Home / Chia Sẻ / TÌNH SỬ GIÁNG SINH

TÌNH SỬ GIÁNG SINH

Trên Trời Vinh Danh Thiên Chúa

Dưới Đất Hạnh Phúc Thiện Nhân

TÌNH SỬ GIÁNG SINHĐêm khuya. Trời tĩnh, đất lặng. Không gian mênh mông. Muôn vật chợt bừng giấc, tất cả bất ngờ và như hợp lời với các thiên thần ca vang. Các mục đồng nhận được Tin Vui lạ lùng. Đêm Con Thiên Chúa giáng sinh là Đêm Thánh đầy ắp hồng phúc và chan hòa bình an. Đất trời giao hòa. Thật kỳ diệu!

Công lịch được tính từ thời điểm Chúa Giêsu giáng sinh, và rồi cả thế giới sử dụng. Đã hơn hai ngàn năm qua, Thiên Tình Sử về Con Thiên Chúa giáng sinh vẫn luôn là đề tài nóng bỏng đối với mọi người – dù lương hay giáo, thậm chí kể cả người vô thần.

Tình sử giáng sinh không còn là chuyện riêng của Công giáo hoặc Kitô giáo, mà là câu chuyện mang tính quốc tế, toàn cầu. Lễ Giáng Sinh có điều gì đó kỳ diệu, khó tả, mà mọi người đều công nhận – mặc nhiên hoặc minh nhiên, và mặc dù có những người chỉ coi đó là “cột mốc” thời gian để biết mà tính những vấn đề khác.

Tình sử giáng sinh bắt đầu từ Belem, nơi Hài Nhi Giêsu sinh ra. Đó là một địa danh có thật chứ không bịa đặt. Theo ngữ nghĩa, Belem có nghĩa là “Nhà Bánh.” Belem là một thành phố của Palestine, thuộc miền Trung Bờ Tây, cách TP Giêrusalem khoảng 10 km (6,2 dặm) về phía Nam, có khoảng 30.000 cư dân và là thủ phủ của Nha Thủ Hiến Belem, thuộc chính quyền quốc gia Palestine, đồng thời là Trung tâm Văn hóa và Du lịch của Palestine. Theo địa lý, Belem ở độ cao 775 m (2.542,7 ft) so với mặt biển, ở độ cao 30 m (98,4 ft) so với Giêrusalem – và các thành phố lân cận.

Là con người bình thường với thất tình và lục dục theo cảm xúc phàm nhân, người ta không thể dửng dưng với ngoại cảnh. Thật vậy, trong cái se lạnh hoặc giá lạnh tùy vùng miền hoặc quốc gia, con người cảm thấy cõi lòng lắng đọng, dù cho đại dịch chưa hết, khiến người ta quan ngại nhiều thứ. Vẫn có cái gì đó khiến lòng người chộn rộn khi nhìn thấy những ngôi sao và ánh đèn chớp nháy trên cửa các nhà dọc theo đường đi, từ thành thị tới thôn quê. Rồi tiếng nhạc chuông leng keng khiến người ta không thể bình lặng như những ngày thường khác.

Các ca khúc đời liên quan Chúa giáng sinh vang lên khắp nơi, đặc biệt là các bài thánh ca giáng sinh. Tất cả đều hướng về Con Thiên Chúa nhập thể và nhập thế. Ngày xưa, các nhạc sĩ không là Kitô hữu cũng đã viết những ca khúc nói về Chúa giáng sinh. Một trong các nhạc sĩ không có đạo là cố NS Nguyễn Văn Đông đã viết “Mùa Sao Sáng” mà hầu như Mùa Giáng Sinh nào cũng được người ta ngân nga: “Một mùa sao sáng, đêm Noël Chúa sinh ra đời…” Một ca khúc đời mà nghe như một bài thánh ca vậy.

Giáng sinh lạ lùng lắm. Lạ nhiều thứ. Một trong những điểm lạ được Đấng đáng kính HY Fulton J. Sheen nhận định: “Không phải là sự giáng sinh của Ngài phủ bóng lên cuộc đời Ngài, và dẫn đến sự chết của Ngài, đúng hơn là Thập Giá đã ở đó ngay từ đầu, và Thập Giá phủ bóng ngược lên sự giáng sinh của Ngài.” Cuộc sống có các “cặp đôi” không thể tách rời: Sướng – Khổ, Vui – Buồn, Sinh – Tử.

Chúa muốn chúng ta thinh lặng và khiêm nhường để đón Ngài trong đêm nay, vì Thánh nữ Faustina cho biết rằng chính Đức Mẹ đã dạy: “Con hãy cố gắng thinh lặng và khiêm nhường để Chúa Giêsu, Đấng ngự trong tâm hồn con, có thể nghỉ ngơi. Hãy tôn thờ Ngài trong tâm hồn con, đừng ra khỏi nội tâm của con.” (Nhật Ký, số 785)

Thiên Chúa Ngôi Hai hóa thân thành một Hài Nhi để dạy bài học về việc bảo vệ sự sống và yêu thương trẻ em, đồng thời cũng phải bảo vệ chân lý và công lý. Ngài đến giải thoát những người khốn khổ, bị áp bức. Kinh Thánh nói: “Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng. Họ mừng vui trước nhan Ngài như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt, như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm. Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy như trong ngày chiến thắng quân Mađian. Vì mọi giầy lính nện xuống rần rần và mọi áo choàng đẫm máu sẽ bị đem thiêu, làm mồi cho lửa.” (Is 9:2-4)

Thói kiêu căng, ngạo mạn là loại máu đã thấm sâu vào máu thịt con người từ khi Ông Bà Nguyên Tổ phạm tội, và chúng ta di truyền loại AND “chết người” đó, thế nên rất khó nhất là từ bỏ mình. Kể từ đó, nhân loại trở nên bất an, bất bình, bất công, không còn hòa bình vì không tôn trọng công lý, và rồi Thiên Chúa Cha phải sai chính Con Một Ngài đến giải thoát những ai bị áp bức: “Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đavít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời. Vì yêu thương nồng nhiệt, Đức Chúa các đạo binh sẽ thực hiện điều đó. Chúa Thượng đã gửi một lời đến Giacóp, lời ấy rơi xuống Israel.” (Is 9:6-7) Đó là vì lòng thương xót.

Đức Khổng Tử phân tích: “Đạo làm quân tử có bốn điều đúng: MẠNH DẠN khi làm điều nghĩa, NHŨN NHẶN khi nghe lời can gián, LO NGHĨ khi nhận bổng lộc, CẨN THẬN đối với việc sửa mình.” Thật là chí lý. Làm người cho đúng danh nghĩa thật là khó, càng làm lớn càng khó “nên người” vì rất khó loại bỏ thói kiêu ngạo và hống hách.

Cảm nhận tình yêu bao la khôn ví của Thiên Chúa, Thánh Vịnh gia mời gọi: “Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, hát lên mừng Chúa, hỡi toàn thể địa cầu! Hát lên mừng Chúa, chúc tụng Thánh Danh! Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ, kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển, cho mọi nước hay những kỳ công của Người.” (Tv 96:1-3) Con Thiên Chúa đã đến chia vui sẻ buồn với chúng ta, niềm hạnh phúc khôn tả đối với chúng ta.

Muôn loài đều là thụ tạo của Thiên Chúa, trong đó có chúng ta, và thụ tạo phải có trách nhiệm tôn vinh Ngài: “Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng, biển gầm vang cùng muôn hải vật, ruộng đồng cùng hoa trái, nào hoan hỷ. Hỡi cây cối rừng xanh, hãy reo mừng trước tôn nhan Chúa, vì Người ngự đến, Người ngự đến xét xử trần gian. Người xét xử địa cầu theo đường công chính, xét xử muôn dân theo chân lý của Người.” (Tv 96:11-13) Chỉ có Đấng chí minh và chí thiện mới có quyền xét xử, Đấng đó là Ngôi Hai Thiên Chúa, Vương Nhi Giêsu.

Ơn Cứu Độ là do Lòng Thương Xót của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa được ứng nghiệm tỏ tường từ đêm Con Thiên Chúa giáng sinh. Tất cả là hồng ân, chúng ta được lãnh nhận “miễn phí” thì chúng ta cũng phải trao tặng cho tha nhân như vậy, không có quyền đòi hỏi hoặc áp đặt Ngài theo ý mình.

Mọi điều rõ ràng, như Thánh Phaolô nói: “Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này.” (Tt 2:11-12) Thiên Chúa đã ban Ơn Cứu Độ, chúng ta được cứu độ hay không là tùy chính mình, vì Ngài đã trao quyền tự do. Thánh Phaolô giải thích: “Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang. Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện.” (Tt 2:13-14)

Theo Chúa không thể nhàn hạ, ung dung, mà phải cố gắng không ngừng. Thực sự phải SỐNG ĐẠO chứ không chỉ GIỮ ĐẠO. Không hề đơn giản chút nào: Giữ đạo thì chỉ cần những điều cơ bản như làm dấu Thánh Giá, tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật,… còn sống đạo thì phải can đảm, nếu không thì dễ bị “cuốn theo chiều gió” lắm.

Ước gì chúng ta cũng biết cầu xin như Thánh Vịnh gia: “Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con. Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con. Sớm hôm con những cậy trông Ngài, bởi vì Ngài nhân ái.” (Tv 25:4-5) Sám hối là việc cả đời, chẳng cứ gì mùa nào.

Qua trình thuật Lc 2:1-14, Thánh sử Luca cho biết: Thời ấy, hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyri. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê lên thành vua Đavít tức là Belem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai.

Và thật bất ngờ, khi hai người đang ở đó thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ. Rõ ràng số khổ, khổ tới bến, khổ hết cỡ. Tránh trời không khỏi nắng, chất đắng có pha đường cũng chẳng ngọt.

Tất cả không ngoài kế hoạch của Thiên Chúa. Ngay tại vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần trấn an: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.”

Các mục đồng thật diễm phúc và họ là các chứng nhân đầu tiên về việc Con Chúa giáng sinh làm người. Họ diễm phúc vì họ đơn sơ, thật thà, hèn mọn, chân chất,… Họ có đủ các tính chất được Thiên Chúa đề cao. Chữ Đức vần với chữ Phúc. Thế thì tuyệt!

Đặc biệt hơn nữa, lúc đó bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.” (Lc 2:14) Câu hát này tôn vinh Thiên Chúa và chúc mừng con người, nhưng lại khiến chúng ta suy tư: “Tôi có xứng đáng được Chúa thương? Tôi có thiện tâm để xứng đáng được Chúa thương hay không?” Câu hát có sức xoáy vào tâm hồn thật sâu!

Mỗi dịp lễ Giáng Sinh là cơ hội được ngắm nhìn hang đá, nhưng khi nhìn vào đó, chúng ta thấy Thiên Chúa cao sang bậc nhất, thế mà Ngài chấp nhận sinh ra trong cảnh nghèo hèn tới mức không thể nghèo hèn hơn. Bài học nghèo khó thực sự rất khó học thuộc, một phần vì cách làm hang đá ngày nay sang trọng quá, nhìn vào không thấy toát ra sự nghèo khó. Vì thế, hầu như ý tưởng về nhân đức nghèo khó dần dần trở nên lỗi thời, nhất là trong xã hội ngày nay, khi người ta coi trọng vật chất và đánh giá con người qua hình thức, qua cách trang sức.

Vương Nhi Giêsu dạy chúng ta rằng nghèo khó là nhân đức, nhưng có lẽ ít người thực sự muốn học bài học vô giá này. Ngày nay, Nhân đức “Khó Nghèo” nhưng lại dễ biến thành “Khó mà Nghèo.” Tuy nhiên, đã có những vị thánh sống theo đúng nghĩa đen của sự nghèo khó, cụ thể là Thánh Phanxicô Assisi, mệnh danh Phanxicô nghèo khó, tổ phụ của dòng Phan Sinh – Anh Em Hèn Mọn.

Đêm giáng sinh, có thể bầu trời Việt Nam không nhiều ánh sao lấp lánh, nhưng bầu trời tâm hồn của tín nhân vẫn có rất nhiều ánh sao lung linh, chiếu tỏa ân sủng của Chúa Hài Đồng. Mỗi người có trách nhiệm phải chiếu tỏa ánh sáng Tin Mừng Giáng Sinh tới tha nhân – nhất là đối với những người nghèo khổ, những người hèn mọn, những người bị gọng kìm bất công kẹp chặt,… Hang đá vật chất chỉ nhìn cho vui mắt, chính hang-đá-tâm-hồn mới là nơi Chúa Hài Đồng muốn ngự vào, không chỉ trong Đêm Giáng Sinh và Mùa Giáng Sinh, mà là suốt đời của mỗi chúng ta.

Trong cuộc thi chạy hoặc đua xe đạp, càng về gần đích càng phải chạy nước rút. Cũng vậy, càng gần đích trong Thời Cuối Cùng, người ta cũng phải chạy nước rút trong cuộc chiến tâm linh. Bởi vì ma quỷ càng ngày càng tranh thủ tinh vi hơn nên tín nhân càng phải tỉnh thức và cảnh giác cao hơn. Ngày nay, nhiều chuyện xảy ra cho thấy cuộc chiến giữa Chính – Tà rõ nét hơn, gay go hơn, sự dữ và kẻ ác có vẻ chiếm ưu thế, nhưng chắc chắn bóng tối KHÔNG THỂ chiến thắng ánh sáng, bóng tối của cả thế gian này cũng KHÔNG THỂ che khuất một tia sáng nhỏ. Sự thật sẽ chiến thắng vì Nguồn Sáng Đức Kitô đã chiếu tỏa vào thế gian. Nhưng có vấn đề quan trọng: “Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” (Mt 10:22)

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con chiếu tỏa Ánh Sáng Sự Thật của Chúa Hài Đồng, biết loại bỏ ý xấu để làm cho tâm hồn trong ngần, xứng đáng lãnh nhận Ơn Bình An vô giá. Xin giúp con biết sống tinh thần nghèo khó, đơn sơ, giản dị, can đảm, yêu thương, thẳng thắn,… Xin thương nâng đỡ những người không thân nhân, không nơi trú ngụ, phải vất vưởng giữa đời hoặc phải ở trọ. Xin giải thoát thế giới khỏi đại dịch, biết nhận ra Ý Chúa trong cơn bĩ cực. Xin cứu chúng con khỏi đại dịch vô thần và bất công. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Nhi Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN