Ngày lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, tại một xứ đạo có tổ chức rước kiệu. Vì không thể diễn tả thế nào về Chúa Thánh Thần, do kinh Thánh không nói đến nên những người tổ chức có sáng kiến làm một chim bồ câu bằng bông gòn trắng, rất đẹp. Chỉ khác là trên chỏm đầu có một vòng bằng điện (Chắc các vị nghĩ rằng đó là hào quang Thánh?). Kiệu được trang trí hoa đèn, được các thanh niên mặc lịch sự, trang nghiêm, kính cẩn cung nghinh. Những anh em không công giáo đi với tôi hỏi nhỏ: “Sao lại rước chim bồ câu?”. Tôi cố giải thích đó là hình minh họa Ngôi Ba Thiên Chúa hiện ra tại sông Gioóc Đăng khi Chúa Giêsu chịu phép rửa theo tin mừng Matthêu 3, 13-17 “Người (Chúa Giêsu) thấy Thần khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người”. Tôi hiểu đây chỉ là diễn tả cảm giác Đức Giêsu nhận biết khi Thánh Thần Chúa ngự xuống nhẹ nhàng như chim bồ câu đáp xuống trên Người chứ không phải Thánh Thần Chúa mượn hình dạng chim câu. Anh bạn tôi xem ra không thể hiểu nổi và tôi cũng thế.
Rồi hiện nay, do công nghệ in ấn hiện đại, cộng với máy vi tính người ta có thể in những bức hình diễn tả các sự kiện trong Thánh Kinh, trong Tân Ước rất đẹp như biến cố Giáng Sinh, Phục sinh, các chủ đề Tin Mừng hàng tuần, được các nhà thờ minh họa sinh động qua hình ảnh trong các Thánh lễ, nhưng không thể dùng để tôn thờ, đặt trên cung Thánh, nhà chầu Thánh Thể. Ngay kể cả bức danh họa “Bữa ăn cuối cùng” của Leonardo De Vinci mô tả việc Chúa ngồi cùng bàn ăn với các Tông đồ, cũng vẫn chỉ là kiệt tác về mặt hội họa chứ không mang tính Thánh thiêng. Thế nhưng gần đây một số nhà thờ đã mang những bức tranh, bức hình rất đẹp (về mặt mỹ thuật) lên bàn thờ như một sự suy tôn, thờ kính như: hình (Tượng) Chúa sống lại ở trần, vai khóac mảnh vải trắng (chắc là khăn liệm), tay cầm cờ “Hội Thánh”, quen gọi là ảnh Chúa Phục sinh. Có ai thấy Chúa sống lại đâu? khi nào? ở đâu? Thánh kinh đâu có đề cập. Lại có nhà thờ đưa hình Chúa Phục sinh đứng trên một quan tài bị bật tung nắp, bên cạnh những “quân dữ” với giáo mác bỏ chạy. Chúa có nằm trong quan tài đâu?
Một lối giáo dục đạo đức bình dân không phù hợp với lòng tin. Đã có Năm Đức Tin, có Tông huấn Niềm vui Phúc Âm, lại đang trong những năm Tân Phúc Âm hóa (Loan báo tin mừng bằng một cách thế mới). Vậy mà vẫn còn những người có trách nhiệm vẫn có quan niệm xa lạ với Đức Tin trưởng thành. kính mong các Đấng bản quyền, Ủy Ban Phụng vụ Hội đồng Giám Mục Việt Nam cần có ý kiến về việc sử dụng ảnh tượng. Đâu là trang trí minh họa, đâu là thờ phượng kính tôn?
Fx Đỗ Công Minh