Home / Chia Sẻ / TIẾN SĨ THIÊN THẦN DẠY VỀ LUYỆN HÌNH

TIẾN SĨ THIÊN THẦN DẠY VỀ LUYỆN HÌNH

“Những người từ chối có Luyện Hình là chống lại công lý của Thiên Chúa.” (Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiæ, Supplement, Appendix 2, 1)TiensiThienthandayveluyenhinh

  1. LUYỆN HÌNH CÓ HIỆN HỮU?

Một số người trích dẫn Kh 14:13 để phủ nhận sự tồn tại của Luyện Hình: “Phúc thay những người đã chết, mà được chết trong Chúa!” Thần Khí phán: “Phải, họ sẽ được nghỉ ngơi, không còn vất vả nhọc nhằn nữa, vì các việc họ làm vẫn theo họ.” Tuy nhiên, Giáo Lý nói rõ rằng Luyện Hình tồn tại như một nơi thanh tẩy hoặc thanh luyện. (GLCG 1030-1032)

Thánh Tôma Aquinô giải thích rằng câu trong sách Khải Huyền đề cập hành động để đạt được công đức, nhưng không đề cập việc chịu đau khổ để được tẩy sạch tội lỗi. Bất kỳ người nào có linh hồn nơi Luyện Hình chết trong đức ái và được hưởng phần thưởng vĩnh cửu trên trời, nhưng chỉ sau khi được tẩy sạch mọi tội nhẹ còn lại. Linh hồn nơi Luyện Hình cũng có thể chịu hậu quả của những tội trọng đã được tha thứ, nhưng người đó vẫn chưa đền tội đủ. Sách Khải Huyền xác nhận: “Tất cả những gì ô uế cũng như bất cứ ai làm điều ghê tởm và ăn gian nói dối, đều không được vào thành, mà chỉ có những người có tên ghi trong Sổ Trường Sinh  của Con Chiên mới được vào.” (Kh 21:27)

Thánh Tôma giải thích thêm về giáo huấn của Giáo Hội về Luyện Hình bằng một đoạn Kinh Thánh khác và một đoạn từ Thánh Giáo Phụ Gregory Nyssa của Giáo Hội Đông phương. (335-394 sau CN) Kinh Thánh cho biết: “Ông Giuđa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi.” (2 Mcb 12:43-46) Thánh Tôma giải thích rằng không cần cầu nguyện cho các linh hồn trên Thiên Đàng, vì họ đã được thưởng rồi. Không cần cầu nguyện cho những người ở Hỏa Ngục, vì họ không thể được giải thoát khỏi tội lỗi của họ.

Tuy nhiên, những ai đã chết trong đức ái thì không bao giờ có thể phải chết đời đời, vì “tình yêu khỏa lấp mọi lỗi lầm,” (Cn 10:12) và những ai theo Chúa Giêsu Kitô sẽ được sống đời đời. (Ga 11:26) Thánh Giáo Phụ Gregory Nyssa nói rằng người tin yêu Đức Kitô, nhưng chết trước khi tội lỗi của họ được tẩy sạch, “sẽ được giải thoát sau khi chết bởi lửa Luyện Hình.”

Ở đây, công lý của Thiên Chúa được thể hiện rõ ràng. Ngài đã cung cấp lửa thanh tẩy của Luyện Hình để những tín nhân đã chết vẫn còn ô uế bởi tội lỗi có thể trở nên trong sạch ở thế giới bên kia. Hơn nữa, Ngài đã cung cấp phương tiện để chúng ta, qua lời cầu nguyện với tư cách là Chiến Binh của Giáo Hội trên thế gian, có thể giúp nới lỏng sự ràng buộc tội lỗi của Giáo Hội Đau Khổ nơi Luyện Hình, để họ sớm được yên nghỉ vĩnh viễn với Thiên Chúa trên Thiên Đàng. Quả thật, lời cầu nguyện như vậy là “điều thánh thiện và đạo đức.”

  1. CÁC LINH HỒN CÓ ĐƯỢC THANH TẨY VÀ BỊ TRỪNG PHẠT Ở CÙNG MỘT NƠI?

Sự tồn tại của Luyện Hình là phần giáo lý đã được thiết lập của Giáo Hội, đặc biệt là tại Công Đồng Florence và Trentô. (GLCG 1031) Thánh Tôma nói với chúng ta rằng “không có gì được nêu rõ trong Kinh Thánh về tình trạng Luyện Hình, cũng không đưa ra lý lẽ thuyết phục về vấn đề này.” Nói cách khác, Kinh Thánh không cho chúng ta biết chính xác Luyện Hình ở nơi nào. Tuy nhiên, Thánh Tôma nói rằng một số ý kiến là “không có lý do” – ví dụ, ý tưởng cho rằng Luyện Hình ở đâu đó phía trên chúng ta bởi vì tình trạng của các linh hồn nơi Luyện Hình nằm giữa những người sống dưới đất và Thiên Chúa trên trời. Thánh Tôma nói điều đó vô lý, bởi vì các linh hồn đó không bị trừng phạt vì ở trên chúng ta, “nhưng vì điều thấp nhất trong họ, nghĩa là tội lỗi.”

Thánh Tôma lưu ý rằng “có thể,” theo lời tuyên bố của những người thánh thiện và nhiều mặc khải tư, rằng “có một nơi gấp đôi là Luyện Hình.” Một nơi là theo “luật chung.” Nơi này ở dưới chúng ta và gần Hỏa Ngục, vì vậy lửa giống nhau hành hạ cả những linh hồn được thanh tẩy và những linh hồn bị trừng phạt ở Hỏa Ngục, mặc dù những người bị trừng phạt, có công trạng thấp hơn, đều được ký thác ở nơi thấp nhất. Thánh Tôma phân biệt quan trọng rằng trong khi lửa Hỏa Ngục làm khổ những kẻ bị trừng phạt, thì lửa Luyện Hình lại chủ yếu thanh tẩy linh hồn khỏi tội lỗi trong khi chịu đau khổ.

Vị trí thứ hai của Luyện Hình là theo “phân kỳ” đặc biệt, theo đó, “như chúng ta đọc,” các linh hồn đôi khi bị trừng phạt ở nhiều nơi để người sống có thể học hỏi từ họ, hoặc chính các linh hồn đó có thể “được giúp đỡ [được an ủi], biết rằng hình phạt của họ được cho người sống biết có thể được giảm nhẹ nhờ lời cầu nguyện của Giáo Hội.”

Thật vậy, tất cả chúng ta đều có thể hy vọng rằng chúng ta sẽ không bao giờ trực tiếp biết những kẻ bị trừng phạt ở nơi nào trong Hỏa Ngục, và nếu chúng ta đến để trực tiếp biết địa điểm Luyện Hình, chúng ta sẽ không ở đó lâu!

  1. ĐAU KHỔ LUYỆN HÌNH CÓ LỚN HƠN BẤT CỨ ĐAU KHỔ NÀO Ở ĐỜI NÀY?

Nơi Luyện Hình sẽ có đau khổ gấp đôi; một là nỗi đau mất mát, nghĩa là sự chậm trễ được thấy Thiên Chúa, hai là nỗi đau của giác quan, nghĩa là sự trừng phạt bằng lửa vật chất. Đối với cả nỗi đau nhỏ nhất của Luyện Hình cũng hơn nỗi đau lớn nhất của đời này. (Thánh Tôma Aquinô, ST, Supplement, Appendix 1, 2, 1)

Trong phần trích dẫn này, Thánh Tôma mở rộng về lời của Thánh Augustinô rằng “lửa Luyện Hình dữ dội hơn bất kỳ nỗi đau nào có thể cảm nhận, nhìn thấy hoặc hiểu được trên thế gian này.” Đau khổ của linh hồn khi không được thấy Thiên Chúa sẽ dữ dội hơn bất kỳ cảm giác mất mát nào trên thế gian, bởi vì chúng ta càng khao khát điều gì thì chúng ta càng đau khổ khi thiếu nó. Ai mất người thân đều có thể chứng thực nỗi đau này. Nhưng ở Luyện Hình, nỗi khao khát được nhìn thấy Thiên Chúa hoàn toàn không bị loãng. Mong muốn của linh hồn không bị cản trở hoặc phân tâm bởi những thứ thuộc thể xác. Hơn nữa, linh hồn biết rằng nếu không bị kìm hãm bởi sức nặng của tội lỗi, nó đã đạt được “Đấng Tốt Lành Tối Cao,” như Thánh Tôma đã nói. Do đó, linh hồn đau khổ dữ dội nhất vì sự trì hoãn của Luyện Hình khiến nó chưa đạt được mục đích cuối cùng.

Cảm giác đau đớn của linh hồn nơi Luyện Hình không ám chỉ chính sự tổn thương, mà là ý thức. Thánh Tôma giải thích: “Cái gì càng nhạy cảm, nỗi đau do cái đó gây ra càng làm tổn thương.” Chúng ta biết từ kinh nghiệm rằng những nỗi đau gây ra vì những phần nhạy cảm nhất trên cơ thể sẽ gây ra nỗi đau nhiều nhất. Bởi vì tất cả các cảm giác thể xác đều phát sinh từ linh hồn, nên sau đó là nỗi đau tinh tế nhất phải chịu khi chính linh hồn bị tổn thương.

Do đó, Thánh Tôma kết luận rằng những đau khổ ở Luyện Hình, cả về sự mất mát và ý thức, vượt qua tất cả những đau khổ mà chúng ta trải qua ở đời này.

  1. LINH HỒN NƠI LUYỆN HÌNH CÓ TỰ NGUYỆN CHỊU HÌNH PHẠT?

Đây là câu hỏi thú vị, có lẽ câu trả lời đáng ngạc nhiên, vì chúng ta không thể tưởng tượng được việc phải chịu đựng nỗi đau lớn như vậy. Bằng chứng cho thấy câu trả lời không bao gồm các giai thoại trong “Đối Thoại của Gregory” về các linh hồn nơi Luyện Hình hiện ra với người sống và xin được giải thoát. Thánh Tôma trả lời là “có,” nhưng điều này đòi hỏi suy nghĩ chính xác về điều gì tạo nên hành động tự nguyện.

Thứ nhất, hành động có thể là tự nguyện như một hành động tuyệt đối của ý chí. Theo nghĩa này, ý tưởng trừng phạt trái ngược với bản chất của ý chí, luôn tìm kiếm điều tốt, chứ không phải đau đớn hay trừng phạt. Thứ hai, hành động có thể tự nguyện như một hành động có điều kiện của ý chí, như khi một người sẵn sàng trải qua một số đau đớn hoặc hình phạt vì nó cho phép họ đạt được điều mà họ không thể đạt được bằng cách khác. Thánh Tôma đưa ra ví dụ đơn giản về việc tuân theo các thủ thuật phẫu thuật đau đớn để phục hồi sức khỏe của chúng ta và tấm gương cực độ của các vị tử đạo, những người chấp nhận cái chết thể xác để có được phần thưởng trên Thiên Đàng. Theo nghĩa thứ hai, các hình phạt nơi Luyện Hình là tự nguyện, vì các linh hồn biết một ngày nào đó họ sẽ được tự do và đạt được mục đích là Thiên Đàng. Điều này chúng ta thấy trong rất nhiều câu chuyện về những linh hồn nơi Luyện Hình hiện ra với mọi người sống và xin cầu nguyện để họ được thanh tẩy mau hơn.

  1. LỬA LUYỆN HÌNH CÓ ĐỀN BÙ HÌNH PHẠT VÌ TỘI LỖI?

Thánh Tôma lưu ý rằng khi hình phạt mà người tự nguyện chịu ở đời này để đền tội thì càng làm cho những đau khổ dữ dội ở Luyện Hình chuộc lại món nợ hình phạt vì tội lỗi. Bất cứ ai mắc nợ đều được giải thoát bằng cách trả những gì mình mắc nợ. Nghĩa vụ do tội lỗi gây ra là món nợ hình phạt, người được giải thoát khỏi nghĩa vụ đó bằng cách chịu hình phạt. Vì vậy, “có” là câu trả lời: “Hình phạt nơi Luyện Hình tẩy sạch món nợ hình phạt.”

  1. MỘT SỐ LINH HỒN CÓ ĐƯỢC GIẢI THOÁT KHỎI LUYỆN HÌNH TRƯỚC NGƯỜI KHÁC?

Một số người cho rằng vì những tội nặng hơn sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc hơn, các tội nhân nghiêm trọng hơn sẽ bị trừng phạt nặng hơn ở Luyện Hình, nhưng tất cả các linh hồn sẽ phải chịu đựng trong một khoảng thời gian như nhau. Thánh Tôma trả lời bằng một nhận xét thú vị về một câu của Thánh Phaolô so sánh tội nhẹ: “Người ta có thể dùng vàng, bạc, đá quý, gỗ, cỏ, rơm mà xây trên nền đó.” (1 Cr 3:12) Vì gỗ cháy lâu hơn rơm và cỏ, một số loại tội nhẹ sẽ bị trừng phạt lâu hơn các loại khác trong lửa Luyện Hình.

Một số tội nhẹ “đeo bám” chúng ta dai dẳng hơn các tội khác, vì chúng ta có xu hướng ham mê chúng nhiều lần, và “vì tội nào đeo bám dai dẳng hơn thì càng được thanh tẩy chậm chạp hơn, nên một số người phải thanh tẩy nơi Luyện Hình lâu hơn những người khác, vì tình cảm của họ chìm sâu trong tội nhẹ.” Hơn nữa, mức độ nghiêm trọng của hình phạt tương ứng với số lượng tội lỗi, trong khi độ dài tương ứng với mức độ tội lỗi đã bám rễ trong linh hồn. Do đó, một số linh hồn có thể ở Luyện Hình lâu hơn, nhưng chịu ít đau khổ hơn – và ngược lại.

TS KEVIN VOST

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Lễ Các Đẳng – 2022

Xem thêm

lc202740

Suy niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  LÀM CHO PHONG PHÚ “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng …