“Khi cây đâm chồi, mùa hè đến gần rồi” (Lc 21:30). Mùa hè oi ả, nóng bức, khó chịu, vạn vật khô cằn, nhìn con người cũng thấy nét khắc khổ hơn. Nhưng nhờ những cơn mưa mà vạn vật bỗng khác lạ, hồi sinh mau chóng. Mùa hè có cái lạ rất đặc trưng. Tôi lặng ngồi nhìn xa xăm…
Nghiêng chiều cho hết nắng vàng
Nghiêng đời cho trọn mộng tràn vào thơ
Nghiêng hồn xuống đầy trang mơ
Nghiêng tình nghiêng hết mong chờ cho em
Tôi bâng khuâng đọc lại 4 câu thơ anh đã tặng mà tôi vẫn ưu ái giữ làm kỷ niệm đầu đời. Bốn năm rồi. Lâu hay mau?
Anh là bạn thân của anh Vũ, rất thân nữa là đàng khác. Chuyện anh ghé chơi là bình thường. Hồi đầu gặp anh, thú thật tôi chẳng mảy may thiện cảm, mà còn ngược lại nữa kìa, khi thấy bộ mặt anh khó đăm đăm và khô như ngói vậy. Lũ bạn tôi, đứa nào cũng nghĩ vậy. Vì thế, tôi càng cho ý kiến mình là… đúng “chăm phần chăm”. Nhất là đối với đứa con gái mới lớn như tôi. Nhưng quả thật là “ghét của nào trời trao của nấy”!
Thời gian đều đặn trôi qua. Tôi đã ngang nhiên là cô nữ sinh lớp 12, và tất nhiên “hóa thân” thành một thiếu nữ có đầy đủ chất nữ tính, cả hóa tính lẫn lý tính, dĩ nhiên không thể thiếu chất bướng bỉnh bình thường. “Đụng” hoài hóa quen với bộ mặt “tủ lạnh” của anh. Dần dần tôi khám phá được rằng, ngoài việc dạy Anh ngữ, anh còn viết nhạc và làm thơ đã xuất hiện nhiều trên báo chí và các website.
o0o
Tuổi mộng mơ thường mơ mộng những điều đôi khi quá xa rời thực tế, thích đọc thơ, buồn vô cớ,… Không dưng tôi thấy… mến anh. Anh không khó như tôi tưởng. Anh vui vẻ, tuy ít nói, và có lối nói chuyện khá dí dỏm khiến tôi có lúc cười đến chảy nước mắt. Quen thì quen, tôi vẫn không dám “quá trớn”. Nhưng, vì anh ít nói quá, tôi thấy “tức tức” sao ấy. Có lần thấy anh ngồi hằng giờ suy tư, tôi ghẹo:
– Anh Nguyễn nè, anh cứ trầm ngâm vậy sẽ “ế độ” cho coi. Chị nào dám lấy anh chắc là “tới số” thôi, và sẽ “cắn rứt” anh suốt đời.
Anh im lặng. Tôi cố tình lặp lại đến lần thứ tư mà anh vẫn bất động như bức tượng. Điên tiết, tôi lại gần nói lớn vào tai anh:
– Anh điếc hả?
Anh thản nhiên gật đầu. Chúa ơi! Tức ơi là tức! Tôi lại “hét”:
– Có nghe người ta nói không, ông địa?
Anh lại gật đầu. Tôi hờn dỗi gằn giọng:
– Bộ anh khinh tôi sao không trả lời vậy?
Anh ôn tồn:
– Phượng nè, anh không khinh ai cả. Có điều là em cũng như em gái anh, chẳng có gì phải khách sáo. Do đó, khi thấy anh làm việc, xin em “tha” cho anh, để anh được yên. Chúng ta có lúc khác nói chuyện.
Tôi giãy nảy như điện giật:
– Hứ! Không ai thèm làm em gái anh, cũng không ai thèm nói chuyện với anh đâu mà ham.
Anh vẫn thản nhiên:
– Vậy à! Thế thì thôi!
– Không thôi dễ vậy đâu!
Anh ngoéo lại:
– Mâu thuẫn quá, cô bé à!
Tôi lên giọng:
– Ai bé? Con gái vậy đó. Tức không?
Tôi chợt thấy mình “quá đáng” nên hạ giọng:
– Em hỏi thì anh “ừ” một tiếng, có chết chóc gì nào?
Anh gật gù:
– Ừ, cho anh xin lỗi. Từ nay thông cảm nha!
Được nước, tôi làm tới. Không thèm trả lời. Anh đều giọng:
– Xin lỗi thật đó. Còn thì… tùy em.
Tôi liếc sang anh, cười thầm trong bụng. Con gái mà. Xin lỗi là… xong ngay. Tôi cố ý làm ra vẻ:
– Làm toán trừ nhanh quá ha! Dễ vậy thôi sao?
Anh không phản ứng gì. Tôi xen vào khoảng lặng:
– Nhuận bút thơ nhiều không anh?
Anh trầm giọng:
– Nhiều. Ăn không hết. Hỏi làm gì?
Nói với “người ta” vậy đó, tôi nghĩ, rồi đáp gọn lỏn:
– Hỏi cho biết.
Anh phân bua:
– Có những điều em không hiểu nổi đâu. Đừng bận tâm làm gì cho nhọc óc, hao chỉ-số-thông-minh IQ lắm. Lo học đi. Gần thi tốt nghiệp rồi đó, cô nương!
Tôi tỉnh khô:
– Ăn nhằm gì ba cái lẻ tẻ, anh ơi! Rớt thì ở nhà với má. Sướng!
Anh lắc đầu:
– Thôi, cho tôi can. Không đủ nước mắt để rửa đâu!
Im lặng. Tôi thấy “quê độ” thật. Thực ra tôi phá anh chơi vậy thôi chứ nào dám “ăn hiếp” anh.
Rồi mùa hè cũng đến với vẻ vô tình và bất ngờ, dù hè luôn đúng hẹn mỗi năm. Mùa hè đồng nghĩa với chia ly? Anh phải đi xa. Vâng, tôi đã có thể hiểu hoàn cảnh là cái gì đó nghiệt ngã và có sức mạnh phi thường khiến người ta đôi khi khó cưỡng lại được.
Buổi chiều hôm đó, buổi chiều đầu tiên tôi sánh bước bên anh trên con đường thị xã dưới hàng phượng vĩ thắm nở sắc đỏ như màu máu. Buổi chiều êm đềm đầy nắng nhạt khiến lòng tôi lắng xuống tưởng như chưa bao giờ. Tôi nhận ra mình ngoan ngoãn như chiên. Không ngờ hoàn cảnh anh khó khăn và nhiêu khê đến vậy. Tôi hiểu, dù chỉ một phần và còn mơ hồ về con đường anh đi nhiều chông gai chứ không trải thảm hoa hồng như tôi nghĩ. Thảo nào anh luôn trầm tư mặc tưởng. Tôi hạnh phúc hơn anh rất nhiều mà tôi không biết. Ác cảm về anh trong tôi chuyển hệ thành thiện cảm từ lúc nào rồi, một thứ tình cảm quá đặc biệt, khó tả. Anh để lại trong tôi một ấn tượng mạnh. Tôi phải cố nén để khỏi bật khóc khi anh kết những cánh phượng thành con bướm xinh xắn tặng tôi và nói:
– Thời gian qua, có gì làm em phật lòng, cho anh xin lỗi nghe Phượng.
Rốt cuộc, tôi cũng thấy vị mặn ở đầu môi. Tôi lắc đầu và nói nhỏ:
– Anh không có lỗi chi cả!
Anh triết lý:
– Có đó. Khi có lỗi có thể là lúc vô tội. Nhưng khi không có lỗi lại là lúc sai phạm nhiều. Những lỗi vô tình.
Đến nay tôi mới khả dĩ hiểu hết ý anh. Lúc đó anh nhìn tôi tha thiết:
– Thơ anh không hay lắm và đượm buồn. Nhưng hôm nay, cho anh được tặng em bài thơ này.
Đây là lần đầu tiên anh tặng thơ cho tôi. Tay tôi run nhẹ nhận bài thơ và lí nhí:
– Thơ gì vậy anh?
Anh đáp gọn:
– Lục bát.
Tôi ngúng nguẩy “nhấn mạnh”:
– Em hỏi “thơ gì” kìa!
Anh làm luôn:
– Thơ buồn.
Tôi vênh mặt:
– Hứ! Ghẹo em nữa đi! Em hỏi tựa bài kìa. Giả nai hoài!
Anh cười:
– Vậy mà anh “chậm tiêu” quá ha!
Tôi nhõng nhẽo:
– Không dám “chậm tiêu” đâu. Ghét anh lắm!
Ngưng một lát, anh tiếp:
– Em đoán thử đi.
Tôi vừa lắc đầu vừa nhìn anh. Anh nhìn xa:
– Nghiêng.
Tôi bật cười thành tiếng:
– Nghiêng quá coi chừng té đó, “ông” ơi!
Ôi những hờn giận ngày xưa dễ thương làm sao! Vu vơ vậy đó. Đôi khi chẳng nói gì mà lại nói không ít…
o0o
Anh đi xa rồi. Ngày bỗng như dài hơn nhiều. Một tháng trôi qua. Khi nhận được giấy báo đậu đại học, tôi khóc thật nhiều. Khóc vì vui. Khóc vì không có anh cùng chia sẻ niềm vui lớn lao đầu đời này. “Anh Nguyễn ơi!”, tôi chợt gọi. Có lần anh hỏi:
– Em muốn là gì mai sau?
Tôi trả lời ngay:
– Em muốn làm cô giáo dạy Văn và… làm thơ.
Anh cười:
– Làm thơ nghèo lắm.
Tôi vẫn đơn sơ:
– Nghèo không là tội, cũng không xấu.
Anh xác định:
– Em còn đơn giản hóa và lý tưởng hóa quá, cô bé! Người ta thường nói: “Văn hay chữ tốt không bằng ngu dốt nhiều tiền”. Nghe “ớn lạnh” chưa?
Tôi hiểu ý anh. Rồi anh nói tiếp:
– Làm thơ để làm gì?
Tôi hóm hỉnh:
– Để tặng anh.
Anh mỉa mai:
– Anh có nhiều thơ rồi.
Tôi ý nhị:
– Nhưng thơ em tặng anh khác.
Anh cười:
– Ờ ha! “Thơ-Em” kia mà!
Tôi bừng mặt như uống rượu, vội quay đi và nói:
– Anh khôn lắm.
Anh lại cười, nhưng trong mắt anh có điều gì đó bí ẩn thăm thẳm. Anh hỏi:
– Không sợ chồng em buồn sao?
Tôi để rơi ánh mắt xuống chân:
– Phượng không lấy chồng.
Anh hờ hững:
– Sao vậy?
– Tại… không thích lấy ai.
– Nếu có thì sao?
Tôi cẩn thận rào đón:
– Thì còn xét lại coi đó là ai.
Anh chậm rãi:
– Bao giờ Phượng lấy chồng?
Tôi giả định:
– Bao giờ anh lấy vợ thì em lấy chồng.
– Giả sử em là cô dâu, anh là chú rể?
Tôi e thẹn:
– Anh giả sử khôn quá đi. Thì sao hả? thì… thì… Em về đây!
Tôi chạy trước, bỏ anh lại. May thay, cổng màu xanh nhà tôi đúng lúc hiện ra trước mặt như “vị cứu tinh” giải thoát tôi khỏi “ngõ bí”, chẳng ai phải trả lời ai những câu hỏi “hóc búa” như vậy.
Bốn năm rồi. Những lá thư thưa dần. Rồi bặt vô âm tín. Vì xa mặt nên cách lòng? Thế thái nhân tình là vậy ư? Có khoảng mong chờ nào đó hóa hư không mà chẳng thể lấp đầy. Giờ này anh ở đâu? Tôi lặng thầm với ước mơ nhạt nhòa và hy vọng quá mong manh. Còn anh? Hy vọng anh gặp nhiều may mắn. Anh quên hay anh mặc cảm điều gì? Tôi khổ nhưng mong anh đừng khổ.
Vài ngày nữa tôi sẽ ra trường. Những cánh phượng đung đưa. Vẫn thắm đỏ. Tôi hóa thân cánh phượng bâng khuâng nhất. Những lá thư tôi viết, có khi không gởi, có khi gởi mà không địa chỉ nhận. Ai đưa tôi vào kỷ niệm, rồi lại đưa tôi xa rời kỷ niệm? Anh luôn trầm tư nên đành lặng lẽ đến tàn nhẫn vậy sao? Ẩn số ấy, tôi tìm mãi mà không thấy cách giải. Tôi biết anh vẫn làm thơ vì anh nặng nợ với nó. Tôi không trách anh. Hồi đó, tôi yêu anh hay tôi chỉ thương hại anh? Nhất là khi anh đọc cho tôi nghe mấy câu thơ của Chế Lan Viên viết về Hàn Mạc Tử:
Nhà thơ như người thợ dệt thảm cỏ
Cuộc đời xám xịt
Vẫn ngồi dệt thảm hoa