Home / Chia Sẻ / Tìm hiểu Thượng Hội đồng Giám Mục lần thứ XVI.

Tìm hiểu Thượng Hội đồng Giám Mục lần thứ XVI.

doi-net-ve-thuong-hoi-dong-giam-muc-lan-thu-xviThượng Hội đồng được chính thức khai mạc tại Roma ngày 9-10/10/2021 và sẽ kết thúc vào tháng 10/2023. Chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI là: “Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ”. Vào tháng 4 năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khởi xướng một cuộc hành trình hiệp hành của toàn thể Dân Chúa, sau đó được khởi sự vào tháng 10 năm 2021 tại mỗi Hội Thánh địa phương và cao điểm là tháng 10 năm 2023 trong Đại hội toàn thể của Thượng Hội Đồng Giám mục.

Thượng Hội Đồng hiện nay tập trung vào chủ đề đặc biệt là tính HIỆP HÀNH. Chủ đề này đặt ra cho chúng ta những câu hỏi cốt lõi: Tinh thần hiệp hành đang diễn ra như thế nào ở các cấp độ khác nhau (từ địa phương đến hoàn vũ) để Hội Thánh có thể loan báo Tin Mừng cách hiệu quả? Chúa Thánh Thần đang mời gọi chúng ta thực hiện những bước đi nào để Hội Thánh phát triển như một Hội Thánh hiệp hành?

Thượng Hội Đồng Giám Mục lần này đây không chỉ đơn thuần là một đại hội của các Giám mục mà còn là hành trình dành cho tất cả các tín hữu, trong đó mỗi Hội Thánh địa phương đảm trách phần vụ không thể thiếu của mình (HĐGMVN).

1/ Diễn tiến

  Toàn bộ Thượng Hội đồng được chia thành 3 giai đoạn: giai đoạn I được tổ chức ở cấp giáo hội địa phương cũng như các tổ chức tương đương, giai đoạn II được tổ chức ở cấp Châu Lục; giai đoạn III được tổ chức ở cấp Giáo hội hoàn vũ. Tuy nhiên còn có 1 giai đoạn không chính thức nữa, theo nghĩa là nó có trước khi khai mạc Thượng Hội đồng, đó là giai đoạn tiền chuẩn bị. Đức Giáo hoàng bổ nhiệm một Ban Thư ký và Ban này soạn thảo Tài liệu hướng dẫn chuẩn bị cho Thượng Hội đồng. Trong Thượng Hội đồng lần này, có 2 tài liệu được gửi tới mọi thành phần dân Chúa trên toàn thế giới: Tài liệu chuẩn bị và Cẩm nang Thượng Hội đồng.

a/ Giai đoạn I bắt đầu từ ngày 17/10/2021 và kết thúc vào ngày 15/8/2022 [13]. Đây được gọi là giai đoạn lắng nghe. Tại mỗi giáo phận hay các đơn vị tương đương, Đức Giám mục triển khai công tác tổ chức để có các buổi cử hành việc lắng nghe trong giáo phận của mình. Trong những lần hội thảo này, mọi thành phần dân Chúa từ giáo dân, tu sỹ, đến giáo sỹ cùng lắng nghe tiếng Chúa và cùng lắng nghe nhau để nhận ra những chỉ dấu mà Chúa Thánh Thần đang dẫn dắt. Đặc biệt, Tài liệu chuẩn bị của Thượng Hội đồng mời gọi Đức Giám mục và hàng giáo sỹ trong giáo phận lắng nghe tiếng nói của những người nghèo, những người yếu đuối, những người dường như bị gạt ra bên lề của cộng đoàn, đồng thời các ngài tìm cách khuyến khích họ để họ can đảm lên tiếng giãi bày về những thực trạng và khát vọng của họ. Giai đoạn này là nền tảng cho các giai đoạn tiếp theo. Mỗi giáo phận sẽ đúc kết các kinh nghiệm lắng nghe cũng như những ước vọng của mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận thành một bản văn và gửi về Hội đồng Giám mục địa phương. Bản đúc kết “không chỉ nhấn mạnh những trải nghiệm tích cực mà còn cho thấy những trải nghiệm mang tính thách thức và tiêu cực”.

Sau khi nhận được các bản văn đúc kết từ các giáo phận, Hội đồng Giám mục sẽ nhóm họp các giám mục để bàn thảo, phân định ý Chúa để đúc kết thành một bản văn tổng hợp và gửi về Ban Thư ký của Thượng Hội đồng. Tại Roma, Ban Thư ký tiếp nhận các bản tổng hợp từ các Hội đồng Giám mục, các Công nghị Giáo hội Công giáo Đông phương làm cơ sở để viết ra Tài liệu làm việc số 1 (Instrumentum laboris 1). Tài liệu này phải hoàn thành vào tháng 9/2022 và được gửi đến các giám mục trên toàn thế giới.

b/ Giai đoạn II bắt đầu từ tháng 9/2022 (sau khi có Tài liệu làm việc số 1) và kết thúc vào trước tháng 3/2023. Đây là giai đoạn thảo luận dựa trên Tài liệu làm việc 1 và thực trạng của mỗi Châu lục để đi đến một bản văn đúc kết gửi về cho Ban Thư ký. Trong giai đoạn này, những cuộc họp quốc tế được tổ chức tại 7 vùng trên toàn thế giới: Châu Á, Châu Âu, Châu Đại Dương, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh, Bắc Mỹ, và Trung Đông. Đại diện các Hội đồng Giám mục và những cơ cấu tương đương thuộc mỗi vùng sẽ nhóm họp tại vùng của mình để cùng nhau làm việc dựa trên Tài liệu làm việc 1. Tại Roma, Ban Thư ký tiếp nhận các bản tổng hợp từ 7 vùng kể trên làm cơ sở để soạn thảo Tài liệu làm việc 2. Tài liệu này phải hoàn thành trong tháng 6/2023. Đây sẽ là Tài liệu làm việc chính thức của Thượng Hội đồng.

c/ Giai đoạn III là những Cuộc họp toàn thể chính thức của Thượng Hội đồng. Trong tháng 10/2023 Đức Giáo hoàng sẽ công bố ngày triệu tập và quyết định ngày kết thúc. Các giám mục đại diện từ khắp thế giới sẽ nhóm họp tại Roma và bàn thảo dựa trên Tài liệu làm việc 2. Bản văn đúc kết sau cùng của Thượng Hội đồng sẽ được chuyển tới Đức Giáo hoàng để làm tài liệu tham khảo cho ngài viết ra Tông huấn hậu Thượng Hội đồng lần này, hoặc, nếu Đức Giáo hoàng ủy quyền, các nghị phụ tham dự Thượng Hội đồng cùng Đức Giáo hoàng đồng ký và Bản văn đúc kết trở thành Văn kiện chính thức mang tính giáo huấn của Đức Giáo hoàng.

  1. Tham gia vào Thượng Hội đồng lần này

Là một mô hình mới xuất hiện sau Công đồng Vatican II, Thượng Hội đồng Giám mục được tổ chức theo những quy định được nói đến trong Tông thư dưới dạng Tự sắc “Apostolica Sollicitudo” của Đức Giáo hoàng Phaolô VI. Theo đó, những thành viên chính thức tham dự Thượng Hội đồng thường kỳ gồm: Các thành viên theo chức vụ: Các Thượng phụ, Tổng Giám mục trưởng và Tổng Giám mục thuộc Giáo hội Công giáo Đông phương; Các Hồng y trong Giáo triều Roma; Các thành viên do chọn lựa: Các Giám mục được chọn bởi Hội đồng Giám mục. Số Giám mục được chọn tùy theo số lượng Giám mục thành viên của mỗi Hội đồng Giám mục: chọn 1 nếu có dưới 25 thành viên, chọn 2 nếu không quá 50 thành viên, chọn 3 nếu có trên 100 thành viên; 10 tu sỹ được chọn từ Liên hiệp các Bề trên Thượng cấp để đại diện cho các dòng tu giáo sỹ; Các thành viên do Đức Giáo hoàng tự do chọn lựa: có thể là Giám mục, Linh mục, Tu sỹ, Chuyên viên, Quan sát viên.

Ngày 15/9/2018, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ra Tông hiến “Episcopalis Communio”, thay thế Tông thư dưới dạng Tự sắc “Apostolica Sollicitudo”. Trước Tông hiến “Episcopalis Communio” thì Thượng Hội đồng chủ yếu diễn ra trong những ngày họp Đại hội toàn thể. Mặc dù trước đó, Ban Thư ký có gửi bản dự thảo tới các giám mục trên toàn thế giới để xin ý kiến giúp cho việc soạn thảo Tài liệu làm việc chính thức của Thượng Hội đồng, nhưng đó là giai đoạn chuẩn bị cho việc soạn thảo Tài liệu làm việc.

Với Tông hiến “Episcopalis Communio”, Thượng Hội đồng đã được mở rộng tới mọi thành phần ở mọi miền trên thế giới. Giai đoạn I và II là phần được mở rộng do sáng kiến của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Trong Tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội đồng lần thứ XVI này cho biết mục đích của việc mở rộng này: “Trước hết và trên hết, tiến trình hiệp hành là một tiến trình thiêng liêng. Đây không phải là chuyện cứ máy móc thu thập dữ liệu hay tổ chức hàng loạt những cuộc hội họp và thảo luận. Mục đích của việc lắng nghe mang tính chất hiệp hành là biện phân, vì thế đòi hỏi chúng ta phải học biết và sử dụng nghệ thuật biện phân cá nhân và cộng đoàn. Chúng ta lắng nghe lẫn nhau, lắng nghe truyền thống đức tin của chúng ta và lắng nghe các dấu chỉ thời đại để nhận biết những gì Chúa đang nói với chúng ta.”

Việc tham gia vào Thượng Hội đồng không đơn thuần nhằm đóng góp ý kiến để Giáo hội có được những quy định tốt nhất. Nhưng trước hết, mọi thành phần dân Chúa được mời gọi sống chính những suy tư, nhìn nhận mà mình có được trong khi lắng nghe và phân định ý Chúa. Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI, đặc biệt trong giai đoạn I này, mời gọi mọi thành phần dân Chúa cùng ngồi xuống với nhau, cùng cầu nguyện, cùng chia sẻ kinh nghiệm thiêng liêng, cùng lắng nghe Chúa, cùng lắng nghe nhau để cùng xác quyết về một Giáo hội hiệp hành: cùng hiệp thông với nhau, cùng tham gia với tinh thần trách nhiệm, cùng thực thi sứ mệnh loan truyền Tin Mừng. Mọi thành phần dân Chúa trong Giáo hội và ngoài Giáo hội cùng nắm tay nhau, nâng đỡ dắt dìu nhau tiến về Nước Trời.

Phan Xa Minh

(Sưu tầm và tổng hợp)

Xem thêm

MARY & ELISABETH

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM MINH ANH

TẶNG TRAO “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”. Trong “Bước Tới …