Home / Tiêu Điểm / Tóm Tắt Tông Chiếu Ấn Định Năm Thánh Ngoại Thường Về Lòng Thương Xót

Tóm Tắt Tông Chiếu Ấn Định Năm Thánh Ngoại Thường Về Lòng Thương Xót

 

Tông Chiếu Ấn Định Năm Thánh Ngoại Thường Về Lòng Thương Xót có tên là “Misericordiae Vultus” (Khuôn mặt xót thương) gồm 25 đoạn trong đó Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả những điểm nổi bật nhất của lòng thương xót, tập trung chủ yếu vào ánh sáng của thiên nhan Chúa Kitô. Lòng thương xót không phải là một khái niệm trừu tượng mà là một khuôn mặt để nhận biết, chiêm ngưỡng, tôn thờ; và là động lực thức tỉnh chúng ta trước sự sống mới và cấy trong chúng ta lòng can đảm để nhìn về tương lai với niềm hy vọng và với quyết tâm canh tân để Giáo Hội trở nên một dấu chỉ đáng tin cậy của lòng thương xót là “nền tảng của đời sống Giáo Hội”.

Mở đầu Tông Chiếu, Đức Thánh Cha khẳng định rằng “Chúa Giêsu Kitô là khuôn mặt của lòng thương xót Chúa Cha. Những lời này có thể tổng hợp sâu sắc mầu nhiệm của đức tin Kitô. Lòng Thương Xót đã trở nên sống động và hữu hình nơi Đức Giêsu thành Nagiarét, và đạt đến đỉnh cao nơi Ngài.”

Lý do công bố Năm Thánh Ngoại Thường về Lòng Thương Xót 

Chúng ta cần phải liên tục chiêm ngắm mầu nhiệm của lòng thương xót. Đó là suối nguồn của niềm vui, sự thanh thản và bình an. Ơn cứu rỗi của chúng ta phụ thuộc vào đó. Lúc này, lúc khác chúng ta được mời gọi để dán mắt nhìn chăm chú hơn lòng thương xót để chúng ta có thể trở thành một dấu chỉ thuyết phục hơn cho tác động của Chúa Cha trong cuộc sống của chúng ta. Vì lý do này, Đức Thánh Cha đã tuyên bố một Năm Thánh Ngoại Thường về Lòng Thương Xót như một thời gian đặc biệt cho Giáo Hội; một thời gian trong đó chứng tá của các tín hữu có thể phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

Thời gian cử hành Năm Thánh

Năm Thánh sẽ được khai mạc vào ngày 08 Tháng 12 năm 2015, Đại Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Ngày lễ phụng vụ này nhắc nhớ tác động của Thiên Chúa ngay từ đầu của lịch sử nhân loại. Sau khi ông Adong và bà Evà đã phạm tội, Thiên Chúa không muốn để nhân loại cô đơn trong thống khổ của sự dữ. Vì thế, Ngài quay sang nhìn Đức Maria, thánh thiện và tinh tuyền trong tình yêu (x Eph 1: 4), và chọn Mẹ là Mẹ của Đấng Cứu Chuộc nhân loại. Đứng trước ách nặng nề của tội lỗi, Thiên Chúa đáp lại với sự sung mãn của lòng thương xót.

Ngày 8 tháng 12 cũng được chọn cũng vì ý nghĩa phong phú của ngày lễ này trong lịch sử gần đây của Giáo Hội. Thực vậy, ngày 08 Tháng 12 năm 2015 là ngày kỷ niệm lần thứ năm mươi bế mạc Công Đồng Chung Vatican II. Giáo Hội cảm thấy một nhu cầu lớn lao phải giữ cho sự kiện này sống động. Với Công Đồng này, Giáo Hội bước vào một giai đoạn mới trong lịch sử của mình.

Năm Thánh sẽ được bế mạc vào Lễ Trọng Chúa Kitô Vua 20 tháng 11 năm 2016 với ý hướng phó thác đời sống của Giáo Hội, của nhân loại, và của toàn bộ vũ trụ cho quyền Chủ Tể của Chúa Kitô, Đấng là Vua Vũ Trụ.

Lòng Thương Xót là từ then chốt nói lên tác động của Thiên Chúa đối với nhân loại

Như chúng ta thấy trong Kinh Thánh, lòng thương xót là một từ khóa chỉ ra hành động của Thiên Chúa đối với chúng ta. Ngài không hạn chế mình trong việc khẳng định tình yêu của Ngài, nhưng còn đi xa hơn là làm cho tình yêu này thành hữu hình và đụng chạm đến được. Tình yêu, nói cho cùng, không bao giờ chỉ là một khái niệm trừu tượng. Tự chính bản chất của nó, tình yêu hướng đến một cái gì đó cụ thể: ý định, thái độ, và những hành vi được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày. Lòng thương xót của Thiên Chúa là mối quan tâm từ ái của Ngài cho mỗi người chúng ta. Ngài cảm thấy có trách nhiệm; nghĩa là, Ngài ước muốn sự khang an của chúng ta và muốn thấy chúng ta hạnh phúc, tràn đầy niềm vui và an bình. Đây là con đường mà tình yêu nhân hậu của các tín hữu Kitô phải đi. Như Chúa Cha yêu thương, con cái của Ngài cũng phải thế. Như Cha đầy lòng thương xót, chúng ta cũng được mời gọi để xót thương nhau.

Lòng Thương Xót là nền tảng của đời sống Giáo Hội

Lòng Thương Xót là nền tảng của đời sống Giáo Hội. Tất cả các hoạt động mục vụ của Giáo Hội phải được bao bọc trong sự dịu dàng mà Giáo Hội đưa ra với các tín hữu; không có gì trong lời rao giảng của Giáo Hội và trong chứng tá của Giáo Hội với thế giới có thể thiếu vắng sự thương xót. Chính sự khả tín của Giáo Hội được nhìn thấy trong cách thức Giáo Hội thể hiện tình yêu thương xót và trắc ẩn. 

Xã hội ngày nay càng ngày càng quên dần Lòng Thương Xót

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc chúng ta đừng quên một giáo huấn quan yếu được đưa ra bởi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Thông điệp thứ hai của ngài, Dives in Misericordia (Giàu Lòng Thương Xót), được đưa ra bất ngờ, đã làm nhiều người kinh ngạc. Có hai đoạn đặc biệt mà Đức Thánh Cha muốn lôi kéo sự chú ý. Đầu tiên, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh sự kiện là chúng ta đã quên đi chủ đề lòng thương xót trong môi trường văn hóa hôm nay: “Có lẽ là hơn bao giờ hết, não trạng của con người ngày nay xem ra muốn chống lại một Thiên Chúa của lòng thương xót, và trong thực tế có xu hướng muốn loại ra khỏi cuộc sống và triệt hạ khỏi trái tim con người những ý tưởng của lòng xót thương. Từ ngữ và khái niệm ‘thương xót’ dường như gây xao xuyến trong con người, mà nhờ vào sự phát triển to lớn chưa từng có trong lịch sử của khoa học và kỹ thuật đã trở thành chủ nhân của trái đất, đã chinh phục và thống trị nó (x. Sáng Thế 01:28). Sự thống trị trái đất này, đôi khi được hiểu một cách phiến diện và hời hợt, dường như không còn chỗ cho lòng thương xót.”

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng thúc đẩy việc loan báo khẩn cấp hơn và đưa ra những chứng tá cho lòng thương xót trong thế giới đương đại: “Xuất phát từ tình yêu dành cho con người, cho tất cả những gì là nhân bản và những gì, theo trực giác của nhiều người đương thời với chúng ta, là đang bị đe dọa bởi một mối nguy hiểm lớn lao. Mầu nhiệm của Chúa Kitô… buộc tôi phải rao giảng lòng thương xót như tình yêu từ bi của Thiên Chúa, đã được mạc khải trong cùng một mầu nhiệm của Chúa Kitô. Mầu nhiệm ấy cũng buộc tôi phải trông cậy và khẩn cầu lòng xót thương trong giai đoạn khó khăn, và quan trọng này trong lịch sử Giáo Hội và thế giới.” 

Đức Thánh Cha nhận xét rằng giáo huấn này của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là thích hợp hơn hơn bao giờ hết và đáng được đề cao một lần nữa trong Năm Thánh này. 

Ơn gọi của Giáo Hội trong Năm Thánh này

Giáo Hội được mời gọi biến mình thành một người đầy tớ của tình yêu từ bi của Thiên Chúa và làm trung gian của tình yêu ấy cho tất cả mọi người. Do đó, bất cứ nơi nào Giáo Hội hiện diện, lòng thương xót của Chúa Cha phải là hiển nhiên. Trong các giáo xứ, các cộng đồng, các hiệp hội và các phong trào, nói tắt một lời, là bất cứ nơi nào có những Kitô hữu, tất cả mọi người phải tìm được một ốc đảo của lòng thương xót.

Ơn gọi của mỗi cá nhân trong Năm Thánh này: “Hãy thương xót như Cha các ngươi có lòng thương xót”

Nếu chúng ta muốn sống Năm Thánh này, trong ánh sáng lời Chúa: Hãy có lòng xót thương như Chúa Cha. Vị Thánh Sử nhắc nhở chúng ta về giáo huấn của Chúa Giêsu, Đấng đã phán: “Hãy thương xót như Cha các ngươi có lòng thương xót” (Lc 6:36). Đó là một chương trình sống vừa đòi hỏi vừa phong phú với niềm vui và bình an. 

Xót thương như Chúa Cha, vì vậy, là “phương châm” của Năm Thánh này. Nơi lòng thương xót, chúng ta tìm thấy bằng chứng về cách thức Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Ngài trao ban toàn bộ chính Ngài cho chúng ta, luôn luôn, tự nguyện, không yêu cầu hồi đáp. Ngài đến giúp chúng ta bất cứ khi nào chúng ta cầu khẩn Ngài. 

Những thể hiện cụ thể của lòng thương xót trong Năm Thánh này

Ước muốn cháy bỏng của Đức Thánh Cha là trong Năm Thánh này, chúng ta có thể suy tư trên các hoạt động thể lý và thiêng liêng của lòng thương xót. Đó sẽ là một cách để thức tỉnh một lương tâm quá thường khi mờ mịt trước cảnh nghèo đói. Chúng ta hãy tái khám phá những hoạt động thể lý của lòng thương xót: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, và chôn xác kẻ chết. Và chúng ta đừng quên các hoạt động thiêng liêng của lòng thương xót: lấy lời lành mà khuyên người, mở dậy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cũng như cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

Năm Thánh này sẽ là một năm hồng ân, một năm thương xót

Thánh Luca viết rằng Chúa Giêsu, vào ngày Sabát, đã trở lại Nagiarét và, như thường lệ, Ngài bước vào hội đường. Người ta mời Ngài đọc Kinh Thánh và đưa ra lời bình luận. Đoạn văn được đọc trích từ Sách Tiên Tri Isaia, trong đó viết: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Ðức Chúa” (Is 61: 1-2). Một “năm hồng ân của Ðức Chúa” hay “một năm thương xót”: đây là những gì Chúa đã công bố và đây là những gì giờ đây chúng ta muốn sống. Năm Thánh này sẽ mang đến sự phong phú trong sứ mệnh của Chúa Giêsu được vang vọng trong những lời của vị tiên tri: là mang một lời nói và cử chỉ an ủi cho người nghèo, để loan báo tự do cho những ai bị trói buộc bởi các hình thái nô lệ mới trong xã hội hiện đại, để phục hồi ánh sáng cho những ai không thể nhìn thấy nữa vì họ bị co cụm trong chính mình, để phục hồi phẩm giá cho tất cả những ai mà nhân phẩm đã bị cướp mất. Lời rao giảng của Chúa Giêsu lại trở nên hữu hình trong đáp trả đức tin mà các Kitô hữu được mời gọi đưa ra qua chứng tá của họ. Cầu xin cho những lời của Thánh Tông Đồ [Phaolô] đồng hành với chúng ta: “Ai làm những việc bác ái, thì hãy làm những điều ấy trong hân hoan” (Rm 12: 8).

Mùa Chay của Năm Thánh là một thời điểm sống sốt sắng, giao hòa với Chúa và anh chị em mình qua Bí Tích Hòa Giải

Mùa Chay trong Năm Thánh này cũng nên được sống sốt sắng hơn như một thời thuận tiện để cử hành và trải nghiệm lòng thương xót Chúa. Biết bao nhiêu trang Sách Thánh rất thích hợp cho suy niệm trong những tuần Mùa Chay giúp chúng ta tái khám phá ra khuôn mặt đầy thương xót của Chúa Cha! Sáng kiến “24 giờ cho Chúa,” được cử hành vào ngày thứ Sáu và thứ Bảy trước tuần thứ Tư của Mùa Chay, nên được thực hiện trong mỗi giáo phận. Rất đông người, kể cả giới trẻ, đang trở lại với Bí tích Hòa giải; qua cảm nghiệm này, họ đang tái khám phá con đường trở về với Chúa khi sống một khoảnh khắc cầu nguyện mãnh liệt và khi tìm kiếm ý nghĩa trong đời họ. Chúng ta hãy đặt Bí tích Hoà giải ở trung tâm một lần nữa sao cho bí tích này giúp mọi người chạm vào sự hùng vĩ của lòng thương xót Chúa với những đôi tay của riêng họ. Với mỗi hối nhân, bí tích này sẽ là nguồn mạch của bình an nội tâm thật sự.

Trong Mùa Chay, Đức Thánh Cha sẽ sai đi các Thừa Sai của Lòng Thương Xót

Trong Mùa Chay của Năm Thánh này, Đức Thánh Cha có ý định sai đi các Thừa Sai của Lòng Thương Xót. Các ngài sẽ là một dấu chỉ của sự lo lắng từ mẫu của Giáo Hội đối với dân Chúa, để dân Chúa có thể bước vào sự phong phú sâu xa của mầu nhiệm rất cơ bản này của đức tin. Sẽ có những linh mục mà Đức Thánh Cha sẽ ban cấp quyền tha thứ cả những tội lỗi chỉ dành quyền giải cho Tòa Thánh. Đức Thánh Cha cũng yêu cầu các Giám Mục mời và chào đón những Thừa Sai này để, trên hết tất cả, họ có thể là những vị giảng thuyết có sức thuyết phục của lòng thương xót. Cầu mong sao cho từng giáo phận có thể tổ chức “các cuộc đại phúc” để các Thừa Sai này có thể là sứ giả của niềm vui và sự tha thứ. Các Giám mục được yêu cầu cử hành bí tích hòa giải với anh chị em giáo dân của mình để thời gian ân sủng do Năm Thánh mang lại sẽ làm cho nhiều con cái Chúa có thể cất bước trên cuộc hành trình về nhà Cha một lần nữa. Xin cho các vị mục tử, đặc biệt là trong Mùa Chay, siêng năng trong việc kêu gọi các tín hữu quay lại “gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và tìm thấy ân sủng” (Dt 4:16).

Với những người phạm vào những tội ác và những kẻ tham nhũng

Đức Thánh Cha cầu mong cho thông điệp của lòng thương xót này đến được với tất cả mọi người, và không một ai có thể thờ ơ với lời mời gọi trải nghiệm lòng thương xót. Ngài hướng lời mời hoán cải này còn nhiệt thành hơn nữa đến những ai có những hành vi đang làm họ xa cách với ân sủng của Thiên Chúa. Cách riêng, Đức Thánh Cha nghĩ đến người người nam nữ thuộc về các tổ chức tội phạm các loại. Vì thiện ích của họ, ngài cầu xin họ thay đổi cuộc sống mình. 

Lời mời này cũng được gởi đến những ai chủ động hay bị dính líu vào tham nhũng. Vết thương mưng mủ này là một tội nghiêm trọng đang kêu thấu đến trời cao đòi trả thù, vì nó đe dọa chính nền tảng của cuộc sống cá nhân và xã hội. Tham nhũng ngăn chặn chúng ta hướng đến tương lai với niềm hy vọng, vì sự tham lam tàn bạo của nó làm tiêu tan kế hoạch của những người yếu thế và chà đạp những người nghèo nhất trong những người nghèo. 

Ơn xá trong Năm Thánh

Năm Thánh cũng bao gồm việc ban các ân xá. Thực hành này sẽ có được một ý nghĩa càng quan trọng hơn trong Năm Thánh Từ Bi. Sự tha thứ của Thiên Chúa không có giới hạn. Trong cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm rõ hơn nữa tình yêu của Ngài và quyền năng tiêu diệt tất cả tội lỗi nhân loại của tình yêu ấy. Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ, và Ngài không bao giờ mệt mỏi tha thứ trong những cách thế liên tục mới mẻ và đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, dù được tha thứ, những hậu quả xung khắc của tội lỗi vẫn còn đó. Trong Bí Tích Hòa Giải, Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta những tội lỗi, mà Ngài thực sự tẩy sạch; nhưng tội lỗi để lại một ảnh hưởng tiêu cực trong cách nghĩ và hành động của chúng ta. Dù thế, lòng thương xót của Thiên Chúa còn mạnh hơn cả điều này. Nó trở thành sự xá miễn về phía Chúa Cha, Đấng qua Hiền Thê của Chúa Kitô, là Giáo Hội của Ngài, vươn ra đến những tội nhân được tha thứ và giải phóng người ấy khỏi mọi cặn bã sót lại do hậu quả của tội lỗi, để người ấy có thể hành động với lòng bác ái, ngõ hầu lớn lên trong tình yêu hơn là rơi trở lại vào vòng tội lỗi.

Viễn tượng đại kết

Sau khi khẳng định cả Do Thái Giáo và Hồi Giáo đều xem lòng thương xót là một trong những thuộc tính quan trọng nhất của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha bày tỏ niềm tin vững chắc rằng Năm Thánh cử hành lòng thương xót Chúa này sẽ thúc đẩy một cuộc gặp gỡ với những tôn giáo và những truyền thống tôn giáo cao quý khác; ngài cầu xin cho Năm Thánh này mở ra cho chúng ta sự đối thoại càng nhiệt thành hơn, để chúng ta biết và hiểu được người khác tốt hơn; ngài cầu xin cho năm hồng ân này có thể loại bỏ tất cả các hình thức khép kín đầu óc và thiếu tôn trọng, và xua tan mọi hình thức bạo lực và phân biệt đối xử.

Kết luận

Hướng đến Đức Trinh Nữ Maria, Đức Thánh Cha cầu xin sự dịu ngọt trên thánh nhan Mẹ dõi theo chúng ta trong Năm Thánh này, để tất cả chúng ta có thể tái khám phá niềm vui về sự dịu dàng của Thiên Chúa. Ngài cũng khẩn cầu cùng các Thánh và những Chân Phước đã dâng hiến đời mình rao truyền lòng thương xót Chúa, đặc biệt là vị tông đồ vĩ đại của lòng thương xót Chúa, là Thánh Faustina Kowalska. Xin thánh nữ, là người đã được mời gọi để bước vào những chiều sâu thẳm của lòng thương xót Chúa, cầu thay nguyện giúp cho chúng ta và nài xin cho chúng ta ân sủng để sống và tiến bước luôn luôn theo lòng thương xót của Thiên Chúa và với một niềm tin vững chắc vào tình yêu của Ngài.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha cầu xin trong Năm Thánh này Giáo Hội có thể vang vọng những lời của Chúa vang lên mạnh mẽ và rõ ràng như một thông điệp và một dấu chỉ của sự tha thứ, sức mạnh, sự trợ giúp, và tình yêu. Xin cho Giáo Hội không bao giờ mệt mỏi mở rộng lòng thương xót, và luôn kiên nhẫn trao ban lòng từ bi và sự ủi an. Xin cho Giáo Hội trở thành tiếng nói của mỗi người nam nữ, và lặp lại cách tự tin không ngừng rằng: “Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu. Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời.” (Tv 25: 6).

Download toàn văn Tông Chiếu Ấn Định Năm Thánh Ngoại Thường Về Lòng Thương Xót

J.B. Đặng Minh An

Nguồn: Vietcatholic News

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN