Home / Chia Sẻ / Tìm Thiên Chúa giữa rất nhiều tiếng gọi

Tìm Thiên Chúa giữa rất nhiều tiếng gọi

Ronald Rolheiser, 2012-03-18

Chúng ta bị bao vây bởi rất nhiều tiếng gọi. Hiếm có giây phút nào trong đời sống mà chúng ta không có ai hay không có cái gì đang gọi tới, ngay cả trong giấc ngủ, những giấc mơ và những cơn ác mộng cũng bắt chúng ta phải chú ý. Và mỗi một tiếng gọi đều có nhịp điệu và thông điệp riêng của nó. Một số giọng mời gọi chúng ta bước vào, hứa hẹn một cuộc sống tươi đẹp nếu chúng ta làm cái này hay cái nọ, mua sản phẩm này hay ý tưởng kia; một số giọng đe dọa chúng ta. Một số giọng dẫn dắt chúng ta đến gần với thù hận, cay đắng và tức giận, có những giọng khác đòi hỏi chúng ta cố gắng hướng tới thương yêu, lòng biết ơn và tha thứ. Một số tiếng gọi nói với chúng ta rằng chúng đùa cợt và vui nhộn, chứ không phải là chuyện nghiêm túc, lại có những tiếng gọi khác tuyên bố hùng hồn rằng mình là cấp bách và quan trọng, là tiếng gọi của chân lý không thể kỳ kèo, tiếng gọi của Thiên Chúa.

Trong tất cả những tiếng đó, đâu là tiếng gọi của Thiên Chúa? Làm thế nào chúng ta nhận ra tiếng gọi của Thiên Chúa giữa tất cả những giọng đó và khi đang theo những tiếng gọi đó?

Không dễ trả lời. Như Thánh Kinh nói cho chúng ta biết, Thiên Chúa là tác giả của tất cả những gì tốt đẹp, cho dù chúng có mang nhãn tôn giáo hay không. Vì thế, tiếng gọi của Thiên Chúa nằm trong mọi sự vật và sự việc không bộc lộ một liên hệ rõ rệt với đức tin và tôn giáo, cũng giống như tiếng gọi của Thiên Chúa không nằm trong tất cả những sự vật và sự việc giả dạng tôn giáo. Nhưng làm sao chúng ta phân biệt được?

Chúa Giê-su cho chúng ta một hình ảnh ẩn dụ tuyệt vời để suy ngẫm, nhưng nó chính xác chỉ là một phép ẩn dụ: Người nói với chúng ta rằng Người là “Mục Tử Tốt Lành,” các con chiên của Người sẽ nhận ra tiếng gọi của Người giữa tất cả những tiếng gọi khác. Ban đêm, để bảo vệ và để các con cừu có bầu bạn, các mục tử thường đưa tất cả các đàn cừu của mình vào một bãi quây trên đồng. Sáng hôm sau, họ tách các đàn ra bằng cách cất tiếng gọi các con cừu của đàn mình. Mỗi mục tử  luyện cho những con cừu của mình quen với giọng của mình và chỉ có giọng đó mà thôi. Mục tử thường đi cách xa bãi quây rồi gọi các con cừu, thường là bằng tên riêng của chúng, và rồi chúng sẽ đi theo anh ta. Những con cừu của anh đã quá quen với giọng của anh nên chúng sẽ không đi theo tiếng gọi của người chăn cừu khác, kể cả khi người đó cố lừa chúng (những người chăn cừu thường làm như vậy để ăn cắp cừu của người khác) bằng cách giả giọng chủ. Giống như một đứa bé con, đến một lúc sẽ không thấy thích thú với giọng âu yếm của người trông trẻ nữa mà chỉ muốn và cần giọng của mẹ mình, mỗi con cừu đều nhận ra một cách mật thiết tiếng gọi đang bảo vệ chúng và sẽ không đi theo tiếng gọi khác.

Chúng ta cũng như vậy: Giữa tất cả những tiếng gọi đang bao quanh và dẫn dụ, làm sao chúng ta phân biệt được nhịp điệu riêng biệt tiếng gọi của Thiên Chúa? Đâu là tiếng gọi của Người Mịc Tử Tốt Lành?

Không hề có câu trả lời dễ dàng và đôi khi điều tốt nhất chúng ta có thể làm được là tin vào linh tính của mình về điều gì đúng điều gì sai. Nhưng có nhiều nguyên tắc từ Chúa Giê-su, Thánh Kinh, và từ những mạch nguồn sâu thẳm của truyền thống Ki-tô của chúng ta vốn có thể giúp ích cho chúng ta. Dưới đây là một loạt các nguyên tắc giúp chúng ta phân biệt được tiếng gọi của Thiên Chúa giữa vô vàn tiếng đang gọi chúng ta. Đâu là nhịp điệu riêng biệt trong tiếng gọi của Người Mục Tử Tốt Lành?

– Tiếng gọi của Thiên Chúa được nhận ra trong những lời thì thầm và giọng khẽ, cũng như trong sấm chớp và bão giông.

– Tiếng gọi của Thiên Chúa được nhận ra ở đâu có vui vẻ, sức khỏe, màu sắc, hài hước và ngay cả ở đâu có chết chóc, đau khổ, nghèo khổ, tinh thần xuống thấp.

– Tiếng gọi của Thiên Chúa được nhận ra trong những gì mời gọi chúng ta tới những gì cao hơn, đặt riêng chúng ta ra để dành cho những công việc, mời gọi chúng ta đến với thần thánh, cũng như trong những gì mời gọi chúng ta đến với lòng khiêm tốn, ngấm sâu trong lòng  nhân đạo, và trong những gì không chịu phỉ báng lòng nhân đạo.

– Tiếng gọi của Thiên Chúa được nhận ra trong những gì có vẻ “xa lạ”, như là kẻ khác, “kẻ xa lạ” trong đời sống chúng ta, cũng như trong tiếng gọi chúng ta về chốn quê nhà thân thuộc.

– Tiếng gọi của Thiên Chúa là tiếng gọi thách thức nhất và kéo căng chúng ta nhất, cũng như đó là tiếng gọi duy nhất mà rốt cùng xoa dịu và an ủi chúng ta.

– Tiếng gọi của Thiên Chúa bước vào đời chúng ta như là quyền năng lớn lao nhất trong mọi quyền năng, cũng như nó vĩnh viễn nằm trong những gì mong manh dễ bị thương tổn, giống như một đứa bé yếu đuối trên cọng rơm.

– Tiếng gọi của Thiên Chúa luôn luôn được nghe thấy theo cách được ưu ái ở nơi người nghèo, cũng như nó báo hiệu cho chúng ta qua giọng của các nghệ sĩ và người trí thức.

– Tiếng gọi của Thiên Chúa luôn luôn mời gọi chúng ta sống vượt lên trên mọi nỗi sợ hãi, cũng như nó gợi cảm hứng về nỗi sợ hãi thiêng liêng.

– Tiếng gọi của Thiên Chúa luôn luôn được nghe thấy trong quà tặng của Chúa Thánh thần, cũng như nó mời gọi chúng ta đừng bao giờ chối gạt những nỗi phức tạp của thế giới này và của cuộc sống chính mình.

– Tiếng gọi của Thiên Chúa luôn luôn được nghe thấy ở bất cứ nơi nào có niềm sung sướng đích thực và lòng biết ơn đích thực, cũng như nó đòi hỏi chúng ta gạt bỏ cái tôi của mình, hy sinh vì nghĩa lớn và thong dong coi mọi chuyện trên trần gian này là tương đối.

Dường như, tiếng gọi của Thiên Chúa vĩnh viễn tìm thấy trong nghịch lý.

J.B. Thái Hòa dịch

Nguồn: phanxicovn

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …