Home / Chia Sẻ / Tôi là Kitô hữu, nhưng…

Tôi là Kitô hữu, nhưng…

 

“Tôi là Kitô hữu, là người Công giáo, nhưng tôi không tin…”.

ToiLa KitoHuu, Nhung....Đã bao nhiêu lần bạn nghe câu nói kinh khủng đó? Người Công giáo muốn nói gì? Phải chăng đó chỉ là một câu sáo ngữ đặc trung văn hóa mà người ta có từ khi sinh ra, hay câu đó có ý nghĩa khác? Bạn có thể là người Công giáo thực sự khi lên án các giáo huấn nào đó của Công giáo?

Theo định nghĩa, là người Công giáo nghĩa là hiện hữu trong mối quan hệ đức tin với huấn quyền của Giáo hội, và chấp nhận ý niệm về sự kế vị các tông đồ. Làm sao người ta nói mình là Công giáo mà lại công khai không đồng thuận với các giáo huấn của những người kế vị các Tông Đồ? Ngày nay, Tin Lành đã cho thấy vết sẹo hữu hình của cách giải quyết theo chủ nghĩa cá nhân này, do đó thần học và tín lý bị đúc khuôn xung quanh sự kết án theo chủ nghĩa đó.

Thật không may, người Công giáo không miễn nhiễm với hiện tượng này về việc phỏng tạo Thiên Chúa và thần học theo nhu cầu và ước muốn của mình. Nếu chúng ta không thích giáo huấn của Giáo hội, chúng ta cứ làm ngơ hoặc công khai phản đối, trong khi đó vẫn nhận mình là người Công giáo. Tôi không đồng ý với ai về huấn giáo của Giáo hội Công giáo? Có một số giáo huấn của Giáo hội thử thách tôi về trí tuệ và tâm linh? Dĩ nhiên là có. Có thể tôi phải dành nhiều thời gian cầu nguyện để cố gắng hiểu giáo lý? Dĩ nhiên là có. Nhưng tôi không có quyền nói giáo lý sai – cố gắng hiểu giáo lý là một chuyện, tuyên bố giáo lý sai là chuyện khác.

Giáo hội Công giáo không giả vờ là một thể chế dân chủ mà trong đó thần học được biểu quyết bởi đa số những người tin. Đầu của Giáo hội là Đức Giêsu Kitô, và Chúa Thánh Thần được gởi tới để hướng dẫn các Tông Đồ (chứ không phải bạn hoặc tôi) và những người kế vị trong chân lý. Bạn có thực sự muốn rằng cách thức của Chúa không thử thách chúng ta? Bạn có thực sự muốn rằng cách thức của Chúa nhạy bén với sự thay đổi của xã hội về ý kiến?

Chúng ta có nên chấp nhận một cách mù quáng về những điều Giáo hội dạy? Tôi tin rằng chúng ta được mời gọi để kiểm tra niềm tin của chúng ta và của Giáo hội. Nếu bạn thấy mình nghi ngờ giáo huấn của Giáo hội, bạn nên làm gì?

Đối với tôi, đây là vài điều hữu ích đã giúp tôi trong quá khứ:

     1. Hãy chắc chắn rằng bạn biết Giáo hội thực sự dạy điều gì. Tôi không thể nhớ đã bao lần tôi đọc chữ “niềm tin” của Giáo hội Công giáo, hoặc được nhiều người hỏi về từ ngữ này, và rồi tôi phát hiện rằng Giáo hội Công giáo không dạy chúng ta những “niềm tin” này – tức là sự tin tưởng chứ không phải là đức tin! Hãy luôn xem lại một giáo huấn qua giáo lý hoặc hỏi một linh mục nào đó. Cuối cùng, bạn có thể thấy rằng bạn đã dành thời gian quý giá khi nghi ngờ vấn đề nào đó mà Giáo hội của Đức Giêsu Kitô chưa bao giờ tin. Ơn bất khả ngộ của Đức giáo hoàng có thể có vẻ làm cho bạn hiểu lầm rằng Giáo hội tin các giáo hoàng sinh ra đều không có tội và suốt đời cũng không phạm tội. Giáo hoàng chỉ không sai lầm khi lấy quyền kế vị Tông Đồ Phêrô mà tuyên bố một tín điều. Khái niệm này dễ hiểu hơn nếu bạn biết Giáo hội tin điều gì.

     2. Hãy dành thời gian tìm hiểu vấn đề đức tin, cố gắng hiểu nguồn gốc đức tin của Giáo hội (nghĩa là Kinh Thánh), và các mối quan hệ của đức tin. Nói về giáo huấn của Giáo hội đối với vấn đề ngừa thai không có nghĩa là bạn tự nhiên hiểu điều đó. Dành thời gian tìm hiểu về những gì Giáo hội tin đối với luật hôn nhân và Tông thư “Sự sống Con người” (Humanae Vitae) sẽ giúp bạn hiểu giáo huấn của Giáo hội.

     3. Hãy cầu nguyện về vấn đề này. Đừng ngại nói với Chúa rằng bạn thực sự không hiểu vấn đề nào đó, và rồi bạn sẽ thấy một số niềm tin khả nghi. Tôi luôn cảm thấy hữu ích khi cầu xin các thánh nguyện giúp cầu thay khi tôi thấy có điều gì đó nghi ngờ.

Mấy điều trên đây không là các hướng dẫn “bất khả ngộ” giúp bạn giải quyết mọi vấn đề khả nghi về tâm linh của bạn, đó chỉ là kinh nghiệm riêng của tôi về việc nghi ngờ niềm tin của Giáo hội. Thật là thú vị vì nhờ vậy mà tôi có thể chân thành nói rằng tôi đã luôn hiểu được giáo huấn của Giáo hội. Dĩ nhiên một số giáo huấn vẫn khó hơn so với những điều được tôi tán thành, nhưng nhờ ơn Chúa, tôi đã luôn đạt tới mức hiệp thông hoàn toàn với Nhiệm Thể của Đức Kitô.  

Từ nay, khi tuyên tín “duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền” trong Thánh Lễ, chúng ta hãy dành một chút thời gian để suy tư về mối quan hệ này. Chúng ta hãy nhớ rằng chỉ có MỘT Giáo hội của Đức Giêsu Kitô, và Giáo hội này không chỉ đáp ứng cho bạn và cho tôi, mà còn có Chúa Giêsu Kitô là Đầu, đồng thời được Chúa Thánh Thần hướng dẫn.

OLIVER LLEWELLYN OLIVER

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ IgnitumToday.com)

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …