Home / Chia Sẻ / TỚI GIỌT MÁU CUỐI CÙNG

TỚI GIỌT MÁU CUỐI CÙNG

TỚI GIỌT MÁU CUỐI CÙNGTháng Bảy biệt kính Máu Châu Báu Chúa Giêsu Kitô. Thánh sử Gioan kể: “Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.” (Ga 19:34)

✽ ✽ ✽

Tướng George S. Patton, con người đầy màu sắc và gây tranh cãi trong Thế Chiến II, được binh sĩ của ông gọi là “Old Blood and Guts,” (tạm dịch: Máu và Ruột – với ý nói Lòng Can Đảm) một biệt danh không được sử dụng với bất kỳ tình cảm nào. Bởi vì những người chiến đấu dưới sự chỉ huy của ông đã mau chóng nhận thấy khả năng lãnh đạo của ông chủ yếu dựa vào máu và lòng can đảm của họ.

Lời than phiền của binh sĩ là chính đáng vì chi phí chiến tranh không được gánh chịu một cách bình đẳng. Một người lính bình thường mạo hiểm hy sinh mạng sống trên chiến trường, nhưng đối với vị tướng của anh ta, rủi ro thường chỉ giới hạn ở việc cộng thêm vào những thất bại của anh ta và bị gạt ra ngoài với một vai trò ít quan trọng hơn. “Lợi ích” cũng không được chia đều. Đối với quân đội, chiến thắng có nghĩa là sống sót để chiến đấu vào ngày khác; còn đối với người chỉ huy, chiến thắng mở ra khả năng vinh quang về một vị trí trong lịch sử.

Tương tự, trong cuộc chiến vĩnh cửu chống lại tội lỗi và cái chết, cái giá của cuộc chiến – một lần nữa – không được gánh chịu như nhau. Nhưng khi nói đến sự cứu rỗi, mọi thứ đều đảo lộn. Vị Chỉ Huy của chúng ta không cần chiến thắng trên chiến trường để bảo đảm vinh quang vĩnh cửu. Thay vào đó, Chúa Giêsu đã bỏ lại vinh quang Thiên Đàng để chiến đấu cho chúng ta. Hầu hết chúng ta không mạo hiểm hoặc chịu đựng sự mất mạng sống mình, nhưng Ngài đã sẵn lòng và hy sinh mạng sống mình.

BỬU HUYẾT ĐỨC KITÔ

Đó là lý do Giáo Hội luôn nói về Máu Châu Báu Chúa Kitô với lòng tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc. Giống như các cuộc chiến trong lịch sử, sự cứu rỗi của chúng ta là vấn đề “máu và ruột.” Nhưng với Chúa Kitô, đó là Máu Thánh Ngài và trái tim của chúng ta – sự tự hiến vô hạn của Ngài và lòng can đảm mà chúng ta có để theo Ngài.

Người Công Giáo thế kỷ 21 có thể thấy việc tập trung vào Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô là sinh động và mang tính nội tạng, kỳ lạ và thậm chí là nguyên thủy. Nhưng nếu chúng ta có thể đặt những nhạy cảm hậu hiện đại sang một bên, chúng ta có thể bắt đầu hiểu được sự cứu độ cá nhân sâu sắc đến mức nào.

Sự cứu độ là việc đẫm máu. Đó là bởi vì sự cứu chuộc của chúng ta không phải là sự giao dịch: thực hiện thỏa thuận kinh doanh thần thánh hoặc thực hiện các điều khoản có trong hợp đồng thần bí nào đó. Thân thể bị tra tấn của Con Người Nadarét không phải là vật hy sinh được dâng lên để xoa dịu một Thiên Chúa khát máu. Ngược lại, đó là lễ vật không giới hạn của Thiên Chúa dành cho chúng ta – một món quà trọn vẹn chính Ngài cho tới giọt máu cuối cùng trong huyết quản của Ngài. Thiên Chúa không khát máu hay bạo lực, Ngài khao khát chúng ta. Một đám đông giận dữ yêu cầu đóng đinh Ngài, Thiên Chúa yêu thương đã hoàn toàn đặt mình vào tay chúng ta.

HY TẾ TIẾP DIỄN

Chúa Giêsu tuôn đổ sự sống thần linh vào nhân loại. Trong Bí tích Thánh Thể, Ngài tiếp tục đặt Mình Máu Ngài vào tay chúng ta. Ngài vẫn cống hiến cho chúng ta chén máu quý giá nhất của Ngài đã đổ ra và tràn đầy tới miệng chén. Ngài làm điều đó để cho chúng ta thấy sự tự hiến là gì, có giá bao nhiêu và trông như thế nào. Ngài làm điều đó để làm dịu cơn khát của chúng ta về sự siêu việt, niềm khao khát của chúng ta không chỉ muốn có nhiều hơn mà còn được nhiều hơn nữa. Bởi vì chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Ngài, cho nên ước muốn sâu xa nhất của chúng ta cũng giống như Ngài: hiến dâng chính mình hoàn toàn, không chút dè dặt, vì tình yêu và trong tình yêu.

Chén Thánh là mẫu mực của đời sống Kitô hữu. Chỉ đầy đủ nếu chúng ta lấp đầy nó, không phải bằng chất liệu cuộc sống của người khác hoặc một phần cuộc sống của chính mình. Vác thập giá của chúng ta và đi theo Chúa Kitô là một và như nhau. Chén mà chúng ta được mời gọi là để chứa đầy sự hy sinh chính mình. Tất cả chúng ta đều được mời gọi sống như những vị tử đạo, ngay cả khi cái chết của chúng ta không được coi là tử đạo.

Tất cả chúng ta đều muốn ở bên phải của cõi vĩnh hằng. Nhưng câu Chúa Giêsu hỏi Giacôbê và Gioan cũng là câu hỏi mà chúng ta phải trả lời: “Các người có uống được chén Thầy sắp uống không?” (Mt 20:22; Mc 10:38) Nếu những đứa con của sấm sét quá mau chóng đáp lại bằng sự xác định, chúng ta lại thường sẵn sàng từ chối chén hoặc thay đổi đề tài.

Thiên Chúa ban cho chúng ta chính Ngài trọn vẹn – thể xác, máu, linh hồn và thần tính, và Ngài cũng muốn tất cả chúng ta trọn vẹn – thể  xác, máu, linh hồn và nhân tính. Mỗi ngày chúng ta được mời gọi làm những gì Chúa Giêsu đã làm, trút bỏ chính mình và tuôn đổ đời mình như của hy lễ dâng lên Thiên Chúa và cho tha nhân. Chúng ta được thử thách không chỉ uống từ chén của Ngài, mà còn làm đầy chén theo cách Ngài đã làm, bằng cách hiến dâng trọn vẹn chính mình cho đến giọt tình yêu cuối cùng.

JAYMIE STUART WOLFE

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ OurSundayVisitor.com)

Lễ Thánh Thomas Tông Đồ – 2024

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …