Home / Chia Sẻ / TUYỆT ĐỐI

TUYỆT ĐỐI

TUYỆT ĐỐIChỉ một mình Thiên Chúa tuyệt đối, chứ chẳng có gì tuyệt đối trên thế gian này. Cũng hợp lý, bởi vì thế gian là “cõi tạm” – nơi để trú ngụ, tạm trú, chứ không phải “nhà” của mình, thế nên không thể có gì bền vững, nếu có thì làm sao tồn tại mãi?

Tuyệt đối là hơn hết, toàn vẹn, không lệ thuộc người khác hoặc cái khác, và không gì có thể đối lại. Vị đó chỉ có thể là Thiên Chúa, đúng như lời mời gọi của Thánh Vịnh gia: “Hỡi ai nương tựa Đấng Tối Cao và núp bóng Đấng quyền năng tuyệt đối, hãy thưa với Chúa rằng: Lạy Thiên Chúa, Ngài là nơi con náu ẩn, là đồn luỹ chở che, con tin tưởng vào Ngài” (Tv 91:1-2).

Ngoại trừ Thiên Chúa, mọi thứ đều là “tuyệt đối tương đối” và chỉ “tương đối tuyệt đối” mà thôi. Và cũng chỉ có Lời Chúa là tuyệt đối, bất cứ điều gì Ngài tiên báo đều xảy ra đúng từng chi tiết, chúng ta gọi đó là ứng nghiệm. Trong Kinh Thánh,từ ngữ “ứng nghiệm”được nhắc tới rất nhiều lần (Đnl 18:22, Gs 21:45, Gs 23:14, Gs 23:15, Tl 9:57, 2 S 22:31, 1 V 22:27, 1 V 12:15, 1 V 13:32, 2 V15:12, 2 Sbn 1:9, 2 Sbn 10:15, 2 Sbn 36:22, Et 1:1, Tb 14:4, Tb Tv 105:19, Tv 119:140, Mt 1:22, Mt 2:15, Mt 2:17, Mt 2:23. Mt 4:14, 8:17, Mt 12:17, Mt 13:14, Mt 13:35, Mt 21:4, Mt 26:54, Mt 26:56, Mt 27:9, Mc 14:49, Mc 15:28, Lc 1:20, Lc 4:21, Lc 21:22, Lc 22:37, Lc 24:44). Các Kitô hữu– nói chung, và các tín hữu Công giáo – nói riêng, chẳng còn xa lạ gì với hai từ “ứng nghiệm” – vì thường xuyên nghe nói tới, đặc biệt là khi đọc Kinh Thánh hoặc sách đạo đức.

Có những người nói là vô thần, không tin chi cả, thế nhưng lại thắp nhang khấn vái, thế thì duy tâm chứ đâu có duy vật. Tự đánh lừa chính mình hay có dụng ý gì? Xưa nay có nhiều người được gọi là tiên tri vì họ có khả năng biết trước nhiều điều, nhưng thật ra họ cũng chỉ là dạng “hên xui” – cái đúng cái không, chẳng qua chỉ là ngẫu nhiên mà thôi. Vài năm trước đây,cụ thể là ngày 21-12-2012, người ta dao động vì được dự báo là “ngày tận thế”, nhưng rồi chẳng có gì xảy ra, chẳng khác gì chuyện dự báo thời tiết hằng ngày. Hên xui! Người được thiên hạ tin rần rần như Nostradamus (1503-1566, Pháp) hoặc người mù Baba Vanga (1911-1996, Ottoman), nhưng cũng chẳng dám chắc như đinh đóng cột. Hên xui!

Tuy nhiên, Thiên Chúa nói hoặc báo trước điều gì thì y như rằng là tuyệt đối chính xác, mọi thứ đều xảy ra đúng từng chi tiết. Chính Chúa Giêsu đã xác định: “Trước khi trời đất qua đi thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5:18), và “tất cả những gì các ngôn sứ đã viết về Con Người sẽ được hoàn tất” (Lc 18:31). Tất cả đều hoàn toàn chính xác tới mức tuyệt đối!

Luật Chúa là luật thánh, là chân lý (Tv 119:142), và là đường lối của Ngài. Đường lối đó luôn đầy ắp “yêu thương và thành tín” (Tv 25:10). Liên quan vấn đề luật, ngôn sứ Nơ-khe-mi-acho biết: “Hôm ấy là ngày mồng một tháng thứ bảy, ông Ét-ra cũng là tư tế đem sách Luật ra trước mặt cộng đồng gồm đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. Ông đứng ở quảng trường phía trước cửa Nước, đọc sách Luật trước mặt đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. Ông đọc từ sáng sớm tới trưa, và toàn dân lắng tai nghe sách Luật. Kinh sư Ét-ra đứng trên bục gỗ đã đóng sẵn để dùng vào việc này. Bên cạnh ông, phía tay mặt, có các ông: Mát-tít-gia, Se-ma, A-na-gia, U-ri-gia, Khin-ki-gia và Ma-a-xê-gia; phía tay trái, có các ông: Pơ-đa-gia, Mi-sa-ên, Man-ki-gia, Kha-sum, Khát-bát-đa-na, Dơ-khác-gia và Mơ-su-lam. Ông Ét-ra mở sách ra trước mặt toàn dân, vì ông đứng cao hơn mọi người. Khi ông mở sách ra thì mọi người đứng dậy” (Nkm 8:2-5). “Đứng dậy” là động thái bày tỏ lòng kính trọng, vì đó là nghe đọc Thánh Luật của Thiên Chúa.

Ai yêu mến luật Chúa sẽ được “hưởng an bình thư thái, chẳng còn lo gặp chướng ngại nào” (Tv 119:165). Sau đó, ông Ét-ra chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa vĩ đại, và toàn dân giơ tay lên đáp rằng: “Amen! Amen!” (Nkm 8:6). Rồi họ sấp mặt sát đất mà thờ lạy Đức Chúa. Một cảnh tượng tạo cảm giác kỳ lạ, xúc động và tôn nghiêm biết bao!

Có những điều có thể tự hiểu, nhưng có những điều cần lời giải thích. Luật Chúa và Kinh Thánh không thể hiểu hoặc giải thích theo ý riêng để tự biện hộ hoặc làm lợi cho mình. Thời kỳ cuối là giai đoạn đáng quan ngại, bởi vì xuất hiện nhiều tiên tri giả – Kinh Thánh gọi họ là những tên phản-Kitô. Vì thế, càng phải cảnh giác cao độ hơn bao giờ hết – chẳng hạn như cái gọi là Sứ Điệp Từ Trời, Sách Sự Thật, Giáo Hội Mẹ Đức Chúa Trời,… Internet như con dao hai lưỡi, tốt cho người cẩn trọng và khôn ngoan, nhưng nguy hiểm cho người nhẹ dạ cả tin.

Sau đó, ngôn sứ Nơ-khe-mi-a cho biết thêm: Ông Ét-ra và các thầy Lê-vi đọc rõ ràng và giải thích sách Luật của Thiên Chúa, nhờ thế mà toàn dân hiểu được những gì các ông đọc. Bấy giờ ông Nơ-khe-mi-a, tổng đốc, ông Ét-ra, tư tế kiêm kinh sư, cùng các thầy Lê-vi là những người đã giảng giải Luật Chúa cho dân chúng, nói với họ rằng: “Hôm nay là ngày thánh hiến cho Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, anh em đừng sầu thương khóc lóc” (Nkm 8:9). Sở dĩ ông nói vậybởi vì toàn dân đều khóc khi nghe lời sách Luật.Rồi ông Ét-ra còn nói với dân chúng: “Anh em hãy về ăn thịt béo, uống rượu ngon và gửi phần cho những người không sẵn của ăn, vì hôm nay là ngày thánh hiến cho Chúa chúng ta. Anh em đừng buồn bã, vì niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh em” (Nkm 8:10). Sức mạnh cần cho cả thể lý và tinh thần, nhưng phải “mạnh mẽ trong ân sủng của Đức Kitô Giêsu” (2 Tm 2:1). Để làm gì? Mạnh mẽ và kiên cường (1 Pr 5:10) để kiên trì chịu đựng tất cả (Cl 1:11).

Là con người, là Kitô hữu, được tuân giữ Thánh Luật là niềm hạnh phúc, vìThánh Vịnh gia đã xác định: “Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn. Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng. Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời” (Tv 19:8-9). Bất cứ quốc gia nào cũng có luật pháp – gọi là quốc pháp, gia đình nhỏ cũng có quy luật – gọi là gia phong, và dù chỉ một nhóm nhỏ cũng cần có nội quy nghiêm túc. Nhưng đôi khi các luật đó không phù hợp lòng người, khiến dân chúng khổ sở. Nhưng Thánh Luật của Chúa lại làm cho người ta hoan lạc:“Lòng kính sợ Chúa luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời. Quyết định Chúa phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh” (Tv 19:10). Luật đời có thể thay đổi tùy hoàn cảnh để hợp lòng dân – đừng quên rằng “quan nhất thời, dân vạn đại”, kể cả Giáo Luật cũng có thể thay đổi (ví dụ: sáu điều luật của Giáo Hội nay là năm – 5 điều mà nhiều hơn 6, vì rút gọn mà lại thêm một chút), nhưng Luật Chúa thường tồn bất biến, không hề thay đổi: “Trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5:18).

Thật là hạnh phúc khi tuân giữ Thánh Luật, và cũng thật hạnh phúc nếu biết thân thưa với Chúa: “Lạy Chúa là núi đá cho con trú ẩn, là Đấng cứu chuộc con, cúi xin Ngài vui nhận bấy nhiêu lời miệng lưỡi thân thưa, và bao tiếng lòng con thầm thĩ mong được thấu đến Ngài” (Tv 19:15). Ngài luôn mong chúng ta như thế để Ngài đại lượng thi ân giáng phúc. Ngài không muốn ai đau khổ, có đau khổ là tại chúng ta – do tự mình hoặc người khác làm khổ mình (tính liên đới).

Rất cụ thể và dễ hiểu với lối so sánh của Thánh Phaolô: “Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.Thật vậy, thân thể gồm nhiều bộ phận, chứ không phải chỉ có một mà thôi” (1 Cr 12:12-14). Tất cả chúng ta đều bất trác và bất túc, tương đối mà thôi, chỉ có Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối.

Có lẽ đây là một trong các đoạn Kinh Thánh thú vị đề cập Nhiệm Thể Đức Kitô. Thánh Phaolô nói chi tiết hơn: “Giả như chân có nói: ‘Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân thể’, thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. Giả như tai có nói: ‘Tôi không phải là mắt, vậy tôi không thuộc về thân thể’, thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi?” (1 Cr 12:15-17). Quá rõ ràng, không gì khó hiểu. Và như vậy, không có lý do gì để chúng ta dám coi thường người khác và tự đề cao mình.

Xong mà chưa hết. Có lẽ Thánh Phaolô cảm thấy chưa an tâm nên lại tiếp tục “dài hơi” giải thích thêm chút nữa:“Nhưng Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn. Giả như tất cả chỉ là một thứ bộ phận, thì làm sao mà thành thân thể được? Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một. Vậy mắt không có thể bảo tay: ‘Tao không cần đến mày’, đầu cũng không thể bảo hai chân: ‘Tao không cần chúng mày’. Hơn nữa, những bộ phận xem ra yếu đuối nhất thì lại là cần thiết nhất; và những bộ phận ta coi là tầm thường nhất, thì ta lại tôn trọng hơn cả. Những bộ phận kém trang nhã, thì ta lại mặc cho chúng trang nhã hơn hết. Còn những bộ phận trang nhã thì không cần gì cả. Nhưng Thiên Chúa đã khéo xếp đặt các bộ phận trong thân thể, để bộ phận nào kém thì được tôn trọng nhiều hơn. Như thế, không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1 Cr 12:18-25). Tính liên đới rất rõ ràng, mọi vấn đề đều có tính liên đới – kể cả tội lỗi và sự ác.

Cuối cùng, Thánh Phaolô kết luận: “Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận. Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ. Chẳng lẽ ai cũng là tông đồ? Chẳng lẽ ai cũng là ngôn sứ, ai cũng là thầy dạy sao? Chẳng lẽ ai cũng được ơn làm phép lạ, ai cũng được ơn chữa bệnh sao? Chẳng lẽ ai cũng nói được các tiếng lạ, ai cũng giải thích được các tiếng lạ sao?” (1 Cr 12:27-30).

Một hình khối có nhiều mặt, nhiều góc và nhiều cạnh, mỗi người như một phần trong khối tổng thể đó. Ai cũng có “biệt tài” về một hay vài lĩnh vực nào đó, ai cũng là khí cụ được Thiên Chúa dùng để thực hiện một sứ vụ nào đó để tôn vinh Ngài. Ai được ơn riêng nào thì cũng đều là hồng ân, là để phục vụ vì công ích, không ai có quyền “chảnh” hoặc “ngộ nhận” là mình giỏi hơn người. Tất cả chúng ta chỉ là những chi thể nhỏ bé trong Nhiệm Thể Đức Kitô vĩ đại. Và tất cả đều là hồng ân và tặng phẩm từ Thiên Chúa, còn chúng ta chỉ là số-không-to-lớn-rỗng-tuếch. Dại mới chảnh, ngu mới kiêu sa!

Trình thuật Lc 4:14-21 có vẻ ngắn gọn với lời tường thuật của Thánh sử Luca: Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giêsu trở về miền Galilê, và tiếng tăm Ngài đồn ra khắp vùng lân cận. Ngài giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh. Rồi Đức Giêsu đến Nadarét, là nơi Ngài sinh trưởng. Ngài vào hội đường như Ngài vẫn quen làm trong ngày Sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Ngài cuốn sách ngôn sứ Isaia.

Hôm đó, Chúa Giêsu mở Sách Thánh ra, gặp đoạn chép rằng: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4:18-19). Đây là đoạn Tin Mừng quan trọng, đề cập sứ vụ công khai của Đức Kitô. Ít chữ, ít câu, ngắn gọn mà súc tích.

Tình trạng hiện thực (nên trọn hoặc ứng nghiệm) là điều quan trọng trong cuộc đời, đặc biệt là những điều tốt lành. Muốn hiện thực thì phải thực hiện. Cụ thể trong xã hội đời thường, có lẽ điều ứng nghiệm tuyệt vời là ứng nghiệm về công lý và hòa bình – nhất là trong xã hội ngày nay: “Tin Mừng đến với người nghèo hèn, các tù nhân được phóng thích, người mù được sáng, người bị áp bức được tự do”. Không gì hạnh phúc hơn khi chúng ta được Đức Kitô giải thoát, đó là hồng ân cao cả và tuyệt vời biết bao!

Sau đó, Đức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Ngài bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4:21). Và mỗi chúng ta cũng có nhiệm vụ phải “loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, ân xá cho kẻ bị giam cầm, phóng thích cho những tù nhân” (x. Is 61:1). Thực hiện những điều đó là thương xót tha nhân, và Thiên Chúa sẽ ân thưởng.

Chuyện kể rằng Thiên Chúa muốn thưởng công cho Thánh Lm Ts Thomas Aquino (1225-1279, lễ ngày 28-1)– vì công trạng của thánh nhân to lớn, đặc biệt là bộ Tổng Luận Thần Học, nênNgài hỏi muốn được thưởng gì,và thánh nhân trả lời: “Non nisi Te, Domine – Chỉ Ngài thôi, lạy Chúa”.Đó là tiêu chuẩn tuyệt đối, và ước gì đó cũng là tâm nguyện tuyệt đối của mỗi chúng ta – các Kitô hữu Công giáo, vì chỉ có Thiên Chúa là tặng phẩm tuyệt đối.

Và cũng hãy ghi nhớ lời khuyên của Thánh Lm Gioan Vianney (Jean-Baptiste-Marie Vianney, 1786-1859, lễ ngày 4-8): “Chúng ta đừng bao giờ quên mất điều này: chúng ta sẽ là những vị thánh hoặc là những kẻ bị loại bỏ; chúng ta phải sống vì nước trời hoặc sống vì hỏa ngục. Không có con đường trung lập. Anh em thuộc trọn về thế gian hoặc thuộc trọn về Thiên Chúa. Giả như người ta cũng làm được cho Thiên Chúa những gì họ đã làm cho thế gian, thì số các tín hữu lên thiên đàng sẽ đông đảo biết mấy”.

Lạy Thiên Chúatoàn năng và tuyệt đối,xin liên kết chúng controng Ngài, trong tình huynh nghĩa đệ với tha nhân, và sống hiệp nhất yêu thương trong Đại Gia Đình Quốc Tế – đa đại đồng đường. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên-Chúa-Làm-Ngườivà Đấng Cứu Độ của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …