Là người Công giáo, chúng ta biết rằng có một trọng tội gọi là “tội không thể tha thứ,” đó là tội chống lại Chúa Thánh Thần, được mặc khải cho chúng ta như một phần của mặc khải trong Kinh Thánh. Chúa Giêsu cho biết: “Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” (Mc 3:28-29)
Xúc phạm Chúa Thánh Thần là “tội không thể tha thứ,” tội đời đời sẽ không bao giờ được Chúa tha thứ vì nó liên quan quyết định có chủ ý và tự do để từ chối tình yêu, lòng thương xót và ân sủng của Chúa mà Ngài muốn ban cho chúng ta. Đó là khi một cá nhân kiên quyết phủ nhận quyền năng hoạt động của Chúa Thánh Thần. Là người Công giáo, người ta hiểu rằng khi chúng ta có tâm hồn thống hối và nhận được sự xá giải trong Bí tích Hòa Giải – xưng tội bất kỳ tội trọng hay tội nhẹ nào với một linh mục Công giáo – chúng ta được Chúa Kitô tha thứ, vì Ngài là thừa tác viên chính của bí tích này.
Khi chúng ta từ chối sự tha thứ của Chúa Thánh Thần, đó là với sự hiểu biết đầy đủ và hoàn toàn không phải là tình cờ, chúng ta không tin những gì Thiên Chúa đã mặc khải cho chúng ta qua Kinh Thánh. Chính Chúa Kitô đã thiết lập Bí tích Giải Tội: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20:21-23)
Trong Mt 18:18 cũng vậy: “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.”
Chúng ta được kêu gọi trở nên giống như Phêrô sau khi ông chối bỏ Đức Kitô ba lần, và ăn năn trở lại với Ngài. Giuđa rơi vào tình trạng vô vọng và tuyệt vọng, không thể nào đón nhận tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đang chờ đợi ông nếu ông chỉ tìm kiếm sự tha thứ. Chúa Giêsu nói: “Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!” (Mt 26:24)
Điều vô cùng quan trọng là chúng ta phải hiểu ý nghĩa của việc xúc phạm Chúa Thánh Thần, và làm thế nào chúng ta có thể tránh phạm “tội không thể tha thứ.” Chúng ta không muốn bám vào tội mình và chống lại quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Cách chúng ta có thể tránh được tội bằng cách này:
- Đào sâu mối quan hệ của chúng ta với Chúa Thánh Thần bằng cách đào sâu Kinh Thánh và để cho Lời Chúa chảy vào tâm hồn chúng ta. Chúng ta không nên đọc Kinh Thánh như thể đang đọc một cuốn tiểu thuyết, nhưng hãy suy tư và suy ngẫm khi chọn những câu Kinh Thánh để Chúa có thể nói với chúng ta trong sự thinh lặng của lòng mình.
- Chấp nhận sự thúc giục của Chúa Thánh Thần khi Ngài hướng dẫn chúng ta trên hành trình tâm linh hướng tới cuộc sống vĩnh cửu với Thiên Chúa trên Thiên Đàng. Chúng ta đã được ban cho ý chí tự do để chấp nhận hoặc từ chối sự trợ giúp thiêng liêng của Ngài, điều đó luôn dẫn dắt chúng ta tuân theo Thánh Ý Ngài.
- Bảo vệ tâm trí chúng ta khỏi những lời nói hoặc hành động có thể xúc phạm đến Chúa Thánh Thần. Chúng ta muốn cố gắng tránh bất kỳ sự khinh thường hay bất kính nào đối với Ngôi Ba Thiên Chúa.
- Lãnh nhận Bí Tích Giải Tội ít là mỗi tháng một lần. Theo Giáo Luật, là người Công giáo đến tuổi khôn, chúng ta được mời gọi lãnh nhận bí tích này mỗi năm ít nhất một lần để xưng các tội trọng. (GLCG 989) Nhưng đối với chúng ta, những người tham dự Thánh Lễ hằng ngày hoặc Thánh Lễ Chúa Nhật hằng tuần và muốn rước lễ, chúng ta cần phải xưng tội bất cứ khi nào chúng ta ý thức mình đã phạm tội trọng. (GLCG 1385)
Thánh Phaolô cho biết: “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình.” (1 Cr 11:27-29)
Bằng cách sống trong tình trạng ân sủng, chúng ta gần gũi với Thiên Chúa và nhận thức rõ hơn về sự xấu xa của tội lỗi, và cố gắng không xúc phạm đến Ngài. Các ân huệ của Chúa Thánh Thần triển nở trong chúng ta, và trổ sinh hoa trái giúp xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho những anh chị em của chúng ta trong Chúa Kitô, những người phạm tội xúc phạm đến Chúa Thánh Thần, để họ được hoán cải tâm hồn, và tin vào tình yêu, lòng thương xót và những ân sủng mà Thiên Chúa ban cho họ nếu họ chỉ tin vào quyền năng tha thứ của Ngài.
CHRISTINA M. SORRENTINO
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)