Trong cách tường thuật của Thánh Gioan, các phép lạ của Chúa Giêsu được gọi là dấu lạ. Phép lạ hoá nước thành rượu tại tiệc cưới Cana là dấu lạ đầu tiên của Chúa Giêsu (x. Ga 2:1-11). Qua các dấu lạ của Ngài, vinh quang của Thiên Chúa được bày cho thế gian.
Mẹ Maria có mặt tại tiệc cưới Cana và dưới chân thập giá Chúa Giêsu, Mẹ đóng một vai trò quan trọng trong các dấu lạ của Ngài. Ðiều mang một ý nghĩa đặc biệt là Thánh Gioan đã không gọi đích danh Maria của Mẹ, Ngài chỉ gọi Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu, hoặc khi Chúa Giêsu ngỏ với Mẹ Ngài, Ngài gọi Mẹ là người đàn bà. Kiểu nói: “Hỡi bà”, hỡi người đàn bà này gợi lên niềm tôn trọng, sự vinh dự và sự trìu mến mà Chúa Giêsu muốn dành cho Mẹ Ngài, kiểu nói này ám chỉ một tư cách mới của Mẹ Maria. Mẹ không chỉ là Mẹ của Chúa Giêsu, mà còn là một thành phần của một đại gia đình, trong đó máu mủ ruột thịt không còn là quan hệ tối cần nữa. Mẹ Maria là người đàn bà vĩ đại, vì Mẹ đã tái sinh từ trên cao, Mẹ là một tín hữu trưởng thành, Mẹ là người môn đệ ra đi loan báo về Chúa Giêsu.
Là dấu chỉ, phép lạ, tại tiệc cưới Cana loan báo chính cái chết của Ngài trên thập giá. “Giờ” được Chúa Giêsu nhắc đến tại tiệc cưới Cana cũng chính là khi môn đệ yêu của Ngài là Thánh Gioan rước Mẹ Maria về nhà mình. Tại tiệc cưới Cana và dưới chân thập giá, “giờ” của Chúa Giêsu và “giờ” của Mẹ Maria hòa lẫn với nhau. Từ khởi đầu cũng như đến lúc kết thúc, Chúa Giêsu và Mẹ Ngài liên kết chặt chẽ với nhau.
Trong Tin Mừng theo Thánh Gioan, tiệc cưới là nơi ưu biệt để mạc khải, để thờ phượng và để rao giảng Tin Mừng. Ơn đức tin cũng được chia sẻ như thức ăn, thức uống. Tiệc cưới là gặp gỡ mỹ mãn liên kết của hoà bình và công lý. Ðó là nơi mà những lời hứa xưa bắt đầu thực hiện. Tại tiệc cưới Cana, người đầu tiên được nhắc đến là “Mẹ của Chúa Giêsu.” Thánh Gioan giải thích rằng: “Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài cũng được mời.” Ðưa Mẹ của Chúa Giêsu lên hàng đầu, thánh Gioan cũng muốn ám chỉ rằng: Mẹ là người khởi sự việc thực hiện lời hứa mang lại niềm hy vọng cho các dân tộc mọi thời đại. Ðiều bất ngờ nhất xảy ra trong tiệc cưới là không còn rượu nữa. Rượu vốn là một biểu tượng phong phú trong xã hội Do Thái cũng như trong truyền thống các Tiên tri. Lời quen thuộc nhất hẳn phải là lời sau đây của Tiên tri Isaia: “Trên núi này, Thiên Chúa các đạo binh sẽ dọn ra cho mọi dân tộc một bữa tiệc đầy thức ăn và rượu hảo hạng. Thức ăn thì ê hề, rượu thì dư dật” (Is 25:6). Rượu là niềm vui, là niềm hy vọng, là sự phong phú, là công lý, là sự thực hiện những lời hứa, vậy mà tại tiệc cưới Cana, họ hết rượu, điều mà mọi người chờ đợi từ lâu đã hết sạch. Ðây là giờ của rượu mới, giờ của tình yêu mới, giờ của sự sống mới. Chính tại tiệc cưới này mà giờ đã khởi đầu, và chính Mẹ của Chúa Giêsu là người đã báo động về tình hình và cầu cứu với Ngài. Chúa Giêsu đã có phản ứng khiến chúng ta phải ngạc nhiên. Ngài nói với Mẹ với một giọng điệu xem ra rất lạnh lùng: “Hỡi bà, việc đó can gì đến bà và con, giờ của con chưa đến” (Ga 2:4).
Hơn ai hết, Mẹ Maria hiểu Chúa Giêsu nói đến giờ nào. Tuy nhiên, niềm tin và sự phó thác của Mẹ nơi Chúa Giêsu đã cho Mẹ thấy trước những gì Ngài sẽ làm cho nên Mẹ đã đi thẳng đến với những người giúp việc, và bảo họ làm tất cả những gì Chúa Giêsu truyền dạy. Mẹ bảo những người giúp việc phải vâng lời Chúa Giêsu con Mẹ. Lời của Ngài là luật mới, là cách sống mới, là lời kêu gọi hoán cải và cách vâng phục. Sự vâng phục là chìa khóa mang lại công lý, là hoà bình. Thánh Gioan gọi các gia nhân trong tiệc cưới là những người phục vụ, tức là những người lo cho người nghèo. Ðây cũng là từ được thánh Gioan sử dụng để chỉ các tín hữu và các môn đệ của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cũng đã sử dụng từ ấy nói về những người bạn đích thực của Ngài: “Ai muốn phụng sự Ta, hãy đến và theo Ta. Và Ta ở đâu thì kẻ phụng sự Ta cũng ở đó. Nếu ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh người đó” (Ga 12:26). Từ phụng sự này nói lên mối quan hệ mật thiết giữa Chúa Giêsu và chúng ta. Chỉ có những người phụng sự này mới biết được rượu mới từ đâu đến, và biết được rằng rượu mới ngon hơn rượu cũ, họ tuân phục lời Chúa, họ theo lời chỉ bảo của mẹ Ngài. Các chum nước dùng cho việc thanh tẩy giờ đây đã biến thành rượu hảo hạng. Giờ đây sẽ không còn sự thanh tẩy theo lề luật cũng chẳng còn lề luật nữa. Một trật tự mới được thiết lập, một công cuộc sáng tạo mới đã được thực hiện, một phụng vụ mới đã khởi đầu.
Dấu lạ đầu tiên của Chúa Giêsu đã diễn ra theo lời yêu cầu của Mẹ Maria. Mẹ Maria quả đã mở ra một truyền thống mới. Chúa Giêsu đã theo lệnh của Mẹ Ngài. Từ nay, mỗi khi Giáo Hội và cộng đồng tín hữu Kitô quan tâm đến những người túng thiếu thì đó chính là lúc Chúa Giêsu thực hiện các dấu lạ.
Sau tiệc cưới tại Cana, Chúa Giêsu cùng với Mẹ Ngài và các môn đệ đi xuống thành Capharnaum. Thánh Gioan chỉ muốn nói với chúng ta rằng: “Mẹ Maria đi theo Chúa Giêsu trong suốt sứ vụ công khai của Ngài. Mẹ là Ðấng đã mang Ngôi Lời vào trong thế gian, giờ đây Mẹ đồng hành với Ngài và ở với Ngài cho đến cùng, nghĩa là cho đến giờ vinh quang của Ngài. Mẹ luôn có mặt bên cạnh Ngài. Mẹ đi vào những chọn lựa quyết định và hành động của Ngài.
Tại tiệc cưới Cana, Mẹ Maria đóng một lúc hai vai trò: Mẹ vừa tỏ cho Chúa Giêsu biết các nhu cầu của cộng đồng, Mẹ cũng vừa bảo cộng đồng, nhất là những kẻ phụng sự cộng đồng hãy tuân giữ lời Ngài. Là người tôi tớ phục vụ, Mẹ không ngừng có mặt bên cạnh những người phục vụ. Mẹ biết con người cần gì. Mẹ biết khi nào tự do, công lý, hy vọng và phẩm giá con người cạn kiệt. Mẹ biết rằng, cách thế duy nhất để mang lại sự sống sung mãn là làm đầy các chum chứa nước, là làm theo những gì Chúa Giêsu truyền dạy. Trong nhà tiệc, đằng sau hậu trường, nhưng chính những người giúp việc mới là những kẻ đã chuẩn bị những gì cần thiết để dấu lạ diễn ra.
Nước Chúa không xa lạ với cuộc sống con người. Nước Chúa gắn liền với cái ăn, cái uống, cái mặc, sự sống còn và phẩm giá con người. Nước ấy đòi hỏi lòng cảm thông, sự chia sẻ.
Ngày nay, Mẹ Maria tiếp tục hiện diện trong Giáo Hội. Mẹ thúc giục Giáo Hội tỉnh thức để nhận ra các nhu cầu của con người thời đại, và Mẹ dạy Giáo Hội làm theo tất cả những gì chúa Giêsu dạy.
Nước sẽ biến thành rượu, đau khổ sẽ thành hân hoan, niềm tin sẽ bừng dậy trong tâm hồn con người. Mẹ luôn hiện diện trong Giáo Hội để không ngừng khơi dậy niềm hy vọng ấy.
R. Veritas