Home / Chia Sẻ / TRUNG THÀNH MÀ CHỐI, CHỐI MÀ VẪN TRUNG THÀNH

TRUNG THÀNH MÀ CHỐI, CHỐI MÀ VẪN TRUNG THÀNH

 
tải xuốngPhêrô chối Thầy, một sự kiện khó quên.  Khó quên đối với chính ông và cũng khó quên đối với nhân loại.  Dù xảy ra đã khá lâu, nhưng đó vẫn luôn là đề tài lý thú. “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng.”[1]  Lời thề hứa mạnh mẽ bao nhiêu, sự phản bội đau đớn bấy nhiêu.  Hình ảnh “Phêrô chối Chúa” từ lâu đã trở thành điển tích.  Hình ảnh ấy lưu lại một thất bại thê thảm trong cuộc đời Phêrô.  Phêrô đã hối cải, nhưng sự hối cải không thể thay đổi tính chất của việc đã xảy ra.  Người đời vẫn nhắc đến ông như một Tông đồ đã từng phản bội.

Tuy nhiên, lần lại từng chi tiết trong Kinh Thánh, có nhiều điều thú vị xoay quanh sự kiện đáng buồn ấy.  Tại vườn cây dầu, khi nghe Đức Giêsu nói đến cuộc khổ nạn và các môn đệ sẽ bỏ Người, Phêrô dõng dạc tuyên bố: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấy ngã” – lời tuyên bố hùng hồn từ trái tim đầy nhiệt huyết và trung thành.  Ngay thời khắc ấy, Phêrô không hề dối lòng.  Đức Giêsu nói thêm để cảnh tỉnh: “Thầy bảo thật anh, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.”[2]  Điều Chúa nói rồi sẽ diễn ra, nhưng đó cũng là điều mà chính Phêrô không thể chấp nhận được.  Ông thề: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” [3] – lời tuyên bố của người môn đệ quyết tình trung tín, chứ không phải của kẻ lấp liếm gian ngoa.  Đây là điều mà không phải ai cũng có được.  Chuyện vấp ngã xét sau, nhưng nhiệt tâm nồng cháy mãnh liệt dù có xuất phát từ con tim yếu đuối vẫn đáng trân trọng hơn là chẳng có chút gì nhiệt tâm để thể hiện.

Đâu phải chỉ riêng Phêrô thề với Chúa, “tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy”[4].  Mọi người, ai ai cũng muốn thể hiện lòng trung tín với Thầy.  Ngay sau đó, khi giờ đã điểm, Giuđa dẫn quân binh đến bắt Đức Giêsu thì “các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết”[5].  Nhiệt tâm là thế, ý muốn là thế, nhưng đối diện với nỗi sợ hãi, với khổ đau, với sự chết thì không hề đơn giản.  Nỗi sợ hãi bắt đầu trong vườn Êđen khi nguyên tổ phạm tội và trải dài xuyên suốt phận người.  Hăng hái thề thốt rồi yếu đuối vấp ngã đâu chỉ có mình Phêrô.  Mọi người khẩn cấp thoát thân.  Có người buông cả áo quần chạy trần truồng.  Chỉ một kẻ ở lại vì Thầy, đó là Phêrô.  Ông tuốt gươm và chiến đấu[6].  Phêrô yếu đuối, phải, ông yêu đuối thật.  Nhưng nếu đặt mình trong hoàn cảnh ấy, có ai dám bảo mình mạnh mẽ hơn ông?

Đức Giêsu chịu bị bắt và giải đi.  Trong đêm hoảng loạn kinh khiếp đó, còn môn đệ nào theo Người?  Chỉ có Phêrô.  Ông theo Chúa vào tận bên trong dinh thượng tế.  Nơi đây, ông đã chối Thầy.  Người ta thường nhớ đến sự kiện này qua hai chữ “chối Thầy.”  Mấy ai nghĩ rằng Phêrô mang theo sự yếu đuối khốn cùng của bản thân nhưng vẫn quyết tình theo Chúa.  Phêrô chối Chúa ba lần.  Ba lần đớn đau.  Ba lần không vượt qua được bản thân để làm chứng cho Thầy.  Nhưng lạ lùng thay, hoảng loạn, khiếp run và sợ hãi nhưng Phêrô không trốn chạy.  Trong vườn cây Dầu ông đã có thể thoát thân.  Sau lần chối thứ nhất, ông cũng có thể bỏ trốn.  Sau lần thứ hai, lần thứ ba cũng thế…

Nếu chỉ nghĩ cho bản thân và giữ gìn mạng sống, Phêrô không dại gì ở lại để chịu thêm rắc rối.  Không, ông vẫn lầm lũi theo Thầy, ông mang vác cả thân phận yếu hèn của mình để theo.  Ông không thể chối bỏ nó.  Nhưng hơn cả, ông không thể để Thầy ở lại một mình.  Phêrô vấp ngã, nhưng ai thấy được tình yêu ông dành cho Thầy tha thiết đến chừng nào.  Có người sẽ trở ngược vấn đề: tại sao yêu Thầy như thế, ông lại chối Thầy?  Lẽ nào chúng ta tự cho mình quyền đòi hỏi một con người hơn khả năng họ có thể.  Chúng ta có quyền đòi hỏi ai đó hơn những gì Thiên Chúa đòi hỏi họ sao?

Sợ.  Rất sợ.
Chối.  Đã chối.
Bỏ.  Không bỏ.
Theo.  Vẫn theo.
Và yêu Thầy đến chết.

Phải, chỉ mình Phêrô chối Thầy.  Mọi người không ai chối.  Có theo Thầy đâu mà chối.  Họ đã bỏ Thầy từ lâu rồi.  Hành trình khổ đau của Thầy đâu có dấu chân họ.  Họ trốn biệt.  Chỉ còn lại Phêrô.  Phêrô nhiệt tâm lắm.  Phêrô thề thốt lắm.  Phêrô yếu đuối lắm.  Phêrô cũng yêu Thầy nhiều lắm.  Phêrô mạnh miệng.  Phêrô chiến đấu.  Phêrô vấp ngã.  Phêrô chối Thầy, nhưng Phêrô vẫn theo Thầy.  Phêrô tiếp tục yếu đuối vì hoảng sợ, Phêrô lại chối Thầy nhưng ông không bỏ Thầy.  Lần thứ ba cũng thế.  Phêrô yêu Thầy hơn tất cả, tình yêu được ấp ủi bằng con tim yếu đuối nhưng vẫn yêu.  Tình yêu ấy có thể chẳng là gì so với người khác, nhưng đủ mạnh để giúp ông vượt thắng cả tội lỗi chính bản thân và hạ mình xuống vực thẳm cậy trông mà sám hối.  Yếu đuối làm ông ngã quỵ, nhưng tội lỗi không hạ gục được ông.

Gà cất tiếng gáy.  Chúa nhìn Phêrô.  Ánh mắt trách móc, ánh mắt phản tỉnh hay ánh mắt thất vọng?  Không, Chúa biết ông yếu đuối đến ngần nào.  Chúa biết ông sẽ vấp ngã ra sao.  Và Chúa cũng biết, trong khoảnh khắc lịch sử có một không hai ấy, chỉ còn mỗi Phêrô là trung tín.  Ánh mắt Người xuyên thấu tâm can ông.  Ánh mắt ấy vực dậy người môn đệ từ trong nỗi hãi hùng khiếp sợ.  Ánh mắt nâng đỡ một tình yêu đang quằn quại giữa muôn vàn yếu đuối.  Ánh mắt khai thông sự bế tắc đang dằn vặt tâm hồn.  Ánh mắt trìu mến nhắc ông về tình yêu lớn lao làm tâm hồn ông vỡ òa thống hối và yêu mến nhiều hơn.  Ánh mắt in dấu ấn chứng nhận cho tình yêu không thể thốt nên lời.  Người môn đệ tín trung lúc này lặng lẽ theo Thầy.  Ông là môn đệ trung kiên, để rồi đây ông sẽ được diễm phúc chết giống như Thầy.  Một tình yêu ngời sáng rực rỡ qua cuộc đời đầy yếu đuối.  Ông thề không bỏ Thầy và đã không bỏ Thầy.

Phêrô ba lần chối Chúa – ba lần vấp ngã – ba lần khoét vào tâm hồn những vết thương muôn đời không thể xóa nhòa.  Hay đó cũng là ba lần thích vào trái tim đang quằn quại đau đớn những ấn tích của tình yêu.  Có yêu mới vì nhau ở lại.  Có yêu mới phải quay quắt dằn vặt với từng yếu đuối.  Có thật sự yêu và đau đớn bởi tình yêu mới dám nói với Thầy: “Lạy Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy.”[7]  Có ai như Phêrô dám nhìn thẳng Thầy mà nói như thế, dù trước đó không lâu đã chối Thầy.  Phải, ông tin Thầy biết mọi sự.  Thầy thấu tỏ lòng ông.

Đêm ấy còn đây:

Kẻ muôn thu chịu tiếng “chối Thầy” – nhưng vẫn theo đến cùng.

Còn những người khác không ai chối Thầy –  đơn giản vì họ không theo.

VẬY AI THẬT SỰ CHỐI THẦY?
 

TMT – Học Viện Đa Minh

[1] Lc 22,33

[2] Mt 26,34; Mc 14,30; Lc 22,34

[3] Mt 26,35; Mc 14,29-31; Lc 22,33

[4] Mt 26,35; Mc 14,31

[5] Mt 26,56; Mc 14,50

[6] Mt 26,51; Mc 14,47; Lc 22,49-51; Ga 18,10

[7] Ga 21,15-17

Xem thêm

THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ

THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ

  Đây là vị “Tiến Sĩ Thần Bí,” nhà thần học vĩ đại của gia …