Home / Chia Sẻ / TRONG VEO GIỌT SẦU

TRONG VEO GIỌT SẦU

trongveogiotsauNước mắt là biểu hiện của nỗi buồn, hiếm khi là biểu hiện của niềm vui như cụ Nguyễn Công Trứ mô tả: “Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.” (thi phẩm Cây Thông)

Nước mắt nào cũng mặn, nhưng có nhiều loại nước mắt. Loại nước mắt bị người ta ghét nhất là “nước mắt cá sấu.” Loại nước mắt bị ghét nhất mà lại thường thấy nhiều nhất! Vậy người ta thích loại nước mắt nào? Chắc hẳn loại nước mắt người ta thích là “nước mắt thật lòng” – dù buồn lắm.

Trong nhạc phẩm “Giọt Nước Mắt Ngà,” nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã mô tả: “Em đứng bên sông buồn, nhìn cuộc tình trôi qua và lòng người phôi pha. Trên hai đóa môi hồng, nụ cười đã đi xa, ôi giọt nước mắt nào cho cuộc tình đầu…” Ở đây là loại tình yêu đôi lứa. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể hiểu cho các loại tình yêu khác. Nước mắt thật lòng luôn buồn, y như người ta vẫn nói: “Sự thật hay mất lòng.” Ôi, “Giọt Nước Mắt Ngà” của ông Ngô Thụy Miên cũng buồn lắm, dù quý lắm, nhưng giọt nước mắt đó đã hướng thượng: “Anh đi về dấu giáo đường, cho cuộc tình bay cao, cho lòng mình xôn xao…” Màu buồn mà vẫn đẹp, sắc tím mà vẫn lung linh.

Chúa Giêsu cũng đã từng khóc. Ngài xúc động tới ba lần trước cái chết của anh bạn Ladarô. Khi thấy cô Maria khóc và những người Do Thái đi với cô cũng khóc, Đức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến, (Ga 11:33) đó là lần thứ nhất. Ngài khóc lần thứ hai khi đi đến mộ Ladarô. (Ga 11:35) Người Do Thái thấy vậy liền nói: “Kìa xem! Ông ta thương anh Ladarô biết mấy!” Khi nghe người ta đặt vấn đề rằng Ngài chữa khỏi chứng mù mà sao lại không thể làm cho Ladarô khỏi chết. Thế là Ngài lại thổn thức trong lòng, (Ga 11:38) tức là Ngài khóc lần thứ ba.

Sinh ra ai cũng khóc. Khóc vì “tiên tri” rằng đời là bể khổ, hay là khóc cần thiết cho cuộc sống? Phần cứng được cài đặt sẵn trong máy vi tính là có dụng ý của nhà chế tạo. Nước mắt cũng vậy, chắc hẳn có dụng ý mầu nhiệm của Thiên Chúa. Thật vậy, Chúa Giêsu đã xin Chúa cất khỏi chén đắng mà không được, rồi vẫn phải bị te tua tơi tả cho đến chết thê thảm. Và chính Chúa Giêsu cũng đã phải khóc nhiều lần, buồn não lòng, “buồn đến chết được” (Mt 26:38; Mc 14:34) kia mà!

Samuel Beckett (1906-1989, tiểu thuyết gia, kịch tác gia và thi sĩ Ai-len) có triết lý độc đáo lắm: “Nước mắt của thế gian này luôn bất biến. Nơi này có người bắt đầu khóc thì ở nơi nào đó có một người ngừng rơi lệ. Với tiếng cười cũng vậy.” Tính liên đới rất lạ!

Thật dễ để dùng vạt áo lau khô những giọt lệ, nhưng rất khó để có thể xóa sạch dấu vết nước mắt khỏi trái tim mình. Tuy nhiên, nước mắt lại chính là ngôn ngữ bí ẩn của trái tim, không thể diễn tả được. Vì thế, chúng ta phải cố gắng để có thể biết cách nhìn lại những giọt nước mắt để chúng ta có thể mỉm cười, nhưng đừng bao giờ nhìn lại những nụ cười vì chắc chắn chúng ta sẽ bật khóc.

Nước mắt tốt cho thị lực, và cũng có lợi cho tinh thần. Nước mắt có thể làm trôi đi nhiều thứ, kể cả tội lỗi. Chúng ta phải khóc nhiều vì tội nhiều, phải khóc cả đời, thế mà vẫn không sạch hết tội.

Lạy Chúa, xin thương xót chúng con!

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …