Home / Chia Sẻ / TÌNH YÊU DIỆU VỜI

TÌNH YÊU DIỆU VỜI

 

TÌNH YÊU DIỆU VỜIMột sinh viên vô thần nói với một vị linh mục: thưa cha, tôi thấy trong Kitô giáo có một chân lý khó tin, lạ lùng gọi là “mầu nhiệm Ba Ngôi.  Phải hiểu thế nào kiểu nói “Thiên Chúa có một bản tính nhưng ba ngôi vị?  Một mà ba, ba mà một!  Thật khó hiểu, nếu không nói là phi lý!

Vị linh mục hỏi: Anh còn trẻ, chắc đang sống kinh nghiệm tình yêu?

Ủa!  Sao cha hỏi lại thế ?  Đúng là tôi đang yêu thật!

Theo anh, tình yêu trước hết đòi hỏi phải có những gì?

Đòi hỏi phải có từ hai người trở lên!  Tự ái chỉ là ích kỷ, không thể gọi là tình yêu được!

Đúng lắm!  Nhưng tình yêu hướng đến cái gì?

Hướng đến sự hiệp nhất!  Tất cả phải nên một!  Tình yêu nam nữ hướng đến hiệp nhất tâm hồn, thể xác và cuộc sống.  Tình đồng chí, tình bằng hữu… hướng đến hiệp nhất cuộc sống và tâm hồn!

Nhưng theo anh, sự hiệp nhất này có bao giờ đạt được chăng?

Phải nói ngay đó chỉ là ước vọng.  Ví dụ, những năm đầu cuộc sống hôn nhân thì “anh nói em nghe, em nói anh nghe,” nhưng năm sau thì “cả hai cùng nói, hàng xóm nghe!”  Trong một tập thể nhiều người, đồng tâm nhất trí lại càng khó thực hiện.

 

Cái chỉ là ước vọng nơi con người, thì đã thành hiện thực nơi Thiên Chúa.  Thiên Chúa của Kitô giáo là Thiên Chúa độc nhất, nhưng vì Ngài là Tình Yêu nên có Ba Ngôi.  Ngài là Ba Ngôi, nhưng vì là Tình Yêu, nên đã hợp nhất thành một Thiên Chúa.

 

Cho tôi hỏi câu cuối cùng: Tại sao là ba mà không phải là hai, như trong tình yêu nam nữ?

 

Sau này có gia đình, anh và vợ chỉ yêu nhau mà không muốn có con, sợ thêm hy sinh, thêm trách nhiệm, tình yêu anh chị có chân thật và bền vững không?

 

Thưa không!  Tình yêu chúng tôi phải chảy tràn qua và thể hiện thành một đứa con, ít nhất một đứa; nếu không thì chỉ là tình yêu mình trong người bạn đời của mình.  Ngoài ra, tình yêu ấy còn phải trải rộng cho mọi người chung quanh nữa!

 

Anh bạn thân mến, anh sắp hiểu được mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi rồi.  Nhưng đừng áp dụng quá sít sao đấy nhé!

 

Trong cuộc sống, có nhiều điều lạ lùng mà trí khôn con người vẫn không bao giờ hiểu thấu.  Để diễn tả các điều khó hiểu của cuộc sống, cha ông ngày xưa mới đố nhau :

 

Đố ai biết lúa mấy cây,

Biết sông mấy khúc, biết mây mấy tầng.

Đố ai quét sạch lá rừng,

Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây.

 

Có lẽ trong tất cả mọi điều khó hiểu của cuộc sống con người thì tình yêu là khó hiểu nhất.  Chỉ nguyên định nghĩa tình yêu thôi cũng đủ để hao tổn bao công sức và giấy mực qua các thời đại mà vẫn không có được một định nghĩa diễn tả trọn vẹn ý nghĩa.  Và vì không có được một định nghĩa nên người ta mới coi tình yêu như là mầu nhiệm.  Thế nhưng, mầu nhiệm tình yêu có đáng là gì so với các mầu nhiệm của Thiên Chúa.  Trong các mầu nhiệm của Thiên Chúa thì mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là cao cả nhất, khó hiểu nhất.  Như sách giáo lý Giáo Hội Công Giáo khẳng định:  Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu.  Bởi vì đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa mà cũng là mầu nhiệm của Thiên Chúa “cho chúng ta.

 

Kinh thánh mạc khải cho biết “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8).  Mà nếu Chúa là tình yêu, thì tình yêu không thể hiện hữu một mình.  Yêu là phải cho đi, phải san sẻ; và yêu cũng phải là đón nhận.  Thánh Augustinô đã ví Chúa Cha là nguồn mạch, là điểm phát xuất của Tình Yêu; Chúa Con là hội tụ, là điểm quy chiếu của tình yêu; và Chúa Thánh Thần là sự liên lạc hai chiều, là mối dây liên kết của tình yêu.

 

Tình yêu xuất phát từ Chúa Cha, đến với Chúa Con, qua Chuá Thánh Thần.  Trong mầu nhiệm tình yêu, Cha trao tất cả cho Con; Con dâng hiến tất cả cho Cha; và Thánh Thần là sự hiệp thông của trao ban và lãnh nhận hai chiều giữa Chúa Cha và Chúa Con.  Chúa Cha không hiện hữu cho chính mình, nhưng cho Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Cũng vậy, Chúa Con không hiện hữu cho mình, nhưng cho Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.  Và Chúa Thánh Thần cũng hiện hữu vì Chúa Cha và Chúa Con.

 

Qua con người và cuộc đời của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, chúng ta cảm nhận rằng Thiên Chúa là Đấng rất nhân từ, giàu lòng thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan dung.  Thiên Chúa không là gì khác ngoài Tình Yêu.  Ngài có thể làm tất cả vì Ngài Toàn Năng, nhưng đúng hơn, Ngài chỉ có thể làm những gì mà tình yêu có thể làm, và Ngài không thể làm những gì trái với tình yêu, vì bản chất của Ngài là yêu thương.

 

Không ai lý giải cặn kẽ được tình yêu nhưng vì Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài nên cứ nhìn vào tấm gương tình yêu phản chiếu nơi con người, ta có thể bập bẹ đôi điều về Thiên Chúa:

 

1) Yêu là ra khỏi mình để hướng tới người khác:

Nói đến yêu là chúng ta nói đến người thứ hai, thứ ba, là nói đến một đối tượng khác với chúng ta.  Nếu Thiên Chúa là Tình Yêu mà Ngài chỉ yêu một thân mình Ngài thì đó là ích kỷ, và như vậy không phải là Thiên Chúa của tình yêu.  Nếu “Thiên Chúa là Tình Yêu” thì Thiên Chúa ấy không cô độc một mình.  Từ đời đời Ngài đã hướng về Chúa Con, đã yêu thương Chúa Con bằng Tình Yêu khôn tả là chính Chúa Thánh Thần.

 

2) Yêu là chấp nhận sự khác biệt của nhau:

Nếu chúng ta chỉ yêu cái gì giống mình, cái gì hợp với sở thích của mình, chỉ yêu những người tốt bụng thì không phải là yêu người mà chỉ là yêu mình, là chúng ta đã bóp chết tình yêu, không làm nảy nở tình yêu.  Yêu thương là chấp nhận cái hay lẫn cái dở, sự giàu có lẫn sự nghèo nàn của người mình yêu vì họ khác với mình.  Chúa Cha yêu Chúa Con, nghĩa là Chúa Cha khác với Chúa Con.  Chúa Con phải là một Ngôi Vị khác với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần thì Thiên Chúa mới là Tình Yêu.

 

3) Yêu nhau là muốn nên một với nhau:

Càng yêu nhau thì càng hài hòa trong chính sự khác biệt, vì “yêu nhau củ ấu cũng tròn.”  Chúng ta vẫn thường nói về tình yêu vợ chồng: “Ta với mình tuy hai mà một.”  Bản chất con người là giới hạn nên sự hiệp nhất của con người không toàn vẹn, song quyền năng vô hạn của Thiên Chúa làm cho sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi là trọn vẹn tuyệt đối.  Chúa Cha và Chúa Con yêu nhau hết mình, yêu đến quên mình nên đã trở nên một trong Tình Yêu là Chúa Thánh Thần.

 

Như thế chỉ trong tình yêu, chúng ta mới dễ hiểu: tự bản chất, Thiên Chúa không thể là một ngôi vị đơn độc; và rằng chỉ trong tình yêu ‘chín bỏ làm mười,’ chúng ta mới hiểu được Thiên Chúa vừa là ba, lại vừa là một.

 

Chúng ta có thể quan niệm mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như một gia đình: Gia Đình Thiên Chúa.  Gia đình tuy có ba thành phần khác nhau, song luôn luôn hiệp nhất với nhau.  Yếu tố nòng cốt để có sự hiệp nhất trong gia đình chính là tình yêu, và tình yêu làm nên hạnh phúc, mà bản chất của Thiên Chúa lại là Tình yêu.  Chúng ta cũng thuộc về Gia Đình Thiên Chúa khi sống yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta.  Thực vậy, sống yêu thương là sống ở trong Thiên Chúa; và đó là Nước Trời, vì “ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa” (1Ga 4,8).  Gia đình yêu thương là làm cho hạnh phúc ngắn hạn của trần gian này được biến đổi trở thành hạnh phúc vĩnh cửu trong Gia Đình Thiên Chúa (x. Mầu nhiệm Ba ngôi, Giáo lý GP Đà lạt).

 

Thiên Chúa duy nhất nhưng không phải là Thiên Chúa đơn độc mà là cộng đồng Ba Ngôi thương yêu nhau hướng về nhau.  Ba Ngôi là một gia đình.  Giáo hội là một gia đình của Thiên Chúa.  Thiên Chúa là Cha, Đức Giêsu là Trưởng Tử, mọi người là anh chị em của nhau.  Đạo lý Đông phương vốn trọng chữ trung, chữ hiếu và chữ nhân, rất gần gũi với tinh thần Kitô giáo.  Trung với Chúa, hiếu thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ, nhân ái với mọi người.

 

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và duy nhất là một mầu nhiệm vĩ đại thâm sâu mà trí tuệ con người không thể nào hiểu hết, chỉ có thể đón nhận bằng đức tin.  Thực tại Ba Ngôi không là một điều nghịch lý nhưng là nghịch thường và siêu lý.  Mầu nhiệm Ba Ngôi là ánh sáng chói loà rực rỡ, ánh sáng ban sự sống cho những ai khiêm nhường đón nhận và sẽ là bóng tối dày đặc đầy mâu thuẫn đối với những kẻ kiêu căng muốn dùng lý trí làm thước đo siêu việt.

 

Nhìn lên cung thánh, ta thấy Thánh Giá, Nhà Tạm, Bàn Thờ.  Đó là trung tâm niềm tin của người Kitô hữu.  Trên Thánh Giá, Đức Kitô đã tự hiến làm hy lễ dâng lên Chúa Cha.  Ngài tự nguyện chịu đau khổ, chịu chết trong tinh thần vâng phục và yêu mến đối với Cha, để thiết lập giao ước mới với Giáo hội trong máu của Ngài.  Ngài đã phục sinh về với Cha nhưng vẫn luôn ở lại với Giáo hội qua Bí Tích Thánh Thể mà Nhà Tạm là nơi Ngài hiện diện thường trực.  Bàn thờ tượng trưng cho Chúa Kitô, khi linh mục cử hành thánh lễ là tưởng niệm hy lễ thập giá và cử hành mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô.

 

Ba Ngôi sống bằng một lương thực thần linh, cùng một sự sống, đó là tình yêu thần linh.  Chúng ta được tham dự vào sự sống của Ba Ngôi khi đi vào cử hành mầu nhiệm vượt qua trong thánh lễ.  Với chúng ta, sự sống ấy là sự sống của Đức Kitô, Mình và Máu Đức Kitô trao ban qua Thánh Thể “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời” (Ga 6,34).  Khi chia sẻ chén hiệp thông của Ba Ngôi, chúng ta được mời gọi hiệp thông với nhau để trở nên một như Ba Ngôi là một (Ga 17,21).

 

Người tín hữu đến Nhà thờ để tìm Chúa và gặp Chúa.  Đức Hồng y Henry de Lubac diễn tả: Con người tìm Chúa là một người bơi lội giữa đại dương.  Mỗi lần tiến tới là đẩy lui một đợt sóng.  Bơi lội giữa đại dương làm cho con người khiếp đảm lo sợ không tới bến.  Nhưng Thiên Chúa vừa là bến bờ vừa là đại dương.  Ai bơi lội trong đại dương là bơi lội trong Thiên Chúa.  Hướng tới Chúa đã là ở trong Chúa, tìm Chúa gặp Chúa là hướng về Chúa.  Không có sự tìm kiếm nào mà không phải phấn đấu, không gặp mâu thuẫn và đau khổ.  Nhưng chúng ta tin vào Thiên Chúa đang ở với chúng ta trong Đức Kitô và lôi kéo chúng ta với sức mạnh Chúa Thánh Thần.

 

Qua phép rửa nhân danh Cha, Con và Thánh Thần, chúng ta trở thành nghĩa tử của Chúa Cha (x.Rm 8,15), em của Chúa Con (x.Rm 8,29) và đền thờ của Thánh Thần (x.1Cr 6,19), hợp thành Giáo Hội là “dân thánh được hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi” (Hiến chế GH 4).  Chúng ta được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa.  Thiên Chúa là tình yêu.  Đời sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi biết yêu thương.  Chúng ta chỉ được hạnh phúc khi tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.  Trong gia đình, cha mẹ, con cái yêu thương nhau thì càng hiệp nhất nên một.  Tình yêu là dây liên kết mọi người nên một gia đình hạnh phúc ấm êm.  Gia đình là nơi sống và diễn tả huyền nhiệm Ba Ngôi rõ nét nhất.

 

Sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là sống hiệp thông và chia sẻ, là ở lại trong tình yêu.  Mỗi ngày người tín hữu chúng ta làm dấu Thánh giá nhiều lần trên thân xác “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”  Ước gì mỗi người cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi, sống tình yêu thương trong cuộc sống hàng ngày của mình.

 

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN