Home / Chia Sẻ / TÔMA: VỊ TÔNG ĐỒ QUYẾT TÌM CHÂN LÝ

TÔMA: VỊ TÔNG ĐỒ QUYẾT TÌM CHÂN LÝ

Toma-viTongdoquyettimchanlyThánh Tôma là một trong những vị Tông đồ đã trở nên nguyên cớ cho nhiều vấn đề nan giải.  Dù rằng Tin Mừng trực tiếp nói đến Ngài không nhiều.  Tuy nhiên những khi Ngài xuất hiện trong những áng văn Tin mừng, đặc biệt trong Tin Mừng thứ tư, thì dường như là có sự cố gì đó.  Có thể không đầy đủ và cũng có thể thiếu chính xác nhưng ta thử lần theo những gì Tin Mừng tường thuật để khám phá chân dung của vị Tông đồ mà bấy lâu nay được hay bị gán nhãn hiệu như là kẻ cứng lòng tin.

Sau khi hóa bánh ra nhiều cho dân chúng no nê, Chúa Giêsu đã tự mạc khải căn tính của Người.  Người chính là bánh từ trời xuống, bánh ban sự sống đời đời (x. Ga 6).  Trong dip Lễ Lều tiếp đó, Chúa Giêsu đã tuyên bố Người từ Chúa Cha mà đến và đạo lý của Người là bởi Thiên Chúa.  Người mời gọi mọi người hãy tin vào Người để được sống đời đời (x. Ga 7).  Người tự xưng mình là Đấng Hằng Hữu, một danh xưng mà người Do Thái chỉ dành riêng nói về Giavê Thiên Chúa.  Người còn khẳng định mình có trước Abraham (x. Ga 8-9).  Tiếp đến trong ngày Lễ Cung Hiến Đền Thờ, Chúa Giêsu lại một lần nữa tuyên bố Người chính là Thiên Chúa.  Một chuỗi dài những diễn từ làm chói tai người Do thái.  Họ không chỉ thấy khó chịu và bỏ đi mà còn tức giận tìm cách giết Chúa Giêsu.  “Chúng tôi ném đá ông không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà tự cho mình là Thiên Chúa” (Ga 10,33).  Chúa Giêsu đã phải lánh sang bên kia sông Giođan.  Thế nhưng khi nghe tin Lagiarô đau nặng gần chết, thì Người lại cương quyết lên Giêrusalem dù đã có nhiều người ngăn cản.  Khi ấy, Tôma đã nói với anh em: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy” (Ga 11,16).  Không biết câu nói của Tôma là lời giận lẫy hay là lời động viên anh em?  Tin mừng không tường thuật thái độ của các Tông đồ, nên ta khó mà suy diễn.  Tuy nhiên dù là lời giận lẫy hay là lời động viên anh em, thì qua câu nói ấy ta nhận ra một thái độ “quyết đi đến cùng” của Tôma.

Trong đêm Tiệc ly, khi Thầy trò hàn huyên tâm sự, Chúa Giêsu đã tỏ lộ: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở; nếu không Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em… Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi” (Ga 14, 2-4).  Tôma lại một lần nữa “đi đến cùng.”  Ngài không chịu dừng lại ở tình trạng nửa vời: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường” (Ga 14, 5).  Xin cám ơn sự quyết tâm đi đến cùng của thánh Tông đồ.  Chính nhờ thái độ “đến cùng” của Ngài trong việc tiếp cận chân lý mà chúng ta được biết Chúa Giêsu là “đường, là sự thật và là sự sống” và “không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Chúa Giêsu” (x. Ga 14, 6).

Sau khi chịu tử nạn, vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Giêsu phục sinh đã hiện ra với các môn đệ mà không có Tôma.  Không biết Ngài vắng mặt vì lý do gì đây.  Tuy nhiên ngay sau đó Ngài đã hiện diện với tập thể các môn đệ.  Khi nghe các bạn kể: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!  Ông Tôma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” (Ga 20,25).  Chỉ mình Tôma cứng tin chăng?  Xin đừng vội quả quyết.  Các Tin Mừng nhất lãm tường thuật rằng các tông đồ khác khi nghe các bà phụ nữ thuật lại việc Chúa Phục Sinh hiện ra thì họ cũng chẳng tin (x. Lc 24,8-11).  Cả đến khi Chúa hiện ra cũng có mấy người hoài nghi (x. Mt 28, 17), đến nỗi Chúa Giêsu đã khiển trách các Ngài (x. Mc 16, 14).  Những sự kiện này có thể giúp ta suy diễn rằng nếu các tông đồ khác ở trong trường hợp vắng mặt khi Chúa Phục sinh hiện ra, thì cũng sẽ “cứng tin” như Tôma.  Tuy nhiên, hình như chỉ mình Tôma đặt ra điều kiện để rồi mới tin.  Thái độ của thánh Tông đồ nói lên một cách nào đó sự “đến cùng” của Ngài trong việc truy tìm và đón nhận chân lý.

Xin cám ơn Thánh Tông đồ Tôma.  Nhờ Ngài mà chúng ta được Chúa Kitô Phục Sinh mạc khải chân lý này: “Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 20, 29).  Đức tin không hệ tại ở việc “thấy” chân lý cho bằng “cảm nhận” chân lý.  Tôma đã tuyên xưng đức tin: “Lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20, 28), là nhờ ông đã cảm nhận được tình yêu của Thầy Chí Thánh hơn là nhờ thấy Thầy.  Thầy Chí Thánh sẵn sàng thoả mãn điều kiện của ông đặt ra, cho dù chỉ đặt ra với các bạn đồng môn.  Cảm được tình yêu của Thầy, Tôma không cần xỏ tay vào lỗ đinh hay thọc bàn tay vào cạnh sườn Thầy để kiểm chứng.  Tình yêu của Thầy đã nói lên tất cả hơn mọi điều ông đang thấy.  Quả thật nếu chỉ dựa vào những gì ta thấy bằng mắt trần hay bằng trí khôn thì thật khó tiếp cận với Đức tin.  Đám lính canh mồ cũng đã thấy các sự kiện lạ, “thấy thiên thần Chúa từ trời xuống…” và “dù có khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi” mà đâu có niềm tin (x. Mt 28, 2-4).  Biết bao nhiêu người đã thấy Chúa Giêsu khi sinh thời và cả khi Ngài phục sinh thế mà đâu phải tất cả đều có niềm tin.

Phúc cho ai không thấy mà tin.  Chữ phúc ở đây không muốn nói lên công trạng của người tin.  Cũng như các chữ phúc trong các mối phúc thật, chữ phúc muốn diễn tả một tình trạng được ưu ái, được thuận lợi.  Người nghèo, người đau khổ… họ có phúc không phải do công lao của họ hay do chính sự nghèo, sự đau khổ, nhưng vì họ được Chúa đoái thương cách đặc biệt.  Cũng thế, người tuy không thấy nhưng được cảm nghiệm tình yêu của Chúa thì dễ có đức tin hơn.  Đọc Tin mừng chúng ta nhận ra sự thật này.  Rất nhiều người trông thấy Chúa Giêsu cũng như thấy phép lạ Chúa làm, nhưng vẫn thiếu lòng tin.  Còn những ai cảm nhận được cái tình của Chúa thì rất dễ có lòng tin.  Nhưng để cảm nhận được tình yêu của Chúa thì chúng ta cũng cần một thái độ cương quyết đến cùng một cách nào đó.  Giakêu trèo lên cây sung để quyết nhìn cho được Giêsu.  Bà mẹ người Canaan có cô con gái bị bệnh cũng quyết lẽo đẽo theo Thầy Giêsu…

Tiếp nối theo chân Thánh Tông đồ Tôma, Âugustinô là một người khát khao tìm chân lý liên lỉ.  Ngài dường như đã hoài công với cái thấy của trí khôn.  Nhưng sự kiên trì của Ngài đã có kết quả khi Ngài cảm nhận “Thiên Chúa ở trong tôi hơn cả tôi.  Thiên Chúa biết tôi hơn cả tôi biết tôi.”  Chính cái cảm nghiệm ấy đã giúp Ngài đón nhận đức tin.  Dù đức tin đã dẫn Ngài đến đức ái “hãy yêu đi, rồi làm gì thì làm,” thì Ngài vẫn không ngừng tìm kiếm chân lý: “linh hồn tôi khắc khoải mãi cho đến ngày được nghỉ yên trong Chúa.”

Chúa Thánh Thần được ban tặng cho nhân trần, đặc biệt cho Hội Thánh Chúa.  Một trong những sứ mạng của Người là dẫn Hội Thánh Chúa đến cùng chân lý mà Đức Giêsu mặc khải “Khi nào Thần Chân lý đến, Người sẽ dẫn anh em đến chân lý toàn vẹn” (Ga 16, 13).  Sứ mạng của Chúa Thánh Thần vẫn mãi còn tiếp nối theo thời gian cho đến ngày Người cùng với Tân Nương là Hội Thánh đón chào ngày quang lâm của Đức Kitô (x. Kh 22, 17).

Nguồn mạc khải đã nên hoàn hảo nơi Đức Giêsu Kitô.  Con Thiên Chúa là Lời tối hậu của Chúa Cha nói với nhân loại; sau Người, không còn một mặc khải nào khác (x. MK số 4).  Nhưng Hội Thánh chưa bao giờ cho rằng mình đã nắm trọn vẹn chân lý, vì rằng sứ mệnh của Chúa Thánh Thần là dẫn Hội Thánh Chúa đến sự thật toàn vẹn đang còn đó.  Chính vì thế mà theo dòng lịch sử Hội thánh Chúa luôn mở rộng tâm hồn để cho Thánh Thần tác động.  “Dù Mặc khải đã hoàn tất, nhưng vẫn chưa được diễn đạt hoàn toàn rõ rệt, nên Hội Thánh phải không ngừng tìm hiểu một cách tiệm tiến qua dòng thời gian” (GLCG chung số 66).

Một thánh Tiến sĩ lừng danh như thánh Toma Aquinô khi gần cuối đời cũng đã muốn đốt đi các tác phẩm thần học cao siêu mà ngay cả hôm nay Hội Thánh vẫn hưởng dùng.  Thái độ của Ngài không chỉ biểu lộ sự khiêm nhu mà còn xác nhận rằng những tìm tòi, hiểu biết của mình vẫn còn thiếu sót và còn nhiều hạn chế.

Gần đây, Ủy Ban soạn thảo đề cương cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã đón nhận tác động của Chúa Thánh Thần qua sự góp ý của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam để rồi nhìn nhận Hội Thánh Chúa “là dấu chỉ Nước Trời” chứ không phải là chính Nước Trời.  Điều này đã được thánh Công đồng Vaticanô II, một Công đồng được xem như là một lễ hiện xuống mới, minh định.  Hội Thánh Chúa Kitô thiết lập chính là dấu chỉ, là phương thế để Người tiếp tục công trình cứu độ của Người theo dòng thời gian.  Tuy nhiên, ngoài Hội Thánh hữu hình thì Thiên Chúa vẫn có những đường lối, những phương thế khác mà chỉ mình Chúa biết, để Người thông ban ơn cứu độ cho con người, nhưng tất cả đều phải nhờ, phải qua Đức Kitô, Đấng Cứu độ và là Đấng trung gian duy nhất.

Để kết thúc những chia sẻ này, xin mượn lời Thánh Công đồng Vaticanô II khuyên bảo các nhà đào tạo hàng linh mục tương lai: “Trong cách thức giảng dạy, phải kích thích nơi chủng sinh lòng hâm mộ quyết liệt tìm kiếm, khảo sát và minh chứng chân lý, đồng thời cũng chân nhận những giới hạn của trí óc con người.” ( ĐT số 15 ).  Quyết liệt tìm kiếm chân lý là một động thái bao hàm sự khiêm nhu nhìn nhận mình chưa thấu đạt chân lý.  Chân nhận những giới hạn của trí óc con người cũng là sự khiêm nhu nhìn nhận rằng chỉ nhờ tác động của Chúa Thánh Thần ta mới có thể tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa (x.1Cr 12, 5), một chân lý mang ơn cứu độ cho muôn người.  Điều này muốn nói rằng, chính khi cảm nhận được tình yêu của Chúa thì ta sẽ tiếp cận với chân lý.  Và chân lý sẽ giải thoát chúng ta (x. Ga 8, 32).  Chắc chắn những gì Thánh Công đồng muốn nơi các chủng sinh, các linh mục tương lai thì cũng muốn cho hết mọi tín hữu.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Xem thêm

MARY & ELISABETH

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM MINH ANH

TẶNG TRAO “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”. Trong “Bước Tới …