là vật chất (đó là tiền đề một), và nếu chúng ta thực chất chỉ là tinh thần (đó là tiền đề hai cho những người tin vào đầu thai), thì kết luận hợp lý là về cơ bản chúng ta chỉ là một sinh vật, chứ không nhiều sinh vật. Chúng ta là tất cả những con sóng của biển cả thiêng liêng, mọi thành phần của Thiên Chúa. Đó là thuyết phiếm thần.

❖ Sự đầu thai xúc phạm cá nhân. Với sự đầu thai, cuộc đời của bạn không duy nhất. Bạn đã từng là một người khác. Cái duy nhất của bạn là “tôi,” là tương đối và có thể trao đổi, giống như chiếc mặt nạ hoặc bộ đồng phục vậy.

❖ Không có lý lẽ hoặc bằng chứng tốt về sự đầu thai. Bằng chứng rõ ràng như ký ức từ những kiếp trước đã được xác nhận (chẳng hạn, vị trí của kho báu bí ẩn) có thể được giải thích bằng những cách khác, bằng thông tin bí mật bị rò rỉ bởi người khác, hoặc là thần giao cách cảm bởi ác thần muốn lừa dối chúng ta. Tôi thách thức bất cứ ai nghĩ rằng ý tưởng đó là lố bịch hoặc không thể chấp nhận đối với một cuộc tranh luận về thực tế của thần giao cách cảm, của linh hồn, của ác thần và sự dữ – bốn giả định mà những người theo chủ nghĩa duy vật thường phủ nhận.

PETER KREEFT

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Lễ Đức Mẹ Cát Minh, 16-07-2020

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN