Ngày nay, nhân loại đang phải đối mặt với rất nhiều loại khủng hoảng và thuộc mọi lĩnh vực khác nhau. Tình trạng khủng hoảng có thể tạo ra các nguy cơ nhưng đồng thời cũng kiến tạo những cơ hội để con người có thể xích lại gần nhau, cùng nhau chung tay đắp xây tình người – tình liên đới.
Tình liên đới không chỉ nối kết con người với nhau, mà còn là mối tương quan hài hòa giữa mỗi chúng ta với Thiên Chúa và vạn vật. Thánh GH Gioan Phaolô II nhận định: “Tình liên đới phải góp phần vào việc thực hiện ý định của Thiên Chúa trên bình diện cá nhân lẫn bình diện xã hội, quốc gia và quốc tế” (Sollicitudo Rei Socialis, số 40, năm 1987).
Theo Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, sự liên đới là một nguyên tắc cốt lõi: “Liên đới nhấn mạnh đặc biệt đến bản tính xã hội nội tại của con người, sự bình đẳng của mọi người về phẩm giá và các quyền và con đường chung của các cá nhân và các dân tộc hướng đến một sự hợp nhất ngày gắn bó hơn… Việc gia tăng tương thuộc giữa các cá nhân và các dân tộc cần phải được kèm theo những nỗ lực mãnh liệt không kém trên bình diện đạo đức xã hội, để tránh những hậu quả nguy hiểm của việc đưa bất công lên tầm mức toàn cầu. Việc tăng tốc tình trạng tương thuộc giữa các cá nhân và các dân tộc cần phải được đi kèm với những nỗ lực mãnh liệt không kém trên bình diện đạo đức xã hội, để tránh những hậu quả nguy hiểm của việc đem bất công lên phạm vi toàn cầu” (Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội, số 192, năm 2005).
Sự liên đới (solidarité, solidarity) là gì? Sự liên đới được xây dựng trên căn bản triết lý về quan niệm của con người như một hữu thể xã hội, một thành phần của nhân loại, và đặc biệt là một nhân vị. Vận mệnh của mỗi người được nối kết và gắn chặt với vận mệnh của những người khác. Vì vậy, mối tương quan và sự liên đới là chiều kích sâu thẳm của những con người chung sống với nhau trong xã hội.
Cuộc sống có nhiều thứ liên đới với nhau: thực phẩm, kiến thức, dụng cụ, tình cảm,… Rất nhiều và rất nhiều lĩnh vực. Nhưng có hai lĩnh vực nổi bật là Sự Nghèo Khó và Tội Lỗi.
I. LIÊN ĐỚI VỀ SỰ NGHÈO KHÓ
Tình liên đới muốn đề cập ở đây bao hàm ý tưởng hiệp nhất, chia sẻ cảnh ngộ, cảm thương những phận đời hẩm hiu, đồng thời tự cảm thấy có một thứ trách nhiệm nào đó trước những nỗi bất hạnh của đồng loại. Vì vậy, cố gắng tiếp tay giải quyết vấn đề bằng công tác xã hội, tương thân tương ái hoặc đấu tranh, nhằm thực hiện công bằng xã hội và cải tổ cơ cấu bất công.
Đối với Giáo huấn Xã hội Công giáo, nguyên tắc liên đới cùng với nguyên tắc công ích ưu tiên chọn lựa người nghèo để định hướng mối tương quan giữa người với người, giữa các xã hội với nhau.
Theo nguyên tắc nhập thể của Đức Kitô, Công đồng Vatican II long trọng cam kết mối liên đới của Giáo hội với con người và thế giới hôm nay: “Nỗi vui mừng và niềm hy vọng, những buồn khổ và âu lo của con người hôm nay, nhất là của những người nghèo và của những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, buồn khổ và âu lo của các môn đệ Đức Kitô. Không có gì đích thực nhân loại mà lại không có âm vang nơi cõi lòng người môn đệ Đức Kitô” (Vatican II, Gaudium et Spes, số 1).
Người nghèo bị xã hội coi là kẻ hèn hạ nên coi thường hoặc khinh miệt. Tuy nhiên, người nghèo là những người quan trọng đối với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã căn dặn: “Khi đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù” (Lc 14:13). Có lẽ chúng ta nghĩ là Ngài “nói đùa”. Không hề! Ngài nói thật, nói rõ, nói theo nghĩa đen luôn chứ chẳng bóng gió gì đâu.
Điều này đã được Mẹ Thánh Teresa Calcutta (1910-1997) học và hành đúng với lời khuyên của Chúa Giêsu: phục vụ những người nghèo khổ nhất trong những người nghèo. Bí quyết sống vì người nghèo của Mẹ Teresa thế này: “Bạn không thể thấy Chúa Giêsu trong người nghèo nếu bạn không thấy Ngài trong Thánh Thể”.
Người nghèo xuất hiện nhãn tiền ở bất cứ xã hội nào, đất nước nào, mọi nơi và mọi lúc. Đúng như Chúa Giêsu đã nói trước: “Người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có” (Ga 12:8). Chúng ta có sự liên đới với nghèo, họ nghèo vì chúng ta không nâng đỡ họ. Khi cần kíp thì chúng ta có thể cho họ con cá, nhưng chúng ta cần giúp họ cái cần câu, quan trọng hơn nữa là chúng ta phải giúp họ có thái độ sống tích cực. Dù là người đời, nhưng tiền nhân Việt Nam cũng đã nhận định chính xác, rạch ròi, và nhân bản, qua câu ca dao tục ngữ này:
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng
Nói về sự khó nghèo, chúng ta không thể không đề cập Thánh GH Gioan XXIII (1881-1963). Khi ngày nhận chức thượng phụ Venezia năm 1953, ngài chia sẻ: “Đời Giám mục mà cứ phải ngồi bàn giấy và làm ngoại giao thì tội nghiệp quá. Tôi bắt đầu sứ vụ trực tiếp vào tuổi mà người khác kết thúc hoạt động của mình (72 tuổi). Từ nay tôi nghèo hơn trước, một vị hồng y nghèo lo giúp người nghèo… Tôi thấy mình như một bà mẹ nghèo, phải nuôi một đoàn con đông đảo. Tôi xuất thân từ giới bình dân. Cha mẹ tôi là người nghèo. Chúa đã đưa tôi ra khỏi xóm làng quê hương, cho tôi chung đường và kề vai sát cánh với những người có tín ngưỡng khác nhau. Bây giờ cũng vậy, tôi không quan tâm đến những gì gây chia rẽ mà chỉ quan tâm đến những gì gây tình đoàn kết. Xin anh chị em hãy coi tôi như một tôi tớ của Chúa”.
Không chỉ vậy, ngài còn rộng mở cả tấm lòng. Điều này được chứng minh rõ ràng qua lời căn dặn này: “Bất luận tôi đi đâu, nếu ban đêm có người nào lỡ đường trước cửa nhà tôi, họ sẽ thấy cửa sổ tôi luôn có ngọn đèn sáng. Xin đừng ngại, hãy cứ gõ cửa. Tôi sẽ không hỏi anh em là Công Giáo hay không, nhưng chỉ xin người anh em cứ vào, sẽ có đôi tay thân ái đón tiếp và tấm lòng bạn hữu nồng hậu chào mời”.
Khi tuổi già, sức yếu, ngài viết chúc thư với lời lẽ đơn sơ và chân thành: “Sinh trưởng trong sự nghèo nàn, ở một gia đình giản dị nhưng được trọng kính, tôi rất sung sướng được chết trong sự nghèo nàn, vì theo sự đòi hỏi và các trường hợp sinh sống của cuộc đời giản dị và hèn mọn của tôi, tôi đã phân phát cho người nghèo và Giáo Hội đã nuôi dưỡng tôi, những gì ít ỏi của tôi đã có, trong những năm làm linh mục và giám mục”. Cuối cùng, “cụ già nhân từ” Gioan XXIII nghiêm túc xác định: “Sinh nghèo, do cha mẹ nghèo nhưng khả kính, tôi đặc biệt sung sướng được chết nghèo”.
Với xã hội nhân loại, người nghèo thuộc hạ lưu, thậm chí còn bị coi không bằng thú cưng của họ. Nhưng với Kitô giáo, người nghèo là vĩ nhân, họ thực sự can đảm. Thánh Giacôbê căn dặn chúng ta “phải kính trọng người nghèo” (x. Gc 2:1-9). Thánh Giacôbê xác quyết: “Ai tuân giữ tất cả Lề Luật, mà chỉ sa ngã về một điểm thôi, thì cũng thành người có tội về hết mọi điểm” (Gc 2:10).
II. LIÊN ĐỚI VỀ TỘI LỖI
Liên đới với cái xấu được gọi là liên lụy. Vì thế, chúng ta gọi là “liên lụy tội lỗi”.
Liên lụy tội lỗi có liên quan “cấu trúc tội”. “Cấu trúc tội” là điều mà những người sống phóng khoáng dùng để che giấu thực tế trách nhiệm cá nhân đối với tội lỗi đã phạm. Tất cả các “cấu trúc tội” có căn nguyên trong trách nhiệm của tội cá nhân.
Tuy nhiên, tội lỗi ảnh hưởng nhiều hơn tội nhân. Nó ảnh hưởng mọi người. Khi một chi thể trong Nhiệm thể Chúa Kitô phạm tội, tất cả chúng ta đều chịu đau khổ. Một số người ảnh hưởng trực tiếp, nhưng tất cả chúng ta đều yếu đuối. Do đó, khi chúng ta muốn hòa giải với Thiên Chúa, chúng ta cũng phải giải hòa với cả Giáo hội, không chỉ với người này hay người nọ mà có thể chúng ta đã làm tổn thương. Vì thế có “chiều kích xã hội” đối với tội lỗi.
Có “chiều kích xã hội” vì nó nằm trong cách thức chúng ta có thể phạm tội. Chúng ta có thể phạm tội không chỉ là hành động trực tiếp của mình, mà còn gián tiếp liên can các tội lỗi do người khác phạm trực tiếp.
Chúng ta liên lụy hoặc liên can tội lỗi của người khác bằng cách nào? Chúng ta phạm tội qua hành động của người khác bằng nhiều cách. LM John Zuhlsdorf cho biết thế này:
- TƯ VẤN: Nếu bạn tư vấn hoặc xúi người khác làm điều tội lỗi, và họ làm, bạn đã phạm tội bằng cách can dự vào tội lỗi của người đó.
- MỆNH LỆNH: Nếu bạn có quyền trên người khác, và bạn ép buộc người khác phạm tội, trong khi người đó có thể giảm tội, còn bạn thì không.
- ƯNG THUẬN: Nếu người ta yêu cầu bạn mà bạn nghĩ tội lỗi là điều tốt có thể làm, bạn có thể chủ động với tình huống đó, và nếu bạn cho phép hoặc ưng thuận thì bạn đã phạm tội.
- KHIÊU KHÍCH: Bạn khiêu khích hoặc thách thức người khác làm điều xấu mà họ không muốn.
- NỊNH BỢ: Khá rõ ràng. Đây là cách khác để phạm tội.
- CHE GIẤU: Một người phạm tội và rồi bạn giúp người đó che giấu chứng cớ hoặc động thái.
- ĐỒNG LÕA: Một người khác là người chính có liên can, nhưng bạn có mặt ở đó hỗ trợ hành vi tội lỗi. Chẳng hạn, một người giúp bác sĩ phá thai, một chính khách giúp nhà cầm quyền hoặc nói về việc nhận thức đối với “hôn nhân” trái tự nhiên bằng cách ủng hộ.
- IM LẶNG: Có một câu nói rất thường gặp: “Im lặng là đồng ý”. Nếu một người có quyền thế hoặc có quyền về luân lý có nhiệm vụ ngăn chặn tội lỗi, nhưng lại im lặng và bàng quan, điều đó có thể cấu thành việc can dự vào tội lỗi. Điều này quỷ quyệt mới nghĩ ra được, nhưng đó không chỉ là sự im lặng quở trách. Có thể là can dự làm giảm nhẹ tình huống, chẳng hạn như sự xâm chiếm Vatican, bắt Giáo hoàng và tiêu diệt Giáo hội ở nhiều nơi. Trong khi đó, ai đó có thể im lặng làm ngơ. Tuy nhiên, ai đó không làm được gì. Một điểm khác có thể được cân nhắc: Luật về việc sửa lỗi anh em. Điều này không thể là vị trí của bạn để sửa lỗi người khác, tùy trường hợp.
- BIỆN HỘ: Khá rõ ràng. Đó là bạn biện hộ để ủng hộ tội lỗi. Nhưng điều này không giống như luật sư biện hộ trước tòa cho người phạm tội.
Thiết tưởng mỗi chúng ta cần thường xuyên xem lại các điểm trên đây để có những lúc chúng ta thực sự chân thành kiểm tra lương tâm của mình. Tất cả chúng ta đều vướng vào những tình huống khó khăn hoặc mơ hồ về luân lý, thế nên chúng ta cứ bị giằng co khi phải chọn lựa giữa điều tốt hay xấu, giữa điều xấu nhiều hoặc xấu ít.
Cuối cùng, chúng ta phải theo dõi chính mình, vì không ai biết rõ mình hơn chính mình, đồng thời cần tương tác với người khác để khả dĩ cẩn trọng hai điều này:
a) Đừng gây nguy hiểm cho linh hồn mình bằng cách can dự vào tội lỗi của người khác.
b) Đừng gây nguy hiểm cho linh hồn người khác bằng cách lôi kéo họ vào tội lỗi của mình.
III. LIÊN ĐỚI VỀ CẦU NGUYỆN
Giáo Hội Công Giáo hiệp nhất mang tính liên đới giữa ba “giai cấp” các thánh: Giáo Hội Vinh Hiển (các thánh trên Thiên Đàng), Giáo Hội Đau Khổ (các thánh nơi Luyện Hình, chắc chắn sẽ được làm công dân của Nước Trời), và Giáo Hội Chiến Đấu (các thánh nơi Trần Gian, hy vọng sẽ được làm công dân Nước Trời sau cuộc lữ hành khổ ải trần gian này).
Đừng ngạc nhiên về cách nói “các thánh nơi trần gian”. Tại sao chúng ta cũng là các thánh? Hãy nghe Thiên Chúa truyền lệnh: “Các ngươi phải nên thánh và phải thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11:44; Lv 19:2; Lv 20:7). Chính Chúa Giêsu cũng đã ra lệnh: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48).
Sự liên đới giữa ba Giáo Hội rất cần thiết và quan trọng, kỳ diệu là hiệu quả: Giáo Hội Vinh Hiển có thể nguyện giúp cầu thay cho chúng ta, Giáo Hội Chiến Đấu có thể nguyện giúp cầu thay cho Giáo Hội Đau Khổ. Giáo Hội Đau Khổ không thể làm gì cho họ nhưng lại có thể nâng đỡ Giáo Hội Chiến Đấu. Tình liên đới hiệu quả giữa ba Giáo Hội chứng tỏ rằng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa bao la vô hạn, cho chúng ta nhiều cơ hội để trở nên công dân của Nước Trời.
Thánh Phó Tế Ephraem (306-373), người Syria, là Tiến Sĩ Giáo Hội, là nhà soạn thánh ca và thần học gia, ngài cho chúng ta biết chuỗi liên đới trong cuộc lữ hành trần gian: “Các nhân đức thành hình nhờ cầu nguyện: Lời cầu nguyện duy trì sự điều độ, lời cầu nguyện ngăn chặn sự tức giận, lời cầu nguyện ngăn chặn sự kiêu ngạo và đố kỵ, lời cầu nguyện đưa Chúa Thánh Thần vào linh hồn và nâng con người tới Thiên Đàng”. Lời cầu nguyện thật là kỳ diệu biết bao!
Vâng, cầu nguyện là điều quan trọng, vì thế mà cần phải cầu nguyện liên lỉ, mọi nơi và mọi lúc. Bác học André-Marie Ampère (1775-1836) chia sẻ kinh nghiệm: “Chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện”. Còn Mẹ Thánh Terese Avila (1515-1582, người Tây Ban Nha), Tiến Sĩ Giáo Hội, nói: “Thiên Chúa yêu thích những linh hồn khẳng khái nhưng có ước vọng vĩ đại”.
Chúng ta có thể hình dung Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng Tam Vị Nhất Thể, như một tam giác đều, trong đó các Cạnh-Liên-Đới nối kết nhau tạo nên các Góc-Yêu-Thương, các cạnh và các góc không thể tách rời nhau. Tình liên đới tâm linh mầu nhiệm quá!
TRẦM THIÊN THU