Home / Chia Sẻ / TÌNH YÊU TRỌN HẢO

TÌNH YÊU TRỌN HẢO

aVới kinh Vinh Danh được long trọng xướng lên trong thánh lễ chiều nay, chúng ta cùng với Giáo Hội bước vào Tam nhật thánh.  Khởi đi từ căn nhà nay được gọi là “Nhà tiệc ly”, Chúa Giêsu bắt đầu bước vào cuộc khổ nạn.

Bức tranh do danh họa Leonardo Da Vinci, người Italia, mang tựa đề “Tiệc Ly” hay “Bữa tối cuối cùng – Last supper” là bức tranh sơn tường đầu tiên được khởi vẽ năm 1495 và hoàn thành năm 1498, trên bức tường của một phòng ăn tập thể ở Nữ tu viện Santa Maria delle Grazie, Milan, Ý.  Đây là một tác phẩm bất hủ đã góp phần đem lại danh tiếng cho nhà họa sĩ.  Các tông đồ được chia làm bốn nhóm, mỗi nhóm ba người.  Mỗi vị tông đồ đều được diễn tả trong tâm trạng ngỡ ngàng đến mức thất kinh, hoảng sợ.  Họ vừa nghe Chúa nói: “Có một kẻ trong anh em sẽ nộp Thày ”(Ga 13,22).  Riêng Giuđa, kẻ bán thày, thì vẫn thản nhiên.  Sự lạnh lùng được thể hiện rõ trên khuôn mặt.  Không những thế, họa sĩ còn thể hiện khuôn mặt Giuđa với màu sậm.  Phải chăng, ông muốn diễn tả, sự giảo quyệt gian dối hiện rõ cả nơi khuôn mặt của người tông đồ phản bội?

Trong bối cảnh đó, Đức Giêsu được diễn tả như một người bình thản.  Người điềm tĩnh giữa phong ba, như Người vẫn điềm tĩnh khi thuyền gặp bão trên biển hồ, khi phải đối diện với Philatô, với Hêrôđê, với những người biệt phái và dân chúng bị kích động đang căm ghét Chúa.

Chính trong bối cảnh này, Chúa Giêsu hiến mình làm của ăn của uống cho các môn đệ, và qua các môn đệ, Chúa Giêsu nuôi dưỡng ngàn thế hệ mai sau.  Người ta thường trao quà tặng trong lúc vui vẻ hạnh phúc và cho những người trung thành có công trạng.  Chúa Giêsu trao ban chính mình trong một bữa ăn mà mọi người tham dự đều có tâm trạng hoảng loạn và có người phản bội.  Chúa trao ban thân mình để bày tỏ tình yêu thương và giúp họ can đảm đón nhận mầu nhiệm thập giá gần kề.

Ngày hôm nay, hai mươi thế kỷ sau biến cố Tiệc ly, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục trao ban thân mình cho nhân loại.  Mỗi khi linh mục dâng lễ, qua lời truyền phép, bánh trở nên Mình Chúa, rượu trở nên Máu Chúa.  Bức tranh “Tiệc ly” cũng vẫn đang thể hiện cuộc đời này.  Trước lời mời gọi đến đón nhận Mình Thánh Chúa Giêsu, có nhiều người nhiệt thành sốt sắng, nhưng cũng có những kẻ dửng dưng lạnh lùng, thậm chí có người lại lộng ngôn phạm thượng.  Tại “Bàn-tiệc-cuộc-đời” này, tôi mang khuôn mặt nào trong số các tông đồ?  Trong “cõi người ta” đầy bon chen bận rộn, Thánh Thể vẫn hiện diện, âm thầm và sâu lắng, như bằng chứng của một tình yêu tự hiến, yêu cho đến cùng, yêu hết mọi người dù gặp nhiều phản bội dối gian.

Thánh Thể là Bí tích của tình yêu thương.  Ai đón nhận bí tích này đều được mời gọi thực hành đức bác ái.  Người tín hữu không có đức bác ái sẽ đi ngược với ý nghĩa của bí tích này.  Trong khi các tông đồ hoảng loạn thất kinh, Chúa Giêsu đã làm một việc không ai ngờ tới: Người bưng chậu nước đi rửa chân cho từng người trong họ, kể cả chân Giuđa, người tông đồ phản bội.  Chúa không chỉ rửa chân cho những người luôn ở bên cạnh Chúa như Phêrô, Gioan và Giacôbê mà bỏ rơi những tông đồ khác.  Đó là cách hành xử của con người theo kiểu sòng phẳng có trao có nhận.  Chúa bao dung và nhân hậu với hết mọi người.  Cử chỉ rửa chân được chính Chúa lý giải liền sau đó: “Nếu Thày là Chúa, là Thày, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.  Thày đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thày đã làm cho anh em” (Ga 13,14-15).  Như thế là đã rõ, cử chỉ của Chúa Giêsu vừa là nghĩa cử khiêm nhường yêu thương, vừa là một bài học nêu gương và một lệnh truyền cho các tông đồ hãy bắt chước người.

Hãy thinh lặng âm thầm cầu nguyện bên Thánh Thể để học sống yêu thương và hy sinh cho người khác.  Chúa Giêsu hiến thân vì con người, nhưng con người lại quá so đo tính toán khi hiến thân cho Chúa.  Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Sứ điệp Mùa Chay năm 2015, đã nói đến sự dửng dưng vô cảm của con người đối với Thiên Chúa và đối với đồng loại.  Thiên Chúa không bao giờ dửng dưng trước nỗi đau của con người.  Chúng ta hãy học nơi Thánh Thể tình yêu thương và sự hy sinh, phục vụ vì hạnh phúc của những người xung quanh.

Sống màu nhiệm Thánh Thể không dừng lại ở việc rước Mình Thánh Chúa, mà còn được thể hiện qua những nghĩa cử yêu thương, tha thứ, hài hòa trong cách đối xử với tha nhân.  Đó là tình yêu trọn hảo và là lời mời gọi của thánh lễ chiều thứ Năm Tuần thánh.

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …