“Thiên Chúa là nguồn mọi ân sủng, cũng là Đấng đã kêu gọi anh em vào vinh quang đời đời của Người trong Đức Kitô. Phần anh em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu, chính Thiên Chúa sẽ cho anh em được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường.” (1 Pr 5:10)
Khi Đức Kitô chết trên Thập Giá, Ngài đã tiêu diệt tội lỗi. Qua cái chết của Ngài, chúng ta được cứu độ. Chúng ta có thể phải đau khổ trong cuộc đời này, nhưng nếu chúng ta kiên trì đến cùng, Ngài sẽ ban thưởng cho chúng ta sự cứu rỗi đời đời. Là những môn đệ trung thành của Đức Kitô, chúng ta phải vác thập giá của mình hằng ngày, như Ngài đã thúc giục chúng ta. Chúng ta có thể đó nhận nó theo nhiều cách, một số cách có vẻ vinh quang và một số cách khác thì không. Tuy nhiên, tất cả các thập giá được vác với lòng trung thành đều làm đẹp lòng Thiên Chúa.
Có thể bị cám dỗ để định giá trị của những đau khổ của chúng ta qua nhận thức của người khác. Nhưng làm như vậy sẽ là không khuất phục trước sự khôn ngoan của thế gian, vốn là “sự điên rồ đối với Thiên Chúa.” (1 Cr 3:19) Sự kiên trì theo ý Chúa đòi hỏi sự tín thành vào kế hoạch của Ngài, ngay cả khi nó không phù hợp với mong đợi của chúng ta.
Tình yêu của Đức Kitô dành cho nhân loại được thể hiện trên Thập Giá là điều không thể hiểu được. Nhưng vào Thứ Sáu Tuần Thánh, hầu như không ai cảm ơn Ngài. Một trong những người bạn thân nhất của Ngài đã phản bội Ngài và đám đông chế nhạo Ngài. Ngài đã bị đánh đập, bị xúc phạm và bị sỉ nhục, nhưng Ngài vẫn kiên trì chuộc tội và cứu độ chính những ai muốn Ngài chết.
Điều gì đã khiến Chúa Giêsu Kitô phải chịu nhiều đau khổ, không ích lợi gì cho chính Ngài? Chỉ vì yêu thương, vì tình yêu đối với loài người. Chúa Giêsu Kitô mong muốn điều tốt lành của chúng ta, chỉ mong muốn chúng ta đáp lại, mặc dù không cần điều đó. Tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa mang lại lợi ích cho chính chúng ta nhiều hơn cho Ngài, vì nhờ đó chúng ta đạt được ơn cứu độ đời đời. Bằng tình yêu thương dành cho chúng ta, Đức Kitô đã bày tỏ tình yêu thương của Ngài đối với Chúa Cha: “Lương thực của Tôi là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người.” (Ga 4:34) Bằng cách cứu nhân loại, Ngài đã làm hài lòng Chúa Cha một cách hoàn hảo, và nêu gương cho chúng ta. Vì vậy, việc bắt chước Ngài phải được nuôi dưỡng liên tục để làm theo ý muốn của Thiên Chúa.
Nhờ ý thức về tội lỗi và sự bất xứng của mình, chúng ta có thể lớn lên trong tình yêu dành cho Thiên Chúa. Bất chấp xu hướng xấu xa của chúng ta, Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta cho đến chết, và muốn chúng ta liên tục chịu đựng những thử thách vì Ngài. Trong những đau khổ của Chúa Kitô, chúng ta thấy rằng “Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt.” (Dt 12:6) Chúa cho phép chúng ta trải qua thử thách để chúng ta có thể chứng tỏ tình yêu của chúng ta đối với Ngài bằng sự nhẫn nại vâng theo các điều răn của Ngài. Chúng ta không phải chịu bất kỳ sự cám dỗ nào mà Ngài không ban cho chúng ta sức mạnh để chống lại. Bất chấp sự yếu đuối của chúng ta, chúng ta có thể tin tưởng rằng Chúa sẽ giải cứu chúng ta khỏi mọi điều ác, cho dù chúng ta có đau khổ như thế nào. Ngài đưa chúng ta vượt qua thử thách để khiến chúng ta tin cậy và yêu mến Ngài hơn. Bằng cách từ khước những gì trước mắt và vật chất để ủng hộ những gì chúng ta không thể nhìn thấy, chúng ta thực hiện hành động yêu thương đối với Thiên Chúa. Hành động của chúng ta phải xuất phát từ lòng bác ái và hướng đến thuộc tính lớn nhất của Thiên Chúa – lòng thương xót vô hạn của Ngài.
Mặc dù tập trung quá nhiều vào tội lỗi có thể dẫn đến thất vọng, nhưng tập trung lành mạnh vào thực tế của tội lỗi và cách tránh nó bằng mọi giá nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết của Lòng Chúa Thương Xót. Nếu chúng ta không hiểu được nỗi đau mà tội lỗi gây ra cho Chúa Giêsu Kitô, hoặc hậu quả vĩnh viễn mà tội lỗi gây ra, thì chúng ta dần dần tự mãn trong mối quan hệ của mình với Chúa. Bằng cách đầu hàng lòng nhân từ của Thiên Chúa, chúng ta dâng lên Ngài lời cảm tạ lớn nhất có thể, và chúng ta “hoàn tất những gì còn thiếu trong các cuộc khổ nạn của Đức Kitô.” (Cl 1:24) Điều này không có nghĩa là chúng ta phủ nhận sự cứu chuộc một lần và mãi mãi mà sự hy sinh của Ngài đã hoàn tất. Thay vào đó, chúng ta thừa nhận rằng sự cứu độ vẫn chưa đến với nhiều người: những người không biết Đức Kitô và những người đã khước từ Ngài, và rằng Thiên Chúa muốn chúng ta tham gia vào việc truyền bá ơn cứu độ mà Ngài ban cho tất cả mọi người. Bằng cách chịu những đau khổ, chúng ta làm việc vì sự cứu độ của họ, và của chính chúng ta. Chúng ta trở nên những Kitô bé nhỏ, kết hiệp tất cả những đau khổ và hy sinh của chúng ta với Cuộc Khổ Nạn Đau Khổ Nhất của Ngài.
Bất kể công đức mà những đau khổ của chúng ta tích lũy được, chúng chỉ làm như vậy theo cách mà Chúa cho phép. Nói cách khác, cuối cùng lòng thương xót của Ngài đủ cho mọi sự. Người trộm lành trở thành vị thánh đầu tiên được chính Chúa Giêsu Kitô tôn phong khi ông đặt mình vào lòng thương xót của Thiên Chúa ngay trong giây phút cuối đời. Ở bên này của cõi đời đời, không bao giờ là quá muộn để chúng ta ăn năn. Vì vậy, khi có thời gian, chúng ta hãy vác thập giá của mình. Nếu chúng ta làm mọi thứ vì sự vinh hiển lớn lao của Thiên Chúa và để cứu rỗi các linh hồn, chúng ta sẽ làm theo ý Chúa tới mức hoàn hảo. Tuy nhiên, khi chúng ta phải cố gắng để đạt được sự hoàn hảo này, chúng ta nhận ra chính mình là tội nhân luôn cần đến lòng thương xót vô tận của Thiên Chúa. Bằng sự kiên trì trung thành vác thập giá của mình, chúng ta sẽ dần dần trở thành những tấm gương trung thành chịu đựng lâu dài của lòng thương xót.
Khi nào chúng ta đấu tranh với việc kiên trì vượt qua đau khổ của mình, chúng ta hãy nhớ lại Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô và tình yêu vĩ đại của Ngài dành cho chúng ta, cũng như tội lỗi của chúng ta và sự cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Nhận ra sự bất xứng của mình, chúng ta hãy hạ mình xuống, trông cậy vào Chúa. Khi rước lễ, chúng ta hãy thành thật nói chuyện với Chúa Giêsu Kitô và phó thác mọi sự cho Ngài. Cuộc sống của chúng ta sẽ khởi sắc mặc dù như hoa sớm nở tối tàn: “Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình. Nhưng ân tình Chúa thiên thu vạn đại, dành cho kẻ nào hết dạ kính tôn.” (Tv 103:15-17)
Vì vậy, chúng ta hãy kiên trì trong lòng thương xót của Thiên Chúa, kiên nhẫn gánh vác mọi sự, vì biết rằng trong mỗi giây phút, chúng ta đang đứng trước Cửa Đời Đời.
EDWARD KERWIN
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
Chiều 02-07-2022