Home / Chia Sẻ / TÌNH CHÚA

TÌNH CHÚA

 

Thanh The 2Vào tháng 12 năm 1987 một cơn động đất lớn đã xảy ra ở xứ Armênia thuộc Liên Xô cũ giết chết hằng ngàn người.  Trong số những người bị chôn dưới đống gạch vụn có 2 mẹ con bà Suzanna.  Mẹ con may mắn nằm lọt vào trong một khoảng trống nhỏ.  Tất cả lương thực họ có chỉ là một hũ mứt nhỏ.  Nhưng chẳng bao lâu hũ mứt cũng hết sạch.  Lúc đó đứa con 4 tuổi kêu lên: “Mẹ ơi con khát quá.”  Bà Suzanna không biết tìm đâu ra nước cho con.  Nhưng tình máu mủ đã gợi cho bà một sáng kiến táo bạo: bà dùng một miếng kính vỡ cắt đầu ngón tay mình cho máu chảy ra và đưa vào miệng đứa con cho nó mút.  Một lúc sau nó lại kêu khát, bà lại cắt một đầu ngón tay nữa.  Cứ như thế cho đến khi người ta cứu 2 mẹ con ra.  Sau khi ra ngoài, bà mẹ cho biết rằng: “Lúc đó tôi biết thế nào tôi cũng chết.  Nhưng tôi muốn con tôi sống”

 

Câu chuyện trên thật cảm động.  Nhưng vẫn không cảm động bằng việc Đức Giêsu tự hiến dâng thịt máu mình cho chúng ta.  Bà Suzanna đã lấy máu của mình nuôi con khi bà biết rằng chắc chắn bà sẽ chết.  Thay vì chết cách vô ích.  Bà đã hy sinh dòng máu của mình để cho đứa con được sống.  Đó là sự hy sinh trong một tình thế bó buộc.  Còn Đức Giêsu thì không có gì bắt buộc cả: Ngài đến trần gian để chết cho loài người.  Càng ngày Ngài càng tiến gần đến cái chết.  Tuy nhiên bất cứ lúc nào Ngài cũng có thể thoát khỏi cái chết ấy.  Dù vậy Ngài vẫn cương quyết đi đến cái chết và cương quyết lấy thịt máu mình làm lương thực nuôi sống loài người chúng ta.  Thật đúng là: “Không có tình yêu nào cao trọng cho bằng tình của người dám chết cho người mình yêu thương.”  Điểm thứ hai khác biệt giữa bà Suzanna với Đức Giêsu là: việc bà Suzanna hy sinh máu mình cho đứa con chỉ xảy ra một lần; còn việc Đức Giêsu ban thịt máu Ngài cho chúng ta xảy ra hằng ngày, như lời Ngài đã truyền dạy “Chúng con hãy làm việc này để nhớ đến Ta.”  Mỗi lần Giáo hội dâng Thánh lễ là mỗi lần việc hy sinh của Đức Giêsu được lập lại, lập lại không chỉ như một tưởng niệm mà lập lại với tất cả hiệu quả có nó.  Hiệu quả ấy là như lời Đức Giêsu đã nói: “Ai ăn Thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ được sống muôn đời.”

Một điều đáng buồn là lòng chúng ta đã thành chai đá trước tấm lòng của Chúa mà lẽ ra phải khiến chúng ta hết sức cảm động.  Ngày nay ở phương Tây, số giáo dân Pháp, chỉ còn có 10% giáo dân dự lễ Chúa Nhật.  Còn bên Việt Nam chúng ta, số người bỏ lễ Chúa Nhật cũng càng ngày càng nhiều.  Trong số những kẻ còn đi lễ thì nhiều người đứng ngoài Nhà thờ, vừa dự lễ vừa trò chuyện và hút thuốc.  Hình như rất nhiều người đi lễ chỉ vì sợ phạm tội trọng.

Khi Nữ Tu Têrêxa Calcutta sang Liên Xô xin mở trụ sở bác ái, Bà đã gặp các vị lãnh đạo chính quyền và đã được đồng ý nhanh chóng.  Tuy nhiên khi bà xin cho có Linh mục tại những trụ sở đó thì các vị ấy đã ngần ngại.  Lúc Mẹ Têrêxa giải thích: Nguồn sức mạnh của các Nữ Tu chúng tôi là do Mình Thánh Chúa.  Nhờ mỗi ngày được rước Mình Thánh Chúa nên các Nữ Tu chúng tôi có sức hy sinh quên mình để phục vụ những người nghèo khổ.  Do đó cần phải có Linh mục để mỗi ngày dâng Thánh Lễ và cho chúng tôi rước lễ.  Mẹ Têrêxa và các nữ tu của Bà là những người đã cảm nghiệm được Lời Chúa phán khi lập phép Mình Thánh Chúa “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ được sống muôn đời.”

Hôm nay lễ Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu.  Chúng ta ôn lại tình yêu bao la của Đức Giêsu khiến Ngài chịu chết vì chúng ta và trước khi chết đã ban Mình và Máu Ngài làm thương thực nuôi linh hồn chúng ta.

Nhưng chúng ta cũng nhận thấy sự giảm sút lòng sốt sắng của chúng ta đối với việc dự lễ và rước lễ.  Chúng ta thờ ơ với một thứ lương thực quý giá mà Chúa đã ban.  Chúng ta bỏ mất biết bao ơn ích do việc rước lễ mà nhiều người đạo đức rất quý chuộng.

Giờ đây chắc chúng ta biết mình phải làm gì:

– Trước hết, là những người làm cha mẹ, làm ông bà, chúng ta hãy nhắc nhở và khuyến khích con cháu mình thường xuyên tham dự Thánh Lễ và Rước lễ sốt sắng.

– Phần chúng ta, mỗi khi dự lễ và Rước Lễ, chúng ta hãy cố gắng sốt sắng.  Đừng làm một cách máy móc theo thói quen, nhưng hãy đặt hết tâm tình vào đó.

Để kết thúc, xin trích đọc sau đây tâm tình của một người đã biết cách dự lễ và rước lễ sốt sắng: “Mỗi Thánh Lễ, tôi lại cảm thấy có điều gì đó cần thống hối cách đặc biệt.  Mỗi Thánh Lễ, tôi lại thấy mình muốn đặt lên đĩa Thánh một chút cố gắng riêng tư, đau khổ, mơ ước, thao thức…  Tôi không đi dự Thánh Lễ với hai bàn tay trắng, nhưng với lễ vật là chính cuộc đời tôi.  Trong mỗi Thánh Lễ, Lời Chúa lại tác động đến tôi, những lời nói đã nghe nhiều lần tôi nhớ rằng Ngài đã trở nên tấm bánh bẻ ra cho tôi, và tôi cũng phải trở nên tấm bánh bẻ ra cho anh chị em tôi.”

Sưu tầm

**********************************

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúa đến với chúng con
dưới dạng tấm bánh bình thường.
Tấm bánh chẳng nói gì, chỉ biết lặng lẽ chờ đợi.
Tấm bánh hiện diện là để phục vụ cho con người.
Tấm bánh quá đỗi mong manh, nhỏ bé,
có thể bị ẩm mốc làm hư hoại,
và tan rất mau sau khi được nhận lãnh.

 Lạy Chúa Giêsu, có cái gì tương tự
giữa phận làm người và phận làm bánh của Chúa.
Xin cho chúng con biết cách
đến với con người hôm nay :
đơn sơ, khiêm hạ,
không chút vinh quang hay quyền lực.
Nhờ ăn tấm bánh của Chúa,
chúng con cũng trở nên tấm bánh ngon,
được bẻ ra để đáp ứng khẩu vị của nhiều người.

 Ước gì chúng con dám rước Chúa
đi vào mọi vùng mờ tối của lòng mình,
để sự hiện diện của Chúa trong con được lớn lên.
Và ước gì chúng con trở thành
những Nhà tạm di động,
đem Chúa đến cho đồng bào
và quê hương chúng con.  Amen. 

Rabbouni

Attachments area

Xem thêm

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

  Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ …