Home / Tiêu Điểm / Tóm lược các diễn biến Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình tuần thứ hai

Tóm lược các diễn biến Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình tuần thứ hai

 

Sau một ngày nghỉ ngơi, hôm thứ Hai 12 tháng 10, các nghị phụ và các tham dự viên khác đã tái nhóm và thảo luận trong 13 nhóm nhỏ trong hai ngày thứ Hai và thứ Ba trước khi nhóm phiên khoáng đại vào sáng thứ Tư để nghe các nhóm tường trình. Chiều thứ Tư và trọn ngày thứ Năm, các nghị phụ đã tiếp tục trình bày những ý kiến của các ngài trong các phiên khoáng đại. 93 vị đã phát biểu trong hai phiên chiều thứ Tư và sáng thứ Năm. Sáng thứ Sáu, 16/10, Thượng Hội Đồng Giám Mục nhóm phiên khoáng đại để nghe ý kiến của các dự thính viên và đại diện của các Giáo Hội anh em. Các tham dự viên đã trở lại thảo luận trong 13 nhóm nhỏ vào chiều thứ Sáu và sẽ tiếp tục thảo luận trong nhóm cho tới sáng thứ Ba 20 tháng 10.

Tài liệu làm việc dự kiến chia làm ba phần rõ rệt trong đó mỗi tuần các nghị phụ sẽ trình bày và thảo luận về một chủ đề nhất định. Tuy nhiên, cuối tuần thứ nhất đã có những nghị phụ phát biểu về phần thứ ba. Trong tuần thứ hai, nhiều nghị phụ đã trình bày các chia sẻ của các ngài về phần cuối cùng này.

Nhiều nghị phụ đã nhấn mạnh sự cần thiết là Giáo Hội phải nói với một giọng tích cực, rõ ràng, đơn giản, và kiên trì khẳng định cuộc sống gia đình theo lý tưởng Kitô là có thể đạt được. Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin của Ái Nhĩ Lan nói rằng “lặp đi lặp lại các công thức giáo lý sẽ không mang ánh sáng Phúc Âm và tin mừng gia đình vào một xã hội đối kháng. Chúng ta phải tìm một thứ ngôn ngữ giúp những người trẻ đánh giá cao sự mới mẻ và những thách đố của Tin Mừng”. Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge của Brisbane, Australia đồng ý, và nói rằng cách đọc “hời hợt và ảm đạm” về xã hội hiện đại không giúp được gì. Một nhóm đề nghị thảo luận về tính bất khả phân ly của hôn nhân như một ân sủng chứ không phải là một gánh nặng.

Theo Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput, sự chính xác trong ngôn ngữ có một tầm quan trọng rất lớn, đặc biệt là khi nói về “sự bao gồm hay loại trừ” và “sự thống nhất trong đa dạng”. Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin cảnh giác rằng chiến dịch hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính ở Ái Nhĩ Lan thành công được là do sử dụng “những ngôn ngữ truyền thống của chúng ta như bình đẳng, từ bi, tôn trọng và khoan dung”. Ngài nói thêm là Giáo Hội cần “tìm ra một ngôn ngữ bắt được một nhịp cầu với thực tế ngày qua ngày của hôn nhân – một thực tại của con người, không chỉ gồm những điều lý tưởng, nhưng có cả các cuộc đấu tranh và thất bại, có cả nước mắt lẫn niềm vui”. Tổng giám mục Eamon Martin, cũng của Ái Nhĩ Lan, cho biết Hội Thánh cần loại trừ mọi hình thái bạo lực gia đình và chăm sóc cho những ai là nạn nhân của bạo lực, là những người mà việc công bố những gì chúng ta gọi là “tin mừng của gia đình” có thể chẳng có mấy ý nghĩa hoặc thậm chí là vô nghĩa đối với họ.

Nhiều nghị phụ lưu ý rằng ở các vùng khác nhau trên thế giới các gia đình phải đối mặt với các vấn đề khác nhau. Một số khu vực có nhiều cặp vợ chồng ly dị và tái hôn dân sự, trong khi những người khác phải đối mặt với các nền văn hóa cho phép chế độ đa thê. Một số xã hội khác nữa, như tại Nhật Bản và nhiều quốc gia Đông Nam Á, lại xảy ra tình trạng dân số Công Giáo giảm dần vì hôn nhân khác đạo.

Bên cạnh những vấn đề khác như việc đào tạo các linh mục để tháp tùng với các gia đình, các gia đình tháp tùng lẫn nhau, các khóa hôn nhân và gia đình, việc giáo dục tính dục trong gia đình, tình trạng nghèo đói và bị bách hại của các gia đình Kitô ngày nay; vấn đề khả thể cho người đã ly dị và tái hôn dân sự được rước lễ trong những trường hợp và những điều kiện nhất định nào đó theo đề nghị của Đức Hồng Y Walter Kasper đã là một trong những đề tài chủ yếu được thảo luận sôi nổi.

Philippa Hitchen của Radio Vatican tường thuật có nghị phụ cay đắng đặt đề nghị của Đức Hồng Y Walter Kasper đối lập triệt để với giáo huấn Chúa Giêsu đã truyền lại cho Giáo Hội qua cụm từ “Con đường của Chúa Giêsu, hoặc con đường của Walter Kasper” và bày tỏ lo âu về ảnh hưởng của vị Hồng Y người Đức đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô vì ngài đã trích dẫn cuốn sách của vị Hồng Y trong buổi đọc kinh Truyền Tin đầu tiên của mình, và đã mời vị Hồng Y nói chuyện ngay buổi khai mạc công nghị ngoại thường về gia đình hôm 20 tháng Hai năm ngoái 2014.[1]

Trong một bài phát biểu hôm 10 tháng 10, nhà lãnh đạo hàng đầu của Công Giáo Kazakhstan nói mạnh đến mức là “Trong Thượng Hội Đồng năm ngoái, khói của Satan đã cố gắng để lẻn vào hội trường Phaolô Đệ Lục”[2]

Đức Tổng Giám mục Thomas Peta của thủ đô Astana đã đồng hóa với khói của Satan “đề nghị cho những người đã ly dị và sống trong các kết hiệp dân sự mới được rước Mình Thánh Chúa; khẳng định việc chung sống tự nó có thể có một số giá trị nào đó; và kêu gọi coi đồng tính luyến ái là một cái gì đó bình thường.”

Trong buổi họp báo hôm 15 tháng 10, Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Gadecki, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan nói với các phóng viên rằng “Hội Đồng Giám Mục Ba Lan không ủng hộ việc cho phép người ly dị tái hôn rước lễ.”

Ngài nhìn nhận rằng những người ly dị và tái hôn không bị vạ tuyệt thông và nhiều khi họ là những người có ước muốn được rước lễ, mạnh hơn những ai có thể rước lễ. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng những người ly dị và tái hôn có quyền tham dự vào đời sống Giáo Hội mà không cần rước Mình Thánh Chúa.

Chung quanh những nỗ lực chống lại đề nghị của Đức Hồng Y Walter Kasper và một số Giám Mục Đức, còn phải kể đến chuyện lá thư gởi Đức Thánh Cha của 13 vị Hồng Y.

Hôm thứ Hai 12 tháng 10, Sandro Magister, là ký giả đã từng bị rút giấy phép vì tung ra thông điệp Laudeto Sí trước cả Tòa Thánh, lại đưa ra trên tờ L’Espresso, một lá thư được cho là của 13 Hồng Y viết cho Đức Thánh Cha bày tỏ quan ngại về cách thức Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình được tổ chức. 

Bốn vị Hồng Y được cho là có tên trong danh sách các vị ký tên là các Đức Hồng Y Erdo, Scola, Piacenza, and Vingt-Trois lên tiếng phủ nhận. 

Nhưng chỉ một ngày sau đó, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết rằng Đức Hồng Y George Pell nhìn nhận đã viết thư cho Đức Thánh Cha nhưng nội dung và danh sách các Đức Hồng Y ký tên đều không đúng. Ngài lên án việc tiết lộ lá thư riêng gởi cho Đức Thánh Cha là quấy rối Thượng Hội Đồng.

Đức Hồng Y Dolan cũng xác nhận mình ký tên trong lá thư theo sáng kiến của Đức Hồng Y George Pell với các quan ngại bao gồm: Liệu tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng, (Instrumentum laboris) có nên là trọng tâm duy nhất của các cuộc thảo luận của các giám mục hay không; liệu quá trình thảo luận có cho phép tranh luận công bằng và cởi mở không; và liệu các giám mục tham gia trong Thượng Hội Đồng có nên được cho một cơ hội để ảnh hưởng đến việc lựa chọn các giám mục viết các văn bản chính thức sau cùng hay không.

Sandro Magister lên tiếng đính chính ông ta không phải là người có “tay trong” tiết lộ cả những lá thư riêng của Đức Giáo Hoàng và chỉ ra Andrea Tornielli của tờ La Stampa mới là người đầu tiên tung ra lá thư đó từ ngày 8 tháng 10. Tuy nhiên, ông ghi nhận rằng bài viết của ông bày tỏ sự đồng cảm đối với mối quan tâm của các vị Hồng Y nên được chú ý hơn, trong khi bài của Tornielli với nhiều nhận định tiêu cực thu hút ít sự chú ý của công chúng. 

Trong buổi triều yết chung thứ Tư 14/10, trước khi bắt đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha ứng khẩu nói:

“Trước khi bắt đầu bài giáo lý, nhân danh Giáo Hội, tôi muốn xin lỗi anh chị em vì những gương mù đã xảy ra gần đây tại Roma và Vatican. Tôi xin lỗi anh chị em”.

Ngài dừng lại ở đó nên không ai biết chính xác là ngài muốn đề cập đến những vấn đề gì. Tuy nhiên, câu chuyện lá thư lọt ra ngoài có lẽ đứng đầu trong danh sách các nghi vấn. 

Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge của tổng giáo phận Brisbane, Australia ước tính ít nhất 65% các giám mục sẽ phản đối việc cho phép người Công Giáo ly dị và tái hôn được rước lễ. Tuy nhiên, như vậy vẫn còn 35% các nghị phụ ủng hộ đề nghị của Đức Hồng Y Kasper.

Một số nghị phụ tiếp tục kiên trì khẳng định rằng Giáo Hội không loại trừ một ai và Chúa Kitô không đến để chữa người lành, nhưng là người bệnh: vì thế những người ly dị tái hôn cần được tháp tùng, yêu thương và tha thứ, vì họ là thành phần của Giáo Hội và chi thể của Chúa Kitô, vì thế hệ quả tất nhiên là họ có thể lãnh nhận Thánh Thể.

Nhiều vị không lý luận nhưng khơi gợi tình cảm như đọc những lá thư của những người trong hoàn cảnh ly dị tái hôn và những người đang sống trong những quan hệ đồng tính; hay kể những câu chuyện chẳng hạn như chuyện một em bé lên rước lễ lần đầu, đã cầm Mình Thánh Chúa bẻ ra làm đôi và chia cho ba của em, lý do vì ông không được rước lễ vì là người ly dị tái hôn.

Có cả một đề nghị phân cấp những vấn đề kỷ luật và tín lý như việc rước Mình Thánh Chúa của những người ly dị và tái hôn cho các Hội Đồng Giám Mục địa phương quyết định. Đây là một trong những đề nghị đã được Đức Hồng Y Reinhard Marx, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức lặp đi lặp lại nhiều lần ngay cả trước Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình nhưng bị nhiều Giám Mục và Hồng Y Hoa Kỳ phản đối là sẽ làm mất sự hiệp nhất trong Giáo Hội.

Đặng Tự Do

Nguồn: Vietcatholic News

[1] Synod: Bishops must welcome families as teachers and pastors 

http://en.radiovaticana.va/news/2015/10/15/synod_bishops_must_welcome_families_as_teachers_and_pastors/1179562

[2] Leading Kazakh prelate speaks of ‘smoke of Satan’ at 2014, current synods

http://www.catholicculture.org/news/headlines/index.cfm?storyid=26425

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN