Home / Chia Sẻ / TUYÊN NGÔN TÂM LINH

TUYÊN NGÔN TÂM LINH

TUYÊN NGÔN TÂM LINHKhi nói đến tuyên ngôn, người ta thường nghĩ ngay tới tuyên ngôn độc lập của một quốc gia. Bài thơ tứ tuyệt “Nam Quốc Sơn Hà” được coi là tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam – không rõ tác giả, nhưng thường được coi là của Lý Thường Kiệt, sau đó có “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi.

Tâm linh cũng có bản tuyên ngôn đặc biệt: Bát Phúc, tức là Tám Mối Phúc – cũng gọi là Bài Giảng Trên Núi hoặc Hiến Chương Nước Trời. Trong Cựu ước có Thập Giới – tức là Mười Điều Răn, theo hướng “tiêu cực” một chút: ĐỪNG làm điều này, CHỚ làm điều nọ, CẤM làm điều kia. Tân ước có Bát Phúc, theo hướng “tích cực” hơn: PHÚC cho ai làm điều này hoặc thực hành điều kia. Cựu ước và Tân ước “song song” với nhau, có vẻ nghịch mà vẫn thuận – không hề đối lập.

Độc lập là tình trạng không lệ thuộc ai, nghĩa là được tự do. Có tự do là có hạnh phúc. Tự do tâm linh cần thiết hơn, vì không còn lệ thuộc tội lỗi nữa. Cả Cựu ước và Tân ước đều hướng con người về Chân-Thiện-Mỹ để có được bình an và tự do đích thực. Tự do không có nghĩa là phóng túng, xả láng, mà là tự do quyết định: sống theo luật hay không theo luật. Tự do sống theo luật Chúa là tự do làm theo ý Chúa, và chính “sự tự ép mình” đó lại chính là sự tự do đích thực – tự do yêu mến.

Quả thật, “Công Lý Chúa trường tồn, Luật Chúa là Chân Lý.” (Tv 119:142) Thật tuyệt vời đối với lời xác định của Thánh Gioan Tông Đồ: “Yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người. Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu, vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian.” (1 Ga 5:3-4) Những người tin theo Chúa luôn “vui thú với Luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày,” (Tv 1:2) họ “thích làm theo Thánh Ý và ấp ủ Luật Chúa trong lòng.” (Tv 40:9) Như vậy là hạnh phúc, vì “kẻ yêu luật Chúa hưởng an bình thư thái, chẳng còn lo gặp chướng ngại nào.” (Tv 119:165) Hoàn toàn độc lập và tự do.

Con người như con ngựa chứng ngang bướng, thường ảo tưởng về mình nhưng lại yếu đuối và sa ngã. Sách Xô-phô-ni-a có lời hiệu triệu: “Hỡi tất cả những ai nghèo hèn trong xứ sở, những kẻ thi hành mệnh lệnh của Đức Chúa, anh em hãy tìm kiếm Người; hãy tìm sự công chính, hãy tìm đức khiêm nhường thì may ra anh em sẽ được che chở trong ngày thịnh nộ của Đức Chúa.” (Xp 2:3) Lời hiệu triệu này cũng chính là lời cảnh báo dành cho mỗi chúng ta ngày nay, chẳng trừ ai. Lời đó như “chiếc hàm thiếc” kiềm chế con ngựa vậy.

Là Đấng công minh và chính trực, Thiên Chúa chỉ yêu quý những ai sống khiêm nhường. Vì thế, Ngài xua đuổi những kẻ kiêu căng tự đắc, triệt hạ kẻ ngông nghênh tự phụ, như Ngài đã nói thẳng với dân Ít-ra-en: “Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh Đức Chúa. Số dân Ít-ra-en còn sót lại sẽ không làm chuyện tàn ác bất công, cũng không ăn gian nói dối và miệng lưỡi chúng sẽ không còn phỉnh gạt. Nhưng chúng sẽ được chăn dắt và nghỉ ngơi mà không còn bị ai làm cho khiếp sợ.” (Xp 3:12-13) Thà có ít người mà tốt lành còn hơn nhiều người mà toàn thứ dở hơi, xấu xa, độc ác, giả hình,… Kinh Thánh xác định: “Người triệt hạ kẻ ăn nói kiêu căng và cứu vớt ai khiêm nhường cúi mặt.” (G 22:29)

Thiên Chúa toàn năng và bất biến, chính Ngài “tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó,” và “giữ lòng trung tín mãi muôn đời.” (Tv 146:6) Ngài là Đấng chí công vô tư, không thiên tư tây vị bất cứ ai, yêu quý chân lý và công lý, vì thế Ngài “xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn, giải phóng những ai tù tội, và mở mắt cho kẻ mù loà.” (Tv 146:7-8a) Thật hạnh phúc cho ai nhận biết và hết lòng tôn thờ một Thiên Chúa tốt lành như vậy.

Thánh Gioan tông đồ xác định: “Thiên Chúa là tình yêu.” (1 Ga 4:8 và 16) Vì thế, Ngài hay “mủi lòng”, luôn chạnh lòng thương những người thấp cổ bé miệng bị những kẻ ăn trên ngồi trước áp bức đủ kiểu. Mọi thời đều có lũ “đỉa người” hút máu dân lành, bóc lột tận xương tủy, áp bức tàn nhẫn mà không chút tình người. Nhưng Thiên Chúa mạnh mẽ đòi lại công lý cho họ: “Chúa cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên, Chúa yêu chuộng những người công chính. Chúa phù trợ những khách ngoại kiều, Người nâng đỡ cô nhi quả phụ, nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân.” (Tv 146:8b-9) Thiên Chúa toàn năng và quyền phép, không một thế lực hoặc thần lực nào địch nổi, vì Ngài “nắm giữ vương quyền muôn muôn thuở và hiển trị ngàn đời.” (Tv 146:10) Chắc chắn những người chịu oan ức sẽ được Ngài giải thoát kịp thời.

Vì vậy, thật diễm phúc khi được tán dương Ngài: “Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời.” (Lc 19:38) Tôn vinh Thiên Chúa không chỉ là niềm vinh dự mà còn là trách nhiệm của chúng ta – các thụ tạo của Ngài.

Nhưng vì là phàm nhân yếu đuối, chúng ta khó tránh khỏi những lúc xao lòng, dao động trước nghịch cảnh. Với lòng yêu thương, Thánh Phaolô nhắc nhở: “Thưa anh em, anh em thử nghĩ lại xem: khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái. Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người.” (1 Cr 1:26-29) Tự phụ hoặc tự mãn là do “cái tôi” quá lớn, loại gây ra các thứ tội. Nó không chỉ đáng ghét mà còn đáng sợ, thế nên Thánh Vịnh gia tha thiết kêu cầu: “Xin giữ cho tôi tớ Ngài khỏi kiêu ngạo, đừng để tính xấu này thống trị con.” (Tv 19:14a)

Phong cách sống của Chúa Giêsu luôn “khác người”, không giống ai, thậm chí là có vẻ “ngược đời”, theo dạng nghịch-lý-thuận. Thật vậy, cuộc đời Ngài luôn gắn liền với những mẫu tự T một cách lạ lùng: Trầm Tư (cầu nguyện), Thật Thà (chân lý), Thẳng Thắn (công lý), Tha Thứ (nhân hậu, thương xót), Trừng Trị (công minh). Thật tuyệt!

Một lần nữa, Thánh Phaolô xác định: “Phần anh em, chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Đức Kitô Giêsu, Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hoá và cứu chuộc anh em, hợp như lời đã chép rằng: AI TỰ HÀO THÌ HÃY TỰ HÀO TRONG CHÚA.” (1 Cr 1:30) Chỉ có điều đó mới là niềm hãnh diện cần thiết và đáng yêu thực sự.

Như đã nói trên đây, Cựu ước chú ý mệnh lệnh phủ định với chữ CẤM – tức là ép buộc, còn Tân ước chú trọng mệnh lệnh xác định với chữ NÊN – tức là khuyên răn. Rõ ràng Tân ước tích cực hơn Cựu ước, vì Tân ước không hề áp đặt hoặc bắt buộc, mọi người được sử dụng quyền tự do của mình mà chọn lựa và quyết định.

Qua trình thuật Mt 5:1-12, Thánh sử Mát-thêu cho biết rằng, khi thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Ngài ngồi xuống, và các môn đệ đến gần. Rồi Ngài dạy dỗ họ 8 điều khoản ngắn gọn để làm kim chỉ nam cho cuộc sống:

Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.

 

Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

Và rồi Ngài còn nói thêm: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.” (Mt 5:11-12) Lời này vừa là cách nhấn mạnh, vừa là lời giải thích, và cũng vừa là lời động viên những người bước theo Chúa. Bát Phúc cũng chính là Ánh Sáng soi đường dẫn lối cho các tín nhân trên bước đường lữ hành trần gian về Quê Trời, nếu không đi theo ánh sáng này thì chắc chắn sẽ lạc lối.

Đó là Bản Tuyên Ngôn Tâm Linh đầu tiên của nhân loại. Chắc chắn không có bản tuyên ngôn nào ngắn gọn và súc tích hơn nữa. Sau khi đọc Bản Tuyên Ngôn Nước Trời, vĩ nhân Gandhi (vị Cha già Đáng kính của dân tộc Ấn Độ và được tôn vinh như một thánh nhân) đã tuyên bố rằng Bài Giảng Trên Núi là bản tuyên ngôn hay nhất, và nhờ đó mà ông cảm thấy yêu mến Chúa Giêsu.

Lạy Thiên Chúa, nguyện xin Lời Chúa luôn là ngọn đèn soi bước đời chúng con và luôn là ánh sáng chỉ đường chúng con đi, (Tv 119:105) để nhờ đó chúng con biết tuân giữ các điều khoản mà Thầy Giêsu truyền dạy. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

TẤM LÒNG THANH

TẤM LÒNG THANH

  Mừng Chư Thánh Hiển Vinh Nơi Thiên Quốc Xót Các Hồn Thanh Luyện Chốn …