Home / Chia Sẻ / Tổng Giáo phận Sài Gòn: “Mùa gió chướng”

Tổng Giáo phận Sài Gòn: “Mùa gió chướng”

Tản mạn chuyện nhà đạo 

h2_resizeCác linh mục thuộc Tổng giáo phận Sài Gòn đang tham dự tuần tĩnh tâm năm tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse, từ ngày 28-31.8.2017. Theo chương trình, năm nay linh mục đoàn sẽ suy tư và cầu nguyện theo chủ đề: Hình ảnh Linh mục theo nhãn quan của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức cha Mátthêu Khôi – Giám mục Giáo phận Quy Nhơn giảng phòng.

Các bài giảng được khai triển lần lượt như sau:

Một nhà tu sống khiêm tốn và phục vụ

Một mục tử sống gần gũi với đại chúng.

Một chứng nhân của niềm vui Tin Mừng

Một nhà giáo dục đức tin và đào tạo Tông đồ.

Một thừa tác viên của Lòng Thương Xót.

Một tông đồ luôn sẵn sàng ra đi.

Nghe qua đề tài các bài giảng trong tuần tĩnh tâm này, ai cũng cảm thấy hấp dẫn. Đúng là hình ảnh linh mục theo nhãn quan Đức Phanxicô là một đề tài hấp dẫn và thiết thực. Linh mục không thể xa rời đại chúng, nhưng phải hòa đồng, và cả cúi mình xuống phục vụ mọi người, trao ban niềm vui và bình an cho mọi người. Người ta nói: “Hữu xạ tự nhiên hương”, làm sao đời sống linh mục lan tỏa được “chất Tin Mừng” cho những người mình gặp gỡ. Chuyện linh mục sống giản dị và khiêm tốn cũng cần lắm trong xã hội hôm nay, xã hội toàn cầu hóa, xã hội nhiều người đang sống ảo. Linh mục biết mình có quyền đứng giảng Lời Chúa giữa cộng đoàn. Thế là linh mục tưởng mình là “anh biết tuốt”, cái gì cha cũng đúng, cái gì cha cũng biết, tự mình có quyền “sinh sát” trong dân chúng, mà không bao giờ biết lắng nghe người khác.

Ơn gọi linh mục quả là một huyền nhiệm không hiều nổi, xuất phát từ tiếng gọi của Thiên Chúa. Linh mục là con người với những tính tình, những yếu đuối dễ sa ngã, linh mục được gọi từ cộng đoàn dân Chúa, nhưng được tách riêng ra để chuyên lo việc thờ phượng Thiên Chúa, ngài được dâng hiến cho Thiên Chúa, đồng thời linh mục cũng được trao ban cho mọi người.

Người viết xin dừng lại ở đây đề tài bài giảng thứ 6 của tuần tĩnh tâm “Một tông đồ luôn sẵn sàng ra đi”. Sở dĩ người viết đặt đầu đề: ”Tổng giáo phận Sài Gòn, mùa gió chướng” là vì; cứ vào độ tháng 8, sau tuần tĩnh tâm các linh mục trong giáo phận nhà lại râm ran chuyện cha này sẽ đổi đi xứ kia, tin hành lang, tin chính thức đủ kiểu. Các linh mục Sài gòn nói đây là “mùa gió chướng”, ai không bị chạm tới, không phải đổi xứ khác thì coi như yên thân. Vì cứ sau tuần tĩnh tâm hằng năm, bề trên giáo phận lại công bố đợt thuyên chuyển linh mục. Theo lẽ thường, chuyện thuyên chuyển và bổ nhiệm linh mục giáo phận là một sinh hoạt bình thường. Nhưng có lẽ cả người giáo dân và linh mục đều xem chuyện thuyên chuyển là điều bất thường, cha nào “bị gì đó” mới phải chuyển đổi xứ khác và đủ thứ chuyện để nói, khách quan có và chủ quan cũng có… Ai cũng xem đây là “mùa gió chướng”, vì có cha phải rời bỏ nơi mình đã thân quen, để ra đi đến một xứ mới, phải làm quen lại từ đầu, rời bỏ nơi mình đã xây dựng với bao công khó và vất vả để rồi ra đi. Nếu nói theo lời bài thánh ca nào đó: “Nguyện xin Chúa giúp con bắt đầu và lại bắt đầu, dù khi thất vọng dù khi mỏi mòn con vẫn cậy trông”.

Bắt đầu lại nơi nhiệm sở mới là thể hiện lòng vâng phục bề trên, đó là vâng phục Thánh ý Chúa trong tư cách người tông đồ sẵn sàng ra đi, sẵn sàng bỏ lại, bỏ lại những điều xem ra chính đáng nhất. Bỏ lại lòng yêu mến của người giáo dân, những lời “khóc lóc nỉ non”, đến giáo xứ mới, bắt đầu lại với Đức Kitô, cùng làm việc và cộng tác với những con người mới. Giáo xứ nào cũng có những khó khăn và thuận lợi, nhưng với khả năng mà Chúa ban cho các linh mục, các ngài phải biến những bất lợi thành thuận lợi, vì lòng yêu mến Chúa và lòng nhiệt thành với Giáo hội. Giáo xứ nào mà linh mục coi sóc quá lâu trên chục năm thì xem như khó đón nhận được cái ích lợi của “mùa gió chướng” đem lai. Sinh hoạt giáo xứ cứ đều đặn, mùa nào thức ấy, hiểu ý cha hết rồi, dân cứ làm theo ý cha là được. Mỗi linh mục với tính cách, quan điểm nhận thức, phương cách làm việc, hay phương châm cuộc sống khác, sẽ mang lại cho giáo xứ mình coi sóc một bộ mặt mới. Có thể ở thời cha xứ này, cả giáo xứ chuyên lo việc bác ái, thường xuyên phát quà cho người nghèo, tổ chức những buổi khám bệnh miễn phí, những xuất ăn từ thiện cho người cơ nhỡ túng thiếu… Nhưng đến thời cha xứ mới, cả giáo xứ cùng nhau thi đua học hỏi giáo lý, có những lớp giáo lý cho đủ mọi thành phần và cho các giới.

Như vậy, thuyên chuyển linh mục chuyện phải có, nhờ đó sinh hoạt của giáo phận được tốt đẹp và nhịp nhàng, nhất là bổ nhiệm cho các giáo xứ mà linh mục coi sóc đã đến tuổi nghỉ hưu và cần có nhân sự mới. Người giáo dân thương linh mục lắm, chỉ nên cầu nguyện cho các ngài, nâng đỡ cho các ngài bằng những thăm hỏi và giúp đỡ tinh thần. Ở đâu cũng là đàn chiên của Chúa mà linh mục được giao phó dẫn dắt. Linh mục cần lời cầu nguyện của chúng ta để chu toàn bổn phận phục vụ dân Chúa, sống như con người trao ban hy sinh cho người khác. Tâm lý người giáo dân bao giờ cũng so sánh giữa cha sở mới và cha sở cũ, muốn cha sở mới phải điều hành giáo xứ giống như cha sở cũ, cha sở mới phải có cung cách làm việc giao tiếp như cha sở cũ. Các giáo xứ mà cha sở coi sóc giáo xứ hai ba chục năm thì cha mới về giáo xứ ấy thật khó khăn trong việc lãnh đạo. Cha sở cũ là “Num Ber One”, với biết bao công trạng và thành tích xây dựng và phát triển giáo xứ về mọi mặt thì làm sao cha sở mới về theo kịp, nhất là các linh mục “chân ướt chân ráo” và chưa kể cha sở mới “linh mới” còn đang học hỏi kinh nghiệm mục vụ. Chuyện điều hành giáo xứ, chuyện trăm người ngàn ý, không ai giống ai, mỗi người muốn cha sở phải theo ý mình, theo mô hình của mình vẽ ra.

Không biết “Mùa gió chướng” năm nay có được bình yên đi qua. Khi tôi viết những dòng này chưa thấy tổng giáo phận công bố thuyên chuyển linh mục, ngoài đợt thuyên chuyển bổ nhiệm tháng 7 vừa qua. Xin giáo dân có cái nhìn tích cực hơn trong chuyện thuyên chuyển linh mục, thay vì xem là “mùa gió chướng” khó chịu, thì hãy xem là “làn gió mới của Thánh Thần”, để giáo xứ được canh tân.

Chúa Thánh Thần hoạt động trong giáo xứ qua các vị chủ chăn, làm cho giáo xứ luôn mới mẻ, mọi người có thể trở nên chứng nhân Tin Mừng. Mỗi giáo xứ ở trên một địa bàn có hoàn cảnh sắc thái riêng, người mục tử phải biết dung hòa, biết đón nhận những khác biệt, lắng nghe sự cộng tác của mọi người, miễn sao cho danh Chúa được cả sáng giữa môi trường giáo xứ. Linh mục chánh xứ không bao giờ trở nên “quan địa phương”, coi sóc giáo xứ theo cảm tính của mình, đòi hỏi được dân cung phụng chăm sóc, nhưng linh mục phải tìm kiếm tiếng nói chung giữa mọi thành phần trong giáo xứ, kiến tạo tình yêu và sự hiệp nhất. Đức Thánh Cha Phanxicô thường có những lời khuyên cụ thể dành cho linh mục như, linh mục giảng ngắn lại, linh mục đừng quan liêu, linh mục mang mùi chiên, linh mục phải biết lên án sự dữ. Tựu chung các lời khuyên đó giúp cho linh mục gần gũi với mọi người, mang trong người linh mục “mùi chiên”, những khổ đau, bệnh tật của từng con chiên, những con chiên đau bệnh, bị thương tích.

Xin dừng lại bài viết ở đây với những định nghĩa của giáo luật về linh mục chánh xứ, để mọi người cùng cộng tác với cha sở của mình và có cái nhìn bao dung hơn với những khuyết điểm lầm lỗi của các linh mục, nhờ đó ơn Chúa được tuôn đổ dư tràn nơi các giáo xứ. Ước gì người giáo dân luôn yêu mến kính trọng các linh mục chánh xứ của mình, hãy chân thành góp ý sửa chữa những sai lỗi các ngài, để các ngài phục vụ cộng đoàn tốt hơn như lòng Chúa mong ước.

Định nghĩa của Giáo luật về linh mục chánh xứ: “Linh mục chính xứ là chủ chăn riêng của giáo xứ, dưới quyền giám mục. Ngài được kêu gọi để chia sẻ thừa tác vụ của Chúa Kitô trong các chức vụ giảng dạy, thánh hóa và cai quản, với sự hợp tác của các linh mục khác, phó tế, và với sự giúp đỡ của giáo dân chiếu theo luật” (đ 519).

Giuse Nguyễn Bình An –Tp.HCM

 

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN