Home / Chia Sẻ / TRÁCH MẮNG

TRÁCH MẮNG

TrachMangKinh Thánh nói: “Trăm roi đánh người dại không bằng một lời mắng người khôn.” (Cn 17:10) Còn đối với trẻ nhỏ, Kinh Thánh nói: “Có chịu đòn chịu mắng mới nên khôn, trẻ con thả lỏng gây tủi buồn cho mẹ.” (Cn 29:15)

Trách mắng (trách móc, trách cứ) là chuyện tế nhị. Người ta thích tránh né, đổ lỗi cho người khác, chứ ít ai dám nhận lỗi. Người dám nhận lỗi là người chân thật và can đảm, thực sự khiêm nhường. Joseph Brodsky nói: “Khi đổ lỗi cho người khác, bạn tự làm suy yếu quyết tâm thay đổi bất cứ điều gì.” Và còn hơn thế nữa, bởi vì “việc đổ lỗi rất lãng phí thời gian, dù tìm thấy bao nhiêu lầm lỗi ở người khác và có trách móc họ bao nhiêu thì điều đó cũng không thay đổi con người của bạn.” (Jack Canfield) Tưởng khôn mà dại! Còn Oscar Wilde nói: “Có niềm vui sướng trong việc tự trách mình. Khi ta quy lỗi cho mình, chúng ta cảm thấy không ai có quyền đổ lỗi cho chúng ta nữa.” Tưởng dại mà khôn!

Trách mắng cũng phải có nghệ thuật – có khi cần nói thẳng, có khi chỉ cần bóng gió. Thánh Mátthêu cho biết rằng Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết “bí mật” bất ngờ: Ngài phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Vốn dĩ ngư dân chân chất, tính nóng như lửa và thẳng như ruột ngựa, ông Phêrô liền kéo riêng Ngài ra và nói: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” (Mt 16:22)

Chúa Giêsu liền quay lại “phang” liền bằng một câu rất nặng: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” (Mt 16:23) Ôi chao, Phêrô là “tổ trưởng” mà Thầy cũng chẳng nể nang gì hết. Nhưng phải vậy, vì Chúa Giêsu luôn thẳng thắn, không phải cứ làm lớn thì có thể làm láo. Càng làm lớn càng phải làm gương, đó mới là người lãnh đạo đích thực. Có lẽ Chúa Giêsu chưa nguyền rủa ai nặng như trách mắng Phêrô – vị giáo hoàng tiên khởi. Phải vậy thì Phêrô mới không dám lên mặt, phải xem lại mình mà khiêm nhường. Ngày nay một số người lạm dụng chức quyền vì ảo tưởng.

Trong tình huống này, chúng ta thấy tính cách của ông Phêrô rất bộc trực, chân thật, nghĩ sao nói vậy, không rào trước đón sau. Ông là dân chài chính hiệu, ít học, không giỏi giang hơn người khác, không nổi trội, nhưng Chúa Giêsu vẫn chọn ông làm “hoa tiêu” của Giáo Hội, làm “đá tảng” để xây dựng Giáo Hội, vì Ngài biết rõ tâm địa ông thẳng thắn và khiêm nhường. Thiên Chúa cần người khiêm nhường, dù không giỏi, Ngài không cần người giỏi mà kiêu ngạo. Chính Thần Khí Thiên Chúa sẽ tác động: “Đức Khôn Ngoan mở miệng người câm, và cho lưỡi trẻ thơ nói năng dễ dàng.” (Kn 21:25) Ai khiêm nhường thì có Chúa, và có Chúa là có tất cả. Tấm gương Thánh Gioan M. Vianney còn tỏa sáng mãi muôn đời.

Điều kiện khả dĩ trở nên môn đệ được Chúa Giêsu đề cập: “Ai muốn theo Thầy, phải TỪ BỎ chính mình, VÁC THẬP GIÁ MÌNH mà theo. Quả vậy, ai muốn CỨU mạng sống mình thì sẽ MẤT; còn ai LIỀU MẤT mạng sống mình vì Thầy thì sẽ TÌM ĐƯỢC mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16:24-26) Chẳng có ai ra điều kiện “ngược đời” như Chúa Giêsu. Khi muốn người khác về phe với mình, người ta đưa ra những điều kiện “béo bở,” được lợi này ích nọ, chứ chẳng ai dám hứa hẹn về sự đau khổ. Các công ty muốn có nhân viên giỏi thì hứa hẹn lương bổng cao, các tổ chức muốn có nhiều thành viên thì hứa hẹn nhiều lợi lộc. Chúa Giêsu hoàn toàn khác, vậy mà càng ngày người ta càng nghiệm ra “ẩn số” trong tính cách độc đáo của Ngài và muốn theo Ngài. Thật lạ lùng!

Sinh thời, ông Mohandas Karamchand Gandhi (1869–1948) là nhà ái quốc chủ trương bất bạo động, được dân Ấn Độ coi là “cha già” và “vị thánh,” cũng đã thần tượng Chúa Giêsu sau khi đọc Kinh Thánh, đặc biệt là Bài Giảng Trên Núi. Ông nhận định: “Tôi không cần biết có một Chúa Giêsu trong lịch sử hay không, nhưng những gì Người dạy trong Bài Giảng Trên Núi là sự thật. Đối với tôi, Thiên Chúa là sự thật và tình yêu. Ngay lần đầu tiên đọc cuốn Tân Ước, tôi không hề tìm thấy chỗ nào bày về sự yếu đuối hay nhát đảm của Chúa Giêsu. Không phải qua gươm giáo, nhưng qua thái độ chịu đau khổ sẽ giúp cho người ta đánh giá được bản lãnh và nhân đức của một con người. Ở đâu có yêu thương, ở đó có sự sống.” Chỉ có người giỏi mới nhận ra tài năng và cái giỏi ở người khác. Và người thực sự giỏi sẵn sàng tin nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa nhập thể làm người.

Chữ nghĩa cũng có điều kỳ diệu: Chữ SANTA (thánh) và SATAN (ma quỷ) chỉ khác nhau ở cách xếp mẫu tự. Cách đảo tự có thể trở thành tốt hoặc xấu. Sai một ly đi một dặm. Cách sống cũng tương tự. Đôi khi cứ tưởng là “bác ái” nhưng thực chất lại là “bái ác.” Khoảng cách để làm Thánh hoặc làm Quỷ thật là mong manh!

Chúa Giêsu không hứa hẹn mà chỉ giải thích: “Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ THƯỞNG PHẠT AI NẤY XỨNG VIỆC HỌ LÀM.” (Mt 16:27) Thêm một ngày mới là thêm một khoảng sống, nhưng cũng là bớt một khoảng sống, nghĩa là cuộc đời mỗi người cứ dần ngắn lại, thời gian cứ dần dần khép lại để mở ra Thời Điểm Cánh Chung…

Việc trách mắng có liên quan vấn đề giáo dục – và cũng là chuyện muôn thuở. Kinh Thánh nói: “Con người do Thiên Chúa làm nên, vốn đơn sơ ngay thẳng, nhưng chính họ lại đi tìm đủ chuyện rắc rối quanh co.” (Gv 7:29) Con người cần tái giáo dục vì đã phạm tội. Mỗi thời mỗi khác về cách giáo dục, nhưng trọng tâm vẫn là muốn hoán cải người ta nên tốt hơn theo “bản gốc” của con người là “tính bổn thiện.” Ngày nay, tuy hình thức trừng phạt thể lý không được đề cao, nhưng đôi khi vẫn thực sự cần thiết. Vả lại, “Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt.” (Dt 12:6) Mẹ Teresa Calcutta cho biết: “Khi đau khổ xuất hiện trong cuộc đời bạn, hãy nhớ rằng buồn phiền và đau khổ là nụ hôn của Chúa Giêsu, dấu chỉ cho thấy bạn ở gần Ngài tới mức Ngài có thể hôn bạn.”

Trách mắng để sửa dạy – sửa dạy vì yêu thương chứ không ghét bỏ, nhưng phải cương quyết: “Hãy nghiêm khắc sửa dạy họ, để họ có một đức tin lành mạnh.” (Tt 1:13) Ngoài ra, người được sửa dạy không nên tự ái, nghĩa là phải biết khiêm nhường, phục thiện và chấp nhận: “Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy.” (Dt 12:7) Triết gia Tuân Tử (313-238, thời Chiến quốc, nước Sở, Trung Hoa) phân tích: “Người chê ta mà chê phải là thầy ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy.”

Điều gì xảy ra hợp ý mình thì người ta cho đó là may mắn, điều gì xảy ra không hợp ý mình thì người ta cho đó là xui xẻo. Thật ra chẳng có gì là hên – xui, may – rủi, chỉ là cách so sánh của con người mà thôi. Kinh Thánh nói: “Người khôn ngoan biết thinh lặng chờ dịp tốt, còn kẻ bép xép, dại khờ lại bỏ lỡ cơ may. Kẻ nhiều lời sẽ bị chán ghét, người hiếu thắng thì bị khinh chê.” (Hc 20:7-8) Người ta cũng nói: “Mình tính không bằng trời tính.” Một khái niệm đầy chất tâm linh. Rõ ràng tất cả mọi sự xảy ra không ngoài Thánh Ý Chúa. Có những mơ ước cháy bỏng nhưng rồi tan thành mây khói, có những điều mình không dám nghĩ tới thì lại xảy ra bất ngờ.

Có những điều tưởng là “trời cho” mà chỉ là “trò chơi,” có những điều tưởng chỉ là “trò chơi” thì lại là “trời cho.” Thực tế cho chúng ta thấy có những điều nghịch lý mà không trái ngược – gọi là nghịch-lý-thuận, và có những điều thuận lý mà lại “nghịch” – gọi là thuận-lý-nghịch. Một điều hiển nhiên: Thập Giá là đau khổ, là xui xẻo, nhưng chính Thập Giá lại trở nên hạnh phúc, là cái hên. Con người không thể hiểu hết hoặc biết chính xác nên cho là hên – xui. Khoa tâm lý học cũng chỉ suy luận từ những gì đã xảy ra nhiều lần ngẫu nhiên trùng hợp.

Kinh Thánh cũng đề cập những nghịch lý: “Có khi lâm nạn lại thành công, gặp may mà hóa thiệt thòi.” (Hc 20:9) Liên quan vấn đề “hên – xui,” có câu chuyện “Tái Ông mất ngựa” mà ai cũng biết. Cái mà chúng ta gọi là xui thì lại là hên, cái mà chúng ta cho là tốt có thể là xấu. Chỉ có Thiên Chúa biết. Ngay cả những gì chúng ta cho là tự nhiên thì cũng chẳng tự nhiên, mà là cách Thiên Chúa quan phòng và tiền định. Chính Chúa Giêsu đã xác định: “Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi.” (Lc 12:7)

Thiên Chúa toàn năng, toàn tri, chúng ta không thể nào hiểu hết Ý Chúa nhiệm mầu, vì thế chúng ta chỉ có thể cúi đầu và thân thưa: “Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước. Nên con đến ngắm nhìn Ngài trong nơi thánh điện, để thấy uy lực và vinh quang của Ngài.” (Tv 63:2-3) Chúng ta làm như vậy không phải vì miễn cưỡng hoặc “bị triệt buộc,” mà vì khiêm nhường chân nhận Thiên Chúa là Đấng duy nhất.

Thánh Vịnh gia vừa lý giải vừa xác tín với tư cách đại diện cho mỗi chúng ta: “Bởi ân tình Ngài quý hơn mạng sống, miệng lưỡi này xin ca ngợi tán dương. Suốt cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng, và giơ tay cầu khẩn danh Ngài. Lòng thỏa thuê như khách vừa dự tiệc, môi miệng con rộn rã khúc hoan ca.” (Tv 63:4-6) Ôi, thật là niềm vui trào dâng, chúng ta thực sự hạnh phúc sống trong sự quan phòng và sự chăm sóc của Thiên Chúa: “Quả thật Ngài đã thương trợ giúp, nương bóng Ngài, con hớn hở reo vui. Trót cả tâm tình, con cùng Ngài gắn bó, giơ tay quyền lực, Ngài che chở phù trì” (Tv 63:8-9)

Khiêm nhường là nhân đức, người đời còn yêu quý huống gì Kitô hữu. Vì thế, tính cách của mỗi Kitô hữu phải là khiêm nhường. Không khiêm nhường sao được, bởi vì chúng ta chỉ là tội nhân đáng án tử, nhưng được Thiên Chúa thương xót nâng lên khỏi chốn bùn nhơ hôi tanh để được làm con cái của Ngài. Phép lạ cả thể! Chúng ta đang “xui” mà “hên” nhờ Thiên Chúa nhân hậu. Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12:1-2)

Cuộc đời tín nhân là chuỗi dài hoán cải, tu tâm sửa tính, thay đổi tính nết để có thể hoàn thiện mỗi ngày một hơn như lòng Chúa mong muốn. Đó là cách đáp lại Lòng Chúa Thương Xót vô biên và vô điều kiện, vì chính Chúa Giêsu đã nhắc nhở: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5:48)

Người ta đã ghét Chúa Giêsu Kitô đến nỗi giết chết Ngài chỉ vì ganh tỵ. Ngài có tính cách “khác người,” nhưng rất độc đáo: Thẳng thắn, cương trực, dứt khoát, nhưng khiêm nhường và nhân hậu. Ngài nói ít mà làm nhiều. Ngài rất ghét những kẻ ba hoa, nói hay mà làm dở, ưa chỉ tay năm ngón, thích ăn trên ngồi trước, phe cánh, ưa hình thức, tự tôn,… Nói chung là dạng giả hình theo kiểu Pharisêu. (Mt 23:2-7; Mc 12:38-40; Lc 11:39-46; Lc 11:52; Lc 20:45-47)

Đối với những người thích làm “ông này, bà nọ,” khoái “có tiếng” hơn “có miếng,” Ngài khuyến cáo: “Hãy phục vụ, đừng hưởng thụ.” (Mt 20:28; Mc 10:45) Thực tế không như người ta tưởng! Dale Carnegie phân tích: “Sự mệt mỏi thường không xuất phát từ công việc, mà từ lo lắng, thất vọng và oán trách.” Và Shannon Alder nói: “Sự giận dữ, oán trách và ghen tuông không làm thay đổi trái tim người khác, chúng chỉ khiến trái tim bạn thay đổi.”

Cách quyến rũ của Thiên Chúa không giống như cách của loài người. Người ta HỨA HẸN đủ thứ bằng những lời đường mật, còn Thiên Chúa lại quyến rũ bằng cách không HỨA gì “ngon lành” hoặc “béo bở” mà Ngài HẸN những thứ hoàn toàn trái ý của phàm nhân chúng ta: HẰNG NGÀY PHẢI TỪ BỎ MÌNH và VÁC THẬP GIÁ. Thế mà ngôn sứ Giêrêmia vui mừng thổ lộ: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng.” (Gr 20:7) Thật lạ lùng biết bao!

Lạy Thiên Chúa chí minh chí thiện, con đã phạm bao nhiêu tội lỗi, bao nhiêu lần con đã phản nghịch, đã đắc tội với Ngài, xin cho con được biết. (G 13:23) Xin sửa trị con theo lẽ công minh, chứ đừng theo cơn thịnh nộ, kẻo con phải co rúm. (Gr 10:24) Xin soi sáng để con biết hoán cải đúng Ý Ngài, và xin cho con được công chính hóa. Con chân thành cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

  

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN