Home / Chia Sẻ / Tử tội công chính

Tử tội công chính

 


­­TuToiCongChinhQuốc gia nào cũng có những tù nhân, đặc biệt là các tử tội. Nhưng có một tử tội đặc biệt nhất, độc nhất vô nhị, và là tử-tội-công-chính: Đức Giêsu Kitô. Nếu ở thời nay thì hẳn là người ta xử bắn Ngài, còn luật Do Thái thời đó là đóng đinh vào Thập giá.

Biết mình sắp chết thì đa số đều thấy run sợ, nhưng xử bắn “đùng” một cái thì cũng… không đáng sợ lắm. Vả lại, ngày nay người ta còn cho tử tội ăn thỏa thích trước khi chết. Còn Chúa Giêsu, không được ăn, có chăng là chút giấm chua, lại còn bị sỉ nhục, hành hạ, vác thập giá khi bụng đói – vì bị bắt từ đêm hôm trước, sáng hôm sau bị xử, rồi tự vác thập giá đi đến chiều, không hề được ăn uống gì. “Đặc biệt” hơn là Ngài phải vác thập giá, còn các tử tù khác đâu phải vác. Người ta quá ghét Chúa Giêsu, ghét hết mức, ai cũng ghét!

Người Do Thái nói: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: Ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa” (Ga 10:33), và “Chúng tôi có Lề Luật, chiếu theo Lề Luật thì nó phải chết, vì nó đã xưng mình là Con Thiên Chúa” (Ga 19:7). Có lẽ chúng ta chê dân Do Thái cứng lòng tin và độc ác, nhưng nếu là chúng ta ngày nay thì hẳn là Chúa Giêsu bị đánh tại chỗ chứ không tìm cách bắt lúc khác như dân Do Thái đâu. Họ làm sao hiểu ngay khi con hai ông bà thợ mộc ở một xóm lao động nghèo mà lại bảo là Con Thiên Chúa? Khó tin lắm chứ! Thế nên họ cho là Chúa “lộng ngôn”. Thanh niên ngày nay sẵn sàng thượng cẳng chân hạ cẳng tay hoặc rút dao đâm ngay nếu ai đó nói “sốc”, thậm chí có người “ra tay” chỉ vì nhìn ngứa mắt, nghĩa là họ không làm gì nên tội cũng đánh chơi vậy!

Người ta luôn nói: “Đa số hơn thiểu số”. Nhiều người đồng ý thì đó là đúng, là chân lý, ít người đồng ý thì đó là sai. Đó là luật bất thành văn mà mọi người đều công nhận – vừa mặc nhiên vừa minh nhiên. Nhưng thực ra đâu phải đa số là đúng. Hạnh tích các thánh cho chúng ta biết đa số vẫn sai, sai vô cùng, chuyện đời thường cũng cho chúng ta thấy rõ, đặc biệt nhất là trường hợp của Tử Tội Giêsu.

Có những con người đầy ác ý. Vì không thỏa mãn nhục dục, hai kỳ mục làm chứng gian cho bà Su-san-na, nhưng Thiên Chúa đã dùng Đa-ni-en minh oan cho bà (x. Đn 13:1-62). Nhiều nhân chứng cũng đâu hẳn là đúng. Người trên muốn đè bẹp người dưới, người ỷ quyền cậy thế muốn chứng tỏ thế lực. Lý của kẻ mạnh bao giờ cũng thắng. Nhưng họ quên rằng “hàm huyết phún nhân, tiên ô tự khẩu” (ngậm máu phun người thì miệng mình dơ trước).

Ðn 3:1-20 thuật lại: “Vua Na-bu-cô-đô-nô-xo làm một pho tượng bằng vàng cao sáu mươi thước, ngang sáu thước, sai người triệu tập các thống đốc, thủ lãnh, tổng trấn, các cố vấn, các quan coi ngân khố, các luật sĩ, thẩm phán và tất cả các quan chức hàng tỉnh đến khánh thành pho tượng. Chính đức vua đã truyền rằng khi nghe tiếng tù và, tiếng sáo, tiếng đàn dây, đàn sắt, đàn cầm, tiếng kèn và đủ thứ nhạc cụ, mọi người phải sấp mình thờ lạy pho tượng vàng, và kẻ nào không sấp mình thờ lạy sẽ bị ném vào đống lửa đang cháy phừng phực. Nhưng Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô không thờ lạy pho tượng vàng nên vua Na-bu-cô-đô-nô-xo thịnh nộ. Vua lên tiếng truyền đốt lò lửa mạnh hơn gấp bảy lần và ném họ vào lò lửa, nhưng Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô không hề hấn gì”.

Và rồi vua Na-bu-cô-đô-nô-xo cất tiếng nói: “Chúc tụng Thiên Chúa của Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô, Người đã sai thiên sứ đến giải thoát các tôi tớ của Người là những kẻ đã tin tưởng vào Người”.

Bà Su-san-na được Đa-ni-en minh oan. Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô được tự do nhờ vua Na-bu-cô-đô-nô-xo nhận ra Thiên Chúa, và ông đã tuyên bố: “Ta truyền rằng bất cứ người nào thuộc bất cứ dân tộc, giống nòi, ngôn ngữ nào dám nói điều gì sai quấy, phạm đến Thiên Chúa của Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô, sẽ bị xử lăng trì, và nhà chúng sẽ trở thành đống bùn, bởi vì không có thần nào khác có thể cứu được như thế”. Những người như vậy được Chúa cứu nhãn tiền.

Còn Chúa Giêsu không được minh oan. Mà còn ai dám minh oan, vì ngay các môn đệ thân tín nhất cũng sợ bị liên lụy mà bỏ rơi Ngài rồi. Thế nên, ai có hỏi gì thì Ngài cũng chỉ im lặng, đến nỗi vị thượng tế nói: “Ông không nói lại được một lời sao?” (Mt 26:62). Nói gì khi người ta không muốn nghe, không muốn biết, không muốn hiểu? Làm đúng bị coi là sai, làm gì cũng bị xét nét, cầu nguyện thì như bị làm ngơ, nên Chúa Giêsu đã thốt lên: “Cha ơi! Sao Cha nỡ bỏ rơi con?” (Mt 27:45), nhưng Ngài vẫn nhận ra Ý Cha và sẵn sàng tuân phục. Chỉ khi được hỏi có phải là Con Thiên Chúa hay không thì Chúa Giêsu mới trả lời: “Chính ngài vừa nói” (Mt 26:64).

Người ta ghét cay ghét đắng Chúa vì cho rằng Ngài xúi giục dân chúng nổi loạn, xách động dân chúng. Họ sợ bị lấn quyền mà đổ oan cho Chúa. Cai-pha xác định: Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11:50). Thật vô lý! Tuy nhiên, đó lại là Thánh Ý Thiên Chúa mầu nhiệm: Đức Giêsu phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, mà còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối (x. Ga 11:51-52).

Trước mắt con người, Giêsu Kitô là một tử tội đáng khinh bỉ, đáng nguyền rủa, đáng bị trừng phạt và “đáng đời” – vì Ngài không bằng tướng cướp tử tội Baraba. Nếu chúng ta ở thời đó thì chắc gì chúng ta đã hơn dân Do Thái? Nếu vậy thì thật may là chúng ta có được một đức tin tông truyền hằng ngàn đời qua, thế mà đôi khi chúng ta vẫn không tránh được những lúc chao đảo!

Chết không là hết. Chết không là thất bại. Chết là sống muôn đời (Thánh Phanxicô Assisi). La-da-rô đã chết 4 ngày, nặng mùi rồi, thế nhưng ông liền ra khỏi mồ khi Chúa Giêsu gọi đích danh (x. Ga 11:43). Và rõ ràng nhất là “tử tội” Giêsu khả dĩ phục sinh khải hoàn – dù có những người không muốn tin và phao tin đồn nhảm!

Lạy Chúa Giêsu, vì vâng lời Chúa Cha và vì muốn cứu độ chúng con mà Ngài phải chết nhục nhã ê chề, xin nâng đỡ và hướng dẫn chúng con biết chết cho chính tội lỗi của mình để cùng phục sinh với Ngài. Xin hiệp nhất chúng con và quy chúng con về một mối. Xin cho chúng con nhận ra nhiều cách phụng sự Chúa, và xin đừng để những cách đó trở thành vô ích. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …