Home / Chia Sẻ / Trả Nợ Lòng Thương Xót Của Chúa

Trả Nợ Lòng Thương Xót Của Chúa

015Hinh10Thời gian còn rất ngắn, là năm cũ đi vào ngày cùng, tháng tận. Mọi người dường như đang nôn nao đón chờ năm mới. Nhiều người đón chờ với niềm thong dong, thư thái. Nhưng nhiều người với nỗi thấp thỏm, âu lo. Thấp thỏm, âu lo vì cuộc sống ngày càng khó khăn, khiến họ đến những ngày cuối năm còn phải tất bật ngược xuôi kiếm tiền trang trải cho cuộc sống hằng ngày. Thấp thỏm, âu lo vì những khoản nợ trong năm không biết có trang trải hết được không? Không ai muốn bước qua năm mới mà còn vương vấn nợ nần. Mắc nợ thì phải trả đó là lẽ công bằng.

Tôi nhớ có một lần tham dự thánh lễ tại một giáo xứ nọ. Trước thánh lễ, vị linh mục chủ tế đọc các lời khấn xin lễ của các giáo dân. Tôi chú ý đến lời khấn của một người “xin cho đòi được nợ”. Lời khấn cũng đúng thôi! Có đúng! cha chủ tế mới đọc giữa nhà thờ. Cho vay nợ thì tìm cách đòi nợ, cách này hoặc cách khác, kể cả cách ôn hòa xin lễ như người giáo dân kia. Tôi chợt nhớ đến kinh Lạy Cha do Chúa Giêsu chỉ dạy có câu: “Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.

Thời Môisen được gọi là đạo cũ, trong Cựu Uớc có câu: “Mắt đền mắt, răng đền răng.” Ngụ ý ai gây thiệt hại cho mình như thế nào thì mình có quyền gây thiệt hại lại cho người đó như vậy. Kể cả nếu cần “mạng đền mạng”. Đó là lẽ công bằng ở đời và thời Môisen được gọi là đạo công bằng. Chúa Giêsu xuống thế làm người không dẹp bỏ đạo cũ, không phá đổ luật cũ. Ngài chỉ bổ túc và hoàn thiện. Ngài bổ túc đạo công bằng bằng đạo bác ái. Ngài hoàn thiện giao ước cũ (cựu ước) giữa Thiên Chúa với dân Israel bằng giao ước mới (tân ước) giữa Ngài với cả nhân loại. Sách Xuất Hành kể ông Môisen sai các thanh niên Israel giết bò làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa. “Ông lấy máu rảy lên dân chúng và nói: ‘Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em…’’’ (Xh 24, 8) Còn sách Tin Mừng thánh Luca trình thuật: “Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: ‘Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em”’ (Lc 22, 20). Thế đó! Giao ước mới Chúa Giêsu thiết lập với nhân loại là giao ước hy tế bằng chính Máu Thịt của Ngài, một giao ước phát xuất từ Lòng Thương Xót bao la vô hạn của Ngài, không thể hình dung, không thể diễn tả.

Ở đời chắc hẳn không có ai là không mắc nợ người khác, không nhiều thì ít, không nợ vật chất cũng nợ ân tình. Cuối năm, người ta tìm mọi cách trả hoặc đòi những khoản nợ vật chất. Người trả nợ cho lòng mình khỏi day dứt, cho qua năm mới được sống yên  hàn. Người đòi nợ vịn theo luật chơi “có vay có trả”, có giao ước thuận tình giữa đôi bên. Thường tình lẽ công bình là thế! Nhưng dẫu sao ở đời còn có tính nhân đạo. Con người còn có lòng bác ái. Nhiều chủ nợ tỏ lòng thương xót cho con nợ trả dần, thậm chí cho khất nợ đến năm sau. Hoặc nhân đạo hơn xí xóa cho những con nợ quá đỗi ngặt nghèo. Họ xử sự theo tinh thần bác ái, theo như kinh Lạy Cha các tín hữu Công Giáo thường đọc: “…như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.

Mắc nợ vật chất có thể trả hoặc có thể được xí xóa, mắc nợ ân tình khó trả. Ân tình không thể tính bằng tiền; không thể cân, đo, đong, đếm. Chỉ là có thể trả bằng thái độ biết ơn, bằng thiện chí phát xuất tự đáy lòng muốn đền ơn đáp nghĩa. Con người mắc nợ nhau là chuyện nhỏ, mắc nợ Thiên Chúa mới là chuyện lớn. Được Thiên Chúa tạo dựng nên như bao sinh vật khác, nhưng con người cao quý hơn các loài thọ tạo khác bởi được Ngài yêu thương  tạo dựng theo giống hình ảnh của Ngài và được trao quyền làm bá chủ mọi sinh vật trên mặt đất (St 1, 26). Loài người vong ân, phản bội tình thương của Ngài. Thủy tổ Adam và Eva đã cãi lệnh Chúa, nghe theo lời ma quỷ xui khiến hái trái cấm ăn để bị đuổi ra khỏi vườn Địa Đàng (St 3, 5-20). Kể từ đó con người sa đọa, tội lỗi lan tràn trên mặt đất (St 6, 5). Dẫu vậy Thiên Chúa không bỏ rơi con người mà thương xót cứu giúp. Vì lòng thương xót con người, Thiên Chúa Cha đã phái Thiên Chúa Con xuống thế làm người chịu nạn, chịu chết để cứu nhân loại. Máu Chúa Cứu Thế đã đổ ra để lập giao ước mới, giao ước của lòng thương xót. Con người mắc nợ Lòng Chúa Thương Xót bao la vô hạn như thế đó!

Mỗi lần day dứt vì những lỗi phạm với Chúa, tôi đọc kinh Ăn Năn Tội: “Lạy Chúa con, Chúa là Đấng trọn tốt, trọn lành vô cùng. Chúa đã dựng nên con và cho Con Chúa ra đời, chịu nạn chịu chết vì con”. Tôi suy nghiệm mình mắc nợ Lòng Thươnng Xót của Chúa Cha vì Ngài đã tạo dựng nên tôi là một con người, mắc nợ Lòng Thương Xót của Chúa Cha vì Ngài đã phái Chúa Con xuống thế hy sinh mạng sống để cứu độ nhân loại trong đó có tôi. Nhưng tôi cũng như thủy tổ Adam và Eva “đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa”. Đã mắc nợ thì phải trả! Mắc nợ Lòng Thương Xót của Chúa  phải trả ra sao đây? Tôi suy niệm tiếp kinh Ăn Năn Tội: “thì con lo buồn đau đớn, cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự con. Con dốc lòng chừa cải và nhờ ơn Chúa, thì con sẽ lánh xa dịp tội cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen”. Từ đó tôi suy nghiệm mình có thể trả nợ Lòng Thương Xót của Chúa bằng cách ăn năn, sám hối, quyết chí hoán cải và đừng để mình tiếp tục sa vào các mưu chước cám dỗ của ma quỷ. Có nợ thì phải trả nợ, có tội thì phải đền tội. Tôi phải đền tội sao đây cho xứng? Tôi lại nhớ đến đoạn kinh Lạy Cha do Chúa Giêsu chỉ dạy: “Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con”. Nợ trong kinh Lạy Cha bao hàm cả vật chất lẫn tinh thần. Đó có thể là những ân tình người khác mắc nợ chúng ta, là những sai sót người khác lỗi phạm với chúng ta. Nếu chúng ta tha hết nợ cho họ, thì Chúa cũng sẽ tha hết nợ cho chúng ta.

Cuối năm, con tạ ơn Chúa Thánh Thần (lại thêm một món nợ với Chúa Thánh Thần) đã mở lòng, mở trí cho con suy nghiệm Lòng Thương Xót của Chúa, suy nghiệm đến những món nợ Lòng Chúa Thương Xót và suy nghiệm ra những đường đi, lối bước để con trả nợ Lòng Thương Xót của Chúa. Amen.

Gioan Long Vân,

Giáo xứ Nhân Hòa

 

 

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …