Home / Chia Sẻ / TƯỞNG TƯỢNG

TƯỞNG TƯỢNG

Tuong TuongTưởng tượng là gì? Chắc hẳn ai cũng có thể trả lời ngay rằng đó là điều KHÔNG CÓ THẬT. Tin điều “không thật” là “không tưởng” (ảo tưởng). Tức là còn nguy hiểm hơn “tưởng tượng”. Tại sao? Tưởng tượng là điều “có thật” dù đó là “không thật”, nghĩa là điều “không-thật-có-thật”. Còn ảo tưởng là điều “có-thật-không-thật”.

Nói để bạn “dễ hiểu”, đó là: Tưởng tượng cũng đa dạng, vì không phải tưởng thượng nào cũng giống nhau. Tưởng tượng là lý thuyết, là giả tạo, là không thật.

Nhưng có những dạng tưởng tượng “thật” và tưởng tượng “giả”. Có nhiều cái GIẢ và THẬT, ngay cả tiên tri cũng có tiên tri giả – tức là “ngôn sứ giả”. Kinh Thánh nhắc tới “tiên tri giả” nhiều lần, còn Kinh Thánh Việt ngữ gọi là “ngôn sứ giả” (Mt 7:15; Mt 24:11; Mt 24:24; Mc 13:22; Lc 6:26; 2 Pr 2:1; 1 Ga 4:1; 1 Ga 4:4-5; Kh 16:13Kh 19:20; Kh 20:10). Cũng vậy, theo Việt ngữ, “đểu” là giả dối, lọc lừa, mưu mô, láo phét,… Nhưng có hai dạng đểu: Đểu “thật” và đểu “giả”. Gọi là “đểu giả”, nhưng đó lại chính là dạng “đểu thật”.

Và hôm nay, tôi cũng chỉ tưởng tượng, nghĩa là “không thật”. Tuy nhiên, điều tôi tưởng tượng là có thật. Thật trong “bộ não” của tôi (thật mà ảo, và ảo mà thật), và cũng có thể “thật” trong cuộc đời bạn. Lý thuyết đó là gì? Rất nhiều lý thuyết, đây là MỘT (một chứ không hai hoặc ba,…): “Nếu được theo Chúa Giêsu MỘT NGÀY đi rao giảng thì chúng ta… thế nào?”. Vâng, chỉ một ngày thôi!

Kinh Thánh không mô tả một ngày “trung bình” của Chúa Giêsu như thế nào (làm gì, ăn uống hoặc ngủ nghỉ ra sao), nhưng chắc chắn rất giống chúng ta, vì Ngài là Thiên-Chúa-mặc-xác-phàm. Vậy chúng ta cứ tưởng tượng ra một ngày chúng ta cùng với Chúa Giêsu rảo bước đi khắp nơi và cùng nói chuyện với Đấng Cứu Thế… để xem sao!

Kinh Thánh nói khá rõ rằng Chúa Giêsu không có nhà cửa và ít vật sở hữu. Chúa Giêsu đã từng ở ngoài trời vào ban đêm và cầu nguyện. Các môn đệ cố gắng cầu nguyện mà vẫn ngủ gà ngủ gật. Nhưng Ngài vẫn yêu thương họ và không bỏ mặc họ. Đại từ “họ” (chúng nó, they, vous,…) đó là chính chúng ta.

Có một đám đông đang chờ Chúa Giêsu, họ đến từ khắp miền Giu-đê, từ Giê-ru-sa-lem, và từ miền duyên hải quanh Tia và Xi-đon. Họ đến để nghe Ngài nói và chữa bệnh. Nhiều người cố gắng chạm vào áo Ngài vì có sức mạnh xuất ra từ Ngài. Và Ngài đã chữa lành họ.

Nhìn đám đông, Ngài nói với họ về các mối phúc (Mt 5:1-12; Lc 6:20-22), Ngài bảo họ là muối, là men và là ánh sáng cho trần gian (Mt 5:13-16; Mc 9:50; Lc 14:34-35), đừng giận ghét (Mt 521-26; Lc 12:57-59), chớ ngoại tình (Mt 5:27-30), đừng ly dị (Mt 5:31-32; Mt 19:9; Mc 10:11-12; Lc 16:18), đừng thề thốt (Mt 5:33-37), không chỉ chớ trả thù (5:38-42; Lc 62:9-30) mà còn phải yêu kẻ thù (Mt 5:43-48; Lc 6:27-28,32-36). Rất đơn giản, rất phức tạp – thậm chí là nhiêu khê. Đọc thì dễ, hiểu thì khó, thực hành càng khó hơn!

Yêu thương là gì thì ai cũng biết, nhưng thế nào là yêu thương thì không phải ai cũng biết. Nghe nhiều, biết nhiều, nhưng làm chẳng bao nhiêu. Đó là một thực-tế-mất-lòng lắm!

Mỗi ngày của Chúa Giêsu có nhiều “chuyện lạ” xảy ra. Chúng ta hãy lấy Phúc Âm theo Thánh sử Luca để biết “một ngày trung bình” của Chúa Giêsu…

Có người đầy tớ của viên đại đội trưởng La Mã bị bệnh sắp chết. Ông nghe nói về Chúa Giêsu nên sai người đến xin Ngài cứu chữa. Chúa Giêsu bảo chính Ngài đến chữa nhưng viên đại đội trưởng không dám phiền như vậy, vì ông cảm thấy mình bất xứng. Chúa Giêsu nói: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế. Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 8:10-12). Rồi Chúa Giêsu nói với viên đại đội trưởng: “Ông cứ về đi! Ông tin thế nào thì được như vậy!” (Mt 8:13). Và ngay giờ đó, người đầy tớ được khỏi bệnh.

Đám đông tiếp tục theo Ngài, lắng nghe Ngài, và bàn tán rằng Ngài hứa ban Đấng Mêsia đến cứu dân. Khi Ngài bắt đầu đến cửa ngõ thành phố Na-in, người ta đang đem chôn con trai của một bà góa. Chúa Giêsu thấy và chạnh lòng thương, nên nói với người mẹ: “Bà đừng khóc nữa!” (Lc 7:13). Rồi Ngài nói với tử thi: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” (Lc 7:14). Người chết liền trỗi dậy và bắt đầu nói chuyện.

Ai nấy kinh ngạc và tôn vinh Thiên Chúa. Họ nói: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (Lc 7:16). Tin đồn về Đức Giêsu được loan truyền mau chóng tới khắp cả miền Giuđê và vùng lân cận.

Một người Pha-ri-sêu mời Chúa Giêsu đến dự tiệc tại nhà mình. Khi mọi người đang ăn tiệc, một phụ nữ “có tiếng” là tội lỗi nghe nói có Chúa Giêsu đến thì cô nàng xách theo bình dầu thơm đến nhà ông này. Cô nàng quỳ bên chân Chúa Giêsu và khóc nức nở, nước mắt nàng tưới ướt chân Chúa Giêsu, nàng lấy tóc mình mà lau. Không chỉ vậy, nàng còn hôn chân Ngài và xức dầu thơm chân Ngài.

Khi người Pha-ri-sêu thấy vậy thì nghĩ bụng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!” (Lc 7:39). Chúa Giêsu nghiem mặt nhìn ông và nói: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít” (Lc 7:44-47). Chúa Giêsu nhẹ nhàng nói với người-phụ-nữ-tội-lỗi: “Tội của chị đã được tha rồi” (Lc 7:48). Cả đám thực khách nhao nhao bàn tán: “Ông này là ai mà lại tha được tội?” (Lc 7:49). Họ có chút gì đó “không hài lòng”. Và chính chúng ta cũng vẫn thường có động thái như vậy! Nhưng Chúa Giêsu vẫn thản nhiên nói với phụ nữ kia: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an!” (Lc 7:50).

Rồi Chúa Giêsu bảo các môn đệ: “Chúng ta sang bên kia hồ đi!” (Lc 8:22). Thầy trò vui vẻ ra khơi. Đang khi thuyền lướt sóng, Đức Giêsu thiếp ngủ. Bỗng dưng một trận cuồng phong ập xuống, nước tràn vào thuyền có nguy cơ chìm. Các môn đệ lại gần đánh thức Thầy dậy và nói: “Thầy ơi, Thầy! Chúng ta chết mất!” (Lc 8:24). Ngài thức dậy, ngăm đe sóng gió, sóng gió liền ngừng và biển lặng ngay. Rồi Ngài trách các ông: “Đức tin anh em ở đâu?” (Lc 8:25a). Các ông hoảng sợ, kinh ngạc và nói với nhau: “Vậy người này là ai mà ra lệnh cho cả sóng gió, và sóng gió phải tuân lệnh?” (Lc 8:25b). Lời trách có vẻ “nhẹ” mà “đau điếng” quá chừng! Đó cũng là lời Ngài trách mỗi chúng ta đấy.

Thầy trò ghé thuyền vào vùng đất của người Ghê-ra-xa, đối diện với miền Ga-li-lê. Ngài vừa ra khỏi thuyền thì gặp người bị quỷ ám. Người này “trần như nhộng”, không ở trong nhà mà ở trong khu nghĩa địa. Hắn sấp mình van xin: “Lạy ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Tôi xin ông đừng hành hạ tôi!” (Lc 8:28). Chúa Giêsu hỏi thì nó bản nó tên là “Đạo Binh”. Ngài cho chúng nhập vào bầy heo gần đó và lao mình xuống hồ. Chết sạch! Thấy vậy, thiên hạ kinh hồn bạt vía nên xin Chúa Giêsu đi nơi khác.

Sau đó, Chúa Giêsu lại chữa khỏi chứng băng huyết cho một phụ nữ đã phải chịu đựng 12 năm sau khi chị này sờ vào áo của Ngài. Và Ngài nói với bệnh nhân: “Này chị, lòng tin của chị đã cứu chữa chị. Chị hãy đi bình an!” (Lc 8:48). Rồi tiếp tục cải tử hoàn sinh con gái của ông Gai-ia. Người ta bảo con gái ông chết rồi, đừng làm phiền người khác. Nhưng Chúa Giêsu bảo ông: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (Lc 8:50). Ngài luôn nói tới đức tin, điều đó chứng tỏ đức tin vô cùng quan trọng trong đời sống, nhất là trong đời sống tâm linh!

Khi Chúa Giêsu đem các môn đệ đi riêng với mình, lui về thành Bết-xai-đa. Đám đông dân chúng biết thế, liền đi theo Người. Người tiếp đón họ, nói với họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa. Chiều tối, các môn đệ xin Thầy giải tán dân để họ đi tìm thức ăn. Nhưng Chúa Giêsu bảo: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9:13). Coi bộ “căng” dữ nghen! Dân như kiến, như cỏ, mà chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá. Bó tay!

Chúa Giêsu dặn các môn đệ bảo dân ngồi theo nhóm, mỗi nhóm khoảng năm mươi người. Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông. Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng (Lc 9:16-17). Đó là phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất.

Cũng hôm ấy, khi Đức Giêsu cầu nguyện một mình, các môn đệ cũng ở đó với Ngài. Ngài hỏi các ông xem dân chúng nói Ngài là ai. Các ông cho Ngài biết rằng, người thì bảo Ngài là ông Gioan Tẩy Giả, người thì bảo Ngài là ông Ê-li-a, có người lại cho Ngài là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại. Ngài hỏi thẳng các ông xem họ bảo Ngài là ai. Ông Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc 9:20). Nhưng Ngài nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai, vì giờ của Ngài chưa đến.

Sau đó, Chúa Giêsu mới tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ nhất (Mt 16: 21; Mc 8:31; Lc 9:22).

Một ngày của Chúa Giêsu có vẻ khá… bình thường, nhưng lại thực sự rất khác thường, vì Ngài luôn làm điều tốt, điều thiện, cứu nhân độ thế. Còn chúng ta học được gì ở Ngài với một ngày bình thường? Làm những việc bình thường một cách phi thường, đó mới là vấn đề quan trọng và đáng lưu ý!

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN