Vatican cho biết Đức TGM Carlo Maria Viganò, cựu Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, đã bị rút phép thông công sau khi bị kết tội ly giáo.
Bộ Giáo Lý Đức Tin tuyên bố trong một thông cáo báo chí ngày 5-7-2024 rằng các thành viên của Bộ Giáo Lý Đức Tin đã họp ngày 4-7-2024 để hoàn tất thủ tục hình sự ngoài tư pháp đối với TGM Viganò, người bị cáo buộc “tội ly giáo.”
Bộ Giáo Lý Đức Tin viết: “Những tuyên bố công khai của ông thể hiện việc ông từ chối công nhận và phục tùng Đức Thánh Cha, từ chối hiệp thông với các thành viên của Giáo hội phục tùng ngài, cũng như tính hợp pháp và huấn quyền của Công Đồng Vatican II.”
PHẠM TỘI LY GIÁO
Bộ Giáo Lý Đức Tin cho biết: “Khi kết thúc quá trình hình sự, TGM Carlo Maria Viganò đáng kính nhất đã bị kết tội về tội ly giáo.”
Do đó, Bộ Giáo Lý Đức Tin tuyên bố TGM Viganò tự động bị vạ tuyệt thông theo Giáo Luật. “Quyết định này đã được thông báo tới TGM Viganò ngày 5-7-2024. Việc bỏ kiểm duyệt trong những trường hợp này được dành cho Tòa Thánh.”
TGM Viganò 83 tuổi, người Ý, từng làm tổng thư ký tại văn phòng điều hành Vatican từ năm 2009 đến 2011 trước khi được bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ từ năm 2011 cho đến khi nghỉ hưu năm 2016. Trước đây ông từng là quan sát viên thường trực của Hội Đồng Âu Châu và là Sứ Thần Tòa Thánh tại Nigeria trước khi trở lại Rôma với tư cách là quan chức của Phủ Quốc Vụ Khanh năm 1998.
Trong một bài đăng ngày 20-6-2024 trên X, TGM Viganò đã công bố một lá thư mà ông nói rằng ông nhận được từ Bộ Giáo Lý Đức Tin qua email thông báo cho ông về phiên tòa ngoại lệ. Bức thư được viết tại văn phòng phẩm của Bộ Giáo Lý Đức Tin và có chữ ký của Đức Ông John Kennedy, thư ký bộ phận kỷ luật của Bộ Giáo Lý Đức Tin, cho biết TGM Viganò đã được triệu tập đến văn phòng của bộ vào ngày 20-6-2024 để nghe “những cáo buộc và bằng chứng chống lại ông về tội ly giáo mà ông bị cáo buộc.”
TGM Viganò sau đó nói trên mạng xã hội rằng ông từ chối đến văn phòng hoặc đối mặt với các cáo buộc vì ông không công nhận quyền hành của Bộ Giáo Lý Đức Tin, Bộ Trưởng hoặc ĐGH Phanxicô.
TGM Viganò hoạt động tích cực trên mạng xã hội và thường xuyên viết trên blog của hội “Exsurge Domine,” [*] nơi ông tiếp tục lên tiếng về sự phản đối của mình đối với ĐGH Phanxicô và Công Đồng Vatican II.
CHỈ TRÍCH VATICAN II VÀ PHÊ PHÁN ĐGH PHANXICÔ
Ví dụ, trong một lá thư năm 2020 do TGM Viganò viết và đăng trên trang “Inside the Vatican,” ông nói rằng “không thể phủ nhận rằng từ Vatican II trở đi, một Giáo hội song song đã được xây dựng, chồng lên nhau và hoàn toàn trái ngược với Giáo hội đích thực của Chúa Kitô.”
TGM Viganò cũng đã viết trong một bài đăng trên X hồi tháng 11-2023 nói rằng “sự không tương thích” của ĐGH Phanxicô với chức năng của giáo hoàng “xác nhận sự thiếu đồng thuận của ngài trong việc đảm nhận chức vụ giáo hoàng,” nhưng ông nói rõ rằng những bình luận của ông không nên được đưa ra có nghĩa là ông chia sẻ quan điểm của những người theo chủ nghĩa ly khai.
Phản ứng với lá thư nhận được từ Bộ Giáo Lý Đức Tin về phiên tòa, TGM Viganò viết: “Tôi coi những cáo buộc chống lại tôi là một vinh dự.” Trong một bài đăng trên blog được xuất bản ngày 20-6-2024, TGM Viganò viết rằng lời cáo buộc chống lại ông được đưa ra nhằm đặt câu hỏi về tính hợp pháp của ĐGH Phanxicô và Công Đồng Vatican II xác nhận rằng “giáo hội đồng nghị” do Đức Giáo Hoàng cổ võ là di căn của “bệnh ung thư ý thức hệ, thần học, đạo đức và phụng vụ” của Vatican II.
Ông tiếp tục viết rằng ông không muốn “bất kỳ sự hiệp thông giáo hội nào” với giáo hoàng hoặc những người cộng tác với ngài, nhưng tuyên bố rằng ông vẫn “hiệp thông hoàn toàn với Giáo hội Tông truyền Công giáo La Mã” và huấn quyền của các giáo hoàng.
Giáo Luật định nghĩa ly giáo là “từ chối phục tùng Đức Thánh Cha hoặc từ chối hiệp thông với các thành viên của Giáo hội phục tùng ngài.”
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ OSV)
[*] Exsurge Domine là sắc lệnh do ĐGH Leo X ban hành ngày 15-6-1520 để đáp lại những lời của Martin Luther chống lại chế độ giáo hoàng được nêu trong 95 bài viết của ông. Mặc dù sắc lệnh không trực tiếp chỉ trích tất cả các quan điểm của Luther, nhưng nó đặc biệt yêu cầu Luther rút lại 41 trong số 95 luận đề của mình cũng như các “sai lầm” được chỉ định khác trong vòng 60 ngày kể từ ngày xuất bản ở các vùng lân cận Sachsen. Thời gian này hết hạn vào ngày 10-12-1520, đó là ngày Luther đốt bản sao sắc lệnh này cùng với các bộ giáo luật. Vì Luther từ chối tuân phục nên ngày 3-1-1521, giáo hoàng đã ra vạ tuyệt thông đối với ông: Decet Romanum Pontificem.