Home / Chia Sẻ / TU DƯỠNG MÙA VỌNG

TU DƯỠNG MÙA VỌNG

TU DƯỠNG MÙA VỌNG2Tôi vừa buồn vừa ngạc nhiên khi nghe một cha xứ nói rằng một giáo dân nữ dọa rời bỏ Giáo Hội Công giáo vì một bài giảng phản đối đồng tính trong một Thánh Lễ Chúa Nhật vài tuần trước. Điều tôi nói trong bài giảng khiến cô ấy tức giận vậy sao? Tôi chỉ nhắc nhở cộng đoàn rằng Kitô hữu chúng ta sống trong thế giới tội lỗi ngày nay được mời gọi hoán cải tận gốc, kết hiệp với Đức Kitô, và cầu xin ơn hoán cải cho các tội nhân. Tôi minh họa bằng nhu cầu cần thiết cho việc cầu nguyện và hy sinh của chúng ta là cuộc diễn hành đồng giới.

Có ba điều về giáo dân nữ này và lời dọa rời bỏ Giáo Hội vì bài giảng của tôi kêu gọi hoán cải và cầu nguyện. Thứ nhất, cô ấy đi lễ để tôn thờ Thiên Chúa. Thứ hai, cô ấy muốn tôn thờ Thiên Chúa nhưng không muốn được hướng dẫn. Thứ ba, cô ấy bỏ lễ với sự tức giận thách thức sự thật chứ không với sự bình an.

Chúng ta cũng đánh mất sự bình an của Thiên Chúa khi chúng ta cố gắng tôn thờ Thiên Chúa mà không ngoan ngoãn và không sẵn sàng để được Thiên Chúa hướng dẫn, giáo huấn, biến đổi. Việc tôn thờ của chúng ta, nếu đúng, luôn được Thiên Chúa hướng dẫn, Ngài mời gọi chúng ta từ bỏ cái tôi, con người cũ, và theo cách sống mới thích hợp hơn. Khi chúng ta ngoan ngoãn đủ để lắng nghe, học hỏi, và theo hướng dẫn của Thiên Chúa, chúng ta sẽ trở nên con người của bình an, chiếu tỏa sự bình an đó tới người khác.

Những người tôn thờ Chúa mà ngôn sứ Isaia tiên báo sẽ từ mọi nơi đến núi Giêrusalem để tôn thờ Thiên Chúa trong Đền Thờ, họ vui mừng tôn thờ Thiên Chúa và được Ngài giáo huấn bằng Thánh Luật của Ngài. Họ hô to: “Đến đây, ta cùng lên núi Đức Chúa, lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp, để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ. Vì từ Sion, thánh luật ban xuống, từ Giêrusalem, lời Đức Chúa phán truyền.” (Is 2:3) Israel là đất nước mà Thiên Chúa ở đó hướng dẫn mọi quốc gia sống đời sống giống như Thiên Chúa: “Từ Sion sẽ có hướng dẫn, và Lời Chúa từ Giêrusalem.” Phần thưởng Thiên Chúa dành cho những người trung tín tôn thờ Ngài và theo hướng dẫn của Ngài là sự bình an: “Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.” (Is 2:4)

Chúng ta tôn thờ Thiên Chúa hiện hữu trong chúng ta, nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng “phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời.” (Dt 1:3) Chúng ta được biến đổi nhờ Thần Khí Ngài để nên giống hình ảnh Ngài khi chúng ta tôn thờ Ngài: “Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí.” (2 Cr 3:18) Chính Thần Khí biến đổi này cũng hướng dẫn và linh hứng chúng ta sống như Đức Kitô và vì Đức Kitô: “Phàm ai đặt hy vọng như thế vào Đức Kitô thì làm cho mình nên thanh sạch như Người là Đấng thanh sạch.” (1 Ga 3:3) Thần Khí hướng dẫn chúng ta trở nên ngoan ngoãn như Đức Kitô tuân phục Chúa Cha: “Thật, tôi bảo thật các ông: người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy.” (Ga 5:19) Cuối cùng, Thần Khí làm cho chúng ta trở nên khí cụ bình an tới mức mà chúng ta ngoan ngoãn tuân theo hướng dẫn của Ngài: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em… Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.” (Ga 20:21-22)

Mùa Vọng là thời gian chờ đợi Đức Kitô đến khi tận thế. Buồn thay, chúng ta chỉ nghĩ về Đức Giêsu Kitô đến “vào giờ chúng ta không ngờ” bởi vì chúng ta nghĩ rằng Ngài đã có kế hoạch đối với chúng ta khi chúng ta mong chờ Ngài và thấy chúng ta chưa chuẩn bị. Chúa Giêsu có vui khi thấy chúng ta chưa sẵn sàng vào lúc Ngài trở lại trong vinh quang? Đức Kitô đến với chúng ta ngay lúc chúng ta sống theo giáo huấn của Ngài qua đời sống Kitô hữu để chúng ta có thể sẵn sàng đón tiếp Ngài khi Ngài đến trong ngày tận thế.

Chúng ta không thể mong đợi Đức Kitô nếu chúng ta không muốn Ngài đến trong vinh quang; chúng ta cũng không thể muốn Ngài đến trong vinh quang nếu chúng ta không ngoan ngoãn làm theo hướng dẫn của Ngài là sống như Đức Kitô và tập trung vào Đức Kitô. Đó là lý do Thánh Phaolô khuyên giáo đoàn Rôma chuẩn bị cho cuộc trở lại của Đức Kitô bằng cách “loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng.” (Rm 13:12-14) Mùa Vọng không chỉ là lúc chờ đợi Đức Kitô trở lại mà còn là lúc tập luyện sống ngoan ngoãn để nhận biết và đón tiếp Đức Kitô trở lại trong vinh quang.

Chúa Giêsu nói: “Thời ông Nô-ê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy.” (Mt 24:37-39)

Chúng ta đừng bao giờ quên rằng việc chúng ta tôn thờ Thiên Chúa phải được hoàn tất bằng cách tuân theo giáo huấn của Ngài. Thiên Chúa hằng sống mà chúng ta tôn thờ luôn hướng dẫn chúng ta qua sự linh hứng và lời của Ngài khi chúng ta cầu nguyện, qua các giáo huấn của Giáo Hội, qua gợi ý của lương tâm ngay chính, và qua các sự kiện trong cuộc đời chúng ta. Ngài làm như vậy vì Ngài muốn chúng ta có sự bình an của Ngài trong tâm hồn và trong thế giới của chúng ta: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Ga 14:27)

Một hiện tượng buồn trong Giáo Hội ngày nay là sự miễn cưỡng nói về tình yêu thương. Giáo sĩ quen với ý kiến chung và chấp nhận nên không dám hướng dẫn đoàn chiên tin tưởng các giáo huấn của Giáo Hội. Nhiều điều hướng dẫn sai lạc từ giáo sĩ khiến chúng ta thắc mắc về giáo huấn của Chúa mà trước đây chúng ta tin tưởng. Ngày nay đoàn chiên có vẻ trở nên dị ứng với bất cứ hướng dẫn thách thức nào liên quan đức tin và luân lý, cùng với Kinh Thánh và truyền thống. Chúng ta quan tâm hơn về việc xác định và chấp nhận mình mặc dù cuộc sống của chúng ta mất cảm giác về Đấng Siêu Việt ở giữa chúng ta và trách nhiệm chúng ta phải làm đối với Ngài: “Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất thì làm sao các ông có thể tin được?” (Ga 5:44)

Giáo Hội luôn là Mẹ và Thầy (Mater et Magister) – Mẹ và Thầy trung tín. Nhưng với sự miễn cưỡng và sự từ chối của chúng ta, Giáo Hội không thể Phúc Âm hóa nền văn hóa của chúng ta và lầm lẫn về chính nền văn hóa đó. Chúng ta có vẻ là một Giáo Hội thờ phượng nhưng thiếu sự ngoan ngoãn và sự cởi mở đối với hướng dẫn của Thiên Chúa. Các vụ bê bối về giới tính và tài chính cho thấy rằng Giáo Hội mau chóng mất sự bình an mà Đức Kitô muốn.

Thầy Chí Thánh Giêsu truyền lệnh cho chúng ta thế này: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28:19-20) Ngài chưa bao giờ nói rằng chúng ta hoặc lời hướng dẫn của chúng ta sẽ được thế gian chấp nhận và hoan nghênh. Ngài cũng chưa bao giờ nói rằng chúng ta sống hoàn hảo theo những gì Ngài dạy, mặc dù chúng ta phải làm như vậy. Nhưng Ngài ban cho chúng ta lòng thương xót và ân sủng để tiếp tục hướng dẫn người khác bằng lời nói, bằng hành động, và loan báo Tin Mừng cho tới khi Ngài trở lại trong vinh quang.

Thánh Thể là sự tôn thờ hoàn hảo của Giáo Hội, là cách tham dự vào sự tôn thờ hoàn hảo của chính Đức Kitô, chúng ta được hướng dẫn từ nơi Ngài, Đấng là nguồn “ân sủng và sự thật.” (Ga 1:17) Nếu chúng ta vẫn thiếu bình an trong tâm hồn, trong gia đình, trong cộng đoàn và trong Giáo Hội, nếu chúng ta không thông truyền sự bình an này cho người khác, chúng ta phải dừng lại và tự hỏi mình đã ngoan ngoãn như thế nào đối với các giáo huấn của Thiên Chúa khi chúng ta tôn thờ Ngài trong Thánh Lễ.

Hãy tôn vinh Chúa Giêsu và hãy tôn sùng Đức Mẹ!

NNAMDI MONEME, OMV

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Chúa Nhật II Mùa Vọng – 2019

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …