Home / Chia Sẻ / TỘI LỖI và THÁNH THIỆN

TỘI LỖI và THÁNH THIỆN

ToiLoi&ThanhThienMùa Chay lại về. Mùa Chay nhắc nhớ tới kiếp bụi tro của phàm nhân, đời tội lỗi của chúng ta. Ai là người có tội? Ai là người đạo đức? Nhưng có ai là tội nhân thánh thiện hay không? Có. Và có thể là chính mỗi chúng ta, nếu…

Như chúng ta biết, ai trong chúng ta cũng đều là tội nhân trước mặt Thiên Chúa nhân lành. Có người mãi mãi là tội nhân, nhưng có người là tội nhân rồi nên thánh, họ chính là các “tội nhân thánh thiện”. Nghe vô lý chăng? Không hề vô lý, mà lại rất hợp lý. Tại sao? Vì ai trong chúng ta cũng đều trải qua con đường tội-lỗi-và-thứ-tha, ngay cả những người đạo đức nhất, bởi vì đối với Thiên Chúa, bất kỳ ai cũng chỉ là những tội nhân. Có một số thánh nhân “nổi tiếng” về sa ngã, những người tội lỗi này đã thành tâm sám hối và nên thánh. Bạn có nhớ các “tội nhân thánh thiện” đó là ai?

1. DISMAS

Dismas là ai? Dismas, còn được viết là Dimas hoặc Dysmas, là người cùng chịu đóng đinh với Chúa Giêsu trên Đồi Sọ (Gôn-gô-tha), là người mệnh danh là “người trộm lành”. Khi tử tội kia (Dumachus) không biết phận mình mà còn phỉ báng và thách thức Chúa Giêsu, Dismas đã la mắng Dumachus: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” (Lc 23:40-41). Rồi Dismas thưa với Đức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23:42). Chúa Giêsu nói với Dismas: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23:43). Quá “đã”! Cả đời trộm cướp, cuối cùng Dismas cướp luôn Thiên Đàng. Có lẽ không ai sướng bằng Thánh Dismas, được đồng hành với Chúa Giêsu vào Thiên đàng ngay lập tức!

2. PHÊRÔ

Phêrô là ai? Là Giáo hoàng tiên khởi của Giáo hội Công giáo, được Chúa Giêsu trao trọng trách sau 3 lần phải xác nhận nhân đức yêu mến: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Ga 21:17). Thế nhưng Giáo hoàng Phêrô cũng là người bị Chúa Giêsu chửi nặng nhất: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16:23). Với kinh nghiệm “xương máu” đó, chính Thánh Phêrô đã khuyên hậu duệ: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ” (1 Pr 5:2). Ông Phêrô nóng tính và cương quyết, Chúa Giêsu báo trước mà ông vẫn nói mạnh. Nhưng rồi sự việc xảy ra đúng y boong. Ông sực nhớ điều Đức Giêsu đã nói với mình: “Gà chưa kịp gáy hai lần, thì anh đã chối Thầy đến ba lần” (Mc 14:72). Thế là ông oà lên khóc.

3. MÁTTHÊU

Mátthêu là ai? Là dân thu thuế. Thời đó, dân thu thuế bị liệt vào loại người tội lỗi. Nhưng khi đi ngang qua trạm thu thuế, Đức Giêsu thấy một người tên là Mátthêu đang ngồi tại trạm. Ngài bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” (Mt 9:9), Mátthêu sẵn sàng bỏ mọi thứ và đi theo Đức Giêsu ngay, không chút lưỡng lự, không so đo hay tính toán gì. Và rồi Mátthêu còn là tác giả cuốn Phúc Âm thứ nhất.

4. PHAOLÔ

Phaolô là ai? Là dân biệt phái, Phaolô đã trích Cựu ước khoảng 200 lần trong các thư gởi các Giáo đoàn. Là người Rôma, Phaolô đã đi khắp Đế quốc, nói 3 ngôn ngữ: tiếng Aram, tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp, đồng thời còn thông thạo tiếng Latin nữa. Trước khi ngã ngựa trên đường Damascus, Phaolô có tên là Saolô. Ngài đã từng than phiền về tính vô định của mình: “Điều tôi muốn thì tôi lại không làm, điều tôi không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7:19). Nhưng nhiệm vụ lịch sử của Phaolô là “định mệnh đã không chọn một người khá hơn”. Thánh Phaolô là một trong hai cột trụ của Giáo hội.

5. NỮ TỘI NHÂN

Một phụ nữ bán loại hoa đặc biệt, một cô gái làng chơi hạng sang, “nổi tiếng” với đám dân chơi. Phụ nữ này là hiện thân của những người bị phỉ báng, chị là một phụ nữ tội lỗi, bị mọi người khinh bỉ, xa lánh, ghét bỏ, nhưng chị đã lấy nước mắt rửa chân Ðức Giêsu (Lc 7:36-50). Chủ nhà Simon không rửa chân và xức dầu thơm cho Chúa Giêsu, nhưng người-khách-tội-lỗi-không-mời-mà-đến đã lấy nước mắt rửa chân Chúa, lấy tóc lau chân Chúa, và xức dầu thơm chân Chúa. Tội lỗi ngập đầu nhưng được Chúa tẩy sạch và tha hết. Lý do Chúa đưa ra rất đơn giản: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều” (Lc 7:47). Tình yêu mới quan trọng, và chính tình yêu mới có thể chiến thắng tội lỗi. Chiếc áo không làm nên thầy tu. Đừng xét đoán người khác!

Xin được “mở ngoặc” nhỏ: Đừng lầm lẫn mà cho rằng Thánh Maria Mácđala (Mađalêna) chính là phụ nữ tội lỗi này, người được Thánh sử Luca kể lại trong trình thuật Lc 7:36-48. Chúng ta cùng “xem xét” nghiêm túc:

Có người thuộc nhóm Pharisêu mời Đức Giêsu dùng bữa với mình. Đức Giêsu đến nhà người Pharisêu ấy và vào bàn ăn. Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.

Thấy vậy, ông Pharisêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!”. Đức Giêsu lên tiếng bảo ông: “Này ông Simôn, tôi có điều muốn nói với ông!”. Ông ấy thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói”. Đức Giêsu nói: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?”. Ông Simôn đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn”. Đức Giêsu bảo: “Ông xét đúng lắm”.

Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Simôn: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít”. Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi”.

Trong Tân Ước, ngoài Đức Maria Mẹ Thiên Chúa (Mt 1:16), ai cũng đã rõ, chúng ta thấy có vài phụ nữ khác cũng tên là Maria: Maria Mácđala và một Maria khác (Mt 28:1), Maria vợ ông Cơlôpát (Ga 19:25), Maria mẹ ông Giô-xết (Mc 15:47), Maria mẹ ông Giacôbê (Mc 16:1). Maria mẹ ông Giacôbê Thứ (Nhỏ, tác giả Thư Thánh Giacôbê và lãnh đạo Giáo hội Giêrusalem, khác với Giacôbê Lớn) và Maria mẹ ông Giô-xết cũng là một: “Có mấy phụ nữ đứng xa xa mà nhìn, trong đó có bà Maria Mácđala, bà Maria mẹ các ông Giacôbê Thứ và Giôxết, cùng bà Salômê” (Mc 15:40).

Nói về các phụ nữ đi theo Chúa Giêsu, Thánh sử Luca cho biết: “Đức Giêsu rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Maria gọi là Maria Mácđala, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gioanna, vợ ông Khuda quản lý của vua Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ” (Lc 8:1-3).

Thánh Máccô cho biết rõ: “Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Maria Mácđala, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ” (Mc 16:9). Rõ ràng Maria Mácđala chính là người-được-trừ-khỏi-bảy-quỷ (do Chúa Giêsu chữa), tức là Maria ở Mácđala, chắc chắn khác với Maria ở Bêtania. Bêtania là nơi mà Thánh Gioan xác định: “Bêtania cách Giêrusalem không đầy ba cây số” (Ga 11:18).

Thánh sử Gioan (Ga 12:9-11) cho biết thêm điều liên quan dạ tiệc mà Chúa Giêsu được một phụ nữ xức dầu thơm: “Một đám đông người Do-thái biết Đức Giêsu đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Đức Giêsu, nhưng còn để nhìn thấy anh Ladarô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Các thượng tế mới quyết định giết cả anh Ladarô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giêsu”.

Trước đó, Thánh sử Gioan (Ga 11:1-2) đã cho biết: “Có một người bị đau nặng, tên là Ladarô, quê ở Bêtania, làng của hai chị em cô MáctaMaria. Cô Maria là người sau này sẽ xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Anh Ladarô, người bị đau nặng, là em của cô”. Thánh Gioan cho biết các chi tiết rất rõ ràng. Sau đó, Thánh Gioan cho biết rằng Ladarô chết và được Đức Giêsu cho sống lại, dù đã an táng 4 ngày và nặng mùi rồi.

Như vậy, rõ ràng người phụ nữ mà chúng ta gọi là tội nhân kia KHÔNG PHẢI là Maria ở Mácđala, mà chính là Maria ở Bêtania – em gái của Mácta và chị của Ladarô.

Còn Maria Mácđala thì sao? Thánh Gioan cho biết: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala” (Ga 19:25). Trong lúc “dầu sôi lửa bỏng”, không thấy Kinh Thánh nói tới hai chị em Mácta và Maria, nhưng xác định tên rõ ràng: MARIA MÁCĐALA (tức là Maria Mađalêna).

Tất cả là nhờ Lòng Chúa Thương Xót, vì con người rất yếu đuối. Nếu không có Lòng Chúa Thương Xót thì chẳng ai xứng đáng hưởng nhờ Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. Nhưng thật là may mắn, dù chúng ta chỉ là tội nhân, và dù chúng ta có tội lỗi thế nào thì hãy vững tin vào Thiên Chúa, chứ đừng tuyệt vọng. Tạ ơn Chúa muôn đời!

Ai tội lỗi hoặc ai thánh thiện? Hãy đọc lại trình thuật Lc 18:10-14, câu chuyện này do Chúa Giêsu đưa ra:

Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”. Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.

Chúa Giêsu kết luận: “Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …