Home / Chia Sẻ / Trau dồi sáu con đường để có được đức tính khiêm tốn

Trau dồi sáu con đường để có được đức tính khiêm tốn

“Khiêm tốn là nền tảng của tất cả mọi đức hạnh khác.”Thánh Âugutinô 

Khiêm tốn 20160908

Các thánh nói rất rõ ràng, khiêm tốn là nền tảng của tất cả mọi thăng tiến thiêng liêng. Nếu chúng ta không khiêm tốn, chúng ta không là thánh. Đơn giản là như thế. Nhưng biết đơn giản là vậy, nhưng thực hành lại không dễ. Sau đây là sáu phương pháp để trau dồi đức tính này.

  1. Cầu nguyện để xin được khiêm tốn

Mọi đức tính hình thành được trong tâm hồn chúng ta là nhờ cầu nguyện sốt sắng. Nếu thật sự bạn muốn khiêm tốn thì mỗi ngày bạn phải cầu nguyện để xin ơn này. Xin Chúa giúp bạn thắng tự ái của mình. Cha xứ D’Ars dạy:

Mỗi ngày, chúng ta hết lòng xin ơn khiêm tốn, ơn để hiểu chính chúng ta, chúng ta chẳng là gì và sự khỏe mạnh về tinh thần và thể xác của chúng ta là đến từ Chúa mà thôi.

  1. Chấp nhận sỉ nhục

Có thể đó là cách đau đớn nhất nhưng cũng là hiệu quả nhau để tập đức khiêm tốn, chấp nhận chịu những hoàn cảnh sỉ nhục và khó chịu. Linh mục Gabriel Thánh Maria Mađalêna giải thích: Rất nhiều linh hồn thích được khiêm tốn nhưng ít người muốn bị sỉ nhục. Rất nhiều người cầu nguyện sốt sắng xin Chúa cho họ khiêm tốn nhưng rất hiếm người mong muốn bị sỉ nhục. Dù vậy, không thể nào có khiêm tốn mà không bị sỉ nhục; vì, cũng như qua học hành chúng ta có được hiểu biết, thì qua con đường sỉ nhục, chúng ta mới có được khiêm tốn. Cho đến khi nào chúng ta mong muốn được khiêm tốn mà không sẵn sàng chấp nhận các phương tiện dẫn đến nó, thì chúng ta chưa thật sự đi đúng đường. Dù, trong một vài trường hợp, chúng ta hành động khiêm tốn, nhưng có thể đó là kết quả của một sự khiêm tốn giả tạo, bề ngoài hơn là một lòng khiêm tốn đích thực và sâu đậm. Khiêm tốn là sự thật; và vì, chúng ta không tự mình chiếm giữ một cái gì ngoài tội, nên chúng ta nhận sỉ nhục và khinh khi là đúng lý.

  1. Vâng lời bề trên

Một trong những thể hiện hiển nhiên nhất của tính kiêu ngạo là không vâng lời. Nghịch lý là, không vâng lời và phản loạn là những đức tính lớn mà xã hội Phương Tây hiện đại cao rao nhất. Sự sa ngã của Satan là do tính kiêu ngạo của nó: “Tôi sẽ không phục vụ” (Non serviam).

Mặt khác, tính khiêm tốn luôn thể hiện bằng sự vâng lời bề trên, dù bề trên đó là ông chủ của mình hay chính quyền. Như Thánh Bênêđictô đã nói:

Mức độ khiêm tốn đầu tiên là vâng lời không chậm trễ.

  1. Coi chừng chính mình

Các thánh nói cho chúng ta biết, nếu chúng ta coi chừng chính mình và chỉ đặt lòng tin vào chỉ một mình Chúa thì chúng ta sẽ không bao giờ phạm một tội nào. Thậm chí Cha Lorenzo còn nói:

Coi chừng mình là thiết yếu trong cuộc chiến đấu thiêng liêng. Không có đức tính này, chúng ta không hy vọng thắng được các đam mê dù yếu nhất và lại càng khó mang về chiến thắng.

  1. Nhận biết chúng ta chẳng là gì

Một phương pháp rất hiệu quả khác là vun trồng đức tính khiêm tốn, chiêm niệm tầm cao cả và huy hoàng của Chúa, cùng một lúc nhận biết sự hư không của chúng ta đối với Ngài. Cha xứ d’Ars khẳng định rằng:

Ai có thể chiêm ngưỡng sự bao la vô tận của Chúa mà không khiêm tốn trong cát bụi, rằng Chúa tạo dựng trời đất từ không có gì? Và Ngài có thể biến trời đất thành hư không qua chỉ một lời? Thiên Chúa cao cả; sự toàn năng của Ngài là vô tận. Ngài là sự toàn hảo và sự vĩnh cửu của Ngài là vô cùng. Sự công chính và quan phòng của Ngài thật lớn vô cùng. Ngài cai trị với bao là khôn ngoan và chú tâm với bao là chăm lo. Đứng trước mặt Ngài, chúng ta chẳng là gì!

  1. Xem người khác cao hơn mình

Khi chúng ta kiêu ngạo, không tránh được chúng ta nghĩ mình hơn người khác. Chúng ta cầu nguyện như người pharisêu: “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì con không như người khác.” Sự tự thỏa mãn này thường vô cùng nguy hiểm cho tâm hồn chúng ta, và nó là một ghê tởm đối với Chúa. Các sách thánh và các thánh đều khẳng định chỉ có con đường chắc chắn là xem người khác hơn mình. “Đừng làm gì vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình “, Thánh Phaolô đã khẳng định (Pl 2, 3).

Thomas a Kempis tóm tắt lời huấn dạy này trong chương 7 của quyển sách “Bắt chước gương Chúa Giêsu”:

Bạn đừng cho mình hơn người khác; có thể dưới mắt Chúa bạn xấu hơn, ai biết cái gì trong con người. Đừng kiêu ngạo về những việc làm tốt của mình, vì phán xét của Chúa thì khác với phán xét của loài người, cái gì làm hài lòng con người thì thường không làm Chúa hài lòng. Nếu có một cái gì tốt nơi bạn, thì hãy nghĩ là nơi người khác còn có những cái tốt hơn để mình giữ lòng khiêm tốn. Bạn không liều gì khi thấp hơn tất cả các người khác, nhưng bạn sẽ rất có hại nếu bạn thích chỉ thấp hơn một người. Người khiêm tốn vui vì có bình an bền vững, giận dữ và ham muốn làm vẫn đục tâm hồn người kiêu ngạo.

Kết luận

Không nghi ngờ gì về vấn đề này: Khiêm tốn là nền tảng của mọi đời sống thiêng liêng. Không có đức tính này, chúng ta sẽ không bao giờ thăng tiến trên con đường thánh thiện. Dù vậy, khiêm tốn không phải là một khái niệm trừu tượng để chiêm ngưỡng. Đó là một đức tính cần phải học, phải trau dồi và thường là trong những hoàn cảnh đau đớn, bắt chước Chúa Giêsu Kitô “Đấng tự hạ mình, Đấng dùng hình thức nô lệ để nên giống loài người.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

Nguồn: Phanxicovn

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …