Home / Tiêu Điểm / Tìm thấy nơi xét xử Chúa Giêsu

Tìm thấy nơi xét xử Chúa Giêsu

Cứ cách vài năm, dường như giới khảo cổ học lại tìm được một chứng tích quan trọng trong Kinh Thánh, và phát hiện quan trọng nhất trong thời gian gần đây chính là địa điểm từng diễn ra vụ xét xử Chúa Giêsu.

Nằm bên trong các bức tường phía tây của Thành cổ Jerusalem, bên dưới công sự cao ngất có từ thời Đế quốc Ottoman, các nhà khảo cổ học Israel đã khẳng định rằng họ vừa khai quật được nơi Tổng trấn Philatô đã xét xử Chúa Giêsu. Dựa trên tội danh vu cáo rằng Ngài đã rao giảng chống lại chính quyền Rome, ông Philatô đã hùa theo ý giới lãnh đạo Do Thái ra phán quyết đóng đinh Chúa Giêsu trên thập giá.

Dù không được chỉ rõ vị trí, giới học giả từ lâu cho rằng vụ xét xử phải diễn ra ở một nơi nào đó bên trong khu vực này, bất chấp tranh luận từ nhiều thế kỷ cho rằng địa điểm xét xử nằm ở phía bên kia của Thành cổ, bên trong pháo đài Antonia.

Các chứng cứ

Theo Phúc âm Thánh Mát-thêu, vụ Tổng trấn Philatô xét xử Chúa Giêsu diễn ra tại một nơi gọi là praetorium. Với nghĩa ban đầu là lều chủ soái trong các cuộc hạ trại thời chiến, nơi đưa ra các quyết định quân sự quan trọng trên chiến trường, praetorium sau đó được dùng để chỉ cung điện hoặc là nơi đặt trung tâm điều hành của những quan chức cấp cao của chính quyền. Tại Jerusalem, praetorium phải là cung điện của vua Hêrôđê, và theo lời kể của các nhân chứng thời xưa được ghi nhận qua dòng lịch sử, cung điện Hêrôđê là nơi các tổng trấn La Mã – như Philatô, tổ chức những vụ xét xử trong khi kinh lý tại Thành Jerusalem.

Con đường Khổ nạn

Via Dolorosa là một con đường được đặt tên theo những chặng khổ nạn của Chúa Giêsu tại Thành cổ Jerusalem, mô tả con đường mà Chúa đã đi, vác thập giá của mình, trên đường đến nơi bị đóng đinh, và sau cùng, phục sinh vào ba ngày sau đó. Các tuyến đường quanh co gồm có 14 chặng, dẫn từ dinh thự làm việc của Tổng đốc Philatô, doanh trại Antonia cách Nhà thờ Mộ Thánh khoảng 600m về hướng tây. Tuyến đường hiện tại đã được xác lập từ thế kỷ thứ 18, thay thế các phiên bản khác nhau trước đó. Con đường Khổ nạn hiện nay được diễn tả qua chín chặng Đàng Thánh Giá, nhưng đã có 14 chặng kể từ cuối thế kỷ 15, với 5 chặng còn lại là bên trong Nhà Thờ Mộ Thánh.

Ngày nay, giới sử gia và các nhà khảo cổ học chắc chắn rằng lâu đài của vua Hêrôđê nằm ở phía tây thành phố, nơi đặt Tháp Bảo tàng David và nhà tù thời Ottoman. Dựa trên những cơ sở này, các chuyên gia từ lâu đã chất vấn quan niệm cho rằng pháo đài Antonia ở phía đông bắc của thành phố phải là nơi đặt praetorium, suy ra rằng vụ xét xử phải diễn ra ở đây. Do vậy, tuyên bố trên đã gây rúng động toàn bộ giới lãnh đạo tôn giáo, các học giả và những nhà khảo cổ học, phần lớn là do pháo đài Antonia là Đàng Thánh giá đầu tiên trên Via Dolorosa, tức Con đường Khổ nạn mà Đức Chúa đã phải mang vác cây thập giá trên vai từ nơi xét xử đến nơi chôn cất Ngài ở Golgotha, chấm dứt tại địa điểm đặt Nhà thờ Mộ Thánh.

Đối với Shimon Gibson, giáo sư khoa khảo cổ tại Đại học Bắc Carolina (Mỹ), không nghi ngờ rằng vụ xét xử diễn ra tại một nơi nào đó bên trong tòa lâu đài của vị vua lập dị. Trong Phúc âm Thánh Gioan, vụ xét xử được mô tả được tổ chức gần một cánh cổng và trên nền gạch gồ ghề, những chi tiết hoàn toàn khớp với các phát hiện khảo cổ trước đó gần trại giam. “Tất nhiên chẳng có dòng chữ nào khắc rằng nơi xét xử Chúa Giêsu là ở đây, nhưng mọi thứ, từ khía cạnh khảo cổ, lịch sử và Kinh Thánh, đều trùng khớp”, theo giáo sư Gibson.

Thay đổi Via Dolorosa?

Theo đài CNN, quá trình tìm kiếm đã được khởi đầu cách đây 16 năm với kế hoạch mở rộng Tháp Bảo tàng David. Tuy nhiên, câu chuyện bất ngờ chuyển hướng sau khi nhóm các nhà khảo cổ học do chuyên gia Amit Re’em dẫn đầu đã cẩn thận lột bỏ những lớp bên dưới sàn nhà của một tòa nhà cũ kỹ bị bỏ hoang gần kề viện bảo tàng, nằm trong khuôn viên của Thành cổ Jerusalem. Các chuyên gia đã biết nơi đây từng là một nhà tù vào thời Đế quốc Ottoman của Thổ, và kế đến lọt vào tay người Anh. Tuy nhiên, trong quá trình đào sâu xuống bên dưới, họ không thể nào tin được vào mắt mình. Đây có thể là tàn tích của cung điện từng là nơi diễn ra một trong những cảnh tượng nổi tiếng nhất trong Tân ước: vụ xét xử Chúa Giêsu. Sau nhiều năm đào bới và gặp trở ngại do các cuộc chiến tranh và thiếu thốn nguồn tài trợ, phát hiện quý báu này đã được công khai và giới hữu trách bắt đầu tiến hành mở cửa cho công chúng tham quan.

Tháp Bảo tàng David được xây dựng bên trên nhà tù từ thời Đế quốc Ottoman, cũng là nơi đặt cung điện Herod, nơi diễn ra vụ xét xử Chúa Giêsu – ảnh: Getty

Theo dòng lịch sử của Công giáo, Via Dolorosa là con đường hành hương quan trọng, thu hút sự quan tâm cực kỳ đông đảo của du khách lẫn tín hữu trên toàn thế giới. Mỗi năm Israel ghi nhận hơn 1 triệu người đặt chân trên con đường được cho là cuộc hành trình cuối cùng của Chúa Giêsu. Nhưng nếu trạm đầu tiên, tức nơi xét xử, lại nằm ở hướng khác của thành phố, đoạn đường được cho là Via Dolorosa lâu nay phải chăng là sự sai lầm?

Yisca Harani, chuyên gia về Kitô giáo và Đất Thánh cho hay, do các tín đồ đã bắt đầu tìm về cội nguồn ở Jerusalem từ nhiều thế kỷ trước, Via Dolorosa đã được thay đổi vài lần, tùy thuộc vào người lãnh đạo thành phố lúc đó và tuyến đường mà họ cho là quan trọng. Ví dụ, vào thời Đế quốc (330-1453), Via Dolorosa được xác định nằm gần khu vực nơi mà viện bảo tàng ngày nay được đặt ở phần phía tây của thành phố. Chỉ sau thế kỷ 13, điểm khởi đầu của tuyến hành hương được chuyển sang pháo đài Antonia, nơi từng là trại lính của quân đội La Mã.

Trước sự phân tích trên, cha David Pileggi, linh mục của nhà thờ Christ nằm gần viện bảo tàng bảo, phát hiện mới bên trong nhà tù đã xác nhận “điều mà ai nấy đều nghĩ đến lâu nay, rằng vụ xét xử diễn ra gần Tháp David”. Nếu thật sự là như vậy, và với việc mở cửa cho công chúng tham quan, liệu nhà tù trên có thể sẽ sớm trở thành một địa điểm linh thiêng dành cho người hành hương đến chiêm ngưỡng, hoặc thậm chí có thể thay đổi con đường Via Dolorosa? Cha Pileggi cho rằng điều đó sẽ không xảy ra trong tương lai gần. “Điều tạo nên một điểm hành hương phải dựa trên thực tế là mọi người thường lui tới trong hàng trăm năm nay, cầu nguyện, khóc than…, nên tôi nghĩ rằng việc thay đổi Via Dolorosa là điều khó có thể thực hiện trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, “bản thân những phát hiện mới đã cung cấp một sự giải thích rõ ràng hơn về lịch sử Jerusalem”, ông cho biết.

LING LANG

Nguồn: Theo Báo Công Giáo và Dân Tộc

Xem thêm

Ga 18, 33 - 37a

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN- LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ, NĂM B, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Chúa là Vua SUY NIỆM LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ – B (Ga 18, 33 – 37) Chu kỳ …