Home / Chia Sẻ / TRAO TÌNH

TRAO TÌNH

TRAO TÌNHThánh Catarina Siena (1347-1380) được ơn trao đổi trái tim với Chúa Giêsu. Bà nhiệt thành đền tội cho các tội nhân, nhất là các linh mục, bà xin dâng lại cho Chúa trái tim mà bà đã nhận được và thân thưa: “Lạy Thiên Chúa vĩnh hằng, xin nhận lấy cuộc đời con dâng Ngài vì Nhiệm Thể Ngài là Hội Thánh.” Thật kỳ diệu với cuộc trao đổi trái tim giữa Chúa Giêsu và thánh nữ – cuộc trao trọn tình yêu.

Cuối thế kỷ XIX, Mẹ Maria Thánh Tâm và nữ tu Maria Thánh Ignatio cùng lập Dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm (Handmaids of Sacred Heart), linh đạo dòng là chầu Thánh Thể. Ngày 1-11-1878, họ bắt đầu chầu Thánh Thể suốt ngày, từ năm 1900 họ chầu Thánh Thể cả ban đêm nữa, tức là họ chầu suốt ngày suốt đêm. Cũng khoảng thời gian đó, Lm Leo Dehon lập Dòng Hiến Sĩ Thánh Tâm (Oblates of Sacred Heart) tại Saint Quentin – Pháp, nay là Dòng Linh Mục Thánh Tâm Chúa Giêsu (SCJ – Prêtres du Sacré-Cœur de Jésus, Priests of Sacred Heart), linh dạo của dòng là đền tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Thánh Tâm cũng gắn chặt với Thánh Thể, không thể tách rời. Chúa Giêsu có “bộ ba” tuyệt vời: Thánh Tâm – Tình Yêu – Lòng Thương Xót. Cơ thể con người là một khối tổng hòa kỳ diệu. Mỗi cơ phận đều là một thế giới kỳ diệu, nhưng trái tim là cơ phận đặc biệt nhất. Tim có nhiệm vụ phân phối máu đi khắp các mạch máu, kể cả trung tâm não bộ. Nếu mắc nối tiếp các mạch máu trong cơ thể sẽ thành một đường dài 96.559 km. Tim còn có đặc điểm là tự đập nhịp, không nhờ sự giúp đỡ của não hoặc cột sống, vì khi lấy tim ra thì nó vẫn “nhảy nhịp.” Và mỗi cơ tim đều tự đập được. Sự tinh xảo mà con người không thể hiểu nổi, nghiên cứu bao nhiêu cũng chưa tỏ tường.

Như chúng ta đã biết, tim đặc biệt cả về lý tính và hóa tính. Không chỉ vậy, tim còn là “trung tâm tình cảm” với vẻ nhiêu khê của thất tình – hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục. Tim là trung tâm sự sống, tim chết thì người ta chết. Não chỉ là trung tâm điều khiển. Vì thế, tim rất quan trọng, phải khỏe chứ không thể yếu. Tim mà đau thì cả thân xác rời rã. Cơn đau tim có thể xảy ra với bất kỳ ai, dù già hay trẻ, dù nam hay nữ, và cơn đau tim thường xảy ra vào buổi sáng – từ khoảng 6 giờ tới trưa. Khi lên cơn đau tim, người ta có thể tử vong trong vòng bốn giờ. Nhịp tim nhảy bất thường một chút là rắc rối rồi – dù nhanh hay chậm, chứ đừng nói chi yếu tim.

Tim phức tạp nên tình yêu cũng rắc rối. Khi diễn tả tình yêu, người ta thường dùng hình trái tim có lưỡi gươm đâm thâu. Điều đó cho thấy “yêu là khổ,” vì yêu phải CHO nhiều hơn NHẬN. Như vậy, yêu không chỉ “khổ” mà còn “lỗ” to. Thế nhưng không ai lại không thích yêu. Đó là loại thuốc rất “đắng” mà ai cũng thích sử dụng. Tim có lý lẽ riêng mà chính lý lẽ cũng không thể lý giải. Lạ lùng vô cùng! Quả thật, Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân. (Rm 5:8) Và còn hơn thế nữa, Ngài si tình đến mức chịu khổ nạn và chịu chết để chứng minh tình yêu Ngài dành trọn cho chúng ta.

Giữa thế kỷ XVII, Chúa Giêsu đã mặc khải Thánh Tâm Ngài cho thánh nữ Marguerite-Marie Alacoque (1647-1690), Dòng Thăm Viếng ở Paray-le-Monial, Pháp. Chúa Giêsu đã cho bà thấy Thánh Tâm Ngài có lửa cháy, bị vòng gai quấn quanh, và bị lưỡi gươm đâm thâu. Lần hiện ra quan trọng xảy ra trong tuần bát nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu (Corpus Christi) năm 1675, có thể đó là ngày 16 tháng 6, Chúa Giêsu nói: “Hãy ngắm nhìn Thánh Tâm Ta yêu thương nhân loại biết bao… Nhưng thay vì được biết ơn, Ta chỉ nhận được sự vô ơn…” Ngài yêu cầu Thánh nữ vận động thành lập lễ kính Thánh Tâm vào Thứ Sáu sau lễ kính Mình Máu Thánh. Và ngày 11-6-1899, theo lệnh của ĐGH Lêô XIII, cả thế giới đã được tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Thánh Tâm Chúa Giêsu không chỉ là nơi trú ẩn an toàn, mà còn là Trung Tâm Cấp Cứu, nơi tuôn chảy Nguồn Thương Xót với hai dòng Máu và Nước. Dù chỉ là tội nhân, nhưng chúng ta được diễm phúc trở thành con cái của Thiên Chúa, là “dân riêng” của Thiên Chúa: “Anh em là một dân thánh hiến cho Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em. Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em đã chọn anh em từ giữa muôn dân trên mặt đất, làm một dân thuộc quyền sở hữu của Người.” (Đnl 7:6) Nhân loại không thể nào hiểu thấu Lòng Thương Xót. Đúng là Thiên Chúa si tình thực sự, si tình “tới bến” luôn.

Tại sao? Đây là lý do: “Đức Chúa đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân. Nhưng chính vì yêu thương anh em, và để giữ lời thề hứa với cha ông anh em, mà Đức Chúa đã ra tay uy quyền đưa anh em ra và giải thoát anh em khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pharaô, vua Ai Cập.” (Đnl 7:7-8) Thánh Vịnh gia cảm nghiệm: “Thân phận con khốn khổ nghèo hèn, nhưng Chúa hằng nghĩ tới.” (Tv 40:18) Chắc chắn chẳng có hạnh phúc nào hơn nữa!

Cựu Ước phân tích rất tỉ mỉ: “Anh em phải biết rằng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, thật là Thiên Chúa, là Thiên Chúa trung thành: cho đến muôn ngàn thế hệ, Người vẫn giữ giao ước và tình thương đối với những ai yêu mến Người và giữ các mệnh lệnh của Người. Còn ai thù ghét Người thì Người nhằm chính bản thân nó mà trả đũa, khiến nó phải chết; với kẻ thù ghét Người, Người không trì hoãn, Người nhằm chính bản thân nó mà trả đũa.” (Đnl 7:9-10) Có vẻ như có “tính hù dọa,” nhưng thời đó là thời “cụ thể” với kiểu trắng – đen rạch ròi: mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân, chỗ gãy đền chỗ gãy. (Xh 21:24; Lv 24:20; Đnl 19:21) Ngôn ngữ thời đó diễn tả “thô” và thẳng thắn như vậy thôi. Ông Môsê kết luận: “Vậy anh em phải tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định mà hôm nay tôi truyền cho anh em đem ra thực hành.” (Đnl 7:11) Thời nay cũng vậy thôi, chắc chắn chúng ta không thể không thực hiện mệnh lệnh của Thiên Chúa.

Không chỉ có vậy, một trong các bổn phận quan trọng khác là chúc tụng và tạ ơn Chúa. Thánh Vịnh gia tự nhủ: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh! Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Người.” (Tv 103:1-2) Chúng ta thường chỉ cầu xin Chúa ban cho điều này, thứ nọ, nhưng “hay quên” tạ ơn và chúc tụng Ngài. Có nhiều lý do để chúng ta phải làm vậy: “Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi. Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà, ban cho đời ngươi chứa chan hạnh phúc, khiến tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng. Chúa phân xử công minh,bênh quyền lợi những ai bị áp bức, mặc khải cho Mô-sê biết đường lối của Người, cho con cái nhà Ít-ra-en thấy những kỳ công Người thực hiện.” (Tv 103:3-7) Rất rõ ràng, công bằng – nói theo phàm ngôn là “sòng phẳng.”

Bản chất tuyệt đối của Thiên Chúa là tình yêu, luôn thương xót, chạnh lòng và động lòng trắc ẩn với những ai khốn cùng: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm.” (Tv 103:8 và 10) Kẻ khốn cùng đó chẳng ai xa lạ, đó là chính mỗi chúng ta. Đặc biệt là Ngài muốn làm cho chúng ta an toàn nên Ngài “ném tội lỗi thật xa chúng ta.” (x. Tv 103:12) Thiên Chúa quá đỗi tuyệt vời, vượt tầm hiểu của phàm nhân chúng ta.

Vốn dĩ là tình yêu, Thiên Chúa không chỉ mong muốn mà còn bắt buộc chúng ta PHẢI yêu thương nhau. Hoàn toàn hợp lý. Tông đồ trẻ Gioan lý luận: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.” (1 Ga 4:7-8) Rất chí lý và cao quý.

Thánh Gioan giải thích: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.” (1 Ga 4:9-10) Người-môn-đệ-Chúa-yêu đưa ra “cái nếu” khiến chúng ta phải “nặng đầu suy nghĩ” nhưng cũng là lời mời gọi chân thành: “Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau. Thiên Chúa chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được rằng chúng ta ở lại trong Người và Người ở lại trong chúng ta: đó là Người đã ban Thần Khí của Người cho chúng ta. Phần chúng tôi, chúng tôi đã chiêm ngưỡng và làm chứng rằng: Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng cứu độ thế gian.” (1 Ga 4:11-14)

Một hệ lụy minh nhiên: “Hễ ai tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa thì Thiên Chúa ở lại trong người ấy, và người ấy ở lại trong Thiên Chúa. Còn chúng ta, chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó. Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.” (1 Ga 4:15-16) Tin vào tình yêu Thiên Chúa cũng chính là tín thác vào lòng thương xót của Ngài, tin bằng cả con người của chúng ta chứ không chỉ bằng môi miệng hoặc theo phong trào – qua việc tham gia các hội đoàn cho “ra vẻ” nhưng chỉ có bề ngoài, vì bề nổi như gió thổi bay bề trong. Tham gia hội này, hội nọ cũng tốt, nhưng chẳng gì bằng Hội Thánh.

Một hôm, sau khi quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Ngài đã làm mà không sám hối, Chúa Giêsu thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.” (Mt 11:25) Và Ngài nói với họ: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.” (Mt 11:27) Họ là ai? Là những người “chứng kiến phép lạ mà KHÔNG sám hối.” Đó cũng có thể chính chúng ta, vì chúng ta cũng đã chứng kiến nhiều phép lạ trong đời thường mà đức tin vẫn xơ cứng, tệ hơn nữa là lại cứ “đua nhau” tìm kiếm các “sự lạ” ở nơi kia hoặc nơi nọ. Rất đáng quan ngại với kiểu “phong trào” như vậy!

Mọi thời, mọi nơi và mọi lúc, Chúa Giêsu vẫn không ngừng mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11:28-30) Hiền hậu và khiêm nhường liên quan chặt chẽ với nhau, êm ái và nhẹ nhàng cũng có liên quan lẫn nhau. Là phàm nhân, chẳng ai lại không “vất vả mang gánh nặng nề” – thể lý hoặc tinh thần, nghĩa là ai cũng cần nghỉ ngơi nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Và Ngài vẫn tiếp tục mời gọi: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.” (Ga 15:9) Về sự “ở lại trong tình thương” đó, chính Ngài cũng đã giải thích: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.” (Ga 15:10) Không còn mơ hồ, và cũng không thể hiểu theo cách khác. Yêu ai thì “chiều” theo người đó, muốn làm vừa lòng người đó và muốn nên giống người đó. Chúa Giêsu vì yêu thương chúng ta nên đã hóa thân nên giống chúng ta bằng cách giáng sinh làm người và sống kiếp người như chúng ta.

Còn chúng ta? Không ai có thể trả lời thay cho mình. Đến với Thánh Tâm Chúa Giêsu, người ta không chỉ được miễn phí, mà còn được chăm sóc đặc biệt bởi Siêu Bác Sĩ Giêsu. Thế thì chẳng dại gì mà không đến – đến bất cứ lúc nào. Chính tình yêu khả dĩ che phủ muôn vàn tội lỗi. (x. 1 Pr 4:8)

Thánh Padre Pio (Năm Dấu, 1887-1968) nói: “Cầu nguyện là chiếc áo giáp tốt nhất mà chúng ta có, và cũng là chiếc chìa khóa mở cửa Thánh Tâm Chúa Giêsu.” Thế thì quá tuyệt vời và diễm phúc cho chúng ta!

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, vì yêu thương mà Ngài trao trọn Tình Ngài cho nhân loại. Xin cho chúng con cũng biết trao trọn tình yêu của chúng con cho Ngài. Xin cho chúng con được tắm gội trong Máu và Nước chảy ra từ Thánh Tâm Ngài, xin giúp chúng con biết đi qua Cửa Thương Xót là Thánh Tâm Ngài để chúng con được nghỉ ngơi cả đời này và đời sau. Ngài là Đấng Cứu Độ duy nhất, hằng sinh và hiển trị với Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 3, 15-16. 21-22

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Trời mở ra, Cửa Thánh mở SUY NIỆM LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA (Lc …