Home / Chia Sẻ / TỬ ĐẠO – NGƯỜI LÀM CHỨNG

TỬ ĐẠO – NGƯỜI LÀM CHỨNG

TỬ ĐẠO - NGƯỜI LÀM CHỨNGThật là lạ lùng khi mà các bài đọc trong Thánh lễ mừng các Thánh Tử Đạo hôm nay lại chỉ toàn nói đến niềm vui.  Đặc biệt là lời đáp trong Thánh Vịnh hôm nay: “Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.  Vậy đâu là lý do để Giáo Hội chọn những bài đọc này?

Nếu cứ theo cách nghĩ của người đời thì làm sao có thể ca lên lời Thánh Vịnh nói trên, khi mà trong suốt gần 300 năm bị bách hại, người Công Giáo Việt Nam đã phải trải qua biết bao nhiêu gian nan thử thách: nào là gông cùm, tù tội, nào là đòn vọt, xích xiềng…  Với 6 triều vua cùng 53 sắc dụ cấm đạo đã cướp đi mạng sống của trên 130 ngàn người Công Giáo.  Họ đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ niềm tin của mình.

Có lẽ, không chỉ giáo đoàn Việt Nam, mà trong suốt dọc dài của lịch sử Giáo Hội, người tín hữu Chúa Kitô dường như đều gắn liền với những cuộc bách hại.  Trong thời Giáo Hội sơ khai, các tín hữu cũng bị bách hại dữ dội, thế nhưng các ngài vẫn không hề nao núng.  Sách Công vụ Tông Đồ thuật lại rằng, mặc dù bị đánh đập, hành hạ, nhưng khi các Tông đồ ra khỏi hội đường của người Do Thái thì “lòng đầy hân hoan vì thấy mình xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu Kitô.”

Cũng vậy, các thánh Tử Đạo Việt Nam – cha ông chúng ta – đã cảm thấy hãnh diện vì được chịu khổ nhục vì đạo Chúa.  Không những thế, các ngài còn đón nhận những hình khổ cũng như cái chết một cách vui mừng, mà không một chút nao núng, như trường hợp của Thánh Phêrô Đoàn Công Quý: “Dù trăng trói, gông cùm tù rạc, Chén ngục hình xiềng tỏa chi nề.  Miễn vui lòng cam chịu một bề.  Cho trọn đạo trung thần hiếu tử.”; hay trường hợp của Thánh Anrê Trần An Dũng Lạc: “Đông qua tiết lại thời xuân tới.  Khổ tạm mai sau hưởng phúc an.  Làm kẻ anh hùng chi quản khó.  Nguyện xin cùng gặp chốn thanh nhàn.”

Đã có một thời, thậm chí ngay cả ngày hôm nay, nhiều người không cùng niềm tin với chúng ta vẫn còn tỏ ra dè dặt về danh xưng “Tử Đạo.”  Có lẽ vì hai chữ “Tử Đạo” dễ khiến người ta liên tưởng đến những cuộc thánh chiến hay những cuộc đánh bom tự sát chăng?

Nhưng đối với trường hợp của các thánh Tử Đạo Việt Nam thì không như vậy.  Mặc dù các ngài ở những bậc sống khác nhau, xuất thân từ những môi trường không giống nhau: có vị là Giám mục, có vị là linh mục, rồi thầy giảng, trùm trưởng, giáo dân; thậm chí có vị còn nắm giữ những trọng trách trong triều đình như Thánh Micae Hồ Đình Hy.  Tuy nhiên, các ngài đều có một điểm chung đó là tình mến Chúa thiết tha và lòng yêu mến quê hương nồng nàn.  Cái chết của các ngài không hề mang màu sắc của sự thù hận, nhưng phát xuất từ một niềm tin, như lời Thánh Micae Hồ Đình Hy: “Tâu bệ hạ, đã 30 năm phục vụ dưới ba triều vua, lúc nào hạ thần cũng là người hết lòng yêu nước.  Nay hạ thần cam chịu mọi cực hình để nên giống Đức Kitô.”

Nguyên ngữ của chữ Tử Đạo (Martyr) có nghĩa là “Người làm chứng.”  Ngày hôm nay, có lẽ không còn những cuộc bách hại đẫm máu, những tra tấn, gông cùm, tù tội…, hoặc ít ra là không gắt gao như thời của các Thánh Tử Đạo – cha ông chúng ta.  Tuy nhiên, người tín hữu sống đạo hôm nay, vẫn phải đối mặt với muôn vàn thử thách.

Văn hóa thực dụng và lối sống hưởng thụ thời nay, một cách nào đó, đã và đang cản trở chúng ta thực thi các đòi hỏi của Tin Mừng.  Giữa thế giới văn minh, tiện nghi, việc đạo được nhiều thuận lợi, biết đâu, có khi chúng ta lại dễ dàng chối bỏ niềm tin của mình?  Đó là khi chúng ta sống ích kỷ, chỉ chăm lo đến ốc đảo của riêng mình; đó là khi chúng ta bỏ qua lời thề ước của hôn nhân để ngoại tình; đó là khi những người mẹ giết con bằng hành vi phá thai; đó là khi những người trẻ sống một cách buông thả; đó là khi chúng ta coi trọng những cuộc nhậu nhẹt say sưa hơn là các giờ kinh lễ; đó là khi chúng ta chia rẽ, hận thù và phá vỡ mối giây hiệp nhất trong cộng đoàn…

Làm sao để chúng ta có thể vẫn ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, là điều không hề đơn giản.  Chúa muốn chúng ta là nắm men vùi trong đống bột.  Men không được tách khỏi bột, và men cũng không được biến chất thành bột . Bởi vì nếu như thế, men sẽ trở nên vô ích.  Cũng như muối mà mất đi chất mặn thì chỉ còn cách đổ ra đường để cho người ta chà đạp lên…

Sẽ khó có thể nói được rằng Tử đạo ở thời nào hay nơi nào khó hơn.  Bởi vì, mỗi thời, mỗi nơi, đều có những khó khăn thử thách riêng.  Các vị Tử đạo cha ông chúng ta, đã phải hứng chịu những bách hại, đặc biệt là những gian khổ về mặt thể lý, như đòn vọt, gông cùm, tù tội… còn chúng ta ngày hôm nay, mặc dù không chịu những thử thách tương tự, thế nhưng để giữ đạo và sống đạo cho đúng với ơn gọi làm người Kitô hữu của mình, chúng ta đã phải tử đạo mỗi ngày, mà người ta vẫn gọi là “những người tử đạo trắng.

Người Kitô hữu sống đạo hôm nay được kể như người đang “lội ngược dòng đời.”  Đang khi thế gian chạy theo tiền bạc và hưởng thụ, tìm mọi cách để vun vén cho bản thân, chúng ta lại được mời gọi sống cho tha nhân, và mưu cầu hạnh phúc cho người khác.  Đang khi cuộc sống hôm nay đầy dẫy những lọc lừa, gian dối, chúng ta lại được mời gọi sống ngay thẳng và làm chứng cho sự thật.  Đang khi thế gian coi nhẹ phẩm giá con người, chúng ta được mời gọi tôn trọng sự sống và bảo vệ những mầm sống đó ngay từ những giây phút đầu tiên trong thai bào.  Đang khi mối quan hệ gia đình, sự thủy chung trong đời sống vợ chồng ngày một trở nên lỏng lẻo, chúng ta lại được gọi mời sống trung thành với nhau cho đến chết…  Và mỗi lần sống như thế, là mỗi lần chúng ta tử đạo. 

 

Mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay, mỗi người chúng ta đều được mời gọi trở nên những chứng nhân cho Đức Kitô qua đời sống yêu thương phục vụ.  Nhờ đó, Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô sẽ được lan tỏa đến tận cùng trái đất.

Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời!  Chúa đã hy sinh mạng sống mình vì lòng yêu mến Chúa Cha và yêu thương loài người chúng con.  Xin hãy dạy chúng con biết đáp đền tình yêu lớn lao ấy bằng chính cuộc sống chứng tá của chúng con.  Xin cho chúng con giữ được vị mặn của muối, và độ nồng của men, để đem đến cho cuộc đời này một sức sống mới.  Amen!

Lm Jos. Nguyễn Văn Tuyên

Xem thêm

23-1-2025 11-25-05 AM

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT TUẦN III THƯỜNG NIÊN, NĂM C, CỦA LM AN TÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Năm Thánh – Năm Hồng Ân SUY NIỆM CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN – C (Lc …