Home / Chia Sẻ / TRAU DỒI TÍNH KIÊN NHẪN

TRAU DỒI TÍNH KIÊN NHẪN

TRAU DỒI TÍNH KIÊN NHẪNChúa Giêsu nói: “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.” (Lc 21:19)

Tất cả chúng ta đều phải nỗ lực rèn luyện tính kiên nhẫn. Nhưng điều quan trọng hàng đầu, được Thánh Inhaxiô Loyola nhấn mạnh, là chúng ta phải cầu xin ơn Chúa để chúng ta kiên nhẫn.

Do đó, chúng tôi muốn đưa ra một chiến lược ngắn gọn, một chương trình rõ ràng và thiết thực về cách chúng ta có thể đạt được tính kiên nhẫn quan trọng nhất và cần thiết nhất. Với ơn Chúa, tất cả đều có thể: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Lc 1:37)

  1. TÌNH YÊU VÔ HẠN VÀ VĨNH VIỄN CỦA THIÊN CHÚA

Thần yêu thương bạn. Hầu hết chúng ta đã nghe điều đó không biết bao lần rồi, đến nỗi thấy nó có vẻ là một câu sáo rỗng, một cụm từ bịa đặt, một sự ngoan đạo, một lời sáo rỗng thông thường. Tuy nhiên, sự thật ngắn gọn nhưng sâu sắc nhất trong Kinh Thánh này phải đi từ cái đầu đến con tim của chúng ta, đó là điều này: Thiên Chúa thực sự yêu thương tôi! Chắc chắn chúng ta đã nghe và đọc sự thật này rất nhiều lần, nhưng có lẽ nó giống như nước đổ đầu vịt, điều đó chưa bao giờ thực sự chìm sâu vào tận đáy lòng của chúng ta.

Tóm lại, chúng ta có thực sự tin chắc rằng Thiên Chúa là tình yêu, Ngài có một tình yêu vô hạn và vĩnh viễn dành cho chúng ta mọi lúc, mọi nơi và mọi hoàn cảnh hay không? Và cần phải nói rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta quên Ngài vì những thất bại đạo đức của mà chúng ta gọi là tội lỗi.

Chúa Giêsu đến không phải vì những người hoàn hảo mà vì những kẻ tội lỗi, và tất cả chúng ta đều là tội nhân. Thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta rõ ràng: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.” (Rm 5:20) Vì vậy, hãy cầu nguyện và suy gẫm về sự thật đơn giản nhưng sâu sắc nhất này: Thiên Chúa thực sự yêu thương chúng ta và yêu thương không giới hạn. Tình yêu của Ngài vừa vĩnh viễn vừa vô hạn. Đó là Thiên Chúa cao cả của chúng ta!

  1. CHIÊM NGẮM THẬP GIÁ

Trong đời Thánh Gioan Bosco, mẹ của ngài là bà cố Margarita luôn ở bên ngài để giúp đỡ công việc tại Khánh Lễ Viện của ngài, ngay cả khi đang ở giữa các cậu thiếu niên bướng bỉnh. Tuy nhiên, bà đã đạt đến giới hạn của bà với những đứa trẻ cứng đầu cứng cổ đó, vì thế bà thu dọn hành lý và sẵn sàng trở về nhà.

Con trai thánh thiện của bà, Lm Gioan Bosco, không nói gì mà chỉ đưa ngón tay hướng lên bức tường nơi có Thánh Giá với Chúa Giêsu bị treo trên đó. Sau khi nhìn Chúa Giêsu chịu đau khổ trên Thánh Giá, bà Margarita hiểu Chúa Giêsu yêu những thanh niên bị bỏ rơi đó và Ngài muốn bà rèn luyện tính kiên nhẫn. Sau đó, bà đã bỏ hành lý xuống và dành phần đời còn lại để giúp Lm Gioan Bosco giáo dục giới trẻ.

Vì thế, trong cuộc đời, khi tưởng chừng như thập giá bạn đang vác có vẻ không thể chịu nổi, hãy ngước mắt lên chiêm ngắm Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, yêu thương hết mọi người và nhẫn nại chịu đựng nỗi đau cho muôn người. Bạn sẽ nhận được một ân sủng đặc biệt để rèn luyện tính kiên nhẫn.

  1. XIN ƠN

Thánh Augustinô nói: “Tất cả chúng ta đều là những kẻ ăn xin trước mặt Chúa.” Điều đó có nghĩa là tất cả chúng ta đều rất cần sự giúp đỡ của Thiên Chúa, mọi lúc và mọi nơi, vì chúng ta rất yếu đuối. Đúng là chúng ta yếu đuối, nhưng Thiên Chúa rất mạnh mẽ.

Thánh Vịnh gia nhắc nhở: “Ta được phù hộ là nhờ danh thánh Chúa, Đấng đã dựng nên cả đất trời.” (Tv 124: 8) Ngay cả Sứ đồ Phaolô vĩ đại đã thốt lên: “Khi tôi yếu đuối, đó là lúc tôi mạnh mẽ.” (2 Cr 12:10)

Sau khi xin Chúa bỏ đi cái gai trong da thịt mình, Thánh Phaolô đã nghe Chúa phán: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” (2 Cr 12:9) Thật vậy, nếu chúng ta xin Chúa ban cho ơn kiên nhẫn thì Ngài sẽ đến giúp đỡ chúng ta. Ngài lắng nghe và đáp lại lời cầu nguyện khiêm nhường, trong sáng và liên lỉ!

  1. ĐI ĐÀNG THÁNH GIÁ

Có lần tôi đang nói chuyện với một vị linh hướng, ngài nhận xét: “Khi tôi thấy mình ở trong tình trạng hoang vắng, khi mọi thứ dường như tăm tối, thê lương và vô vọng, tôi đi đàng Thánh Giá và chắc chắn sự hoang vắng biến mất.” Tôi tin rằng điều này có thể được áp dụng đối với tính kiên nhẫn.

Khi bạn cảm thấy như thể có sức nặng của thập giá không thể chịu nổi, không thể được nâng đỡ thêm phút nào nữa,  hãy từ từ bước đi trên Đường Thánh Giá với Chúa và bạn sẽ nhận được sức mạnh và sức sống mới. Cùng với Thánh Phanxicô Assisi, chúng ta có thể cầu nguyện: “Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa, vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc thế gian.”

  1. CHÂN THÀNH HOÁN CẢI CÙNG VỚI CHÚA GIÊSU, ĐỨC MẸ VÀ THÁNH GIUSE

Để xác thực, lời cầu nguyện của chúng ta phải chân thành. Thật vậy, nếu chúng ta thấy hoàn cảnh sống của mình rất khó khăn, tới mức hầu như không thể, thì đã đến lúc chúng ta phải ngồi xuống trước mặt Chúa Giêsu. Bạn cũng có thể mời Thánh Giuse và Đức Mẹ cùng hiện diện, và sau đó trút hết nỗi lòng cho những người thân nhất của bạn – Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse.

Chúa Giêsu nói: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 18:3)

Hãy dùng một mẫu gương, nếu bạn thích, bộ phim Marcelino Pan Y Vino, còn được gọi là Điều Kỳ Diệu của Marcelino – phiên bản năm 1955. Cậu bé thánh thiện bị bỏ rơi này đã mở lòng ra với Chúa Giêsu, bày tỏ ước muốn sâu xa nhất trong trái tim cậu cũng như nỗi đau khổ lớn nhất của cậu – thiếu tình thương của người mẹ, và ước muốn lớn lao của cậu là có được tình mẹ – cậu phó mặc cho Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nghe tiếng cậu bé và đáp ứng yêu cầu của cậu.

Vì vậy, chúng ta phải giống như một trẻ nhỏ, chúng ta phải noi gương từ bỏ, tin cậy và đơn giản của Marcelino, và nói với Chúa rằng đôi khi khó khăn như thế nào lúc chịu đựng thập giá, đồng thời cầu xin sự kiên nhẫn vô cùng cần thiết. Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse sẽ không chậm trễ trong việc trợ giúp bạn.

  1. SUY NIỆM VỀ THIÊN ĐÀNG – ĐIỂM ĐẾN CUỐI CÙNG

Điều đó phải được nói với sự thật táo bạo: chúng ta không suy gẫm hay chiêm niệm đủ về thực tại của Thiên Đàng. Cuộc đời của chúng ta rất ngắn ngủi, giống như bông hoa sớm nở tối tàn, hoặc như làn khói bị gió thổi bay. Thánh Augustinô nói rằng cuộc sống của chúng ta so với sự vĩnh cửu chỉ là một cái chớp mắt. Đức Mẹ Fatima nói rằng nếu nhân loại chỉ suy niệm về sự vĩnh cửu, họ sẽ được hoán cải ngay lập tức.

Chúng ta phải suy ngẫm về sự ngắn ngủi của cuộc đời mình, mục đích của cuộc đời mình và phần thưởng vĩnh cửu đang chờ đợi chúng ta. Giáo lý dạy chúng ta về sự thật vĩnh cửu này: “Chúng ta ở trên thế gian này để nhận biết Thiên Chúa, yêu mến Ngài và phụng sự Ngài, để mai sau chúng ta được ở với Ngài mãi mãi trên Thiên Đàng.”

Ngay cả những thập giá và đau khổ lớn nhất cũng có thể được hỗ trợ nếu chúng ta suy gẫm thường xuyên hơn về Thiên Đàng – niềm vui, phần thưởng và thực tế của Thiên Đàng. Thánh Phaolô bộc lộ sự thật rạng rỡ và đầy an ủi này: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người.” (1 Cr 2:9) Ý nghĩ về Thiên Đàng có thể đem lại cho chúng ta sự kiên nhẫn, nhẫn nại, và thậm chí là kiên nhẫn hơn nữa.

  1. HÃY ĐÓN NHẬN – ĐỪNG LÃNG PHÍ

Dĩ nhiên, toàn bộ khái niệm và tính kiên nhẫn đều liên quan sự đau khổ. Sự kiên nhẫn của chúng ta có thể được thử thách liên quan sức khỏe, tài chính, xung đột xã hội, các vấn đề gia đình, những thách thức hoặc thất bại trong học tập hoặc công việc, các mối quan hệ rạn nứt, sự rối loạn tinh thần và cảm xúc, cùng với những điều bất trắc – tất cả những điều này, và hơn thế nữa, có thể khiến chúng ta phải kiên nhẫn kiểm tra. Tuy nhiên, thay vì phàn nàn và trở nên cay cú trước thập giá của mình, tại sao bạn không chấp nhận thập giá, cầu xin sự kiên nhẫn để vác đi? Hãy dâng các thập giá cũng như sự kiên nhẫn của bạn cho Thiên Chúa để được hoán cải và cứu các tội nhân – ngoài kia có nhiều người đang cần những đặc ân, ngay cả trong gia đình của chúng ta nữa.

Với cách nhìn hoặc quan điểm siêu nhiên như vậy, các thập giá trở nên nhẹ nhàng hơn và sự kiên nhẫn cũng đến dễ dàng hơn. Hãy thử đi! Hãy nâng cao tâm trí và trau dồi tầm nhìn siêu nhiên hơn về cuộc sống của bạn và các thập giá của bạn, kể cả giá trị vĩnh cửu của thập giá nữa.

  1. ĐỪNG GIẤU GIẾM – HÃY CHIA SẺ

Một trong những khía cạnh quan trọng của tâm linh theo Thánh Inhaxiô là, trong đời sống tâm linh, chúng ta không bị biến thành những kẻ cô độc, những người theo chủ nghĩa cá nhân thô kệch. Ngược lại, để tới Thiên Đàng, chúng ta phải học cách làm việc với những người khác. Vì vậy, chúng ta phải có một số hướng dẫn hoặc đồng hành liêng để kiên trì cho đến cùng trong hành trình thiêng liêng của mình.

Điều quan trọng cơ bản đối với sự tiến bộ tâm linh là chúng ta cần phải có người linh hướng và có thể cởi mở với lòng khiêm tốn, tin cậy và minh bạch, đặc biệt khi thập giá có vẻ nặng nề nhất và sự kiên nhẫn của chúng ta đang thực sự bị thử thách. Bạn có thể ngạc nhiên rằng khi bạn đã bỏ xuống, bày tỏ thập giá và nhu cầu kiên nhẫn của bạn với vị linh hướng, thập giá dường như giảm kích thước và sự kiên nhẫn có vẻ hầu như không thể thì lại thực sự rất khả thi. Chúa Giêsu nói: “Ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11:30)

  1. BA LĨNH VỰC PHẢI CẢNH GIÁC VÀ XIN ƠN

Chúa Giêsu nói: “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.” (Lc 21:19) Phần lớn chiến thắng tâm linh của chúng ta có thể đạt được nhờ ý thức, cảnh giác, hiểu biết về bản thân và xét mình hằng ngày.

Trong cuộc đời ngắn ngủi của chúng ta, thường sẽ có ba lĩnh vực mà chúng ta cần kiên nhẫn nhất: với Thiên Chúa, với tha nhân, và với chính mình. Đây là cách giải quyết ba lĩnh vực này:

   a) Kiên Nhẫn với Thiên Chúa

Trước tiên, đối với Thiên Chúa: có thể xảy ra trường hợp bạn đang cầu nguyện với Thiên Chúa về điều gì đó và dường như Ngài không lắng nghe. Không gì có thể khác sự thật. Thiên Chúa luôn nghe chúng ta, nhưng Ngài thường bắt chúng ta phải chờ đợi để chúng ta có thể trưởng thành trong hai đức tính: kiên nhẫn và cầu nguyện.

Thánh Monica đã cầu nguyện trong hơn 30 năm cho sự hoán cải của gia đình. Nhờ tính kiên nhẫn, điều đó đã xảy ra. Không chỉ với con trai Augustinô mà còn cả chồng và mẹ chồng của bà nữa.

   b) Kiên Nhẫn với Tha Nhân

Với lòng kiên nhẫn đối với người khác, sự giúp đỡ to lớn có thể là lời nhắc nhở đơn giản về sai lầm và tội lỗi của chúng ta, cũng như Thiên Chúa đã kiên nhẫn với chúng ta như thế nào. Vì vậy, chúng ta nên kiên nhẫn với những sự giới hạn của người khác.

   c) Kiên Nhẫn với Chính Mình

Cuối cùng, Thánh Phanxicô Salê nhấn mạnh rằng chúng ta phải kiên nhẫn với chính mình. Kinh Thánh nói: “Chính nhân có ngã bảy lần cũng đứng lên được, còn kẻ ác cứ lảo đảo hoài trong cảnh tai ương.” (Cn 24:16) Thánh Junipero Serra có câu nói nổi tiếng này: “Siempre Adelante, Siempre Adelante y nunca atras.” (Luôn tiến về phía trước, luôn tiến về phía trước và không bao giờ quay nhìn lại.) Bậc đáng kính Lm Bruno Lanteri (sáng lập dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ – Oblates of the Virgin Mary) đã đặt ra châm ngôn: Nunc Coepi – Bắt Đầu Ngay. Có nghĩa là nếu tôi ngã bao nhiêu lần thì tôi sẽ đứng dậy bấy nhiêu lần, và cố gắng tin vào sự kiên nhẫn, lòng thương xót và tình yêu vô hạn của Thiên Chúa.

Thật vậy, Thánh Vịnh gia nói: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương.” (Tv 103:8)

  1. NGHĨ VỀ ĐỨC MẸ VÀ CẦU XIN ĐỨC MẸ

Một lần nữa, dấu hiệu nổi bật trong linh đạo của dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ là lòng tin tưởng dịu dàng, toàn diện và vô hạn vào sự hiện diện, quyền năng, lời cầu nguyện, sự kiên trì và sự trong sạch của Đức Trinh Nữ Maria. Trong kinh Hãy Nhớ – Memorare, Thánh Bernard dành cho chúng ta những lời an ủi nhất: “Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Ðức Mẹ, xin bầu chữa cứu giúp mà Ðức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời. Nhân vì sự ấy, con lấy lòng trông cậy than van chạy đến sấp mình xuống dưới chân Ðức Mẹ là Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh, xin Ðức Mẹ đoái đến con là kẻ tội lỗi. Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Cứu Thế, xin chớ bỏ lời con kêu xin, một dủ lòng thương mà nhận lời con cùng. Amen.”

Không chỉ tạo thói quen này, mà chúng ta hãy dâng những ngày sống của bạn cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria và Thánh Tâm Chúa Giêsu. Tuy nhiên, trong thời gian ban ngày, đặc biệt là trong những thử thách và hoạn nạn, khi thập giá có vẻ nặng nề nhất, hãy ngước mắt lên và kêu cầu Thánh Danh Mẹ Maria. Là người yêu thương và dịu dàng nhất, Mẹ sẽ không bao giờ làm bạn thất vọng!   

ED BROOM, OMV

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Đêm 23-07-2021

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN