Home / Chia Sẻ / TÍN ĐIỀU ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

TÍN ĐIỀU ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

8-15-2018 1-09-11 PMNgày 1.11.1950, ĐGH Piô XII đã long trọng công bố tín điều Đức Mẹ Lên Trời với nội dung: “Đức Maria vô nhiễm nguyên tội, trọn đời đồng trinh, Mẹ Thiên Chúa, sau khi hoàn tất hành trình dương thế, đã được cất nhắc về trời cả hồn lẫn xác.”  Chọn công bố chân lý đức tin này trong ngày lễ các thánh nam nữ, Giáo Hội hữu ý cho thấy Đức Mẹ dù đứng trong hàng ngũ những người đã được thánh hoá, nhưng vinh quang Mẹ được hưởng đã đưa Mẹ lên vị trí hàng đầu: Mẹ là Đấng “đầy ơn phúc.”

  1. Tín điều Đức Mẹ Lên Trời: ưu thắng của lòng đạo đức bình dân.

Đây là một tín điều mới mẻ, mới được định tín cách đây hơn 65 năm, quý vị từ 65 tuổi đổ lên đã có một thời gian sống không có tín điều này; nhưng không phải là tín điều mới lạ, vì được châm rễ sâu trong lòng sùng mộ của dân Chúa từ lâu đời rồi. Thế kỷ thứ VI ở đông phương đã thấy có lễ mừng Đức Mẹ Ngủ, sang thế kỷ thứ VII lịch phụng vụ Rôma đã ấn định lễ Đức Mẹ Lên Trời vào ngày 15/8 hằng năm, và đến thế kỷ IX cả châu Âu đã mừng lễ với tên gọi Mông Triệu như ngày nay. Lex orandi, lex credendi, luật cầu nguyện đã dần dà chín mùi và khi đến thời đến lúc trở thành luật đức tin.

Nếu việc Đức Mẹ Lên Trời đã rõ rệt trong lòng sùng mộ của dân Chúa, thì việc đưa ra nền tảng thần học giải thích vẫn còn phải vất vả truy tìm. Một mặt biến cố Đức Mẹ Lên Trời không được Phúc Âm nói đến, cũng dễ hiểu vì Phúc Âm là cuốn sách viết về đời và lời của Chúa Giêsu.  Còn Đức Mẹ xuất hiện trong đó chỉ như nhân vật phụ, lại nữa Mẹ rất kiệm lời, trong Phúc Âm chỉ thấy 7 lời của Mẹ thôi.  Mặt khác như Phúc Âm thứ tư cho biết, từ dưới chân thập giá Mẹ đã được trao cho sự chăm sóc của thánh Gioan, nên sau lễ Thánh Thần hiện xuống, Mẹ cũng dần dần rút lui vào hậu trường cầu nguyện để nhẹ nhàng ra đi không để lại dấu vết gì.

Tuy nhiên, điều không tìm thấy trong Thánh Kinh lại gặp được trong Thánh Truyền. Giữa lòng Giáo Hội đông tây, từ rất sớm, các giáo phụ mỗi vị theo cách của mình đã nói đến việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời như biến cố ở đoạn cuối cuộc đời trần thế của Mẹ, vàdiễn giải bằng những hình bóng Thánh Kinh rất ý nhị và sâu sắc, vừa hỗ trợ cho lòng đạo nơi dân Chúa, vừa từng bước đưa ra những nền tảng hình thành tín điều đặc biệt này. Trước 1.11.1950, người ta có quyền tin hay không, nhưng kể từ ngày định tín, tín hữu vui mừng tuyên xưng đức tin của mình: Đức Mẹ đã lên trời cả hồn lẫn xác.

  1. Tín điều Đức Mẹ Lên Trời: minh định rõ thêm những đặc ân của Đức Mẹ.

Có bao nhiêu đặc ân của Đức Mẹ? Thưa có bốn: Hai đặc ân cổ thời được xác tín từ lâu dựa trên phẩm tính của Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đồng Trinh.  Hai đặc ân tân thời được định tín trong vòng trên dưới 150 năm nay đóng khung cuộc đời trần thế của Đức Mẹ, khởi đầu là Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội và kết thúc là Ơn Hồn Xác Lên Trời. Cả bốn đặc ân này dẫu bản chất có khác nhau nhưng đều hoà quyện trong ơn tuyển chọn của Chúa Cha, ơn cứu độ của Chúa Kitô và ơn thánh hoá của Chúa Thánh Thần.

Chẳng phải nói đâu xa, ngay trong danh xưng ngày lễ hôm nay cũng nói lên trọn vẹn ý nghĩa của tín điều tuyên xưng. Gọi là lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Giáo Hội minh định đoạn kết vinh quang sau khi Đức Mẹ đã chu toàn trách vụ đường đời bên cạnh Đấng Cứu Thế.  Còn gọi là lễ Mông Triệu, Giáo Hội lại muốn nhấn mạnh khía cạnh mầu nhiệm, Đức Mẹ không tự mình mà nhấc lên trời, nhưng do Thiên Chúa triệu vời.  Nhưng dù gọi bằng danh xưng nào, đúng nghĩa Assumptio tiếng latinh, Đức Mẹ được kết hợp với Chúa Kitô phục sinh. Còn muốn đi xa hơn một chút, ta có thể lý giải: dựa trên mầu nhiệm Nhập Thể, Mẹ đã cung cấp chất liệu xác thân cho Đấng Cứu Thế làm người, nên khi thân xác Đấng Cứu Thế phục sinh về trời, thân xác Mẹ cũng được chia sẻ hiệp thông.  Còn dựa trên mầu nhiệm cứu độ, Mẹ đã hiệp công cứu độ trọn vẹn với Chúa Kitô, Mẹ cũng được hiệp thông sự sống vinh quang trọn vẹn với Người trong trời mới đất mới.

  1. Tín điều Đức Mẹ Lên Trời: gieo thêm tin yêu hy vọng cho đời tín hữu

Tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời như vậy đã sáng tỏ cho lòng tin của chúng ta. Nếu có gì còn khó hiểu, có lẽ nằm ở chỗ mình chưa tách bạch được hai tình trạng của thân xác: tình trạng lữ hành và tình trạng phục sinh. Trong tình trạng lữ hành, xác thân nặng nề; còn trong tình trạng phục sinh, thân xác được biến đổi thăng hoa. Thân xác của Đức Maria lên trời chính là thân xác đã được ghi dấu bằng sự phục sinh của Đức Kitô. Đức Kitô trưởng tử trong gia đình nhân loại, đã lên trời do tự mình, còn Đức Mẹ là hoa quả đầu mùa được triệu vời lên trời do ân sủng Chúa ban. Trong ngắm thứ tư Mùa Mừng ta tuyên xưng từ thuở nào “Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời,” có điều hôm nay khi mừng lễ, ta nâng cao tâm hồn để chung mừng với Giáo Hội trong lời tuyên xưng trọng thể và chung vui với Đức Mẹ nơi đặc ân lạ lùng này, “Chúa đã làm cho Đức Mẹ những điều cao trọng.”

 Nhưng tín điều hôm nay kỷ niệm còn hướng các tín hữu đến việc xem Đức Mẹ như mẫu gương tuyệt vời, quyết tâm yêu mến bước theo Mẹ, sống như Mẹ để một mai khi lìa đời ta cũng sẽ có kết cục giống như Mẹ, được hưởng ơn phục sinh của Chúa Kitô.  “Đức Maria, thầy dạy đức tin”,chúng ta hãy khiêm tốn tìm đến mái trường Đức Maria, học theo Mẹ những bài học từ cơ bản đến nâng cao, và sẵn sàng đi vào chuyên sâu để sống đời tận hiến cho Chúa theo gương sống của Mẹ.

Chính trên đỉnh cao của lòng tin mến ấy, chúng ta không ngại bộc bạch cho Mẹ nỗi niềm cậy trông. Mẹ nào mà chả thương con, chỉ có con bỏ mẹ chứ mẹ chẳng bỏ con bao giờ. Nếu tình mẹ nhân loại còn dạt dào như bể thì tình mẹ trên trời còn ví thể gấp trăm. Sở dĩ con cái nhân gian có thể cậy trông Mẹ, là bởi vì trước đó Tấm lòng Mẹ đã mở rộng, đôi tay Mẹ đã sẵn sàng thi ân. Mẹ lên trời không phải để cách xa cuộc sống nhân loại, nhưng trên đỉnh vinh quang thiên đàng, đó là lúc Mẹ có điều kiện phù hợp để gần gũi che chở đỡ nâng mọi người một cách rộng rãi và thuận lợi hơn.

Tóm lại, tín điều Đức Mẹ Lên Trời giúp ta tuyên xưng đức tin cách trọn vẹn hơn, giục giã yêu mến Đức Mẹ cách đậm đà hơn, và cũng thúc đẩy cậy trông nơi Mẹ gắn bó hơn. Bởi lẽ xét cho cùng, tuyên tín Mẹ lên trời không chỉ cho vinh quang của riêng Mẹ, mà còn cho hạnh phúc của con cái Mẹ trên dương thế là chính chúng ta.

Có người hỏi “Ở Tàpao có những phép lạ nào?”  Tôi trả lời: Phép lạ thì không biết, nhưng ơn lạ thì hầu như ngày nào cũng có, nhất là ơn biến cải đời sống. Đang mê chuyện đỏ đen, đi Tàpao về bỏ được hết, đang xào xáo gia đình, đến Tà pao khấn về được bình yên, hay đang khô khan nguội lạnh theo bạn đến Tàpao về bỗng dưng thấy sống đức tin cách tích cực hơn, đó chẳng phải là ơn lạ ở Tàpao sao?

Xin được cùng với khách hành hương dâng lên Mẹ lời kinh tôn vinh và trông cậy:

Mẹ Vô Nhiễm, Mẹ Đồng Trinh,

Mẹ Thiên Chúa, Mẹ uy linh muôn đời.

Hôm nay mừng Mẹ lên trời,

Hành hương con đến chung lời ca khen.

Cúi xin Mẹ rất dịu hiền,

Thương con, dẫn dắt về miền trời cao,

Đời con có Mẹ Tàpao.

GM Giuse Vũ Duy Thống

Xem thêm

THÁNH GIUSE VÀ CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH

THÁNH GIUSE VÀ CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH

Có vô số người, vương cung thánh đường, nhà thờ, đền thánh, chủng viện, tu …