Home / Chia Sẻ / TIN VÀ KHÔNG TIN

TIN VÀ KHÔNG TIN

TIN VÀ KHÔNG TINTrong thời đại 4.0 này, việc tin một người đã chết rồi ba ngày sau sống lại được coi là điều nhảm nhí và điên rồ.  Điều đó chẳng có chi lạ.  Bởi lẽ, vào thời các tông đồ, các quan chức Rô-ma và những người lãnh đạo Do Thái Giáo cũng đã cho việc các ông khẳng định Đức Giê-su đã chết và đã sống lại là điều tào lao.  Các tông đồ không vì thế mà nhụt chí, vì các ông không thể không nói ra những điều mình được mắt thấy tai nghe (x. Cv 4,21).  Hơn thế nữa, các ông còn lấy mạng sống mình đề đảm bảo những gì các ông nói.

 

Hai mươi thế kỷ đã qua, có rất nhiều người tin vào Đức Giê-su Phục sinh, nhưng cũng có rất nhiều người phủ nhận Người.  Thống kê mới nhất của Tòa Thánh cho thấy, Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, dân số thế giới là 7.785.769.000 (Bảy tỷ, bảy trăm tám mươi lăm triệu bảy trăm sáu mươi chín ngàn người) trong đó số tín hữu Công giáo là 1.375.852.000 (Một tỷ ba trăm bảy mươi lăm triệu tám trăm năm mươi hai ngàn người).  Như vậy, tỷ lệ người Công giáo trên toàn thế giới ở mức 17,67%.  Đó là chưa tính những tín hữu Ki-tô thuộc các giáo phái khác.

 

Một người đã chết nay sống lại là điều khó tin, ngay cả với ông Tô-ma, một trong mười hai tông đồ.  Ông đặt ra những điều kiện cho niềm tin của mình, mặc dù trước đó, ông đã tận mắt chứng kiến những phép lạ ngoạn mục Chúa Giê-su đã làm.  Ông đại diện cho trường phái hồ nghi, ở thời nào cũng có, nhất là trong thời đại của chúng ta hôm nay.  Trường phái này chỉ tin vào những gì cảm nhận bằng giác quan.

 

Tuy vậy, khi đặt ra những điều kiện để tin như ông Tô-ma, là chúng ta đặt Thiên Chúa ngang hàng với người phàm.  Nói cách khác, khi đòi phải có điều kiện, thì không còn là đức tin nữa, vì tin là chấp nhận những thực tại vô hình hay những thực tại mình không cảm nhận bằng giác quan.  Hơn nữa, nếu đặt để niềm tin của mình nơi quyền năng của Thiên Chúa, thì cần xác tín: “không có gì mà Chúa không làm được.”

 

Mặc dù ông Tô-ma chẳng có lý do gì để thách thức Thiên Chúa, nhưng Chúa Giê-su Phục sinh vẫn chấp nhận lời thách thức đó.  Vào ngày thứ tám sau sự kiện phục sinh, Chúa Giê-su đã hiện ra với các tông đồ, có cả Tô-ma.  Cuộc gặp gỡ này đã chứng minh những lời các tông đồ nói trước đó là xác thực.  Đức Giê-su nhắc lại những thách thức của ông Tô-ma trước đó.  Trước những lời này của Chúa, ông Tô-ma chẳng còn nói được điều gì.  Ông chỉ có thể thưa với Chúa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”  Đây là lời tuyên xưng đức tin.  Đây cũng lời sám hối, đồng thời diễn tả niềm xác tín vào Đấng Phục sinh.  Chúng ta lưu ý: ông Tô-ma không còn gọi Chúa Giê-su là Thày như trước đó, mà ông tuyên xưng Người là Chúa và là Thiên Chúa.  Những danh xưng này cho thấy ông đã thực sự tin vào Đức Giê-su.  Đây cũng là lời tuyên xưng đức tin của cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi.

 

Trong cả ba năm A,B,C, của Chúa nhật thứ hai Phục sinh, Phụng vụ đều cho chúng ta nghe cùng một bản văn, đó là trình thuật về sự cứng lòng của ông Tô-ma trong Tin Mừng theo thánh Gio-an.  Mặc dù Chúa Giê-su Phục sinh là nhân vật quan trọng nhất, nhưng xem ra ông Tô-ma lại dành một vị trí đặc biệt trong trình thuật này.  Phải chăng Phụng vụ muốn lưu ý chúng ta: vẫn còn đó những Tô-ma, trải qua mọi thời đại.  Rất nhiều người giống như Tô-ma, chủ trương học thuyết thực nghiệm.  Họ chỉ tin vào những gì mắt thấy tai nghe.  Các tông đồ, là những chứng nhân mắt thấy tai nghe và kể lại cho chúng ta sự kiện Chúa sống lại với niềm xác tín.  Trước Công nghị Do Thái, các ông tuyên bố: Đức Giê-su, vị ngôn sứ thành Na-gia-rét, là người có quyền năng trong lời nói và hành động, đã chết và đã sống lại.  Các ông sẵn sàng lấy mạng sống để làm chứng cho điều các ông nói.  Một điều kỳ diệu, là các tông đồ vốn là những người dân chài chất phác ít học, nhưng lại uyên bác và trích dẫn Thánh Kinh để minh chứng rằng các lời ngôn sứ xưa kia đã thành hiện thực.

 

Chúa Giê-su Phục sinh đang hiện diện giữa chúng ta.  Tác giả sách Tông đồ Công vụ diễn tả sức sống kỳ diệu của cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi: cộng đoàn đông đảo “chỉ có một lòng một ý.  Không ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.”  Điều gì đã làm nên sự kỳ diệu ấy?  Thưa, Đấng Phục Sinh.

 

Thời nào cũng thế, vẫn còn đó những người tin và những người không tin vào Đức Giê-su.  Tuy vậy, khi tin Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, là Đấng đã chết và sống lại, các Ki-tô hữu được trở nên con Thiên Chúa.  Thánh Gio-an tông đồ viết: “Phàm ai tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra.”  Đó là cuộc sinh hạ trong đức tin và ân sủng.  Họ cũng sẽ chiến thắng thế gian như Đức Giê-su đã chiến thắng.  Các Ki-tô hữu cần thường xuyên ý thức về sức sống mới trong tâm hồn và cuộc sống của mình, để củng cố đức tin và thực sự nên giống Đức Giê-su Phục sinh.  Chúng ta thấy đó là lý do tại sao Phụng vụ nhấn mạnh và cầu nguyện cho những người tân tòng, trong mùa Phục sinh.

 

Chúa nhật II Phục sinh cũng là Chúa nhật kính Lòng Chúa thương xót.  Xin cho chúng ta cảm nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, thể hiện qua cuộc đời và sứ mạng của Đức Giê-su nơi trần thế, nhất là qua cuộc khổ nạn và phục sinh vinh quang của Người.  Xã hội hôm nay rất thiếu vắng lòng thương xót.  Đó là nguyên nhân dẫn tới bạo lực, hận thù và xung đột chia rẽ.  Khi cảm nhận lờng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta sẽ sống khiêm tốn hơn và dễ dàng thực thi lòng thương xót đối với tha nhân.

 

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN