Home / Chia Sẻ / TÌM KIẾM

TÌM KIẾM

TÌM KIẾMChân Thành Tìm Kiếm Sự Công Chính

Mãn Nguyện Ước Mong Con Chúa Trời

Kinh Thánh nhắc nhở: “Hãy tìm sự công chính, hãy tìm đức khiêm nhường thì may ra anh em sẽ được che chở trong ngày thịnh nộ của Đức Chúa.” (Xp 2:3) Nhưng quan trọng là phải đúng nơi, đúng lúc, bởi vì cái gì cũng có thời hạn: “Hãy tìm Đức Chúa khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên.” (Is 55:6) Đồng thời cũng có hệ lụy tất yếu: “Ai không thách thức Người, thì được Người cho gặp. Ai tin tưởng vào Người, sẽ được Người tỏ mình cho thấy.” (Kn 1:2)

Hôm trước, khi thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình, ông Gioan giới thiệu: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.” (Ga 1:29-30) Và ông đã làm chứng với mọi người: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người.” (Ga 1:32) Hôm sau, ông Gioan lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông và thấy Chúa Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” (Ga 1:36) Nghe vậy, hai môn đệ kia liền đi theo Chúa Giêsu. Ngài quay lại, thấy các ông đi theo mình, Ngài hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Ngài bảo họ cứ đến mà xem. Họ đã đến và ở lại với Ngài ngày hôm đó.

Chắc hẳn nơi ở của Chúa Giêsu giản dị và khó nghèo lắm, nhưng họ vẫn theo Ngài. Cái “thấy” của họ là sự vĩ đại của Ngài, họ sẵn sàng “lắng nghe” và “thực hiện” như Ngài. Lúc đó khoảng giờ thứ mười. Ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp em mình là ông Simôn và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia.” (Ga 1:41) Rồi ông dẫn em mình đến gặp Chúa Giêsu. Ngài nhìn ông Simôn và nói: “Anh là Simôn, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha.” (Ga 1:42) Thánh Gioan giải thích rằng chữ Kêpha nghĩa là Đá, đồng nghĩa với tên Phêrô (Pièrre = Đá).

Phêrô là ngư dân, dân chài chính hiệu, nhưng hẳn là lão ngư có “tướng mạo” đặc biệt lắm, Thầy Giêsu “thấu suốt” tâm địa ông: bộc trực, nóng nảy nhưng tốt bụng. Ngài OK liền, “chấm” ngay. Thật vậy, dù tội chối Thầy lớn lắm, không chỉ một lần mà chối tới ba lần, nhưng chỉ là “chuyện nhỏ” thôi, vì Chúa Giêsu giàu lòng thương xót và cho ông “bù lỗ” bằng ba lần tuyên xưng: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự. Thầy biết rõ con yêu mến Thầy!” (Ga 21:15-18) Từ đó, lão ngư Phêrô trở thành giáo hoàng tiên khởi của Giáo Hội lữ hành.

Mỗi cá nhân có tính cách khác nhau, nhưng mỗi người không là một ốc đảo, mà luôn phải hài hòa trong một tổng thể, mang tính liên đới đa dạng, kể cả tội lỗi cũng có tính liên đới. Sự hiệp nhất rất quan trọng, cần thiết lắm. Ngay trong gia đình cũng không thể thiếu sự đồng tâm nhất trí, nếu “ông nói gà, bà nói vịt” thì gia đình khó có thể là tổ ấm đích thực. Các cộng đoàn tu cũng vậy, mỗi người mỗi phách thì không thể là cộng đoàn. Hiệp nhất thì phải lắng nghe nhau.

Đời sống chung là xã hội và Giáo Hội, gia đình, hội đoàn,… Đời sống chung cần lắng nghe nhau để hiểu nhau và cùng nhau thực hiện điều mong muốn của Thầy Chí Thánh Giêsu trong Vườn Dầu: “Xin cho họ nên một.” Tính chất “nên một” được Chúa Giêsu đề cập ba lần, (x. Ga 17:1-24) chứng tỏ đó là tính chất đặc biệt, vì đó là tính hiệp nhất của Chúa Ba Ngôi.

Người ta không biết hoặc không có gì đó mà phải tìm kiếm. Tìm kiếm có thể vì tò mò, hiếu kỳ, nhưng quan trọng nhất là phải muốn hiểu biết. Khi tìm kiếm phải kiên trì. Có công mài sắt có ngày nên kim. Tìm kiếm thứ gì cũng khó, có khi thấy mà không nhận ra nó. Chắc chắn khó nhất là nhận biết ý Chúa. Trình thuật 1 Sm 3:3-10 cho chúng ta biết về câu chuyện ngôn sứ “nhí” Samuel nhận biết và đáp lại tiếng Chúa: Một đêm nọ, ông Êli đang ngủ, mà mắt ông thì mờ, ông không còn thấy rõ nữa. Đèn của Thiên Chúa chưa tắt và Samuel đang ngủ trong đền thờ Đức Chúa, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Bất ngờ, Đức Chúa gọi Samuel. Cậu thưa: “Dạ, con đây!” Rồi chạy lại với ông Êli và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Ông bảo rằng ông không gọi cậu, cứ về ngủ. Cậu đi ngủ, rồi lại có tiếng gọi lần nữa. Samuel lại dậy ngay và đến với ông Êli, nhưng ông vẫn bảo là không gọi cậu.

Samuel chưa biết Đức Chúa, và lời Đức Chúa chưa được mặc khải cho cậu. Rồi cậu nằm ngủ, Đức Chúa lại gọi Samuel lần thứ ba. Cậu dậy và đến với ông Êli. Bấy giờ ông Êli hiểu là Đức Chúa gọi cậu nên ông bảo Samuel đi ngủ, hễ có ai gọi thì thưa: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” Samuel về ngủ, và Đức Chúa lại đến, đứng đó và gọi như những lần trước: “Samuel! Samuel!” Cậu liền thưa: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” (1 Sm 3:10)

Tìm kiếm, nhận biết, và mau mắn thi hành với niềm vui chứ không miễn cưỡng. Thiên Chúa ban quyền tự do cho chúng ta, Ngài không ép buộc ai làm bất cứ điều gì, vì thế Ngài rất đề cao sự tự nguyện, hành động vì yêu mến. Samuel đã lắng nghe, thấu hiểu, và mau mắn làm theo Ý Chúa, thế nên Samuel được Thiên Chúa bảo vệ: “Samuel lớn lên. Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu.” (1 Sm 3:19) Thật diễm phúc cho Samuel!

Diễm phúc không là tình trạng “tự nhiên” mà là động thái “có điều kiện” với lòng tự nguyện: Tổ phụ Ápraham hoàn toàn “vâng phục” khi rời quê hương đến Đất Hứa, và ông không ngần ngại sát tế chính con trai độc nhất, và Đức Maria cũng diễm phúc vì lời “xin vâng” vô điều kiện. Tìm kiếm – nhận biết – hành động, đó là “chuỗi liên kết” như một tam-giác-đều bất biến, trong đó tiềm ẩn và mặc nhiên có nhân đức nền tảng của mọi nhân đức: Khiêm Nhường.

Chúng ta luôn xin Chúa lắng nghe mình, (Tv 30:11; Tv 51:3; Tv 55:2; Tv 77:2; Tv 86:6; Tv 88:3; Tv 141:1; Tv 143:1) nhưng hiếm khi chúng ta nhận lỗi (Tv 51:5) hoặc lắng nghe điều Chúa phán, (Tv 85:9) nhất là khi ý Chúa khác hẳn ý mình. Chắc hẳn ai cũng đủ kinh nghiệm để khả dĩ biết rằng “đời là bể khổ,” thế nên lúc nào chúng ta cũng phải cầu xin Thiên Chúa thương xót: “Tôi đã hết lòng trông đợi Chúa, Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu.” (Tv 40:2) Và chúng ta rất phấn khởi: “Chúa cho miệng tôi hát bài ca mới, bài ca tụng Thiên Chúa chúng ta. Thấy thế, nhiều người sẽ kính sợ và tin tưởng vào Chúa.” (Tv 40:4) Nhưng chúng ta dễ “ngủ quên trong chiến thắng,” chẳng khác chín người vô ơn bạc nghĩa trong chuyện mười người phong hủi. (Lc 17:11-21)

Thánh Vịnh gia cho biết rằng Thiên Chúa không thích tế phẩm, lễ vật, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Ngài không đòi chi, không cần gì, vì Ngài có tất cả. Ngài chỉ muốn một điều là chúng ta PHẢI biết mau mắn thân thưa: “Này con xin đến! Con thích làm theo thánh ý, và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con.” (Tv 40:7-9) Chúng ta càng thu nhỏ mình thì càng được Ngài xót thương. Điều cần nhớ: “Đức công chính của Ngài, con loan truyền giữa lòng đại hội; lạy Chúa, Ngài từng biết: con đâu có ngậm miệng làm thinh.” (Tv 40:10)

Chẳng có gì vĩnh cửu vì mọi sự đều có lúc, có thời, (x. Gv 3:1-8) nghĩa là có giới hạn. Ngay cả sự sống và tự do của chúng ta cũng vậy, tới một lúc nào đó sẽ không còn. Thánh Phaolô nói: “Tôi được phép làm mọi sự, nhưng không phải mọi sự đều có ích. Tôi được phép làm mọi sự, nhưng tôi sẽ không để sự gì làm chủ được tôi.” (1 Cr 6:12) Thật không dễ để có thể nhận thức và tự chủ được như vậy, chứng tỏ phải có sự giằng co rất mãnh liệt. Thánh nhân giải thích: “Thức ăn dành cho bụng, và bụng dành cho thức ăn. Thiên Chúa sẽ huỷ diệt cả cái này lẫn cái kia. Nhưng thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác. Thiên Chúa đã làm cho Chúa Kitô sống lại; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại. Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao? Tôi lại lấy phần thân thể của Đức Kitô mà làm phần thân thể của người kỹ nữ sao? Không đời nào!” (1 Cr 6:13-15)

Mọi sự chúng ta đang sở hữu cũng không là của chúng ta mãi mãi: tiền bạc, nhà cửa, xe cộ,… dù những thứ đó mình sở hữu. Chúng ta sở hữu chúng vì chúng ta có quyền quản lý chúng, nhưng chúng không mãi mãi là của chúng ta, một lúc nào đó chúng ta không được sở hữu chúng nữa. Phũ phàng, thất vọng và buồn ư? Đời là thế nên nó thế đấy. Ngay cả sự sống chúng ta đang có rồi cũng chẳng giữ được huống chi những thứ khác!

Thánh Phaolô khuyên: “Ai đã kết hợp với Chúa thì nên một tinh thần với Người. Anh em hãy tránh xa tội gian dâm. Mọi tội người ta phạm đều ở ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình. Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.” (1 Cr 6:17-20) Thân xác đủ thứ nhơ nhớp, nói ra mà thấy ngượng miệng, nhưng chính cái nhơ nhớp hèn hạ đó lại được Thiên Chúa dùng làm Đền Thờ để Ngài ngự vào – thiêng liêng mà cụ thể, như khi chúng ta lãnh nhận Thánh Thể. Là “đền thờ” thì chúng ta phải cố gắng tìm kiếm Ý Chúa.

Suốt đời tín nhân, ước gì chúng ta có thể minh định: “Tuân theo thánh ý Ngài, con vui sướng hơn là được tiền rừng bạc bể.” (Tv 119:14) Tất cả đều NHỜ Ngài, VỚI Ngài và TRONG Ngài. Tâm niệm được như vậy thì chẳng có gì lo sợ, và có thể thanh thản sống, càng giản dị càng tốt!

Lạy Thiên Chúa, con tìm Thánh Nhan Ngài, xin Ngài đừng ẩn mặt, (Tv 27:8b-9a) xin dạy con biết những quyết định của Ngài, (Tv 119:108) giúp con lắng nghe lời Ngài, giúp con sẵn sàng đáp lại và thực thi ý Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

 Tìm Ngài Đến Mãi Ngàn Sau – https://youtu.be/gQrJGK6LneQ

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …