Home / Chia Sẻ / TÍN ĐIỀU VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

TÍN ĐIỀU VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

TindieuVonhiemnguyentoiVô Nhiễm Nguyên Tội không phải là sinh ra đồng trinh. Tôi muốn làm rõ điều đó ngay từ đầu, vì cho đến nay có quá nhiều người bối rối về điểm đó. Hơn nữa, khái niệm “Vô Nhiễm Nguyên Tội” là nói về Đức Maria, không nói về Đức Kitô.

Tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội nói rằng ngay lúc Đức Maria được thụ thai, cả linh hồn và thể xác của Mẹ đều được tạo dựng không có vết nhơ của Nguyên Tội, đó là Vô Nhiễm. Tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội không nói rằng việc thụ thai Chúa Giêsu là “Vô Nhiễm Nguyên Tội” bởi vì điều đó không liên quan tình dục. Tất cả chúng ta, những người được thụ thai theo cách thông thường, cũng không bị “tì vết,” bởi vì tình dục là điều tốt lành do Thiên Chúa tạo nên.

  1. TỘI NGUYÊN TỔ

Khi nói về Nguyên Tội, người Công giáo chúng ta đề cập vết thương di truyền mà tất cả mỗi người đều có trong linh hồn mình. Vết thương đó do tội của cha mẹ đầu tiên của chúng ta – Ađam và Êva – đã gây ra, được lưu truyền kể từ sự sa ngã đó, và sẽ tiếp tục được lưu truyền cho đến cuối thời gian. Ảnh hưởng của vết thương quá rõ. Thậm chí chúng ta không cần phải nhìn xung quanh tất cả những điều xấu xa và thù hận trên thế giới để thấy chúng. Tất cả những gì chúng ta phải làm là nhìn vào bên trong mình để biết Nguyên Tội đã làm gì đối với bản chất con người.

Mặc dù việc ám chỉ “vết nhơ” của Nguyên Tội là một ẩn dụ khá phổ biến nhưng không hoàn toàn chính xác. Nguyên Tội không phải là thứ được thêm vào linh hồn con người, như vết nhơ làm bẩn chiếc áo sạch. Nó giống như một thứ gì đó đã bị lấy đi, bây giờ thiếu trong linh hồn: nghĩa là ân sủng Thiên Chúa ban đầu dự định cho chúng ta có được bên trong chúng ta. Ân sủng đó là nguồn nuôi dưỡng tinh thần cho cuộc sống trần gian, cuộc sống trên trời, và mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa trong cả hai kiếp sống. Tuy nhiên, khi Ađam phạm tội, ân sủng đó đã mất, con người không còn đủ dinh dưỡng để sống như đáng lẽ ra phải sống.

Người Công giáo tin rằng khi Chúa Kitô chết trên Thập Giá, Ngài đã giúp mọi người một lần nữa để có thể tiếp cận với cuộc sống tâm linh, với ân sủng mà chúng ta rất cần. Chúng ta cũng tin rằng chúng ta nhận được sự giúp đỡ đó khi chúng ta tuyên tín vào Đức Kitô và được tái sinh trong cuộc sống mới qua Phép Rửa, và nhờ sự giúp đỡ đó chúng ta được chữa lành linh hồn, lớn lên trong ân sủng và sự thánh hóa trong cuộc sống này cho đến khi chúng ta được biến đổi hoàn toàn trong kiếp sau.

  1. BẢN CHẤT ĐẦY ÂN SỦNG CỦA ĐỨC MẸ

Nhờ đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria không bao giờ bị tước mất ân sủng. Đức Mẹ đầy ân sủng ngay từ đầu. Sự đầy ân sủng đó đã giúp Đức Mẹ lựa chọn điều tốt và điều đúng mỗi ngày trong đời mình. Giống như cha mẹ đầu tiên của chúng ta, những người được tạo ra với đầy đủ ân sủng nhất định, họ có thể phạm tội. Nhưng Đức Mẹ không làm vậy. Không một lần nào, theo bất kỳ cách nào.

Giờ đây, bản chất vô nhiễm của Đức Mẹ không phải là thứ Đức Mẹ kiếm được bằng sức mình hoặc công lao. Đó là ân sủng, và giống như mọi ân sủng, đó là món quà thuần khiết từ Thiên Chúa. Mặc dù điều đó xảy ra trước lúc Chúa Giêsu cứu chuộc thế giới qua cái chết trên Thập Giá, nhưng ân sủng đó cũng tuôn chảy từ Thập Giá. Thiên Chúa áp dụng những công lao của Chúa Giêsu trên đồi Canvê cho Đức Mẹ từ giây phút đầu tiên Đức Mẹ hiện hữu. Điều đó có nghĩa là Đức Mẹ hàm ơn cứu độ của Thiên Chúa nhiều như bất kỳ ai trong chúng ta – hay đúng hơn, vì Đức Mẹ đã được cứu chuộc khỏi nhiều thứ hơn: không những được cứu khỏi tội lỗi mà còn hoàn toàn không bị tội lỗi chạm vào.

Hạt giống của giáo huấn này có cả trong Cựu Ước và Tân Ước. Trong St 3:15, sau khi Ađam và Êva mất hết ân sủng, Thiên Chúa nói với con rắn ma quỷ: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.” Như đã nói, Chúa Giêsu là hạt giống chiến thắng hạt giống ác độc Satan. Điều đó có nghĩa là người phụ nữ mà Thiên Chúa ám chỉ chính là Đức Maria – Thân Mẫu của Chúa Giêsu, không phải là Êva – mẹ của một đám tội nhân.

Quan trọng là chữ thù địch không chỉ có nghĩa là “không thích” hay “chán ghét một chút,” mà là “sự phản đối hoàn toàn và trọn vẹn.” Những chỗ khác mà chữ Do Thái có nghĩa là thù địch được sử dụng trong Cựu Ước để chỉ những cảnh chống đối bạo lực, và thậm chí chiến đấu cho đến chết. Về lý thuyết, tôi hoàn toàn đối lập với tội lỗi. Tôi nghĩ đó là điều rất tồi tệ, và tôi cố gắng không làm điều đó. Cố gắng là từ ngữ thực tế, vì mặc dù tôi không thích nó, tôi vẫn phạm tội. Điều này có nghĩa là tôi thực sự không ở trong tình trạng hoàn toàn phản đối tội lỗi. Sự thù hận không tồn tại, theo nghĩa chân thật và đầy đủ nhất của từ ngữ này, giữa Satan và tôi.

Bây giờ, nếu Đức Mẹ phạm tội theo bất kỳ cách nào thì Mẹ cũng có ít nhất một phần tham gia với Satan. Nhưng điều đó sẽ mâu thuẫn trực tiếp với những gì Thiên Chúa nói với chúng ta trong St 3:15.

Trong Tân Ước, chúng ta cũng thấy nguồn gốc của sự dạy dỗ này khi Gabriel hiện ra với Đức Maria. Khi chào Đức Maria, sứ thần nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Không phải là “Kính mừng Maria,” mà là “Kính mừng Đấng đầy ân sủng.” “Đầy ân sủng” là những gì sứ thần gọi Đức Mẹ. Sứ thần gọi Đức Mẹ bằng một cái tên. Thuật ngữ Hy Lạp có nghĩa “đầy ân sủng” là kecharitomene, một từ ngữ lớn lao với nghĩa phức tạp ngay cả đối với những người biết tiếng Hy Lạp trong Kinh Thánh, vì nó dùng để chỉ một hành động thánh hóa được thực hiện ở thì quá khứ hoàn tất. Đó là lý do tại sao lời chào của thiên thần có thể được dịch tốt nhất là: “Kính mừng Đấng đã được hoàn hảo trong ân sủng.” (Hail, you who have been perfected in grace.)

Hãy nhớ rằng, sự hoàn hảo trong ân sủng là thứ chúng ta đang thiếu. Ai trong chúng ta đã tin nhận Đức Kitô và nhận ân sủng Rửa Tội sẽ nhận thêm nhiều ân sủng hơn, nhưng qua kinh nghiệm đơn giản mà chúng ta biết chúng ta không được hoàn hảo trong ân sủng. Nhưng Đức Mẹ đã đầy ân sủng: Mẹ là điều mà Thiên Chúa tiền định từ đầu cho tất cả chúng ta. Lời thiên thần chào Đức Mẹ cho chúng ta biết Đức Mẹ đã được ban đầy ơn vào một thời điểm nào đó trong quá khứ: chúng tôi tin một cách hợp lý nhất là ngay lúc Đức Mẹ hình thành trong dạ thân mẫu.

  1. CÁC GIÁO PHỤ

Các giáo phụ thời đầu của Giáo Hội cũng so sánh tình trạng vô tội của Đức Mẹ với tình trạng vô tội của Êva trước khi sa ngã. Với tư cách là “Êva Mới,” Đức Mẹ tận hưởng tình trạng ân sủng và công lý ban đầu giống như Êva đã được ban trong Vườn Địa Đàng. Vì Êva rõ ràng được tạo dựng trong tình trạng ân sủng, không có bản chất sa ngã mà phần còn lại của chúng ta thừa hưởng từ Êva và Ađam, cho nên sự song song giữa Êva và Đức Mẹ được các giáo phụ thực hiện cũng minh họa sự không hiểu của họ về sự vô nhiễm của Đức Mẹ.

Thánh Ephrem nói: “Hai người phụ nữ vô tội đó, Maria và Êva, đã được [tạo ra] hoàn toàn bình đẳng, nhưng sau đó một người trở thành nguyên nhân dẫn đến cái chết của chúng ta, còn người kia là nguyên nhân sự sống của chúng ta.” Thánh Ephrem cũng ám chỉ bản chất vô tội của Đức Mẹ khi nói về Chúa Giêsu, ngài viết: “Ngài và Mẹ Ngài là những người duy nhất được miễn nhiễm khỏi mọi vết nhơ; lạy Chúa, vì không có vết nhơ nào trong Ngài và Mẹ Ngài.”

Theo thời gian, những cách đề cập Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ ngày càng rõ ràng và phát triển hơn. Thánh Ambrôsiô thành Milan gọi Đức Mẹ là “không vết nhơ tội lỗi.” Thánh Severus (+538), Giám mục Antioch, nói rằng Đức Maria “đã hình thành một phần của nhân loại, và có cùng bản chất như chúng ta, mặc dù Mẹ là người thuần khiết, khỏi mọi vết nhơ và vô nhiễm.” Thánh Sophronius (+638), Thượng Phụ Giêrusalem, báo hiệu rằng sự tinh tuyền của Đức Mẹ thực sự đã xảy ra ngay từ giây phút đầu tiên hiện hữu, ngài viết: “Đức Mẹ đã tìm thấy ân sủng mà không ai nhận được… Không ai đã được thanh lọc trước, ngoại trừ Mẹ.”

Những lời chứng như vậy (và còn nhiều chứng từ khác nữa) từ các giáo phụ thời sơ khai rất quan trọng, bởi vì họ đặt lại quan niệm sai lầm phổ biến khác về tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm: ĐGH Piô IX đã rút nó ra khỏi không khí loãng, khi ngài công bố đó là tín điều Công giáo chính thức vào năm 1854. Như chúng ta đã thấy trước đó, trước khi được Giáo Hội chính thức công bố, các tín điều phải bám rễ vững chắc trong giáo huấn cổ xưa của Chúa Giêsu và Giáo Hội. Đó là những gì đem lại cho họ quyền bính.

  1. ƠN VÔ NHIỄM CỦA ĐỨC MẸ

Thực sự không khó để tin Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ. Cuối cùng, Thiên Chúa dự định từ đầu cho tất cả chúng ta được thụ thai vô nhiễm. Kế hoạch đầu tiên của Ngài là mọi người sẽ bắt đầu cuộc sống trong gia đình của Thiên Chúa. Chỉ vì sự sa ngã đó mà chúng ta bây giờ được hình thành mà không có đầy đủ ân sủng. Đối với chúng ta, Đức Mẹ là một ngoại lệ sáng giá, nhưng Đức Mẹ phải là chuẩn mực.

Tuy nhiên, việc bảo vệ Đức Mẹ khỏi tội lỗi là một đặc ân. Tặng phẩm quý giá được Thiên Chúa dành cho Đức Mẹ đã chuẩn bị cho Mẹ trở thành Người Mẹ Hoàn Hảo của Thiên-Chúa-Làm-Người. Điều vô cùng thích hợp (mặc dù không hoàn toàn cần thiết) là Đức Mẹ truyền cho Chúa Giêsu, Chiên Con không tì vết, vô tội, nhân tính giống Người Mẹ, giống như người mẹ chúng ta đã truyền cho chúng ta những bản chất giống mẹ. Tất nhiên, khác biệt là bản chất vô nhiễm của Đức Mẹ.

Hãy nghĩ đến khả năng ngược lại. Hãy tưởng tượng rằng Chúa Con phải tiếp xúc trực tiếp với Nguyên Tội khi trở thành con người vì Mẹ của Ngài, trong thể xác và linh hồn, đã bị ô nhiễm bởi sự chiến thắng của Satan, kẻ thù chính của Ngài. Có phải Thiên Chúa đã không trút bỏ bản thân đủ bằng cách mặc lấy bản chất con người hạn chế của chúng ta mà không cần phải có máu thịt của Ngài bởi một người bị thương trực tiếp do kẻ thù xưa của Ngài?

Không, đúng là Ngài đến để cứu chuộc nhân loại khỏi tội lỗi thì Ngài nên nhận lấy thân thể con người từ một phụ nữ, được hưởng lợi chủ yếu và ưu tiên chiến thắng cuối cùng của Ngài đối với tội lỗi. Thật phù hợp khi Chúa Giêsu nhận Thân Thể Vô Nhiễm của Ngài, chính khí cụ cứu chuộc loài người, từ Người Mẹ đầy ân sủng.

MARK MIRAVALLE

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Xem thêm

LeSiangSinh2024

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ GIÁNG SINH 2024, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

LỄ GIÁNG SINH 2024    MÙA GIÁNG SINH LỄ GIÁNG SINH Anh em thân mến, …